Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Quốc, viễn cảnh hàn gắn quan hệ còn xa vời
Thanh Hà, RFI, 03/02/2023
Sự cố khinh khí cầu Trung Quốc dọ thám Hoa Kỳ là "viên sỏi trong chiếc giày" của ngoại trưởng Antony Blinken vào lúc ông chuẩn bị lên đường sang Bắc Kinh. Từ 2018, lãnh đạo ngoại giao Mỹ mới trở lại Hoa Lục và đây là một dấu hiệu tan băng từ sau đối thoại giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không kỳ vọng nhiều về viễn cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới "hàn gắn" quan hệ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 09/07/2022. Reuters - Pool
Theo chương trình nghị sự trong hai ngày công du Trung Quốc, 5-6/02/2023 ngoại trưởng Antony Blinken và đồng cấp Tần Cương (Qin Gang) sẽ có một loạt các cuộc trao đổi và không loại trừ khả năng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ.
Nhưng làm thế nào để sưởi ấm quan hệ song phương khi mà Hoa Kỳ không ngừng siết chặt gọng kềm quanh các công ty Trung Quốc về công nghệ và trong chiều ngược lại, thì Bắc Kinh không bỏ lỡ cơ hội để giúp Nga, giúp Iran lách lệnh trừng phạt của Mỹ ban hành ? Làm thế nào để hy vọng đôi bên cải thiện bang giao khi mà chính quyền Biden trực tiếp lên án các công ty Trung Quốc hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga và ngược lại thì Bắc Kinh mạnh mẽ khẳng định tình bạn "vô bờ bến" với Moskva ? Liên quan đến tình hình trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, trước ngày ngoại trưởng Blinken đến Bắc Kinh, chính quyền Mỹ đặt thêm tiền đồn ở Philippines, khống chế tham vọng của Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh gia tăng áp lực với các chương trình diễn tập quân sự ở eo biển Đài Loan…
Tất cả những yếu tố đó khiến giới chuyên gia đồng loạt đánh giá : mục tiêu chuyến công tác của ngoại trưởng Antony Blinken lần này chủ yếu mang tính tượng trưng. Đôi bên muốn chứng tỏ "chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc kinh tế của thế giới đã bước vào thời kỳ tan băng" như chuyên gia Jude Blanchette, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS ghi nhận. Còn truyền thông Bắc Kinh cho rằng, Mỹ -Trung "cần đẩy mạnh hợp tác vì lợi ích chung của thế giới".
Nhưng đằng sau thiện chí hòa hoãn đó, hiềm khích vẫn nguyên vẹn. Drew Thompson, đại học Lý Quang Diệu tại Singapore được hãng tin Mỹ Bloomberg trích dẫn đánh giá : trước mắt cả Bắc Kinh lẫn Washington cùng không tỏ dấu hiệu "sẵn sàng thỏa thuận" với đối phương. John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thừa nhận cả đôi bên cùng "khiêm tốn", không chờ đợi quá nhiều đạt được những kết quả cụ thể về chuyến đi này.
Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh vào thời điểm Trung Quốc vừa mở cửa lại với thế giới, chấm dứt 3 năm chiến sách zero Covid và kinh tế nước này đang bị chựng lại do vậy, theo Bloomberg, Bắc Kinh cần bắn đi một tín hiệu rằng bang giao với Hoa Kỳ đã được cải thiện và đây là những bước đầu tiên báo trước môi trường làm ăn sẽ được thuận lợi hơn. Một nhà quan sát Trung Quốc được hãng tin Mỹ trích dẫn giải thích : chỉ cần hình ảnh ngoại trưởng hai nước bắt tay nhau trên lãnh thổ Trung Quốc là cũng đủ để "làm hạ nhiệt" tình hình.
Nhưng đấy chỉ là vỏ bọc bề ngoài. Về thực chất, Washington vẫn coi Bắc Kinh là một thách thức chiến lược. Đối với phía Trung Quốc cũng vậy. Những bất đồng cơ bản từng gây nên sóng gió trong bang giao Mỹ-Trung, từ kinh tế đến địa chính trị, an ninh... vẫn còn đó.
