Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/01/2023

Điểm báo Pháp – Trung Quốc : dân số giảm mạnh và lão hóa

RFI tiếng Việt

Dân số giảm mạnh và lão hóa, tương lai màu xám cho Trung Quốc

Chủ đề dân số Trung Quốc là một trong những tựa trên Trang nhất báo Le Monde hôm 24/01/2023. Xưa nay toàn hứa hẹn một tương lai huy hoàng, công bố những con số thống kê có lợi cho chế độ, Đảng cộng sản Trung Quốc hoàn toàn im lặng trước tình trạng lão hóa và nguy cơ dân số giảm mất phân nửa vào cuối thế kỷ. Từ nay bị nhiều nước phương Tây coi là đối thủ, Bắc Kinh phải cùng lúc đối mặt với những thách thức địa chính trị, kinh tế xã hội.

laohoa1

Những người lớn trong gia đình đi dạo cùng em bé trong một công viên ở Bắc Kinh ngày 17/01/2023. AP - Mark Schiefelbein

Chiến xa Leopard 2 xuất khẩu mạnh, nay Đức thành "nạn nhân"

Liên quan đến Ukraine, Les Echos giải thích "Giao xe tăng cho Kiev : Tại sao Đức vẫn do dự ?". Trước áp lực ngày càng lớn, dường như thủ tướng Olaf Scholz sắp sửa chấp thuận. Câu hỏi không phải là có hay không mà "chừng nào" Berlin bật đèn xanh. Cùng với thời gian, sức ép không ngừng đè nặng lên vai thủ tướng Đức ; không chỉ từ các đồng minh Châu Âu mà cả các đối tác trong liên minh cầm quyền. Đảng Xanh và đảng Tự Do ngày càng chỉ trích sự chần chừ của ông Olaf Scholz và phe chủ hòa cánh tả.

Tối Chủ nhật 22/01, ngoại trưởng Annalena Baerbock (đảng Xanh) còn khẳng định trên LCI là Berlin sẽ không phản đối nếu những nước thứ ba như Ba Lan đề nghị. Đến thứ Hai bà rút lại lời nói, chỉ nhấn mạnh việc hỗ trợ Ukraine. Nhưng thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố sẽ gởi yêu cầu, đồng thời đe dọa dù Đức không đồng ý vẫn sẽ chuyển giao các xe Leopard, cùng với các đối tác khác.

Đức là nạn nhân của thành công thương mại từ chiến xa của mình : ngược với xe tăng Leclerc của Pháp hầu như chưa bao giờ xuất khẩu, Leopard 2 có mặt ở khắp Châu Âu với gần 2.000 chiếc. Ukraine cần 300 xe tăng hạng nặng, nhưng muốn giao cho Kiev phải có sự chấp thuận của Berlin. Nhà chính trị học Andrea Römmele, giáo sư Hertie School phê phán : "Đức nói về một quyết định tập thể, nhưng lại hành động một mình với thái độ chờ thời. Olaf Scholz hứa hẹn một vai trò lãnh đạo nhưng lại vắng bóng".

Lý do khiến Berlin mãi chần chừ

Tuy vậy ông Wolfgang Hellmich, phát ngôn viên đảng Dân chủ Xã hội của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội nói với Les Echos, những câu hỏi thiết thực được đặt ra và một nghiên cứu sẽ được giao cho văn phòng ông Olaf Scholz vào cuối tuần để trả lời. Như vậy tuần tới sẽ có thỏa thuận. Ông nhấn mạnh : "Đó không chỉ là để biết có bao nhiêu chiếc Leopard 2 và ở đâu, mà cũng để đáp ứng mọi điều kiện hậu cần để các xe thiết giáp này có thể hoạt động được. Hiện thời Ukraine cần phòng không để bảo vệ dân chúng và cơ sở hạ tầng, thế nên chúng tôi cung cấp 30 hệ thống phòng không Gepard, còn Iris-T thì đã chuyển giao".

Bên cạnh sự hữu ích của việc giao Leopard 2, bản phúc trình còn giúp thủ tướng ước lượng nguy cơ chiến tranh leo thang từ động thái này. Dưới mắt công chúng Đức, đây là mối đe dọa thực sự, thế nên ông Scholz và đảng của ông càng thận trọng. Theo một thăm dò của Infratest-Dimap vào đầu tháng, 41% số người được hỏi cho rằng mức độ viện trợ quân sự hiện nay cho Ukraine là tốt, 26% coi là quá nhiều. Nghiên cứu cũng xem xét việc chi viện này có ảnh hưởng đến quốc phòng hay không.

Đó là ba điều kiện tiên quyết mà Olaf Scholz cùng chia sẻ với Pháp, tổng thống Emmanuel Macron cũng đã nêu ra. Nhưng cách làm truyền thông thảm hại của thủ tướng Đức đã khiến Leopard 2 được coi như là giải pháp cho toàn bộ những vấn đề của Ukraine.

