Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/10/2022

Điểm báo Pháp - Tập Cận Bình sẵn sàng cho xung đột

RFI tiếng Việt

Trung Quốc của Tập Cận Bình sẵn sàng cho xung đột

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vừa kết thúc đã chứng tỏ ý hướng của ông Tập, sẵn sàng trả giá, dù đắt đỏ, cho tham vọng bành trướng. Quân đội được hiện đại hóa và lãnh đạo diều hâu làm trầm trọng thêm mối đe dọa từ Trung Quốc của Tập Cận Bình, một Trung Quốc sẵn sàng cho xung đột – không chỉ Đài Loan, Biển Đông, nhân quyền, mà cả với Hoa Kỳ. Tại Châu Âu, Bắc Kinh lập ra hàng mấy chục "đồn công an" bất hợp pháp.

trungquoc1

Một "đồn công an" Trung Quốc ở Budapest, được cho là đang hoạt động mà Bộ Nội vụ Hungary không hay biết, ảnh chụp ngày 27/10/2022. Theo Safeguard Defenders, có ít nhất 54 "đồn công an" bất hợp pháp của Bắc Kinh trên khắp Châu Âu. AP - Anna Szilagyi

Sự rạn vỡ mới trong Liên Hiệp Châu Âu (EU), tuổi trẻ Iran không khuất phục trước bạo quyền của các đạo sĩ Hồi giáo, các đại gia GAFA bị thị trường chứng khoán trừng phạt vì kết quả kinh doanh sa sút là tựa đề chiếm trang nhất của Le Monde, Le Figaro  Les Echos hôm nay. Riêng Libération  La Croix dành trang bìa với nền đen để tưởng niệm họa sĩ Pháp Pierre Soulages, tên tuổi lớn của nghệ thuật đương đại vừa qua đời ở tuổi 102 mà tờ báo cánh tả gọi là "Mặt trời đen", còn nhật báo công giáo chạy tựa "Màu đen đang để tang", vì sắc màu này là chủ đạo trong các bức tranh của ông.

Điểm mới duy nhất của Đại hội Đảng 20 : Một tương lai bất định !

Về Châu Á, Les Echos có bài viết của giáo sư kinh tế Stephen S. Roach của đại học Yale, nhận xét "Trung Quốc của Tập Cận Bình sẵn sàng cho xung đột". Đại hội Đảng lần thứ 20 vừa kết thúc đã chứng tỏ ý hướng của ông Tập, hy sinh tăng trưởng như một cái giá phải trả, dù đắt đỏ, cho an ninh quốc gia.

Theo tác giả, dù Đại hội được tổ chức rất hoành tráng, được tuyên truyền ầm ĩ, nhưng chỉ là một sự kiện rỗng tuếch. Ai cũng biết Trung Quốc độc tài luôn nuôi tham vọng bành trướng và mang nặng dấu ấn ý thức hệ. Những gì được tiết lộ qua đại hội này, là một tương lai bất định đang chờ đợi, với những nguy cơ do chính chế độ tạo ra.

Ban lãnh đạo được công bố hoàn toàn phù hợp với việc Tập Cận Bình củng cố quyền hành trong nhiệm kỳ thứ ba. Có thể đã có một sự tranh giành chức thủ tướng, nhưng chẳng mấy quan trọng. Trong Trung Quốc của Tập Cận Bình, chức vụ trước đây là trung tâm trong mô hình lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, nay chỉ để làm cảnh. Lý Cường, bí thư Thượng Hải là khuôn mặt đại diện cho chính sách phong tỏa khắt khe, là tay chân ngoan ngoãn của ông Tập.

Vương Hỗ Ninh, một trong hai quan chức được ở lại Thường vụ Bộ Chính trị kỳ này, đáng chú ý hơn. Từ nhân vật số 4 được nâng lên số 3, vai trò của ông Vương dường như quan trọng hơn là biểu hiện bên ngoài. Vương Hỗ Ninh là người ủng hộ mạnh mẽ quan điểm nước Mỹ đang suy tàn. Cuốn sách "Hoa Kỳ chống lại Hoa Kỳ" của ông xuất bản từ năm 1991, vẽ ra bộ mặt u ám của một đất nước đang trên bờ vực khủng hoảng. Sự thăng tiến của ông Vương gây lo ngại xung đột Mỹ-Trung sẽ càng tăng lên.

