Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/08/2022

Điểm báo Pháp - Đài Loan trước những bài học từ Ukraine

RFI tiếng Việt

Đài Loan trước những bài học từ Ukraine để đối phó Trung Quốc xâm lược

Cha đẻ thuyết "Con Nhím" cho rằng Đài Loan không thể đọ sức với quân đội Trung Quốc theo kiểu chiến tranh quy ước. Washington thúc giục Đài Bắc sử dụng các loại vũ khí ít đắt tiền hơn và cơ động như cách của Ukraine, thay vì mua chiến hạm lớn, tàu ngầm… Bài học Ukraine cho thấy sự kháng cự của lực lượng phòng vệ dân sự có thể ngáng chân một đội quân viễn chinh đông đảo hơn rất nhiều.

dailoan1

Màn hình ti vi chiếu cảnh quân đội Trung Quốc bắt đầu tập trận bắn đạn thật ở vùng biển và vùng trời gần Đài Loan. Ảnh chụp ngày 05/08/2022.  Reuters – Tyrone Siu

Chuyến công du Algeria của tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm mục đích hòa giải, tình trạng vượt biển Manche bất hợp pháp, dân số thế giới có nguy cơ sụt giảm, là những chủ đề được đề cập nhiều trên báo Pháp hôm nay, bên cạnh các hồ sơ chiến tranh Ukraine và Đài Loan.

Nga gây tang tóc trong ngày lễ Độc Lập của Ukraine

"Chiến tranh Ukraine : lễ Độc Lập trở nên tang tóc vì một cuộc oanh kích của Nga". Chỉ cóLes Echos ra trễ nhất vào khuya hôm qua là kịp đưa tin này trên báo giấy. Có ít nhất 25 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương khi hỏa tiễn Nga tấn công vào một nhà ga xe lửa ở miền trung Ukraine.

Tờ báo nhắc lại nếu lễ kỷ niệm 30 năm độc lập được tổ chức tưng bừng trong năm 2021, thì năm nay Kiev đã thận trọng hủy bỏ mọi hoạt động lễ hội, chỉ tổ chức trưng bày các xe tăng Nga bị phá hủy tại thủ đô. Tổng thống Volodymyr Zelensky sáng qua bày tỏ lo ngại một cuộc tấn công "tàn bạo" của quân Nga. Ông khẳng định : "Một quốc gia mới đã xuất hiện trên thế giới vào lúc 4 giờ sáng ngày 24/02. Đó không phải là một sự khai sinh mà là tái sinh. Một quốc gia không khóc lóc, không kêu ca hay sợ hãi. Một quốc gia đã không trốn chạy, không bỏ rơi, và không quên lãng".

Trên bình diện quốc tế, ngày 24/02 cũng là dịp để nhiều nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ sự ủng hộ Kiev. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố "Chúng tôi ủng hộ Ukraine, ở bên cạnh các bạn và còn sẽ tiếp tục đứng bên các bạn". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định Ukraine "có thể trông cậy vào NATO cho đến khi nào còn cần thiết", và "Ukraine sẽ chiến thắng". Thủ tướng Anh Boris Johnson tới thăm Kiev đến lần thứ ba, loan báo viện trợ thêm vũ khí trị giá 54 triệu bảng gồm hệ thống giám sát và hỏa tiễn tự hành, khí cụ dò mìn dưới biển. Về phía Washington thông báo đợt viện trợ mới 3 tỉ đô la, nâng tổng số lên 14 tỉ đô, để mua các hệ thống phòng không, pháo và đạn, radar…

Evgueni Roizman, một trong những nhà đối lập Nga cuối cùng bị bắt

Tại Nga,Le Figarochú ý đến sự kiện "Evgueni Roizman, nhà đối lập Nga bị bắt giam". Đó là một trong những khuôn mặt đối lập cuối cùng. Các video trên Telegram cho thấy hơn một chục cảnh sát mặc đồ rằn ri đến tận nhà ở Yekaterinburg (Ural) bắt ông theo điều 280.3 Luật Hình sự vì "gây phương hại cho uy tín quân đội", một tội danh có khung hình phạt đến 5 năm tù. Đó là do một video mà nhà đối lập 59 tuổi, cựu thị trưởng thành phố Yekaterinburg đăng trên internet, tố cáo cuộc tấn công Ukraine và tuần rồi ông lặp lại sự phản đối trên một kênh YouTube có nhiều người theo dõi. Trong những tuần lễ gần đây, Roizman cho biết : "Tôi hiểu rằng họ có thể bắt tôi. Tôi không ảo tưởng và cũng chẳng sợ hãi".

Vụ bắt Evgueni Roizman hầu như là đánh dấu hồi kết trong tiến trình trừ khử một cách có hệ thống các khuôn mặt đối lập từ nhiều tháng qua. Gần đây nhất, Illia Yashin và Vladimir Kara-Murza bị bắt giam vì tố cáo cuộc chiến vì phổ biến "fake news", theo điều 207.3 Luật Hình sự. Tất cả các phương tiện truyền thông độc lập đều đã bị đóng cửa và 500 nhà báo đã rời nước Nga.

