Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/01/2023

Ấn Độ - Thái Bình Dương : Hoa Kỳ không để cho Trung Quốc xí phần

RFI tổng hợp

An ninh – quân sự : Thỏa thuận khung giữa Mỹ và hai quần đảo tại Thái Bình Dương

Thanh Hà, RFI, 14/01/2023

Hãng tin Mỹ AP ngày 14/01/2023 tiết lộ, Mỹ và quần đảo Marshall, Palau trong tuần đã ký kết một thỏa thuận khung mở rộng quan hệ giữa Washington và khu vực này trong vùng Thái Bình Dương trong hai thập niên sắp tới. Đẩy mạnh an ninh và quân sự để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực là một trong những mục tiêu của Washington.

pacific1

Một góc quần đảo Palau, Thái Bình Dương. AP - Itsuo Inouye

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với nhiều quốc đảo trong vùng Thái Bình Dương trên nhiều phương diện, từ kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Đầu tuần, tại thành phố Los Angeles, Washington đã ký kết hai thỏa thuận khung. Đây là cơ sở mở đường cho việc các bên nhanh chóng đạt được những hiệp định toàn diện hơn. Trong đó bao gồm cả việc quần đảo Marshall và Palau hợp tác với Hoa Kỳ về mặt quân sự và an ninh. Đổi lại Mỹ sẽ hỗ trợ đáng kể hai đối tác này về mặt kinh tế. 

Theo giới quan sát đây là một cột mốc quan trọng nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Một thỏa thuận thứ ba với Micronesia sẽ được hoàn tất trong thời gian sắp tới. Một số quan chức tại Washington tin rằng thủ tục với cả ba đối tác của Mỹ trong vùng sẽ được đúc kết vào mùa xuân năm nay.

Đặc phái viên của tổng thống Biden trong khu vực ông Joe Yun được AP trích dẫn, không nêu đích danh "mối đe dọa Trung Quốc, nhưng chắc chắn đây là một yếu tố" thúc đẩy Hoa Kỳ thắt chặt quan hệ với các đối tác ở Thái Bình Dương. 

Sau cùng chính quyền Biden đặc biệt quan tâm đến hai quần đảo Marshall và Palau do "Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng với hai đối tác này" trong lúc đây là hai quốc đảo vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và cả hai đang bị Bắc Kinh gây sức ép để đoạn tuyệt bang giao với Đài Bắc. Từ năm 2019, đảo Kiribati và quần đảo Salomon không còn duy trì quan hệ với Đài Loan và Trung Quốc đã ký một hiệp định an ninh với quần đảo Salomon.

Thanh Hà

****************************

Châu Á - Thái Bình Dương : Mỹ đặt nền móng cho liên minh cạnh tranh với Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 10/09/2022

Sau hai ngày đàm phán, ngày 09/09/2022, tại Los Angeles, Mỹ đã đặt được nền móng cho liên minh với 13 nước Châu Á - Thái Bình Dương trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương - IPEF. Các nước tham gia đã đưa ra tuyên bố chung cam kết hợp tác trong bốn lĩnh vực : Thương mại (gồm cả kinh tế số), chuỗi cung ứng, năng lượng xanh và chống tham nhũng.

pacific2

Một cảng biển bốc dỡ hàng hóa ở Bangkok, Thái Lan, ngày 15/10/2021. AP - Sakchai Lalit

Văn bản mà 14 nước thông qua được coi là "lộ trình cho các cuộc đàm phán tương lai", theo bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo. Bà cũng khẳng định thỏa thuận "sẽ tạo nhiều việc làm ở Mỹ cũng như ở các nước khác trong IPEF", trong đó có Việt Nam. 

Theo AFP, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương được tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng tháng 05/2022 với hy vọng tái lập trụ cột kinh tế trong chiến lược của ông về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và cũng nhằm làm đối trọng với sáng kiến Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực -  RCEP của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không tin vào khả năng thực thi của IPEF, vì các điều khoản liên quan đến giảm thuế, hoặc tạo điều kiện thâm nhập thị trường Mỹ đã bị loại khỏi thỏa thuận. Sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, người kế nhiệm là ông Joe Biden cũng không đưa Mỹ trở lại hiệp định, do công luận trong nước vẫn lo ngại về nguy cơ việc làm tại Mỹ bị đe dọa.