Trung Quốc của Tập Cận Bình sẵn sàng cho xung đột

Về chiến lược, thông điệp chính của Đại hội 20 là Trung Quốc tiếp tục đặt an ninh lên trên tăng trưởng. Nói cách khác, hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế, nhưng hoàn toàn theo điều kiện của ông Tập. Đó là quan điểm "thịnh vượng chung" nhằm giảm bớt bất bình đẳng, đánh vào lãnh vực tư nhân. Nạn nhân chủ yếu là các công ty internet, vốn rất năng động, giờ đây hoàn toàn suy sụp.

Vẫn theo Les Echos, nhưng hậu quả quan trọng nhất của Đại hội là tầm vóc xung đột, với việc nhấn mạnh đến "sự phức tạp chưa từng thấy", "trầm trọng", "khó khăn". Xung đột không chỉ liên quan đến Đài Loan, Biển Đông, áp lực của phương Tây về nhân quyền, mà nhất là chiến lược ngăn chận Trung Quốc của Hoa Kỳ. Chiến lược này đang được ông Joe Biden tăng cường qua lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao cho Trung Quốc, và cũng liên quan đến "đối tác không giới hạn" với Nga.

Như ông Tập đã khẳng định trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, Đảng cộng sản Trung Quốc là một đảng "bất khả chiến bại", một quân đội hiện đại hóa và tăng cường về số lượng làm trầm trọng thêm mối đe dọa từ Trung Quốc của Tập Cận Bình, một Trung Quốc sẵn sàng cho xung đột.

Hà Lan phát hiện công an Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp

Cũng liên quan đến an ninh, Le Figaro nói về những "đồn công an Trung Quốc bí mật ở Hà Lan". Theo RTL Nieuws, "đồn" đầu tiên do công an thành phố Lệ Thủy (Lishui) tỉnh Chiết Giang mở tháng 6/2018, do hai cựu công an định cư ở Hà Lan lãnh đạo. 

Đơn vị này nằm trong danh sách 10 "đồn công an" hiệu quả nhất của Trung Quốc ở nước ngoài. Đồn thứ hai do một cựu quân nhân phụ trách, được thành phố Phủ Châu (hay Phúc Châu, Fuzhou) mở năm nay ở Rotterdam. Nhiệm vụ của họ là truy lùng các nhà đối lập với Bắc Kinh đang sống tại Hà Lan. Hôm thứ Ba RTL Niews đăng lời chứng của một thanh niên thường chỉ trích chính quyền Trung Quốc trên mạng xã hội, anh khẳng định thường xuyên bị các nhân viên công an này theo dõi trên đường phố, họ cũng gọi điện thoại nói về những nguy cơ cho cha mẹ anh nếu nếu anh không trở về Hoa lục.

Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này. Nhưng các dân biểu đảng VVD và D66 trong liên minh cầm quyền đòi hỏi chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc, tại một đất nước mà Nhà nước pháp quyền và tự do ngôn luận được coi là thiêng liêng, "không chờ đợi thêm dù chỉ một ngày".

Ít nhất 58 "đồn công an" bí mật của Bắc Kinh ở Châu Âu

Theo Le Figaro, thực ra vụ này còn vượt ra ngoài biên giới Hà Lan. Tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders hồi tháng 9 công bố kết quả điều tra, cho biết có ít nhất "54 đồn công an bí mật" của Trung Quốc trên thế giới, trong đó khoảng 30 tại Liên Hiệp Châu Âu (EU) : 3 ở Pháp (tập trung tại Paris), 8 ở Tây Ban Nha, 4 ở Ý, 3 tại Bồ Đào Nha, 2 ở Hungary... Ngược lại Đức chỉ có 1 "ăng-ten" loại này đặt tại Frankfurt. Tất cả nằm trong mục đích của Mặt Trận Thống Nhất dưới quyền Đảng cộng sản nhằm kiểm soát cộng đồng Hoa kiều ở các nước, dựa vào các hiệp hội, phòng thương mại...

Từ khi báo cáo được công bố, chính phủ nhiều nước loan báo mở điều tra : Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Cộng hòa Czech, Đức và Hà Lan. Tuy nhiên Pháp hiện thời vẫn chưa liên lạc với tổ chức phi chính phủ trên, phía các định chế EU cũng vậy. Trong khi đó quan hệ Trung Quốc-EU sẽ được tranh luận sáng mai giữa 27 nước thành viên trong cuộc họp thượng đỉnh ở Bruxelles.

