Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/12/2022

Điểm báo Pháp - Nguy cơ hỗn loạn tại Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Covid bùng nổ : Trung Quốc có nguy cơ hỗn loạn

Les Echos  Le Monde đều nhận thấy "Trung Quốc đứng trước sự bùng nổ dữ dội các ca Covid". Bắc Kinh xem chừng đã quyết định để cho con virus lây lan, trông cậy vào miễn dịch tập thể. Nhưng một số chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ sớm hỗn loạn vì Covid.

covid1

Chỉ có hai người giao hàng trên một cây cầu vượt giữa các cao ốc văn phòng ở khu trung tâm Bắc Kinh, ngày 12/12/2022. Thủ đô Trung Quốc trở thành một thành phố ma - sau khi bãi bỏ đột ngột chính sách zero Covid, các ca lây nhiễm tăng vọt. AP - Andy Wong

Không còn bị phong tỏa, nhưng Bắc Kinh lại trở nên thành phố ma

Thông tín viên Le Monde cho biết bốn ngày sau khi dỡ bỏ những biện pháp phong tỏa, điều nghịch lý là cuối tuần qua Bắc Kinh lại trở thành một thành phố ma, như hồi tháng 2/2020 hay tháng 5/2022. Chỉ trong 72 tiếng đồng hồ, số lượng lây nhiễm tăng vọt. Không ai biết được con số chính xác, vì các ca-bin xét nghiệm bỗng dưng biến mất.

Nhưng theo nhiều ước tính, khoảng 10% cư dân thủ đô (22 triệu dân) đã bị nhiễm, còn theo trang Solidarité Covid do những người Pháp làm việc tại Trung Quốc quản lý thì tỉ lệ này là 13%. Les Echos cho rằng con số của chính quyền là 8.626 ca hôm qua - thấp nhất kể từ một tháng nay - không có ý nghĩa gì vì không còn xét nghiệm PCR.

Đường phố nay thuộc về hàng ngàn người giao hàng, đóng vai trò không thể thiếu đối với các nhà thuốc tây đang bị quá tải, nhưng đội ngũ này cũng thiếu vì bị nhiễm bệnh. Thuốc cảm sốt và bộ xét nghiệm nhanh nay không thể tìm ra, ngay cả hệ thống bán hàng trên mạng. Tâm lý nhiều người trở nên hoảng loạn. Tuy nhiên vẫn có thể mua được máy thở trên... mạng xã hội.

Chỉ trong vài ngày, bộ mặt Trung Quốc đã thay đổi, gây hoang mang cho người dân. Nhiều người dân Bắc Kinh xếp hàng trong thời tiết lạnh giá trước các bệnh viện và cơ sở y tế, dù truyền thông kêu gọi ở nhà. Tại Quảng Châu và Vũ Hán, một số bệnh viện thiếu đến 20% nhân viên vì bị nhiễm hoặc được điều sang các bệnh viện dành cho Covid ; việc chạy thận, hóa trị... bị hoãn. Trên đường phố Thượng Hải, hầu hết đều mang khẩu trang dù báo chí nói rằng giờ đây ít ca Covid nặng, dù ba tuần trước vẫn khẳng định con virus nguy hiểm chết người.

"Thà chết vì Covid còn hơn sống như súc vật trong chuồng"

Nhà dịch tễ học Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) nhìn nhận đại dịch lan trành nhanh chóng, nhưng trấn an là tỉ lệ tử vong do Omicron chỉ là 0,1%, tương đương với cúm. Ông dự kiến đến quý 2/2023 sẽ trở lại bình thường. Nhưng tất cả các chuyên gia khác không lạc quan như thế. Rao Yi, hiệu trưởng đại học Y Bắc Kinh, bản thân cũng xét nghiệm dương tính, tuyên bố cần phải xem lại toàn bộ hệ thống y tế, chuẩn bị đối phó với tình trạng lây nhiễm hàng loạt, tử vong cao và cả nguy cơ con virus biến đổi khiến người dân tái nhiễm. Hiện cả nước Trung Quốc chỉ có 138.000 giường hồi sức, chưa đầy 1/10.000 dân và chỉ tập trung ở những đô thị lớn giàu có.

