Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/10/2022

Điểm báo Pháp - Tập Cận Bình thống trị toàn xã hội Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Tập Cận Bình, hiện thân cho sự thống trị toàn diện của Đảng với xã hội Trung Quốc

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc chuẩn bị khai mạc ngày Chủ nhật này, với quyền lực trọn vẹn nằm trong tay Tập Cận Bình. Liên Hiệp Quốc thêm một lần nữa ra nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Đình công lớn đòi tăng lương trong ngành năng lượng tại Pháp. Kỷ niệm 5 năm phong trào #Me Too, tố cáo nạn bạo hành tình dục. Trên đây là một số chủ đề lớn của báo chí Pháp hôm nay, thứ Sáu 14/10/2022.

xi1

Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Reuters - Pool

"Hoàng đế của một nước Trung Hoa đang hụt hơi" là nhan đề trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos. Ông Tập Cận Bình gương mặt tròn trịa mũm mĩm, miệng nhoẻn cười, hai tay cầm lá phiếu màu trắng chuẩn bị thả vào thùng phiếu màu đỏ rực, mang quốc huy Trung Quốc. Phía sau là quốc kỳ Trung Quốc cũng toàn một màu đỏ rực. Hình ảnh trang nhất Les Echos nhấn mạnh đến cuộc bỏ phiếu.

Tập Cận Bình bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử kết quả đã biết trước

Nhưng ông Tập Cận Bình không chờ cuộc bỏ phiếu. Theo Les Echos, lãnh đạo Trung Quốc 69 tuổi "trong vòng 10 năm đã tập trung toàn bộ quyền lực trong tay, đoạn tuyệt với phương pháp lãnh đạo tập thể trước đó, đặt xã hội dân sự trong vòng kiểm soát chặt chẽ về tư tưởng". Tuy nhiên, giờ đây lãnh đạo tối cao Trung Quốc "phải đối phó với một môi trường kinh tế khó khăn hơn nhiều. Mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc đang hụt hơi".

Les Echos có lẽ là một trong những tờ báo có nhiều bài nhất về Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc. Nói về Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng trước hết và chủ yếu là về ông Tập Cận Bình. Bài "Lãnh đạo Trung Quốc trở thành ‘người đứng đầu mọi lĩnh vực’" cho biết ông Tập Cận Bình là hiện thân cho sự chi phối của Đảng cộng sản trên tất cả. Từ Nhà nước đến quân đội, các lĩnh vực dân sự, giáo dục, từ đông sang tây, từ nam chí bắc, tất cả đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo cựu chuyên gia về Trung Quốc Christopher Johnson của CIA, việc ông Tập từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã nỗ lực kiểm soát toàn bộ các lĩnh vực phản ánh chính "nguyên tắc tổ chức của chế độ". Không chỉ các lĩnh vực thuộc nhà nước, mà toàn bộ xã hội, từ truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, đến các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp tư nhân… Kiểm soát bằng các biện pháp truyền thống, và các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, tiền điện tử, mã QR, y tế…).

"Áp đặt quyền thống trị với bàn tay sắt"

Một mặt kiểm soát, mặt khác đàn áp mọi phản kháng, và loại trừ mọi quan điểm khác biệt trong nội bộ. "Trung Quốc : Tập Cận Bình áp đặt quyền thống trị với bàn tay sắt" là một bài khác của Les Echos. Theo nhật báo kinh tế Pháp, việc Tập Cận Bình nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, thêm 5 năm nữa là điều chắc chắn. Cuối tháng 9, tình hình đã hoàn toàn ngã ngũ, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh (Wang Huning) –  "nhà lý luận của Đảng" – tuyên bố "lý do căn bản khiến các mục tiêu của Đảng và Nhà nước gặt hái được các thành công là do sự lãnh đạo của tổng bí thư Tập Cận Bình, định hướng tư tưởng Tập Cận Bình". Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, Đại học Hồng Kông, gần như không có khả năng các phe phái khác có đại diện trong Bộ Chính trị hay Ban Chấp hành Trung ương, ngoại trừ những người trung thành với ông Tập.

Viễn cảnh thành công mà lãnh đạo tối cao Trung Quốc đặt ra là rất lớn : quy mô của nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035, với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến hơn 4% những năm tới. Les Echos nhấn mạnh đến 4 lĩnh vực công nghệ cao mà Trung Quốc hy vọng đuổi kịp phương Tây : máy bay chở khách, điện hạt nhân, thương mại điện tử, vũ trụ.