Bất chấp mọi phản đối, thủ tướng Đức vẫn để cho Trung Quốc mua cổ phiếu của cảng Hamburg

Một quyết định gây bất mãn. Báo Le Figaro cho biết, hôm qua chính phủ Đức, dưới áp lực của thủ tướng Olaf Scholf đã bật đèn xanh cho việc bán một số cổ phần công ty sở hữu cảng container Tollerort ở Hamburg cho công ty Cosco Trung Quốc, dù có đến 6 bộ chống đối. Đây là món quà của ông Scholz cho Tập Cận Bình trước chuyến thăm Bắc Kinh tuần tới. Tuy thủ tướng đã giảm tỉ lệ cổ phần bán cho Trung Quốc, thay vì 35% ban đầu xuống còn 24,9% nhưng tranh cãi vẫn chưa kết thúc.

Kinh tế Đức lệ thuộc Trung Quốc đến cỡ nào ? Berlin có thể làm gì nếu Tập Cận Bình đánh chiếm Đài Loan ? Làm thế nào hài hòa được giữa trao đổi thương mại và các giá trị khác, chẳng hạn việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nơi có nhiều nhà máy của Đức ? Những câu hỏi này được đặt ra khi chính quyền liên bang chuẩn bị một "chiến lược Trung Quốc" mới cho mùa xuân 2023.

Nga bị nghi ăn trộm camera Thụy Điển để lắp vào drone

Trong mục điểm báo nước ngoài, Les Echos cho biết , tại Bắc Âu, phải chăng Nga đứng sau các vụ trộm bí ẩn những camera giám sát trên xa lộ ở Thụy Điển ? Trong số các giả thiết về một loạt vụ mất cắp các camera có độ phân giải cao, nhật báo Thụy Điển Aftonbladet chú ý đến một nghi can : Nga. Ngay cả tờ New York Times cũng dành hẳn một trang lớn cho câu hỏi : ai có thể đánh cắp những camera này ?

Từ tháng Tám, 160 camera độ phân giải cao xung quanh Stockholm và vùng Uppsala đã biến mất ; và cách đây một tuần, các vụ trộm lại tái diễn, từ nửa đêm đến 3 giờ sáng. Một phát ngôn viên cảnh sát Thụy Điển bác bỏ giả thiết những tài xế giận dữ muốn phá hủy các thiết bị này, vì họ thường sơn đen lên radar mà thôi, vả lại thủ phạm chỉ đánh cắp những camera mới, bỏ lại các radar và đèn flash. Có thể vì giá trị mỗi camera lên đến 22.000 euro, nhưng tại sao để lại những bộ phận khác có thể bán được ?

Theo tờ Aftonbladet, Nga do bị trừng phạt không thể mua được nên đành đi ăn trộm của nước láng giềng để trang bị cho các drone. Một số chiến binh Ukraine đã phát hiện loại camera này được dán băng keo vào các drone Nga. Lars Wilderang, một chuyên gia được New York Times dẫn lời nhấn mạnh, kẻ cắp không thể hành động nếu không được đặt hàng trước. Thụy Điển có 2.300 camera chất lượng cao để giám sát đường bộ, và 7% đã bị kẻ trộm đặc biệt nào đó tháo gỡ.

Israel sẽ hỗ trợ Ukraine nhiều hơn

Liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraine, Les Echos quan tâm đến cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Israel, ông Isaac Herzog tại Washington hôm nay. Tờ báo dự đoán Israel có thể sẽ ủng hộ Kiev nhiều hơn.

Có những lời mời không thể từ chối, nhất là trong thời kỳ bầu cử. Một mặt, đảng Dân chủ Mỹ hy vọng kiếm được thêm một số phiếu của công dân gốc Do Thái, mặt khác có thể thúc đẩy cử tri trung tả Israel đi bầu để ngăn chặn ông Benjamin Netanyahou quay lại chính trường. Trong chương trình thảo luận có việc Iran cung cấp drone cho Nga.

