Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/06/2017

Thảm sát Thiên An Môn : 28 năm cấm kỵ tại Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Ngày 04/06/2017 đánh dấu 28 năm vụ thảm sát Thiên An Môn nhắm vào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ. Trong khi người ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đốt nến tưởng niệm nạn nhân Phong trào Thiên An Môn năm 1989, thì ở Trung Hoa lục địa, sự kiện này vẫn là một điều cấm kỵ và những cụm từ liên quan đến cuộc biểu tình đều bị "xóa" triệt để.

tam1

Quảng trường Thiên An Môn (Tiananmen), Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/06/2017. Reuters

Mất con trong cuộc thảm sát đẫm máu, "Các Bà mẹ Thiên An Môn" vẫn miệt mài đấu tranh đòi sự thật và công lý cho những người đã khuất. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh ngờ vực hoạt động của họ và lo sợ một phong trào phản kháng mới có thể xảy ra.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt giải thích  :

"Từ năm 1989 và sau khi con trai mất, bà Trương Tiên Linh (Zhang Xian Ling), cùng với nhiều bà mẹ khác, không ngừng đòi quyền được tưởng niệm tại nơi an nghỉ của các nạn nhân Thiên An Môn. Nhưng, lại thêm một năm nữa, vẫn không có gì xảy ra. Hơn nữa, mỗi bước đi của người phụ nữ đã 80 tuổi này còn bị cảnh sát theo dõi.

Bà Trương Tiên Linh kể lại con trai bà tên là Vương Nam (Wang Nan) đã bị quân đội giết chết ngày 04/06/1989 khi đang đứng chụp ảnh bên quảng trường Thiên An Môn, sau đó được chôn cất sơ sài. Từ 28 năm nay, cảnh sát theo dõi gia đình bà. Cách theo dõi cũng thay đổi theo thời gian. Lúc đầu họ kín đáo, sau đó chẳng che giấu gì hết. Nhiều lúc gia đình bà Trương Tiên Linh thấy rất nặng nề và có cảm giác bị đối xử như những người sống ngoài vòng pháp luật.

Khi hiểu ra tại sao các bà mẹ Thiên An Môn đấu tranh chống chính phủ, cảnh sát tỏ ra thông cảm. Hơn nữa, chính phủ đã thay đổi chiến thuật  : họ bị theo dõi nhân những sự kiện lớn mang tính nhạy cảm, như họp Quốc Hội, lễ tảo mộ, Sự kiện 04/06, Thế Vận Hội, những hội nghị quốc tế lớn như Diễn đàn Con Đường Tơ Lụa Mới. Ở những sự kiện lớn như vậy, các thành viên quan trọng của nhóm "Các Bà mẹ Thiên An Môn" bị theo dõi ngoài đường.

Chính quyền Bắc Kinh luôn giữ im lặng về cuộc thảm sát phong trào đòi dân chủ nhờ biện pháp kiểm duyệt gắt gao. Hiện nay, một phần lớn thanh niên Trung Quốc không biết chuyện gì xảy ra vào ngày 04/06/1989 trên quảng trường Thiên An Môn".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 832 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)