Có thể là Bắc Kinh chỉ muốn yên tâm hơn một chút về chính sách đối ngoại để rảnh tay hơn một chút "tập trung vào những vấn đề đối nội" như ghi nhận của ông Ryan Hass, một cựu quan chức ngoại giao của Nhà Trắng dưới thời tổng thống Barack Obama.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 03/02/2023
****************************
Đối tác "vô bờ bến" Nga-Trung, mối đe dọa lớn cho Mỹ và đồng minh ?
Minh Anh, RFI, 02/02/2023
Cách nay một năm, ngày 04/02/2022, nguyên thủ hai nước Nga và Trung Quốc tuyên bố : "Mối quan hệ đối tác giữa hai nước là vô bờ bến". Nhưng theo giới quan sát phương Tây, cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga tiến hành cho thấy mối quan hệ đối tác này là "có giới hạn" và là một mối đe dọa lớn cho Mỹ và các đồng minh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh,Trung Quốc, ngày 04/02/2022 via Reuters - Sputnik
"Liệu "liên minh" Nga – Trung có làm gia tăng mối nguy hiểm, hay đó là một mối quan hệ đối tác có giới hạn ?" Đây là câu hỏi mà hai nhà nghiên cứu, tiến sĩ Andrew Scobell, chuyên gia về quan hệ Trung – Mỹ và tiến sĩ Niklas Swanström, Viện trưởng Viện Chính sách An ninh và Phát triển (ISPD), chuyên về Đông Bắc Á, tìm cách giải mã trên trang mạng Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (USIP).
Nga, Trung và sự lệ thuộc quá mức của Châu Âu
Hai tác giả trước hết nhắc lại bản Chiến lược An ninh Quốc gia 2022 của Mỹ công bố gần đây nhận định Trung Quốc và Nga "ngày càng liên kết với nhau, nhưng những thách thức mà hai nước này đặt ra, trong nhiều khía cạnh quan trọng, là khác biệt". Những thách thức này được cảm nhận trên khắp thế giới, nhất là ở Châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, điều hiếm khi được nhận thấy là thời điểm và cách thức Bắc Kinh và Moskva phối hợp hoặc hợp tác. Và điều này là có ý nghĩa quan trọng cho Hoa Kỳ, cũng như các đồng minh, đối tác của Mỹ.
Cũng theo hai nhà nghiên cứu này, quan điểm đồng thuận ở Mỹ hiện nay là Trung Quốc cấu thành đối thủ nghiêm trọng, trong khi Nga đặt ra một mối đe dọa phiền toái đáng kể khi nước này đang trải qua một sự suy tàn về chính trị và kinh tế, tạo ra khuynh hướng sử dụng vũ lực xung quanh khu vực ngoại vi của mình trong những năm gần đây.
Thậm chí, một nhóm nhà nghiên cứu năm 2017 từng viết rằng "Nga là một nước bất hảo, không ngang vai ngang vế ; Trung Quốc "ngang cơ" nhưng không bất hảo". Đánh giá này được đưa ra trước khi có cuộc chiến xâm lược Ukraine của tổng thống Vladimir Putin, nhưng hành động gây hấn đó còn củng cố thêm hình ảnh Nga là một cường quốc "côn đồ".
Một quan điểm phổ biến khác cho rằng Moskva là một đối thủ trực diện hơn, trong khi Bắc Kinh là một đe dọa mới nổi ở chân trời xa. Một quan chức Mỹ năm 2019 từng ví von : "Nga như là một cơn bão, tràn đến dữ dội, nhưng đi qua nhanh chóng. Còn Trung Quốc giống như biến đổi khí hậu : từ từ, chậm rãi nhưng lan rộng".
Nhưng cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ còn làm lộ rõ thế yếu của Châu Âu, đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng song song đến từ Bắc Kinh và Moskva : Sự phụ thuộc quá mức nhưng theo nhiều cách biểu hiện khác nhau. Nếu như một số nước Châu Âu phụ thuộc quá lớn vào năng lượng Nga, thì phần lớn các quốc gia tại Châu lục này lệ thuộc nặng nề vào thương mại và đầu tư với Trung Quốc.
