Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/11/2022

Quan hệ Pháp Úc nồng ấm : nối lại hợp đồng tàu ngầm ?

Tổng hợp

Pháp sẵn sàng nối lại hợp đồng bán tàu ngầm cho Australia

Mạnh Hà, VOV.vn, 18/11/2022

Trong nỗ lực khởi động lại chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp với Thủ tướng Australia Anthony Albanese bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 và khẳng định sẵn sàng nối lại hợp đồng bán tàu ngầm nếu Australia có nhu cầu.

phapuc01

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ảnh : Straits Times

Trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cập đến thương vụ bán 12 tàu ngầm trị giá 56 tỷ euro đã bị hủy bỏ cách đây hơn 1 năm dưới thời cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ông Macron cho biết phía Pháp sẵn sàng nối lại thương vụ này nếu chính phủ Australia hiện nay mong muốn nhưng cũng nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền và lựa chọn của Australia.

Nhà lãnh đạo Pháp nhắc lại quan điểm không bán tàu ngầm hạt nhân cho các đối tác nước ngoài, nhưng khẳng định các tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của Pháp sẽ được sản xuất tại Australia và bắt đầu bàn giao vào năm 2030, nhanh hơn rất nhiều so với các tàu ngầm hạt nhân mà Mỹ chỉ có thể thực hiện sớm nhất là năm 2050. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh hiện nay của Australia tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhất là trước sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh Pháp là đối tác an ninh quan trọng đối với các vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời cho biết cả hai nước đều mong muốn tăng cường cam kết và hợp tác trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, ông Albanese cho biết Australia hiện chưa thay đổi chiến lược về tàu ngầm.

Quan hệ Pháp - Australia đang được hâm nóng trở lại sau những rạn nứt nghiêm trọng do chính phủ tiền nhiệm tại Australia bất ngờ đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để mua các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ vào tháng 9/2021.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đặt ưu tiên khởi động chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và quan hệ lạnh nhạt với Australia. Ông Macron xác định Australia và Ấn Độ là những trụ cột chính để gia tăng sự hiện diện và bảo vệ lợi ích tại khu vực chiếm tới 93% vùng đặc quyền kinh tế của Pháp.

Người đứng đầu nước Pháp cũng nhận định khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang trở thành điểm nóng tranh chấp quốc tế, nổi bật là sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Pháp sẽ theo đuổi chiến lược cân bằng, bảo vệ sự tự do và chủ quyền, đảm bảo tự do hàng hải, tăng cường trao đổi văn hóa, kinh tế, phát triển công nghệ và phản đối các hình thức bá quyền.

Ngay sau Hội nghị G20, Tổng thống Pháp Macron sẽ là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan.

Mạnh Hà

Nguồn : VOV.vn, 18/11/2022

*********************

Pháp tìm cách thúc đẩy hợp tác tầu ngầm với Indonesia và Úc

Thu Hằng, RFI, 17/11/2022

Ngày 17/11/2022, tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Indonesia, trong đó có việc cung cấp chiến đấu cơ và tầu ngầm. Đối với Úc, nguyên thủ Pháp khẳng định đề nghị hợp tác về tầu ngầm "vẫn nằm trên bàn".

phapuc02

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 16/11/2022 © AFP – Ludovic Marin/Pool

Phát biểu đươc tổng thống Pháp đưa ra khi đến Bangkok, Thái Lan, dự Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), sẽ khai mạc ngày mai. Hãng tin Anh Reuters nhắc lại Indonesia hiện là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Pháp ở Đông Nam Á. Tháng 02/2022, Jakarta đã đặt mua 42 chiến đấu cơ Rafale thế hệ mới nhất của tập đoàn Dassault Aviation với tổng trị giá lên đến 8,1 tỉ đô la. Hợp đồng này nằm trong khuôn khổ loạt thỏa thuận giữa Paris và Jakarta, trong đó có hai tầu ngầm Scorpene.

Trước đó, sau cuộc họp ngày 16/11 với thủ tướng Úc Anthony Albanese bên lề G20 tại Bali, nguyên thủ Pháp cho biết đề nghị hợp tác về tàu ngầm với Canberra, mặc dù ông thừa nhận, "hiện tại, Úc không quyết định thay đổi chiến lược về lĩnh vực này".

Vẫn theo ông Macron, được AFP trích dẫn, đề xuất của Pháp bảo đảm cho Úc "tự do và tự chủ", vì tầu ngầm sẽ được sản xuất tại Úc. Vấn đề đặt ra là lựa chọn của Canberra, "sản xuất tầu ngầm trên lãnh thổ của họ hay quyết định chọn tầu ngầm hạt nhân".

Chuyến công du Đông Nam Á lần này là cơ hội để ông Macron thúc đẩy chiến lược của Pháp về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương : "Bảo vệ tự do và chủ quyền, ổn định để duy trì tự do hàng hải, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế, phát triển công nghệ mà không để một mô hình bá quyền nào khống chế".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mạnh Hà, Thu Hằng
Read 217 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)