Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/08/2022

Điểm báo Pháp - Trung Quốc bài bác báo cáo về Tân Cương

RFI tiếng Việt

Trung Quốc bài bác báo cáo của Liên Hiệp Quốc về Tân Cương

Các tờ báo Pháp hôm 01/08/2022 vẫn dành sự quan tâm cho chủ đề chiến sự ở Ukraine. Riêng tờ Le Monde đặc biệt chú ý đến việc Trung Quốc đang tìm mọi cách để "chôn vùi" báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về những vụ đàn áp ở Tân Cương, nơi mà người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác là nạn nhân của chính sách cưỡng bức đồng hóa.

tancuong1

Ảnh tư liệu : Một khu công nghiệp tại vùng tự trị Tân Cương, có vọng gác và tường rào dây thép gai bao quanh. Đây là một trong nhiều trại giam người Duy Ngô Nhĩ, mà số lượng được ước tính lên đến 1 triệu người.  AP - Ng Han Guan

tancuong2

Khu vực trại tập trung trên sa mạc ở Tân Cương đang được xây dựng với tốc độ đáng kinh ngạc (ảnh chụp vệ tinh)

Vào ngày 26/07, Trung Quốc đã đăng một bức thư nói rằng báo cáo này là tác phẩm của "những lực lượng chống Trung Quốc với những ý đồ bất chính". Trên tài khoản Twitter của mình, đại diện Trung Quốc tại Geneva viết : "Một bức thư từ gần một nghìn tổ chức phi chính phủ phản đối việc công bố cái gọi là nghiên cứu về Tân Cương của Cao ủy và kêu gọi Cao ủy không xuất bản một nghiên cứu đầy dối trá".

Đối với phương Tây, đây là một thủ đoạn lố bịch, bởi bức thư được đăng bởi tờ báo nhà nước China Daily, và những "tổ chức phi chính phủ" nói trên đều là những hiệp hội có liên hệ chặt chẽ với Đảng cộng sản Trung Quốc, trong đó hơn bảy trăm tổ chức có trụ sở tại Tân Cương. Hơn nữa, trong số này có rất nhiều tổ chức không liên quan gì đến vấn đề Tân Cương.

Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền vốn đã sẵn sàng từ mùa thu năm 2021, nhưng việc công bố đã bị hoãn lại. Hoa Kỳ và Liên Âu đang kêu gọi bà Michelle Bachelet công bố báo cáo. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện bản báo cáo hiện đang được "hoàn thiện" và sẽ được công bố từ giờ cho đến 31/08, ngày bà Bachelet kết thúc nhiệm kỳ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc .

Ukraine : Những "hành động khủng bố "của Nga

Cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục leo thang vào hôm qua 31/07 với những "hành động khủng bố của Nga", được minh họa bằng các cuộc bắn phá mới vào các thành phố trong vùng. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết về tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi người dân vùng Donbass sơ tán, do hiện vẫn còn khoảng 200.000 người chưa chịu rời đi. "Các vị làm ơn hãy sơ tán", ông nói trên truyền hình vào tối thứ Bảy, "gieo rắc sự sợ hãi hiện đang là vũ khí chính của Nga".

Thật đau lòng cho Kiev khi phải thừa nhận rằng quân đội của họ không còn có thể bảo đảm an toàn cho người dân ở Donbass, tương đương với 1/4 khu vực phía đông đất nước. Quân Nga đã gần như chiếm được toàn bộ khu vực này, với mục tiêu sáp nhập vào Nga và họ vẫn không từ bỏ ý đồ đánh chiếm toàn bộ Ukraine.

Về chủ đề năng lượng, tờ Les Echos tiếp tục nói về mối lo của Châu Âu khi tập đoàn khí đốt Gazprom hôm 30/07 đã thông báo đình chỉ cung cấp khí đốt cho Latvia. Gazprom tuyên bố Riga đã vi phạm hợp đồng, mà không cho biết thêm thông tin chi tiết cụ thể. Trước đó vào ngày 27/07, với việc Moskva tiếp tục gây áp lực với phương Tây, đường ống dẫn khí Nord Stream 1 giờ đây chỉ còn hoạt động có 20% năng suất.