Một số chuyên gia quốc tế dự báo hỗn loạn sẽ nhanh chóng diễn ra, nhà máy tê liệt, bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, 1,3 đến 2,1 triệu người sẽ thiệt mạng - theo ước tính của Airfinity trên cơ sở tình hình Hồng Kông trước đây. Các nhà quan sát không hiểu tại sao Trung Quốc mở cửa đột ngột như vậy trong khi tỉ lệ chích ngừa quá thấp. Có thể do Covid ở Bắc Kinh và Quảng Châu vẫn tăng vọt dù phong tỏa ngặt nghèo, kinh tế suy sụp, và nhất là làn sóng biểu tình phản đối.

La Croix dẫn lời một nhà sử học ở Trùng Khánh, cho rằng người dân nay đã hiểu cần phải sống chung với con virus, và họ "thà chết vì Covid hơn là sống như những con vật bị nhốt trong chuồng". Dân Hoa lục sẽ nhớ suốt đời thời kỳ phong tỏa khủng khiếp vừa qua, "cũng như ông bà cha mẹ họ từng sống trong thời Cách mạng Văn hóa của Mao".

Thị trường địa ốc Trung Quốc bệnh nặng

Về kinh tế, Le Monde nhận thấy sau hơn 30 năm liên tục phát triển, thị trường địa ốc Trung Quốc thụt lùi nghiêm trọng kể từ giữa năm 2021. Doanh số bán của 100 công ty lớn nhất giảm đến 42,6%. Cuộc khủng hoảng này phần nào do chính quyền gây ra vì siết chặt tín dụng theo "ba đường ranh đỏ", khiến những công ty nợ nần nhiều phải ngưng các công trường xây dựng. Nổi bật nhất là trường hợp Hằng Đại (Evergrande), tập đoàn "chúa chổm" đứng đầu thế giới với số nợ 300 tỉ euro cuối 2021. Bắc Kinh giờ đây phải nhân nhượng trước tình trạng xảy ra nhiều cuộc biểu tình của những khổ chủ đã đóng tiền nhưng chưa nhận được nhà, hoặc rủ nhau cùng "đình hoãn" không chịu trả nợ vay cho ngân hàng.

Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực. Ngân sách chính quyền các địa phương trở nên èo uột vì lệ thuộc 40% vào việc bán đất. Hàng trăm ngàn việc làm ngành xây dựng bị đe dọa. Ở "thượng nguồn", ngành thép, thủy tinh và xi-măng không bán được hàng. Ở "hạ nguồn", ngành nội thất và điện tử gia dụng lao đao : sau 24 năm phát triển ở Hoa lục, hãng Ikea lần đầu tiên đóng cửa một trung tâm bán hàng tại Quý Dương (Guiyang).

Địa ốc chiếm đến 25-30% tổng sản phẩm nội địa (GDP), tỉ lệ này quá lớn. Nhưng theo giáo sư tài chánh Michael Pettis, vấn đề ở chỗ khi giá nhà ở tăng liên tục suốt 30 năm, toàn bộ nền kinh tế đều thích ứng theo. Cá nhân vay mượn để đầu tư, chiếm 60-70% tài sản của các gia đình ; hầu hết các doanh nghiệp đủ loại đều có một chi nhánh địa ốc vì kiếm lợi nhiều nhất. Chính quyền địa phương thì coi việc bán đất như thu nhập chính. Ngày nay, "do tất cả cùng lao vào, nên tất cả đều bị mất tiền".

Nhà báo gặp ông Zhang, 32 tuổi, mặc bộ vét màu sẫm và sơ-mi màu Bordeaux dưới chân một tòa nhà ở Quý Dương, năm 2019 đã gom tiền mua một căn hộ nhưng đến nay vẫn chưa được giao. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ trả nợ ngân hàng mỗi tháng và tiền thuê nhà. Ông cho biết hàng ngày chỉ mặc mỗi bộ đồ này, tuy khuỷu tay áo đã bị sờn, sắp rách. Thêm một người tiêu thụ bị mất đi, đối với nền kinh tế Trung Quốc đã quá mệt mỏi sau ba năm theo đuổi chính sách zero Covid.

Hội nghị Paris giúp Ukraine vượt qua mùa đông và tái thiết

Tại Châu Âu, sau Lugano (Thụy Sĩ), Warszawa (Ba Lan), Berlin (Đức) trong những tháng gần đây, nay đến lượt Paris "vận động giúp Kiev vượt qua mùa đông". Có 47 nước và 22 tổ chức quốc tế tham dự hội nghị hôm 13/12/2022 nhằm tài trợ cho công cuộc kháng chiến và tái thiết Ukraine. Cuộc họp trước hết tập trung cho viện trợ quốc tế khẩn cấp nhằm cố duy trì mạng lưới cơ sở hạ tầng trong mùa đông này. Liên Hiệp Châu Âu đã giúp đỡ rất nhiều kể từ đầu cuộc chiến, nhưng hiện đang gặp rắc rối do mối quan hệ giữa Hungary với Nga.