Ngược lại, dù vẫn mang tính biểu tượng, sáng kiến dường như được giới doanh nhân Mỹ ủng hộ, vì "nếu Mỹ vắng mặt ở trong vùng, thì đó sẽ là một nguy cơ, do Trung Quốc vẫn hỗ trợ (cho những nước trong vùng) về cơ sở hạ tầng".

Thu Hằng

**************************

Mỹ và Úc nỗ lực chống các sáng kiến của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương

Minh Anh, RFI, 18/06/2022

Nam Thái Bình Dương đang dần trở thành một mặt trận cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Tân ngoại trưởng Úc Penny Wong, hôm 17/06/2022, đã đến thăm quần đảo Salomon, trong khi Mỹ và quần đảo Marshall khởi động vòng đàm phán triển hạn một thỏa thuận an ninh và kinh tế.

pacific3

Ngoại trưởng Úc Penny Wong trong cuộc gặp với thủ tướng Quần đảo Salomon Manasseh Sogavare (P) tại Honiara ngày 17/06/2022. AFP – Julia Whitwell

Tại thủ đô Honiara, sau cuộc gặp thủ tướng Manassah Sogavare, tân ngoại trưởng Úc Penny Wong cam kết rằng các đảo quốc Nam Thái Bình Dương sẽ không phải dựa vào bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài để phòng vệ. Theo bà, "gia đình Thái Bình Dương thừa khả năng cung cấp an ninh (…) và Úc luôn nghĩ rằng gia đình Thái Bình Dương phải có trách nhiệm về an ninh của mình".

Trước mối lo của Úc về khả năng có căn cứ quân sự Trung Quốc trên đảo, thủ tướng Sogavare trấn an rằng "sẽ không có căn cứ quân sự cũng như không có căn cứ quân sự thường trực trên quần đảo Salomon", chỉ cách nước Úc chưa đầy 2.000km.

Penny Wong còn nhấn mạnh đến một sự hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Chính phủ Úc cam kết gia tăng các nỗ lực để đạt các mục tiêu giảm phát thải khí CO2 từ đây đến năm 2030, khi nhìn nhận là hiện tượng biến đối khí hậu đặc biệt ảnh hưởng nặng đến các đảo quốc Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Hoa Kỳ và quần đảo Marshall trong tuần đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên nhằm đạt được một thỏa thuận an ninh – kinh tế vào cuối tháng 9/2022. AFP cho biết, trên thực tế giữa Washington và Majuro đã có một thỏa thuận tài trợ 20 năm, sắp hết hạn vào cuối năm 2023.

Với chỉ có 60.000 dân, 40% ngân sách của đảo quốc có chủ quyền này lại phụ thuộc vào Mỹ. Đổi lại, Hoa Kỳ có thể thiết lập các cơ sở quân sự quan trọng về mặt chiến lược – từ các bệ phóng tên lửa cho đến các cơ sở hải quân. Các thỏa thuận tương tự cũng sẽ được gia hạn với Liên bang Micronesia và Palau.

Đổi lại, chính quyền quần đảo Marshall mong muốn Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề về hệ thống tên lửa Kwajalein và nhiều cơ sở khác. Các vụ thử hạt nhân đã làm cho một số đảo san hô có mức độ phóng xạ cao, gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân. Majuro cũng muốn Washington đưa ra các biện pháp thích ứng để đối phó với biến đối khí hậu.

Theo nhận định chung của AFP, các động thái này của Úc và Mỹ là nhằm tìm cách ngăn cản các sáng kiến của Trung Quốc trong khu vực. Hồi tháng 4/2022, quần đảo Salomon đã ký kết một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh khiến Washington và các đồng minh lo lắng.

Thời gian gần đây, Trung Quốc và Úc đua nhau ve vãn các nước Nam Thái Bình Dương. Tân thủ tướng Úc ngay khi vừa nhậm chức hồi cuối tháng 5/2022, Penny Wong đã đến thăm Nhật Bản, quần đảo Fidji, Samoa và New Zealand.

Cùng lúc ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thực hiện một vòng công du trong khu vực để xúc tiến một dự án thỏa thuận rộng lớn về an ninh và kinh tế khu vực do Bắc Kinh đề xướng, nhưng đã bị đại diện 10 nước Nam Thái Bình Dương bác bỏ ngày 30/05/2022.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thu Hằng, Minh Anh
Read 319 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)