Quan hệ Nga – Trung : Đối tác, đồng minh hay "vì lợi" ?
Từ tòa n cảnh này, hai tác giả cho rằng cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine đang cung cấp một số thông tin quý giá để hiểu rõ hơn sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Nếu như một số nhà quan sát khẳng định trục Nga – Trung đang tạo thành một liên minh quân sự tòa n diện, thì số khác cho rằng mối quan hệ này không hơn gì là "một trục vì lợi".
Đồng minh thực sự thì phải hỗ trợ lẫn nhau trong thời chiến. Tuy nhiên, sau gần một năm xung đột, Moskva không nhận được bất kỳ hỗ trợ vũ khí nào từ "đồng minh" Bắc Kinh, ngoài các loại drone từ Tehran và đạn dược của Bình Nhưỡng. Thế nên, quan hệ đối tác chiến lược "vô bờ bến" giữa Nga và Trung Quốc thật sự là có giới hạn.
Sự hạn chế này, theo quan điểm của chuyên gia Bobo Lo, Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), trong một cuộc tham luận gần đây, đó là vì Nga và Trung Quốc không có cùng lợi ích. Xung đột tại Ukraine phơi bày đối tác Nga – Trung chỉ là một mối quan hệ siêu cường không tình cảm. Và mối quan hệ này được dựa trên những tính toán chiến lược hơn điều được gọi là "tư duy ý thức hệ".
Chuyên gia Bobo Lo giải thích : "Cuộc chiến cho thấy rõ Trung Quốc và Nga là những tác nhân tự chủ chiến lược. Họ không đi ngược với sự khôn ngoan thông thường, hoạt động như một dạng lực lượng phối hợp nào đó trong chính trị quốc tế, có lẽ ngoại trừ trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Và trên thực tế, sự ảnh hưởng lẫn nhau là rất hạn chế.
Chiến tranh cũng cho thấy là Trung Quốc và Nga có những thái độ khác nhau về cơ bản đối với trật tự tòa n cầu. Trung Quốc nhắm mục đích khai thác hệ thống quốc tế, còn Nga là muốn phá hủy. Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại. Còn Nga là cái mà tôi gọi là một cường quốc "thiếu dưỡng khí".
Trung Quốc có quyền lợi nhất định trong một trật tự, mặc dù trật tự đó có lợi cho Trung Quốc và ảnh hưởng của phương Tây cũng giảm đi tương ứng. Nhưng Trung Quốc vẫn có một lợi ích cơ bản trong một trật tự. Còn lợi ích của Nga nằm ở tình trạng rối loạn tòa n cầu, bởi vì tình trạng vô chính phủ trên thực tế là ở mức độ lớn".
Quả thật cho đến hiện nay, giữa Nga và Trung Quốc vẫn chưa hình thành một liên minh quân sự nào giống như mô hình của phương Tây. Nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, Sergey Radchenko, trường đại học Hopskin, ghi nhận bài học kinh nghiệm về liên minh quân sự Trung – Xô trong những 1950 vẫn còn giá trị đến ngày nay. Liên Xô thời đó, vì muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Ấn Độ, đã tuyên bố "trung lập" trong cuộc xung đột Ấn – Trung năm 1959.
Cử chỉ này của Moskva đã bị Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ, lên án là "kẻ phản bội". Do vậy, theo quan điểm của Radchenko, "Trung Quốc và Nga thích một kiểu tự do hành động, tự chủ chiến lược", và hợp tác quân sự chỉ gói gọn trong các chương trình tập trận chung giữa hai nước.