Gazprom cũng đã đình chỉ việc cung cấp khí đốt cho những quốc gia khác như Bulgaria, Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Đan Mạch, sau khi những nước này từ chối thanh toán hóa đơn khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Về phần mình, ba nước vùng Baltic, cựu thành viên của Liên Xô, đã tuyên bố vào đầu tháng 4 sẽ không nhập khí đốt của Nga nữa. Tuy nhiên, điều này không hề dễ thực hiện chút nào, do những trở ngại về mặt kỹ thuật, nhất là từ trước đến giờ ba nước này chỉ nhập khí đốt của Nga. Trong lịch sử, các nước vùng Baltic cũng đã từng phải đối mặt với việc Nga cắt giảm khí đốt khi tuyên bố độc lập hồi năm 1991.

Với nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong mùa đông này, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã nhất trí về một kế hoạch từ giờ đến tháng 3/2023 giảm mức tiêu thụ khí đốt xuống 15% so với mức trung bình của 5 năm qua. Cho đến nay, Nga vẫn chiếm 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.

Ukraine yêu cầu Nga giải trình về thảm sát ở Olenivka

Vẫn tại Ukraine, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về vụ thảm sát ở Olenivka, với việc Kiev và Moskva đổ trách nhiệm cho nhau về vụ oanh kích khiến hàng chục tù binh Ukraine thiệt mạng hôm 30/07.

Nhìn từ trên không, nhà tù của Olenivka dường như đã bị mất hẳn một khúc. Được công ty hình ảnh vệ tinh Maxar công bố vào ngày 31/07, những bức ảnh cho thấy thiệt hại do vụ nổ dữ dội khiến hàng chục tù binh Ukraine thiệt mạng trong một nhà tù của Nga ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Trên phần mái của tòa nhà giờ chỉ còn lại một cái hố cháy thành than. Các tòa nhà khác xung quanh nhà tù dường như không hề bị hư hại.

Theo báo cáo của phe ly khai thân Nga, diễn biến của thảm kịch khiến 53 tù binh Ukraine thiệt mạng và 75 người khác bị thương vẫn còn rất mơ hồ. Phía Nga cho rằng Ukraine đã tấn công nhà tù bằng hệ thống tên lửa Himars, một hệ thống tên lửa có độ chính xác cao do Mỹ cung cấp. Phía Ukraine đã phản bác những "những lời nói dối vô liêm sỉ". Kiev cho rằng vụ nổ xảy ra do một thiết bị gây nổ do lính đánh thuê Wagner của Nga đặt bên trong nhà tù. Tổng thống Zelensky kêu gọi sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), hai tổ chức chịu trách nhiệm bảo đảm cho các tù binh không bị bạc đãi.

Một số quan chức quốc tế, trong đó có ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell, đã công khai chỉ trích Nga trong vụ thảm sát này. Tuy chưa đưa ra phán quyết cuối cùng, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở tại Washington, khẳng định rằng "các hình ảnh vụ nổ cho thấy lập luận do Ukraine đưa ra dường như hợp lý hơn lập luận của Nga".

Kể từ khi vụ nổ xảy ra, một số cựu tù binh Ukraine đã kể về các hành vi tàn bạo của quản giáo và về việc tù nhân tại Olenivka thiếu lương thực một cách trầm trọng. Hôm 30/07, Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ sự "kinh hoàng trước các báo cáo về những vụ tra tấn và giết hại các tù nhân tại Olenivka".

Ukraine : Cơ hội giành lại Kherson

Nhật báo thiên tả Libération thì chú ý đến việc quân Ukraine dường như đang có cơ hội giành lại được thành phố Kherson. Thành phố phía nam này đã bị Nga chiếm hôm 02/03 một cách khá dễ dàng. Nhưng giờ đây, lực lượng Ukraine đang phản công và đang dần tiến vào thành phố. Họ chỉ còn cách Kherson khoảng 50 km.