Hôm thứ Hai, các hỏa tiễn Israel đã phá hủy một cơ sở lắp ráp drone của Iran. Tuần trước, bộ trưởng quốc phòng Israel, Benny Gantz loan báo với EU là sẽ "giúp triển khai một hệ thống cảnh báo nhanh dân sự, giúp cứu được nhiều sinh mạng". Theo một nhà ngoại giao Châu Âu, "Israel cũng có thể cung cấp những công cụ gây nhiễu các vùng đất Ukraine thường bị drone Iran tấn công".

Cũng trong hôm thứ Hai, ông Gantz lần đầu tiên điện đàm với đồng nhiệm Ukraine, Oleksiy Reznikov, sau nhiều tuần lễ trì hoãn. Về mặt chính thức thì vẫn không có việc cung ứng vũ khí cho quân đội Ukraine, nhưng thủ tướng Yaïr Lapid nói với tờ Jerusalem Post là Israel sẽ "hàng ngày đánh giá lại tình hình" để hành động, chính phủ sẽ tích cực hơn trong việc ủng hộ Ukraine, và thảo luận với Mỹ về việc này. Đồng thời với chuyến thăm nước Mỹ lần đầu của tổng thống Isaac Herzog, tại Washington cũng sẽ diễn ra cuộc họp của Nhóm hành động chung về chính trị quân sự (JPMG) gồm các viên chức cao cấp của hai nước.

Cặp Pháp-Đức : Bằng mặt nhưng không bằng lòng

Cuộc chiến tranh ở Ukraine cũng là thử thách cho sự đoàn kết của Châu Âu, trước hết là giữa Paris và Berlin. Le Monde ra từ chiều hôm qua có bài xã luận kêu gọi "Tái thúc đẩy sự năng động trong đối thoại Pháp-Đức".

Còn ba tháng nữa là đến kỷ niệm 60 năm hiệp ước Élysée nhằm hòa giải giữa hai nước Pháp và Đức đồng thời đặt cơ sở cho sự hợp tác giữa đôi bên, quan hệ song phương đang xấu đi. Emmanuel Macron vẫn chưa tìm thấy nơi thủ tướng Olaf Scholz một đối tác như Angela Merkel, là người đã cùng ông đưa ra kế hoạch tái thúc đẩy Châu Âu. Sự chia rẽ này có lý do khách quan là việc Nga xâm lược Ukraine đã kết thúc thời kỳ năng lượng giá rẻ từ Nga, ảnh hưởng đến hòa bình Châu Âu – là những nền tảng cho sự thịnh vượng của Đức. Berlin đành phải xây dựng lại mô hình kinh tế, và một vai trò địa chính trị đã từ bỏ sau khi đầu hàng trong Đệ nhị Thế chiến.

Trận địa chấn này làm thay đổi sâu sắc quan hệ với Pháp. Những bất đồng khiến cuộc họp hội đồng bộ trưởng hai nước hôm qua đã phải hoãn lại vô thời hạn. Về quốc phòng, dự án lá chắn chống tên lửa do Đức chủ trì trong một nhóm 14 nước nhưng không có Pháp, khiến tình hình thêm căng thẳng. Về năng lượng, Berlin chống lại nguyên tắc đặt mức trần giá khí đốt, trong khi Paris phản đối dự án đường ống dẫn khí từ Tây Ban Nha sang để cung ứng cho kỹ nghệ Đức. Về kinh tế, Pháp rất không vui khi thủ tướng Đức đưa ra kế hoạch khổng lồ 200 tỉ euro để hỗ trợ nền kinh tế mà không báo trước cho Paris, bị coi là đặt lại vấn đề về nguyên tắc cạnh tranh trong EU. Berlin muốn mở rộng sang phía đông, Paris chủ trương hội nhập sâu hơn.

Những quan điểm khác biệt này xuất hiện vào thời điểm Vladimir Putin muốn chia rẽ Châu Âu, và vai trò lãnh đạo của Pháp-Đức bị thách thức trong Liên hiệp. Các nước Baltic và Ba Lan trách cứ hai cường quốc thiếu sáng suốt trước mối đe dọa từ Nga, có phản ứng dè dặt về cuộc xâm lăng Ukraine dù họ đã nhiều lần cảnh báo. Hôm nay hai nhà lãnh đạo có buổi ăn trưa làm việc ở Élysée, và Le Figaro cho rằng "sự hòa hảo chỉ ở bề ngoài" mà thôi.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 296 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)