Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/08/2022

Tập đoàn quân sự Miến không chùn chân trước Liên Hiệp Quốc

RFI tổng hợp

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc gặp các quan chức tập đoàn quân sự Miến Điện

Phan Minh, RFI, 17/08/202

Hôm 17/08/2022, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzer đã bắt đầu gặp các quan chức của tập đoàn quân sự cầm quyền tại thủ đô Naypyidaw. Phát ngôn viên tập đoàn quân sự Miến Điện Zaw Min Tun cho biết bà Heyzer sẽ gặp tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự và Wunna Maung Lwin, ngoại trưởng của chính quyền quân sự, vào cuối ngày.

miendien1

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Noeleen Heyzer đến sân bay quốc tế Rangoon, Miến Điện, ngày 16/08/2022.  © AP

Theo hãng tin AFP, trích dẫn Liên Hiệp Quốc, trong chuyến thăm Miến Điện, bà Heyzer sẽ đề cập đến tình hình đang xấu đi trong nước cùng với các mối quan ngại trước mắt, cũng như những mục tiêu ưu tiên khác trong nhiệm kỳ của bà.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã không trả lời AFP về việc bà có sẽ gặp lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi hay không. Bà Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, đã bị giam kể từ cuộc đảo chính của quân đội và đã phải nhận thêm một án tù hôm 15/08 tại một tòa án quân sự bí mật, nâng tổng mức án của bà lên 17 năm tù.

Miến Điện đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào tháng 2/2021 và vấp phải một phong trào phản kháng dữ dội. Theo một tổ chức ở Miến Điện, hơn 2.200 người đã thiệt mạng và hơn 15.000 người bị bắt trong chiến dịch của quân đội đàn áp những người chống đảo chính.

Các nỗ lực ngoại giao của Liên Hiệp Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng cho tới nay đạt được rất ít tiến bộ, do các tướng lĩnh vẫn từ chối thảo luận với phe đối lập.

Phan Minh

************************

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên đến thăm Miến Điện

Thùy Dương, RFI, 16/08/2022

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Noeleen Heyzer, hôm 16/08/2022 lần đầu tiên đến thăm quốc gia Đông Nam Á đang chìm trong khủng hoảng từ sau vụ đảo chính của tập đoàn quân sự hôm 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi.

miendien2

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzen.  © dppa.un.org

Thông cáo hôm thứ Hai 15/08 của Liên Hiệp Quốc cho biết khi tiếp xúc với tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện, đặc sứ Noeleen Heyzer sẽ đề cập đến tình hình đang xấu đi, đến những mối quan ngại trước mắt, cũng như các mục tiêu ưu tiên khác trong nhiệm kỳ của bà.

Theo Reuters, phát ngôn viên tập đoàn quân sự, Zaw Min Tun, nói với truyền thông là bà Noeleen Heyzer sẽ gặp lãnh đạo chính quyền quân sự,cũng như các bộ trưởng hàng đầu của Miến Điện, và hiện chưa đề xuất gặp cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, hiện đang bị giam trong một nhà tù ở Naypyidaw. Trước đó, tập đoàn quân sự cầm quyền đã không đồng ý để đặc sứ ASEAN tiếp xúc với bà.

Chuyến thăm của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện diễn ra một hôm sau khi nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi bị kết án thêm 6 năm tù giam vì cáo buộc tham nhũng. Theo một nguồn tin thông thạo hồ sơ, bà Aung Suu Kyi ra tòa hôm qua trong tình trạng sức khỏe tốt, nhưng không bình luận gì sau khi bản án được tuyên. Trước đó, giải Nobel Hòa Bình đã bị tập đoàn quân sự kết án 11 năm tù giam.

Ngay trong ngày hôm qua, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ gọi bản án nói trên là "sự đối đầu với công lý và Nhà nước pháp quyền", đồng thời kêu gọi tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện "trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi và tất cả những người bị giam cầm bất công, trong số đó có cả các dân biểu được bầu lên một cách dân chủ".

Trong khi đó, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell tố cáo cách hành xử "bất công" của tập đoàn quân sự đối với Aung San Suu Kyi và kêu gọi tập đoàn quân sự "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà và các tù nhân chính trị, cũng như tôn trọng nguyện vọng của nhân dân".

Thùy Dương

************************

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án Miến Điện hành quyết 4 tù nhân chính trị

Thùy Dương, RFI, 28/07/2022

Ngày 27/07/2022, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện hành quyết 4 tù nhân chính trị.

miendien3

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (trái) và đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzer họp báo tại trụ sở Quốc Hội ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 26/07/2022 . AP

Hai ngày sau khi tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện thông báo đã hành quyết 4 tù nhân chính trị, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố lên án vụ hành quyết, đồng thời kêu gọi Miến Điện trả tự do ngay lập tức cho nhà lãnh đạo dân sự bị phế truất Aung San Suu Kyi, cũng như các tù nhân đang bị giam giữ vô cớ.

Tuyên bố của Hội đồng Bảo an cũng nhận được sự tán thành của Nga và Trung Quốc, vốn là hai đồng minh chính từng ủng hộ tập đoàn quân sự Miến tại Liên Hiệp Quốc, cũng như của nước láng giềng Ấn Độ. 

Trên Twitter, tổ chức Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), bao gồm các nghị sĩ Miến Điện, đa số thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi, đã rút vào hoạt động bí mật để chống lại chế độ quân sự cầm quyền sau vụ đảo chính tháng 02/2021, ngay lập tức hoan nghênh phản ứng của Hội đồng Bảo an và nhấn mạnh đã đến lúc Liên Hiệp Quốc "cần có các biện pháp cụ thể chống lại tập đoàn quân sự" Miến Điện.

Trước đó, đáp lại những lời lên án, chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về vụ hành quyết các nhà đối lập, tập đoàn quân sự Miến Điện tuyên bố 4 tù nhân chính trị đó "đáng bị tử hình nhiều lần". Đây là 4 người đầu tiên bị hành quyết tại Miến Điện tính từ 30 năm nay. Trong số đó, có Phyo Zeya Thaw, 41 tuổi, nghệ sĩ tiên phong về nhạc rap, từng là dân biểu thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi, ông Kyaw Min Yu, 53  tuổi, nhà đối lập nổi tiếng từ phong trào phản kháng chống chế độ quân sự hồi năm 1988, hai tử tù còn lại bị quân đội tố cáo đã giết hại một phụ nữ mà họ nghi ngờ là cung cấp tin tức cho tập đoàn quân sự.

AFP nhắc lại, từ sau vụ lật đổ chính quyền dân sự, tập đoàn quân sự Miến Điện đã đàn áp phong trào chống đảo chính, giết hại hơn 2.000 thường dân, tiến hành hơn 15.000 vụ bắt bớ.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh, Thùy Dương
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)