Đây không phải là một bất ngờ. Các nhà lãnh đạo Ukraine đã thông báo về cuộc phản công từ đầu tháng 7. Về mặt chiến lược, Kherson là một thành phố cảng quan trọng nằm ở phía bắc bán đảo Crimea, hiện nằm trong tay quân ly khai thân Nga. Từ khu vực này, quân Nga có thể dễ dàng tiếp cận Biển Đen, cho phép họ có một vị trí thuận lợi để tấn công thành phố Odessa. Nếu binh lính Ukraine thành công trong việc đánh bật quân Nga khỏi Kherson, Moskva gần như sẽ không thể thành công trong việc chiếm Odessa.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, binh lính Ukraine có thể sẽ chiếm lại một thành phố lớn. Những chiến thắng lớn của họ kể từ tháng 3 như ở Kiev, Kharkiv hay Mykolaiv đều nhờ vào khả năng giữ vững cho thành phố không bị đổ. Nhưng cho đến nay, họ vẫn luôn thất bại trong việc đánh bật quân Nga ra khỏi một thành phố lớn.

Ngoại trưởng Đức yêu cầu Hy Lạp "tôn trọng" người xin tị nạn

Về tình hình nội bộ Liên Âu, nhật báo Le Monde quan tâm đến những di dân và người xin tị nạn ở biên giới Hy Lạp. "Đẩy lùi người xin tị nạn ở các biên giới Liên Hiệp Châu Âu (EU) là trái với luật pháp Châu Âu". Từ Athens, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã gửi một thông điệp rõ ràng tới chính phủ Hy Lạp, khi nước này bị cáo buộc kể từ tháng 3/2020 thực hiện chính sách "đẩy lùi có hệ thống", ngăn cản người di cư xin tị nạn ở Hy Lạp và đưa họ trở lại Thổ Nhĩ Kỳ một cách thô bạo, những hành vi trái với luật pháp quốc tế.

Lefteris Papagiannakis, giám đốc một tổ chức phi chính phủ Hy Lạp về người tị nạn, nhận định : "Chính phủ Hy Lạp đang bị dồn vào chân tường khi vẫn tiếp tục phủ nhận những hành vi đẩy lùi di dân, trong khi Bruxelles khẳng định chính quyền Hy Lạp đã và đang áp dụng chính sách này ở biên giới của mình".

Hồi giữa tháng 7, sau cuộc gặp với 3 bộ trưởng Hy Lạp, Cao ủy Nội vụ Châu Âu, Ylva Johansson, đã hết sức bất bình : "Việc trục xuất người di cư bất hợp pháp một cách thô bạo phải dừng lại ngay lập tức !". Bà nhắc rằng Hy Lạp đã nhận được sự hỗ trợ từ Liên Hiệp Châu Âu nhằm "giải quyết vấn đề ở biên giới" và yêu cầu chính phủ Hy Lạp phải đưa ra các biện pháp để khắc phục vấn đề trước tháng 9. Vài ngày sau, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua việc thành lập một ủy ban đặc biệt, có trách nhiệm nghiên cứu các trường hợp vi phạm nhân quyền.

Nhưng các tổ chức phi chính phủ nghi ngờ tính độc lập và khách quan của cơ quan này. Vào cuối tháng 3, cơ quan này báo cáo rằng không tìm thấy "bằng chứng" nào để xác nhận rằng các sĩ quan Hy Lạp có dính líu tới việc di dân bị đẩy lùi. Hai mươi hiệp hội đã đặt câu hỏi về tính xác thực của báo cáo này, giải thích rằng cuộc "điều tra" được thực hiện phần lớn dựa trên lời khai của các sĩ quan cảnh sát, lực lượng tuần duyên hoặc những người dân có tư tưởng bài người nhập cư.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 358 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)