Mục tiêu kế tiếp là việc tái thiết lâu dài, mang tính song phương hơn, với sự hiện diện của 500 doanh nghiệp Pháp, từ các đại tập đoàn cho đến những start-up kỹ thuật số. Paris khẳng định không phải là giúp xây dựng lại Ukraine như trước chiến tranh, mà theo logic "Build Back Better" (tái thiết tốt hơn). Phía sau những cuộc thảo luận còn là "chuẩn bị cho tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu".

Kiến tạo hòa bình cho Ukraine ? Putin chỉ biết đến sức mạnh !

Tuy nhiên bên cạnh đó, theo Le Figaro "Giữa Macron và Zelensky, khó tìm được đồng thuận". Hội nghị hỗ trợ Ukraine diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc tranh cãi do phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron về sự cần thiết có những "bảo đảm an ninh" cho Nga. Điện Élysée đã làm mọi cách để "dập lửa", và trong cuộc điện đàm lần thứ 43 giữa hai nguyên thủ, ông Macron đã cam kết rằng "Ukraine có thể trông cậy lâu dài về sự ủng hộ của Pháp đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Libération chỉ trích tổng thống Emmanuel Macron đã có những phát biểu gây bất bình cho Ukraine và những nước láng giềng đang bị chính sách bành trướng của Vladimir Putin đe dọa. Trong khi Kiev cần được hỗ trợ về mặt quân sự và nhân đạo để có thể giành được chiến thắng, nguyên thủ Pháp lại gợi ra viễn cảnh đàm phán. Việc này sẽ diễn ra thôi, nhưng còn do chiến trường quyết định. Nếu khó thể hình dung Putin đầu hàng hay Zelensky từ bỏ việc tái chiếm các lãnh thổ bị sáp nhập trong những tháng gần đây, một khi tiếng súng im thì nước Nga của Putin được cho là sẽ thương lượng với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, Pháp và ngay cả Châu Âu chỉ đóng vai trò hạng hai trong một cuộc chiến chỉ có người Ukraine trên tuyến đầu trước quân Nga. Tờ báo cho rằng trước khi tìm cách đóng vai trò người kiến tạo hòa bình, có một cuộc chiến mà người Ukraine cần phải chiến thắng. Putin chỉ biết đến sức mạnh. Theo số liệu của Viện Kiel, Pháp đứng thứ ba về viện trợ vũ khí và nhân đạo cho Kiev, cả trực tiếp lẫn phần đóng góp cho EU. Nhưng trong quan hệ quốc tế, lời nói nhiều khi được chú ý hơn hành động.

Bắn phá tan tành nước láng giềng, Nga sẽ phải bồi thường ?

Le Figaro cũng nói về những khó khăn trong việc ước tính những thiệt hại do cuộc xâm lăng của Nga gây ra cho Ukraine. Gần 7% diện tích nhà ở, 15% đường giao thông, 1/5 cơ sở y tế, 2.000 trường học, 188.000 chiếc xe bị hư hại hay phá hủy, quy mô phá hoại của Nga thật khủng khiếp.

Tại Kiev, một ê-kíp các nhà kinh tế và tình nguyện viên cố gắng có những ước đoán cụ thể. Họ dùng phương pháp của Ngân hàng Thế giới, tổng hợp dữ liệu từ những hình ảnh trên mạng xã hội, thông tin từ chính quyền hay các cá nhân. Đến ngày 21/10, thiệt hại trực tiếp từ tháng 2 đến tháng 9 đã là 120 tỉ euro, chưa kể gián tiếp như số việc làm bị mất. Trong cuộc họp ở Thụy Sĩ trước đó, Kiev đã trình bày một kế hoạch mười năm lên đến 750 tỉ euro. Để so sánh, ngân sách Nhà nước Ukraine năm 2021 chưa đến 40 tỉ.