Kể từ khi khởi đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02, đã có khoảng 3.500 người bị trừng phạt với cùng tội danh. Theo nhà đối lập Lev Shlosberg, có thể sẽ diễn ra hàng ngàn vụ khởi tố hình sự, gợi nhớ đến giai đoạn khởi đầu đàn áp hàng loạt trong thập niên 30.

TotalEnergies bị tố cáo phục vụ cho cuộc xâm lăng của Nga

Cũng liên quan đến Nga, Le Monde nhận định cần phải chấm dứt việc nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động của TotalEnergies tại Nga. Khó thể tìm thấy một sản phẩm nào mang tính chiến lược hơn là xăng dầu trong chiến tranh, và các nhà lãnh đạo tập đoàn dầu khí Pháp TotalEnergies phải hiểu rõ hơn ai hết. Thế nhưng qua việc nắm giữ một phần mỏ Termokarstovoy, nơi nhiên liệu lỏng được chuyển thành xăng máy bay và dùng để cung ứng cho các chiến đấu cơ Nga tấn công Ukraine, TotalEnergies có nguy cơ bị cáo buộc đã trợ giúp Moskva trong cuộc xâm lược mà từ sáu tháng qua đã biến một phần của Châu Âu thành vùng đất chết đầy đau thương, đe dọa sự toàn vẹn của một Nhà nước có chủ quyền.

Điều tra của Le Monde đã làm rõ chuỗi cung ứng từ mỏ dầu ở Xibêri của Terneftegaz mà TotalEnergies nắm 49% phần vốn (đối tác Nga Novatek 51%) đến các căn cứ không quân, nơi những chiến đấu cơ Sukhoi cất cánh, oanh tạc Mariupol và vẫn tiếp tục tấn công thành phố Kharkov. Cần nhắc lại, những oanh tạc cơ này đã làm 600 người chết khi trút bom xuống nhà hát Mariupol hôm 16/03. TotalEnergies biện minh rằng sản phẩm dạng đặc của Terneftegaz không phải là nhiên liệu, cơ sở lọc dầu cho ra xăng máy bay không thuộc về mình, nhưng làm thế nào có thể theo đuổi một hoạt động như vậy khi chiến tranh nổ ra ? Sao có thể khẳng định Novatek không liên quan đến Nhà nước Nga, trong khi một trong những cổ đông chính là người thân của Vladimir Putin đang bị phương Tây trừng phạt ? Tờ báo cho rằng tập đoàn Pháp đang đùa với lửa.

Đài Loan và chiến thuật "Con Nhím"

Nhìn sang Châu Á, Libération nhấn mạnh, Đài Loan vẫn muốn dùng chiến thuật con nhím để đối phó với Trung Quốc, trong khi chuẩn bị tăng ít nhất 4% ngân sách quân sự. Từ sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi đầu tháng Tám, áp lực của Bắc Kinh ngày càng tăng lên với các cuộc tập trận quy mô, và không có dấu hiệu là sẽ dịu xuống. Đặc biệt vào lúc Hoa Kỳ và Đài Loan chuẩn bị thương lượng một hiệp định thương mại đầy tham vọng, và Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sắp diễn ra. Làm thế nào đối đầu với một cuộc đổ bộ của quân Trung Quốc ?

Khi tiếp đón các chuyên gia Mỹ và dân biểu Nhật hôm thứ Ba, tổng thống Thái Anh Văn đã nêu ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai năm 1958 để nhắc nhở mối nguy, đồng thời khẳng định đảo quốc "sẽ không lùi bước" trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, như đã nói với bà Pelosi. Hôm nay Đài Bắc công bố ngân sách cho năm 2023, và ngân sách quốc phòng sẽ tăng lên thay vì 15,7 tỉ đô la trong năm 2022 - một con số nhỏ nhoi so với ngân sách quân sự 230 tỉ đô la của Bắc Kinh.

Từ hồi tháng Giêng, trước sự đe dọa của Bắc Kinh, các dân biểu Đài Loan đã thông qua thêm 8,7 tỉ đô la để mua những loại vũ khí mới cho năm năm tới, nhưng đó là trước khi Nga xâm lăng Ukraine và Trung Quốc tập trận bao vây vào đầu tháng Tám. Giờ đây chính quyền Thái Anh Văn đang nghiên cứu các cuộc biểu dương lực lượng của quân Trung Quốc và sẽ thảo luận với Washington để điều chỉnh lại chiến lược quốc phòng.