"Gót chân Asin" của Tập

Tuy nhiên, điều Les Echos muốn nhấn mạnh là thách thức với lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Bài xã luận của Les Echos với tựa đề "Gót chân Asin của Tập" nhấn mạnh đến các điểm yếu chết người. Điều đầu tiên mà tờ báo nhấn mạnh là việc "ông quan cộng sản này đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của đất nước, và mục tiêu kiểm soát người dân lên trên sự thịnh vượng của xã hội".  Việc triệt hạ toàn bộ các đối thủ trong nội bộ, khiến thách thức chính trị không còn là vấn đề với Tập, kinh tế mới là điểm yếu chết người. Theo xã luận Les Echos, "tâm lý hoang tưởng" khiến Tập Cận Bình "dường như đã bóp chết tất cả những gì thành công tại Trung Quốc, như tập đoàn Tencent, Alibaba cho đến Didi". Khủng hoảng trầm trọng đến mức mà phụ nữ Trung Quốc ngày càng không muốn sinh con. Có thể nói "một cuộc cách mạng thầm lặng" đang diễn ra (dự kiến có thể giảm tới 400 triệu dân trong 30 năm tới). Nợ công và tư cũng là một vấn đề khổng lồ khác của Trung Quốc.

Tập Cận Bình "đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích đất nước"

Les Echos cũng có bài phỏng vấn nhà đầu tư David Baverez, hoạt động tại Hồng Kông từ hơn 10 năm nay. Bài "Tập Cận Bình đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của Trung Quốc" nhấn mạnh đến thất bại của Bắc Kinh trong chính sách thúc đẩy một mô hình kinh tế mới dựa vào đầu tư và tiêu thụ nội địa, được tìm kiếm từ hơn 10 năm nay. Theo chuyên gia này, đúng là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ngày càng dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa, nhưng một phần lớn tăng trưởng dựa vào lĩnh vực bất động sản, vốn đang rơi vào đại khủng hoảng từ ít năm trở lại đây. 

Trong những năm gần đây, các công ty xây dựng nhà ở đã không thể hoàn tất việc xây dựng hàng triệu căn hộ, mà người mua đã trả trước, với tổng số vốn 5.000 tỉ đô la. Lý do là thiếu tiền. Bắc Kinh vừa thông qua một kế hoạch cứu trợ tương đương chỉ 30 tỉ đô la.

Sức mạnh quân sự sẽ tạo uy thế cho Tập Cận Bình

Nhà đầu tư Pháp nhấn mạnh là "cái mà ông Tập Cận Bình quan tâm không phải là tăng trưởng, mà là khẳng định sức mạnh". Chỉ một con số cho thấy tính chất huyễn tưởng về mục tiêu kinh tế mà Đảng cộng sản Trung Quốc đặt ra : hiện tại Trung Quốc mới chỉ sản xuất được 5% linh kiện bán dẫn, trong lúc đặt dự phóng sẽ tự chủ đến 45% bán dẫn vào năm 2025. Người phương Tây thường tính cho 10 năm hay 15 năm, nhưng Tập Cận Bình chỉ quan tâm đến nhiệm kỳ 5 năm tới.

Theo chuyên gia Pháp, ông Tập biết sẽ không thể được bầu lại một nhiệm kỳ thứ tư 5 năm nữa do thành tích về kinh tế. Như vậy để tiếp tục tại vị, chế độ Tập Cận Bình sẽ tập trung khẳng định sức mạnh quân sự trong nhiệm kỳ 3 này. Nhiều khả năng là Tập Cận Bình sẽ tìm cách thuyết phục rằng "chỉ có ông ta mới là người duy nhất đủ sức lấy lại Đài Loan".

"10 hồ sơ nóng" với Tập Cận Bình

Đại hội của Đảng cộng sản Trung Quốc : Tập Cận Bình, người nắm quá nhiều quyền lực là một tựa chính của Libération hôm nay. Nhật báo vạch ra "10 hồ sơ nóng" với Tập Cận Bình.

Thứ nhất là Đài Loan. Bắc Kinh muốn "tái thống nhất" nhưng Đài Loan không chấp nhận. Chính quyền Thái Anh Văn khẳng định không từ bỏ các quyền tự do, chế độ dân chủ, và nền độc lập trên thực tế của mình. 

Hồ sơ nóng thứ hai là "các căng thẳng với Mỹ". Đối đầu Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay đang ở mức chưa có kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ (1979).

Cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine cũng là một thách thức lớn khác với Bắc Kinh. Trung Quốc khẳng định "tình hữu nghị không giới hạn" với Nga, nhưng trên thực tế, Bắc Kinh buộc phải thận trọng.