Tuy nhiều nước Châu Âu kêu gọi một kế hoạch Marshall cho Ukraine, nhưng đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Trong hội nghị Berlin vào tháng Mười, con số khá khiêm tốn : 3 đến 5 tỉ euro một năm cho 2023 và 17 tỉ cho những nhu cầu cấp thiết, nhà cửa, bệnh viện, cơ sở hạ tầng điện bị phá hủy. Nhưng ai sẽ chi trả ? Kiev khẳng định đó là Moskva.

Vào đầu cuộc chiến, Ukraine đã tịch biên trên 330 triệu euro từ hai ngân hàng Nga, chuyển vào ngân sách quốc gia. Do không có đồng thuận ở tầm quốc tế, Hoa Kỳ, Canada phong tỏa tài sản các tài phiệt Nga, Liên Hiệp Châu Âu đóng băng 17,5 tỉ euro. Trong khi chờ đợi có sự phối hợp, mùa đông đã đến với thời tiết lạnh giá, cần khẩn cấp tránh một đợt di tản mới. Đã có 14 triệu người Ukraine phải ra đi, trong đó 7,8 triệu người đang ở Châu Âu.

Cú sốc Qatargate làm rung chuyển Châu Âu

Cũng tại Châu Âu, các báo đều có những nhận định về cú sốc "Qatargate" làm rung chuyển nghị trường, gây bối rối cho Hy Lạp. Tại đất nước quê hương, bà Eva Kaili, phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu đã lập tức bị trừng phạt. Bà bị khai trừ khỏi đảng xã hội Pasok-Kinal, và chủ tịch cơ quan chống rửa tiền loan báo phong tỏa "các tài khoản ngân hàng, trương mục ký gởi, các công ty và tất cả tích sản" của nữ nghị sĩ. Les Echos cho biết, hôm qua chân dung Eva Kaili chiếm mặt tiền tất cả các kiosque sách báo tại Hy Lạp sau khi bị bắt ở Bruxelles vì "tham nhũng", "rửa tiền".

Theo La Croix tại Bruxelles, thành phố được gọi là "thủ đô của vận động hành lang", hiện có đến 12.800 tổ chức đăng ký hoạt động, từ TotalEnergies cho đến Greenpeace. Vẫn thường xảy ra những trường hợp xung đột lợi ích, nhưng chưa bao giờ trắng trợn như vụ này. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tiếp tục đề nghị thành lập một cơ quan độc lập về vấn đề đạo đức tại các định chế EU. Nghị sĩ người Bỉ Philippe Lamberts, đồng chủ tịch đảng Xanh của Nghị Viện đòi hỏi quy định về minh bạch mở rộng cho cả những cuộc gặp ngoại giao tổ chức bởi một nước thứ ba. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo : "Mọi kiểm soát đều không thể ngăn trở được một va-li nhét đầy giấy bạc".

Trong khi đó Les Echos ghi nhận tại Doha, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, như không có gì phải ầm ĩ. Từ mười năm qua, rất nhiều xi-căng-đan đã xảy ra, nhưng chưa bao giờ làm thay đổi được chính sách. Theo nhà nghiên cứu Raphael Le Magoariec, Qatar không đặt nặng việc tạo hình ảnh tốt đẹp trong dư luận, mà điều mà vương quốc này tìm kiếm là ảnh hưởng – đó là bảo hiểm sinh mạng cho một Nhà nước nhỏ bé nằm lọt giữa các đại cường. Tài chánh của Qatar hầu như không giới hạn, nhờ nguồn khí đốt chiếm trên 13% dự trữ đã được xác nhận của toàn thế giới, nên "cái gì mua được thì mua", kể cả các nghị sĩ Châu Âu.

Cải cách lương hưu, Nghị Viện Châu Âu : tựa chính báo Pháp

Les Echos đặt câu hỏi "Cải cách hưu bổng : Tại sao ông Macron trì hoãn ?". Cũng về vấn đề này, Le Figaro cho rằng việc câu giờ cho thấy chính phủ đang bối rối. Libération chạy tựa "Vụ khủng bố ở Nice : Phiên tòa kết thúc, xin đừng quên chúng tôi". Bản án được tuyên hôm nay, các nạn nhân kể lại với tờ báo những tình cảm trái ngược trong ba tháng theo dõi phiên tòa về tội ác man rợ này, trong phòng xử vắng bóng người tham dự. Le Monde dành tít lớn cho "Liên Hiệp Châu Âu : Nghị Viện trước nghi vấn tham nhũng", với La Croix là "Một xì-căng-đan Châu Âu".

Thụy My 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 328 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)