Nhà nghiên cứu Thư Hiếu Hoàng (Shu Hsiao Huang) thuộc Bộ Quốc phòng Đài Loan nói với Financial Times"Các hoạt động gần đây của quân đội Trung Quốc cho thấy tình hình Đài Loan khác với cuộc chiến ở Ukraine như thế nào. Chúng tôi phải đồng thời tăng cường hệ thống quốc phòng bất đối xứng cũng như truyền thống".

Chống xâm lược bằng biện pháp của kẻ yếu như Ukraine

Giới quân sự Mỹ cho rằng chiến lược này là ngõ cụt. Theo Washington, Trung Quốc sẽ tiến chiếm Đài Loan từ nay đến 2027, và có thể lợi dụng cuộc chiến Ukraine để dấn lên. Từ một năm qua, máy bay Trung Quốc liên tục xâm nhập, và hôm 10/08 trong cuốn Sách Trắng lần thứ ba, Bắc Kinh nhấn mạnh mục tiêu "thống nhất" Đài Loan, không từ bỏ khả năng dùng đến vũ lực. Washington vốn tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ quân sự, thúc đẩy Đài Bắc sử dụng các loại vũ khí ít đắt tiền hơn và cơ động (drone, hỏa tiễn phòng không Stinger, hỏa tiễn chống tăng Javelin) như cách của Ukraine. Chính quyền Joe Biden cố thuyết phục không nên ưu tiên cho việc mua các chiến hạm lớn, trực thăng, tàu ngầm, nhất là vì chúng sẽ nhanh chóng bị phá hủy trong trường hợp địch quân đổ bộ.

Lý Hỷ Minh (Lee Hsi Min), cựu tổng tham mưu trưởng Đài Loan, cha đẻ thuyết "Con Nhím" cho rằng không thể đọ sức với quân đội Trung Quốc trong chiến tranh quy ước. Theo ông, Đài Loan cần những vũ khí không thể bị các hỏa tiễn tầm xa hoặc oanh tạc cơ nhắm đến, và ông Lý cũng chỉ trích chính quyền đã không cảm thấy sự khẩn cấp của tình hình. Được biết, thuyết "Con Nhím" được Lý Hỷ Minh đưa ra năm 2017, được Taipei Times tóm tắt : "Sự đau đớn khi dẫm lên gai nhím là phương cách chính để răn đe" đối thủ mạnh hơn.

Drew Thompson, nhà nghiên cứu thuộc đại học quốc gia Singapore tháng 10/2021 nhận định "Đài Bắc phải từ bỏ ý tưởng một cuộc chiến tiêu hao lâu dài với quân Trung Quốc". Ông đề ra ba giai đoạn : "duy trì lực lượng" thông qua các cuộc tấn công bằng vũ khí cơ động, "cuộc chiến quyết định tại vùng duyên hải" kéo dài trên khoảng 100 kilomet bờ biển, "tiêu diệt địch tại khu vực đổ bộ". Chiến thuật Con Nhím chủ yếu dựa trên mìn và hỏa tiễn chống hạm để tránh bị phong tỏa và ngăn quân địch tiến vào hòn đảo.

Thompson nhận thấy một số thành viên cơ quan quốc phòng Đài Loan vẫn muốn theo chiến tranh quy ước truyền thống, trong khi đảo quốc có những điểm yếu về nhân sự và hậu cần. Đài Bắc đã có sửa đổi hay chưa ? Chuyên gia Valérie Niquet cho biết năm nay Bộ Quốc phòng Đài Loan đã lập ra một cơ quan chuyên phụ trách huy động nhân sự và phương tiện. Bà nhận định, bài học Ukraine cho thấy sự kháng cự của dân chúng, việc huấn luyện lực lượng phòng vệ dân sự có thể làm chậm lại đáng kể một quân đội đông đảo hơn rất nhiều nhưng ở xa căn cứ. Đồng thời đóng góp mạnh mẽ vào việc hạ gục tinh thần đối thủ, huy động được sự ủng hộ từ bên ngoài để làm mối đe dọa phải lùi xa.

Zero Covid khiến đảo Hải Nam vỡ mộng làm giàu

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nhận thấy "Sự thịnh vượng của đảo Hải Nam bị Covid hủy hoại". Tập Cận Bình muốn biến hòn đảo thành trung tâm du lịch, tài chánh, thương mại tầm cỡ thế giới. Nhưng từ đầu tháng Tám, trên 80.000 du khách đã bị phong tỏa tại đây vì một số ca Covid, giao thông công cộng ngừng hoạt động, những chuyến bay bị cắt giảm tối đa. Đến giữa tháng Tám họ đã được phép ra đi, nhưng tham vọng biến Hải Nam thành thiên đường miễn thuế của Châu Á và thế giới đã bị lung lay. Một ví dụ cho sự hoang tưởng của chính quyền Phúc Kiến : cho rằng virus xâm nhập qua tiếp xúc của ngư dân với người địa phương, họ đã cho xét nghiệm cả… cua và cá mới được đánh bắt, ngay trước ống kính truyền hình.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 391 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)