Khoảng 80 máy bay quân sự Hàn Quốc xuất kích để đáp trả sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên
Trần Công, RFI, 04/11/2022
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng. Sau khi Mỹ-Hàn Quốc kéo dài tập trận, Bắc Triều Tiên tối hôm 03/11/2022 đã bắn tên lửa và trưa nay, lại cho xuất kích gần 200 máy bay. Để đáp trả, Hàn Quốc đã huy động gần một trăm máy bay quân sự.
Máy bay chiến đấu F15K của Không quân Hàn Quốc và máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ, bay theo đội hình trong một cuộc tập trận chung ở một địa điểm không được tiết lộ ở Hàn Quốc, ngày 04/10/2022. © AP/ Bộ quốc phòng Hàn Quốc
Từ Seoul, thông tin viên Trần Công cho biết thêm thông tin:
"Ngay khi liên minh Mỹ - Hàn ra thông cáo kéo dài tập trận trên không "Bão táp cảnh giác" thêm 1 ngày, Bắc Triều Tiên vào tối hôm qua đã lên tiếng phản đối và bắn 3 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRMB) và khoảng 80 phát pháo về hướng biển Nhật Bản.
Đến trưa nay, Bắc Triều Tiên tiếp tục điều 180 máy bay chiến đấu trong suốt 4 tiếng đồng hồ, nhưng không xâm nhập vào không phận Hàn Quốc hoặc vùng đệm. Phía Hàn Quốc cũng điều khoảng 80 máy bay quân sự bao gồm cả chiến đấu cơ tàng hình để đáp trả lại đòn khiêu khích của Bắc Triều Tiên.
Theo Bắc Triều Tiên, cuộc tập trận "Bão táp cảnh giác" của liên quân Mỹ-Hàn, đang đẩy tình hình đến chỗ không thể kiểm soát được.
"Bão táp cảnh giác - Vigilant Storm" là cuộc tập trận với sự tham gia của 240 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay tiếp liệu, máy bay trinh sát và đặc biệt là sự có mặt của chiến đấu cơ tàng hình F35A của Hàn Quốc và F35B của Mỹ. Điều này dường như làm cho Bình Nhưỡng rất lo ngại. Theo thống kê, Bắc Triều Tiên đã bắn ít nhất 33 tên lửa trong thời gian diễn ra cuộc tập trận trên không.
Trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hai bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc, từ Washington, đã ra tuyên bố chung về chiến lược chống lại mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Hai nước quyết định sửa đổi chiến lược răn đe với Bắc Triều Tiên vào năm 2023 và tổ chức tập trận răn đe mở rộng với giả thiết Bắc Triều Tiên sử dụng hạt nhân để tấn công Hàn Quốc.
Nhân chuyến công du Seoul, tổng thống Đức hôm nay hội đàm với đồng nhiệm Hàn Quốc. Hai bên tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ về các vấn đề Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh, "cách duy nhất để đạt được hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên là ngăn chặn hành vi phi pháp và gây bất ổn của Bắc Triều Tiên và nối lại đối thoại giữa hai miền".
Cũng trong ngày hôm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp bàn về tình hình trên bán đảo Triều Tiên".
Trần Công
*************************
Mỹ - Hàn mở rộng chiến lược răn đe hạt nhân
Thanh Hà, RFI, 04/11/2022
Trong cuộc họp tham vấn về an ninh SCM tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 03/11/2022 bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và đồng cấp Hàn Quốc, Lee Jong-sup, đồng ý mở rộng chiến lược răn đe, trước hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-sup (P) trò chuyện trước máy bay ném bom B1 trong chuyến thăm Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland, Hoa Kỳ, ngày 03/11/2022. Reuters - Pool
Tài liệu cuộc họp tham vấn về an ninh nói tới việc "huy động các phương tiện quân sự bao gồm vũ khí quy ước và hạt nhân bảo vệ một đồng minh bị tấn công". Theo giới quan sát đây là bằng chứng về quyết tâm của Washington sát cánh với Seoul trên vấn đề an ninh.
Hãng tin Yonhap trích dẫn thông cáo chung sau cuộc trao đổi giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc, đôi bên xác định rõ bốn lĩnh vực hợp tác : chia sẻ thông tin, quy trình tham vấn, cùng lên kế hoạch và cùng thực hiện các kế hoạch chung.