Nga-Châu Âu : Đổi thiết bị giàn phóng lấy vệ tinh

Cũng liên quan đến Nga, Le Figaro cho biết về vụ trao đổi các thiết bị giàn phóng Nga ở Guyane để lấy các vệ tinh đang bị giữ ở Baikonour, Kazakhstan. Câu chuyện bắt đầu với cuộc xâm lăng Ukraine hôm 24/02, khiến Châu Âu chuẩn bị áp đặt loạt trừng phạt đầu tiên lên Nga.

Tại Baikonour, 36 vệ tinh OneWeb được phi cơ vận tải khổng lồ Antonov vận chuyển sang hôm 15/02 đang chuẩn bị đưa vào phi thuyền Soyouz, dự kiến phóng đi khuya 04/03 rạng 05/03. Nhưng cơ quan hàng không không gian Nga Roscosmos đòi hỏi phải bảo đảm không sử dụng cho mục đích quân sự - một đề nghị không thể chấp nhận đối với Luân Đôn. Roscosmos bèn tịch thu cả 36 vệ tinh này, và Moskva ngưng tất cả chương trình hợp tác về không gian với phương Tây cho đến nay, ngoại trừ Trạm vũ trụ quốc tế.

Tại Guyane, lãnh thổ hải ngoại của Pháp, Soyouz không thể tiếp tục hoạt động, ngay cả khi chiến tranh với Ukraine kết thúc. Bệ phóng và các thiết trí dành riêng cho phi thuyền Soyouz trị giá 340 triệu euro do Châu Âu xây dựng sẽ được thu hồi. Tân giám đốc Roscosmos mới đây đã nối lại những tiếp xúc, và đôi bên đang thương lượng. Châu Âu có thể trả lại các bộ phận tương đương với 2,5 hỏa tiễn Soyouz - bị ê-kíp Roscosmos bỏ lại ở Guyane vì phải vội vã về nước theo lệnh của Kremlin - để đối lấy số vệ tinh OneWeb tại Baikonour.

Russia Today, vũ khí tuyên truyền của Moskva thời chiến

Trên mặt trận thông tin, sau khi Paris phong tỏa tài khoản của RT (Russia Today trước đây), điện Kremlin cảnh báo sẽ trả đũa đối với truyền thông Pháp. Xã luận của Libération cho rằng "Cấm Russia Today, là cấm một vũ khí trong chiến trận". Các "tổ chức truyền thông" Nga như Russia Today và Sputnik không phải là cơ quan báo chí, công việc của họ không phải là làm báo, mà ngược lại nhằm tung hỏa mù. Sự kiện thực tế bị đẩy xuống hàng thứ yếu, đứng sau lợi ích quốc gia, với nhiệm vụ quảng bá quan điểm chính thức của Kremlin. Thời sự được chọn lựa – nếu không phải là sáng tác ra – theo các tiêu chí không hề mang tính báo chí. Việc cấm phát RT trong lúc Nga đang tham chiến là hợp lý.

Lần đầu tiên dân số giảm từ 60 năm, Bắc Kinh vẫn im lặng

Nhìn sang Châu Á, Le Monde chạy tựa "Một Trung Quốc ít dân hơn và già đi". Ở các trang trong, tờ báo nói về "Những thách thức của một Trung Quốc bị lão hóa". Từ gần một tuần qua, sự im lặng của chính quyền Bắc Kinh về dân số sụt giảm lần đầu tiên từ 6 thập niên (sớm hơn dự báo 9 năm) thật đáng kinh ngạc.

Thứ Ba 17/01, nhờ một cuộc họp báo về tăng trưởng kinh tế trong quý 4/2022 mà các quan chức Tổng cục Thống kê đã tiết lộ dân số Trung Quốc giảm 850.000 người trong năm 2022, từ 1,413 tỉ còn 1,412 tỉ do số sinh thấp. Nhưng nhà nghiên cứu Bành Tú Kiến (Xiujian Peng) của đại học Victoria (Úc) lưu ý, trên thực tế dân số Trung Quốc giảm mạnh hơn nhiều vì số liệu trên đây từ ngày 30/11/2022, chưa tính đến làn sóng tử vong vì Covid trong tháng 12. Những chuyên gia khác còn khẳng định hiện tượng này đã bắt đầu từ nhiều năm qua.

Tuy chủ đề này được dân Hoa lục chú ý, bàn bạc nhiều trên mạng xã hội, nhưng lại khiến chính quyền bối rối. Hôm 17/01, không có một lời nào trong chương trình tin tức truyền hình lúc 21 giờ, Nhân dân Nhật báo ra hôm sau cũng lờ đi. Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ tháng Tư, Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân thứ nhì thế giới, nhường lại ngôi đầu cho đối thủ Ấn Độ - nỗi đau cho phe dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa.

Nguy cơ dân Trung Quốc chỉ còn phân nửa vào cuối thế kỷ

Chấm dứt chính sách một con từ 2015, kể từ 2021 chính quyền thậm chí còn khuyến khích sinh thêm con thứ ba. Nhưng hầu hết các nhà chuyên môn đều ngạc nhiên khi tỉ lệ 1,66 con/phụ nữ trong những năm "mỗi gia đình chỉ có một con" lại không ngừng giảm xuống, đến năm 2022 chỉ còn 1,08 - quá thấp so với tỉ lệ 2,1 cần thiết để "đổi mới thế hệ". Vấn đề mà thống kê không nói đến : khi một cặp vợ chồng có con thứ hai có nghĩa là con đầu lòng "chẳng may" là con gái, trong khi người Hoa muốn có con trai nối dõi bằng mọi giá. Trung Quốc là quốc gia có tỉ lệ nam nữ chênh lệch nhất, cứ 104 nam mới có 100 nữ, nhiều thanh niên nông thôn không thể kiếm được vợ.