Ngoài ra những bất đồng với Liên Âu, các đàn áp tàn bạo tại Tân Cương, việc quân sự hóa ở Biển Đông đặt Trung Quốc trong thế đối đầu với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác…

Tập Cận Bình : con người xảo quyệt

Libération cũng có một bài viết khác phân tích về con đường đưa Tập Cận Bình đến thượng đỉnh quyền lực. Tờ báo nhận định "Tập Cận Bình đã xây dựng cho mình hình ảnh về một nhà lãnh đạo gần gũi với dân chúng, và tỏ ra là người không thể thay thế, bất chấp những lệch hướng hiện nay". Libération thừa nhận sự "khôn khéo trong ứng xử" của Tập Cận Bình đã thành công trong việc "che giấu tham vọng phục thù dưới ngoại hình của một người đàn ông đẫy đà, tốt bụng".

Nhà báo François Bougon ôn lại, khi Tập Cận Bình kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất, năm 2017, kế hoạch Hán hóa toàn khốc tại vùng Tân Cương đã bắt đầu được triển khai, "nhưng tại phương Tây, người ta vẫn chưa ý thức được tính chất diệt chủng" của kế hoạch đàn áp nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.

Libération tìm cách giải mã khía cạnh "cuồng tín", tự coi như người có sứ mạng cứu thế của Tập Cận Bình trong việc lãnh đạo tối cao Trung Quốc gắn liền cuộc đời riêng của mình với số phận của nước Trung Hoa. "Lập trường cực đoan về ý thức hệ" của Tập Cận Bình có thể coi là nguyên nhân dẫn đến các hành động tàn bạo như trên.

Phương Tây bị Tập Cận Bình đánh lừa

Le Monde cũng có bài nhấn mạnh đến dự đoán sai lầm của phương Tây về bước chuyển hướng độc tài của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây hơn 10 năm. Nhật báo Pháp ôn lại thời điểm 2009, ba năm trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoàn toàn tỏ ra tin tưởng là "lãnh đạo tương lai của Trung Quốc một người hết sức thực tế, thực dụng, không bị chi phối bị ý thức hệ". Một sai lầm mà Le Monde đánh giá là "khủng khiếp".

Ngay từ tháng 4/2013, một tháng sau khi trở thành chủ tịch Trung Quốc, Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã bí mật phổ biến một tài liệu căn bản về "lĩnh vực ý thức hệ", do đích thân Tập Cận Bình soạn thảo. Văn bản tranh đấu ý thức hệ quan trọng nói trên vạch ra 7 lĩnh vực mà chế độ cộng sản Trung Quốc cần chống lại một cách không khoan nhượn, trong đó có "các giá trị phổ quát" (nhân quyền), nền dân chủ lập hiến phương Tây, xã hội dân sự, quan điểm tự do báo chí phương Tây… Mục tiêu là chống lại các đe dọa từ phương Tây và "các cuộc cách mạng màu".

Kiểm soát hoàn toàn truyền thông là cái đích cụ thể đặt ra. Truyền thông trên Internet được coi là "trường đấu ý thức hệ". Le Monde nhấn mạnh là Tập Cận Bình đã thực thi kế hoạch này một cách triệt để. Hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, luật sự bị bắt bớ, giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba phải chết trong trại giam. Một đỉnh điểm của cuộc "tranh đấu ý thức hệ" này trên lĩnh vực quan hệ quốc tế, là tuyên bố chung "hợp tác không giới hạn" với Nga, ít tuần trước khi Nga tấn công Ukraine, trong đó Bắc Kinh và Moskva cùng hướng đến một kẻ thù chung là phương Tây.

Chiến lược an ninh mới của Mỹ coi Bắc Kinh là kẻ thù dài hạn nguy hiểm nhất

Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ công bố hôm 12/10, gần 2 năm sau khi tổng thống Biden lên nắm quyền, cũng được giới thiệu trên Le Monde La Croix, cho hay, nếu như nước Nga là kẻ thù nguy hiểm trước mắt cần phải kiềm chế, thì Trung Quốc là một "đối thủ duy nhất" mang tính hệ thống, quốc gia duy nhất có khả năng "thay đổi triệt để trật tự thế giới hiện nay".

Nga – Trung muốn lật ngược trật tự thế giới hiện hành, nhưng không đề xuất giải pháp

Nghị quyết Liên Hiệp Quốc lên án Nga là chủ đề xã luận của Le Monde, với nhan đề "Liên Hiệp Quốc đối mặt với chủ nghĩa đế quốc Nga".

Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, theo Le Monde, dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng là một biểu tượng quan trọng. Hai chỉ dấu đáng chú ý có thể rút ra từ cuộc bỏ phiếu lần thứ ba lên án xâm lăng Nga.

Thứ nhất là việc lên án cuộc xâm lăng của Nga không chỉ duy nhất là "mối quan tâm của một phương Tây, đang suy yếu". Thực tế cho thấy đây cũng là quan tâm của các nước phía nam, đặc biệt là Châu Mỹ Latinh, Cận Đông. Nghị quyết đã nhận được 143 phiếu, nhiều hơn 2 phiếu so với lần trước.