Trong tất cả các lĩnh vực này Seoul sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn. Kết thúc cuộc họp, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc giải thích mục tiêu đề ra nhằm "răn đe và đáp trả một cách hiệu quả trước những mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa càng lúc càng dồn dập từ phía Bắc Triều Tiên".
Thanh Hà
************************
Bán đảo Triều Tiên : Vì sao Bình Nhưỡng rầm rộ thị uy bằng tên lửa
Trọng Nghĩa, RFI, 03/11/2022
Ba tên lửa vào hôm 03/11/2022, 23 tên lửa khác vào hôm qua : Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Bắc Triều Tiên đã bắn đi nhiều tên lửa hơn cả số tên lửa đã phóng đi trong cả năm 2017, được mệnh danh là năm "khói lửa và thịnh nộ" khi Kim Jong-un còn đối đầu với Donald Trump.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 29/06/2021. © STR / KCNA VIA KNS
Vì sao lãnh đạo Bắc Triều Tiên lại ra sức thị uy như vây ? Theo hãng tin Pháp AFP, giới phân tích hầu như đều nhất trí rằng đó là hành động đáp trả của Bắc Triều Tiên đối với cuộc tập trận không quân Mỹ-Hàn trên quy mô lớn vừa được khởi động.
Mang tên là Bão Táp Cảnh Giác (Vigilant Storm), đây là một cuộc tập trận không quân hỗn hợp Mỹ-Hàn lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hàng trăm chiến đấu cơ của cả hai bên – chính xác là 240 phi cơ các loại-thực hiện các cuộc tấn công giả định 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, với khoảng 1.600 cuộc xuất kích, một số lượng mà Không Quân Hàn Quốc công nhận là "lớn chưa từng thấy".
Điều đáng nói là cuộc tập trận huy động một số chiến đấu cơ tiên tiến của Hàn Quốc và Mỹ-F-35A và F-35B -. Cả hai đều là máy bay tàng hình được thiết kế để tránh bị radar phát hiện. Và chính việc sử dụng các loại phi cơ này khiến Bình Nhưỡng lo ngại.
Theo AFP, vào mùa hè vừa qua, đã xuất hiện một số nguồn tin cho rằng biệt kích Mỹ và Hàn Quốc đang tập huấn "chiến dịch tấn công tiêu diệt đầu não" – tức là loại bỏ lãnh đạo cao nhất của Bắc Triều Tiên trong một chiến dịch quân sự chớp nhoáng.
Theo ông Go Myong-hyun, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cuộc tập trận Vigilant Storm bao gồm các loại chiến đấu tàng hình F-35, mà Bình Nhưỡng lại tin rằng sẽ "được sử dụng trong chiến dịch tiêu diệt đầu não".
Bình Nhưỡng đã gọi Bão Táp Cảnh Giác là "một cuộc tập trận mang tính chất gây hấn và khiêu khích nhằm vào Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên".
Đối với Bắc Triều Tiên, ngay cả tên gọi cuộc tập trận cũng mang tính khiêu khích vì gợi đến chiến dịch Bão Táp Sa Mạc (Desert Storm), cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu đánh vào Iraq trong giai đoạn 1990-1991.
Việc rầm rộ bắn tên lửa thị uy chính là cách đáp trả của Bắc Triều Tiên trước cuộc tập trận Mỹ-Hàn. Theo bà Marianne Peron-Doise, nhà nghiên cứu tại IRIS và chuyên gia về các vấn đề chiến lược ở Châu Á được báo Pháp La Dépêche trích dẫn : "Phản ứng của Bắc Triều Tiên đối với các cuộc tập trận loại này luôn rất mạnh mẽ".
Riêng lần này thì phản ứng có phần dữ dội hơn. Cũng trên báo La Dépêche, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp FRS, ghi nhận : "Số lượng tên lửa được bắn ra đặc biệt cao, Kim Jong-il [tức là cha của Kim Jong-un] chỉ thực hiện 13 cuộc bắn thử trong 15 năm".