China Daily, nhật báo tiếng Anh của đảng cộng sản, tuy không đăng xã luận về dân số giảm, nhưng đưa ý kiến của ba chuyên gia hôm 17/01. Hai trong số đó là Nguyên Tân (Yuan Xin) đại học Nankai và Lý Giai (Li Jia), Pangoal Institution ; quy cho đại dịch khiến cuộc sống căng thẳng và cho rằng hiện tượng này không kéo dài. Chỉ có Lục Kiệt Hoa (Lu Jiehua), nhà dân số học của đại học Bắc Kinh là dám tỏ ra bi quan. Ông cho rằng cần phải chuẩn bị, thay đổi cách suy nghĩ và mô hình phát triển trước xu hướng dân số sụt giảm.

Hoàn Cầu Thời Báo trấn an, không có gì phải sợ hãi, thị trường Trung Quốc vẫn khổng lồ. Nhưng cũng theo Liên Hiệp Quốc, vào cuối thế kỷ này dân Trung Quốc chỉ còn 788 triệu, kể cả nếu tỉ lệ sinh đẻ là 1,5 trẻ em cho một phụ nữ. Còn nếu tỉ lệ này là 1,1, đến năm 2100 Hoa lục chỉ còn 587 triệu dân.

Chưa kịp giàu đã già

Trung Quốc sẽ "già đi trước khi giàu lên" ? Điều đáng ngạc nhiên là quốc gia xuất bản Sách Trắng về vô số chủ đề, lại không quan tâm đến vấn đề này trong những năm gần đây. Cuối 2019, Gu Baoshang, nhà dân số học của đại học Bắc Kinh bày tỏ lo ngại là Trung Quốc trước những thành công kinh tế, nghĩ rằng có thể giải quyết tất cả. Phải chăng Trung Quốc sẽ cần đến người nhập cư ? Đây là điều cấm kỵ mà không ai dám bàn đến.

Từ năm 2021, hai giáo sư Mỹ Hal Brands và Michael Beckley trong bài viết trên Foreign Policy mang tên "Trung Quốc là cường quốc đang suy tàn" ước tính : "Từ 2020 đến 2050, Trung Quốc sẽ mất 200 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng có thêm 200 triệu người cao tuổi. Hậu quả kinh tế và thuế khóa sẽ vô cùng tai hại, chẳng hạn chi phí y tế xã hội sẽ tăng gấp ba lần".

Hiện cả nước Trung Quốc có 800.000 người ngoại quốc, chỉ bằng phân nửa so với Paris và vùng phụ cận. Nên chăng có chính sách nhập cư chọn lọc ? Để dễ hình dung về số 200 triệu người lao động mất đi, nhà Trung Quốc học Isabelle Attané đưa ra một ví dụ, cần phải đưa toàn bộ dân số hoạt động ở Indonesia cộng với Việt Nam sang mới bù đắp nổi.

Làm thế nào vượt lên khi dân lão hóa, lãnh đạo già nua ?

Le Monde cho rằng chối từ thực tế - sẽ mất đi phân nửa số dân vào cuối thế kỷ này - "không giúp ích gì cho Trung Quốc". Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng đều có dân số sút giảm, nhưng chỉ riêng tại Hoa lục đề tài này không được đưa ra tranh luận, bị chính quyền làm ngơ.

"Giấc mơ Trung Hoa" ngày càng ít có khả năng trở thành hiện thực. Thời gian càng trôi qua, Trung Quốc càng khó có những sáng tạo. Không chỉ vì lớp trẻ ngày càng ít, mà còn vì chi tiêu cho một xã hội già nua tăng lên. Tuy dân số giảm không phải là thảm họa, nhưng các chính phủ buộc phải có những chọn lựa khó khăn như kéo dài tuổi lao động hay nhận người nhập cư.

Trong khi đó Bắc Kinh không hề chuẩn bị. Chỉ toàn hứa hẹn một tương lai huy hoàng, công bố những con số thống kê có lợi cho chế độ, Đảng cộng sản Trung Quốc đã quen dối trá với người dân. Kể từ khi Tập Cận Bình lên ngôi năm 2012, tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm, và đến 2022 còn thấp hơn các láng giềng Đông Nam Á.

Từ nay bị nhiều nước phương Tây coi là đối thủ, Trung Quốc phải cùng lúc đối mặt với những thách thức địa chính trị, mất cân bằng kinh tế và những vấn đề xã hội lớn lao. Đó không phải là tin vui cho đất nước được những người ở tuổi thất thập lãnh đạo và còn muốn tại vị thêm mươi, mười lăm năm nữa.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 290 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)