Chỉ dấu quan trọng thứ hai là, Trung Quốc - một đại cường có ý định đóng vai trò hàng đầu trên trường quốc tế - rút cục "đã náu mình trong lá phiếu trắng ít vẻ vang". Ấn Độ cũng tương tự.

Le Monde phản biện lại các ý kiến chỉ trích, cho rằng "trật tự quốc tế được xác lập theo sáng kiến của Hoa Kỳ, vào thời điểm thế chiến Hai kết thúc đã hết thời, và cần phải có các điều chỉnh cần thiết để tương ứng với các tương quan mới trên thế giới. Nhưng vấn đề là các bên phản đối đã đưa được những giải pháp nào để thay thế ?".

Le Monde khép lại bài viết với nhận định : thông điệp mà tổng thống Nga đưa ra hôm 30/09 chủ yếu là "chống lại phương Tây", cùng với Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine cho thấy rõ "tính chất đế quốc" của chính quyền Nga. Liên minh Nga – Trung muốn lật ngược lại hoàn toàn trật tự quốc tế hiện nay không hứa hẹn gì cho "sự ổn định quốc tế", và việc cổ vũ cho một nền chính trị độc đoán không hề bảo đảm các quan hệ cân bằng trong quan hệ với các quốc gia khác.

5 năm phong trào #Me Too

5 năm phong trào #Me Too tố cáo bạo hành tình dục là chủ đề chính của La Croix hôm nay. Những bàn tay mang hai chữ "#Me Too, tay da trắng, da đen, da nâu, da vàng vươn thẳng lên trời, trên phông màu đỏ rực là bức hình trang nhất của nhật báo công giáo."Một cuộc tranh đấu đã bắt rễ" là nhan đề chính. Theo La Croix, 5 năm kể từ khi phong trào khởi động đến nay, việc bảo vệ các phụ nữ là nạn nhân bạo lực vẫn luôn là vấn đề thời sự hàng ngày.

La Croix có bài phóng sự về chủ đề này gửi từ nông thôn Vendée, miền tây nước Pháp, nơi công luận đa số vẫn còn tỏ ra thờ ơ, thậm chí ngờ vực đối với một phong trào bị coi là cực đoan.  Báo Le Monde cũng có nhiều bài nhân dịp 5 năm phong trào #Me Too. Sử gia Laure Murat ôn lại những đảo lộn lớn lao do việc nhiều người phụ nữ dám cất lên tiếng nói.

Pháp : Đình công mở rộng

Bãi công đòi tăng lương trong ngành năng lượng trong bối cảnh giá cả năng lượng tăng vọt tại Pháp là chủ đề chính của Le Monde. Trang nhất Le Monde chạy tựa "Chính phủ bị mắc bẫy trong cuộc khủng hoảng giá xăng đầu". Le Monde còn có nhiều bài khác về chủ đề này như "Cuộc khủng hoảng mà chính phủ không muốn đối diện", hay "Đằng sau cuộc bãi công của nhân viên ngành xăng dầu là thất bại của đối thoại".

Nhật báo thiên tả Libération dành chủ đề chính trang nhất cho cuộc bãi công. Dòng tựa "Bãi công. Xăng khiến phong trào phản kháng lan rộng". Libération thông báo, "tiếp theo lĩnh vực dầu khí, nhiều ngành nghề khác cũng tham gia đình công, một ngày tranh đấu toàn quốc được tuyên bố vào thứ Ba". Xã luận Libération cũng ghi nhận sự phân hóa trong nội bộ liên đảng cầm quyền, với việc 35 nghị sĩ Modem và 19 thuộc đảng của tổng thống đã bỏ phiếu thông qua trong đêm một đề nghị sửa đổi luật liên quan đến đánh thuế vào các khoản lợi nhuận cao. Ngược lại với quan điểm của chính phủ. Theo Libération, những người bãi công không chỉ bảo vệ quyền lợi của mình, mà còn tranh đấu cho quyền lợi của nhiều nhân viên khác.

Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos có hồ sơ trang nhất về hậu trường của cuộc đọ sức trong lĩnh vực năng lượng, khiến nước Pháp lâm vào cảnh thiếu xăng trầm trọng. Sau hơn hai tuần xung đột, ban lãnh đạo của tập đoàn TotalEnergies đã chấp nhận tiếp các nghiệp đoàn, chấp nhận tăng lương 6% trong năm tới, và rút một khoảng tiền thưởng tương đương một tháng lương cho nhân viên. Phần phụ trương của Les Echos nói đến việc bắt đầu có sự đối thoại tại tập đoàn TotalEnergies.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 299 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)