Bình Nhưỡng có phản ứng rầm rộ như vậy, theo chuyên gia Bondaz, đó chính là để răn đe : "Hàn Quốc và Mỹ có hệ thống bắn chận tên lửa đạn đạo. Bằng cách bắn nhiều tên lửa như vừa rồi, Bình Nhưỡng muốn báo hiệu rằng họ có thể xuyên thủng hàng phòng thủ này, và nhất là họ sở hữu một lượng lớn tên lửa".
Trọng Nghĩa
****************************
Bắc Triều Tiên phóng thêm 3 tên lửa, Mỹ, Hàn kéo dài cuộc tập trận không quân
Trọng Nghĩa, Trần Công, RFI, 03/11/2022
Sau loạt 23 tên lửa đạn đạo khác nhau vào hôm qua, mức cao chưa từng thấy từ trước đến nay, Bắc Triều Tiên hôm 03/11/2022 lại cho phóng thêm 3 tên lửa khác về phía biển Nhật Bản, trong đó có môt tên lửa liên lục địa, được cho là đã bị rơi ít lâu sau khi rời bệ phóng.
Màn hình chiếu bản tin về các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 03/11/2022. AP - Shuji Kajiyama
Từ Seoul, thông tín viên RFI Trần Công tường trình :
Hôm nay, Bắc Triều Tiên đã tiếp tục khiêu khích Hàn Quốc bằng việc phóng hai tên lửa tầm ngắn và một tên lửa liên lục địa (ICBM) về phía biển Nhật Bản. Tuy nhiên, tên lửa liên lục địa đã gặp trục trặc do đầu đạn không thể tăng tốc và đã rơi xuống vùng biển Nhật Bản ngay sau đó. Theo các thông số được ghi lại, tên lửa liên lục địa đã đạt được đến vận tốc Mach 15, bay được 760 km với tầm cao 1920 km trước khi gặp trục trặc. Phía Hàn Quốc tin rằng tên lửa liên lục địa này là loại Hwasong-17 mới nhất của Bắc Triều Tiên.
Phía Nhật Bản cũng đã phát đi thông báo khẩn cấp yêu cầu dân chúng trong các tỉnh Miyagi, Yamakata và Niigata sơ tán đến nơi an toàn hoặc vào hầm trú ẩn. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng phản đối các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho đây là hành động bạo lực "không thể chấp nhân được".
Về phía Seoul, tổng thống Yoon Seok-yeol đã đến thăm "Ủy ban thường vụ Hội đồng An ninh Quốc gia Khẩn cấp" để nghe báo cáo tình hình. Ông đã ra lệnh mở rộng hợp tác an ninh ba bên Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh đến việc bảo đảm cuộc sống và an toàn của người dân.
Chính quyền Seoul cũng tuyên bố sẽ cố gắng thuyết phục Hội Đồng Bảo An đưa ra nghị quyết nhằm ngăn chặn việc leo thang khiêu khích của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc này sẽ không đem lại kết quả gì do phía Nga và Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ phản đối.
Theo các chuyên gia quân sự, Bắc Triều Tiên đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 và họ có thể tiến hành bất kỳ lúc nào một khi chủ tịch Kim Jong-un ra lệnh. Rất có thể vụ thử hạt nhân này sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ ngày 08/11.
Không Quân Mỹ-Hàn kéo dài cuộc tập trận Vigilant Storm
Trước tình hình căng thẳng hẳn lên do các vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã quyết định kéo dài cuộc tập trận không quân hỗn hợp khởi động từ ngày 31/10 vừa qua.
Trong một thông báo công bố hôm nay, 03/10, vài tiếng đồng hồ sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, Không Quân Hàn Quốc cho biết là cuộc tập trận mang tên Bão Táp Cảnh Giác (Vigilant Storm) đã được kéo dài do "những hành động khiêu khích gần đây từ phía Bắc Triều Tiên".
Ngay từ hôm qua, sau loạt tên lửa được Bắc Triều Tiên phóng đi, các nước phương Tây từ Mỹ cho đến Pháp, Anh và Liên Hiệp Châu Âu đều lên án Bình Nhưỡng.
Anh, Pháp, Mỹ lên án, Nga kêu gọi bình tĩnh
Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng Mỹ John Kirby cho biết Hoa Kỳ "lên án" vụ bắn tên lửa do Bắc Triều Tiên tiến hành, nhất là "quyết định nguy hiểm" bắn một tên lửa xuống vùng gần lãnh hải Hàn Quốc.
Tại Luân Đôn, ngoại trưởng Anne-Marie Trevelyan cũng tố cáo hành động "vô trách nhiệm" của Bắc Triều Tiên, trong lúc Paris cũng lên án "những hành động khiêu khích mới không thể chấp nhận được".
Về phần mình, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cho biết ông "phẫn nộ" trước vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên, đồng thời tố cáo hành vi "hung hăng" và "vô trách nhiệm" của Bình Nhưỡng.
Riêng nước Nga, một đồng minh hiếm hoi của Bắc Triều Tiên, thì kêu gọi các bên "giữ bình tĩnh". Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov : "Tất cả các bên trong cuộc xung đột này phải tránh thực hiện bất kỳ điều gì có thể khiến căng thẳng gia tăng". Đối với Nga, "tình hình trên bán đảo đã khá căng thẳng" cho nên mọi người cần giữ bình tĩnh.
Trọng Nghĩa – Trần Công
**************************
Bắc Triều Tiên lần đầu tiên phóng tên lửa về phía nam, Hàn Quốc ngay lập tức đáp trả
Trần Công, RFI, 02/11/2022
Rạng sáng hôm 02/11/2022, lần đầu tiên Bắc Triều Tiên đã bắn tên lửa về phía nam kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Hàn Quốc đã điều máy bay phóng tên lửa không đối địa để đáp trả lại hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Người dân theo dõi tin Bắc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo qua truyền hình, tại một điểm công cộng ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 02/11/2022. Reuters - Yonhap News Agency
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :
Sáng nay, Bắc Triều Tiên đã bắn hơn 10 tên lửa các loại bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa địa đối không về khu vực biển Nhật Bản, đặc biệt có một tên lửa đã bắn về hướng Hàn Quốc và vượt qua ranh giới vùng biển quốc tế, sát lãnh hải Hàn Quốc. Tên lửa này rơi cách đảo Sokcho 57 km và đảo Ulleung 167 km. Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên bắn tên lửa về phía Hàn Quốc.
Hành động này được Bình Nhưỡng giải thích là nhằm đáp trả lại cuộc tập trận trên không của Mỹ và Hàn Quốc mang tên "Bão táp cảnh giác", với sự tham gia của rất nhiều chiến đấu cơ hiện đại. Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải trả giá "cực kỳ khủng khiếp" nếu sử dụng vũ lực.
Đáp lại hành động khiêu khích nói trên, Hàn Quốc đã bắn 3 quả tên lửa không đối địa từ máy bay chiến đấu của không quân nước này. Hành động này thể hiện thái độ cứng rắn với Bắc Triều Tiên, đồng thời chứng minh khả năng tấn công chính xác của quân đội Hàn Quốc.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Hàn cũng đã có cuộc họp để trao đổi thông tin về tình hình phóng tên lửa và củng cố thế trận phòng thủ trước các mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Đại diện quân đội Hàn Quốc cho biết "sẽ duy trì tư thế sẵn sàng để đáp trả áp đảo bất kỳ hành động khiêu khích nào của Bắc Triều Tiên và bảo đảm an toàn cho người dân Hàn Quốc".
Theo quân đội Hàn Quốc, ngoài số tên lửa nói trên, sáng nay, Bắc Triều Tiên lại bắn thêm 4 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ hai địa điểm ở tỉnh Pyongan của miền bắc. Bên cạnh đó, quân đội Bắc Triều Tiên còn bắn hơn 100 đạo pháo vào "vùng đệm" trên biển giữa hai miền Triều Tiên.
Về phần mình, tổng thống Yoon Suk-yeol kịch liệt lên án hành động "khiêu khích" của Bình Nhưỡng, xem đây là "một cuộc xâm lăng trên thực tế". Ông còn triệu tập một cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để thảo luận vụ này. Chính phủ Seoul đã buộc phải đóng nhiều đường hàng không trên vùng Biển Nhật Bản, khuyến cáo các hãng hàng không tránh khu vực này để bảo đảo an toàn cho các chuyến bay đến Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trần Công