Trung Quốc : "Đối tác thầm lặng" của Nga
Tuy không kề vai sát cánh với Nga trên chiến trường Ukraine, Trung Quốc vẫn âm thầm tài trợ cho cuộc chiến ông Putin thông qua các hoạt động thương mại, bằng cách mở rộng liên tục hay khai thác những lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt. Những kém cỏi trong tác chiến và thiếu năng lực chiến thuật của quân đội Nga, cũng như sự kháng cự kiên cường của Ukraine không khiến Tập Cận Bình phải cắt đứt quan hệ "hữu nghị" với ông Putin.
Không công khai ủng hộ Nga, thậm chí không ngần ngại lên án hành động gây hấn của Moskva, nhưng Bắc Kinh cũng mạnh mẽ chỉ trích Mỹ và NATO là nguồn cội của xung đột. Trung Quốc một mặt hối thúc Hoa Kỳ, NATO và Châu Âu giúp đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moskva, nhưng mặt khác lại từ chối làm trung gian hòa giải.
Trên thực tế, thái độ "hai mặt" này của Bắc Kinh là nhằm duy trì vị thế "đối tác thầm lặng" của Moskva, với ý định làm chậm lại hoặc thậm chí ngăn chặn xung đột theo các điều khoản có lợi cho Nga. Nếu như mong muốn sớm chấm dứt xung đột là gần như chắc chắn, thì Trung Quốc thích có một kết quả bảo tồn càng nhiều càng tốt ảnh hưởng địa chính trị và vị thế cường quốc của Nga.
Đó là bởi vì Trung Quốc sẽ không được lợi gì nếu Putin thất bại và phải rời quyền lực, theo như phân tích của nhà nghiên cứu Angela Stent, Trung tâm nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu, trường đại học Georgetown University, trong cuộc tham luận của CEPA :
"Điều duy nhất, và đó có thể là một lá bài joker, cũng như là rất khó hình dung ra vào lúc này, đó là nếu có một lãnh đạo mới lên cầm quyền ở Nga, liệu người đó có sẽ cân nhắc lại xem Nga có nên đặt hết trứng vào trong chiếc rổ Trung Quốc hay không, có nên vứt bỏ 300 năm quan hệ với Châu Âu hay không và tập trung hòa n tòa n vào Châu Á ? Và người đó có suy nghĩ lại rằng Nga nên cố gắng cải thiện quan hệ với Châu Âu, với Mỹ ?
Điều này, tất nhiên, có thể báo hiệu một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ. Đây là lý do tại sao theo quan điểm của Trung Quốc, Nga không thể thua trong cuộc chiến này. Họ không muốn một nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền có thể đánh giá lại những điểm trên. Vì vậy, đó là trường hợp duy nhất mà mọi thứ thực sự có thể thay đổi".
Từ tòa n cảnh này, phần đông giới quan sát đều có cùng nhận xét : mối quan hệ hiện nay giữa Nga và Trung Quốc có xu hướng giống như một sự phối hợp. Tập Cận Bình có thể đánh giá là Putin đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi tiến hành xâm lược Ukraine, làm lộ rõ vị thế của Nga như là một cường quốc đang suy tàn. Nhưng có nhiều khả năng Tập Cận Bình vẫn sẽ tìm cách hỗ trợ hơn là bỏ rơi Putin.
Trung Quốc không có lựa chọn nào tốt hơn cho đối tác chiến lược đáng tin cậy có cùng chí hướng, có sức mạnh, để cân bằng quyền lực với Mỹ. Thứ Sáu 27/01/2023, tướng không quân Mỹ Mike Minihan, trong tài liệu nội bộ khẳng định : "Tôi mong là tôi bị nhầm, nhưng trực giác nói với tôi rằng chúng ta sẽ có đánh nhau vào năm 2025".
Trong bối cảnh này, có một câu hỏi cần đặt ra : Nếu Nga thắng tại Ukraine thì sao ? Nhà nghiên cứu Bobo Lo vẽ ra một viễn cảnh không mấy gì tươi sáng cho Mỹ và các đồng minh : "Tôi nghĩ rằng đó có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi thực sự cho mối quan hệ, bởi vì Trung Quốc và Nga sau đó có thể xúc tiến xây dựng một mối quan hệ đặc biệt thực sự, phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn trong chính sách đối ngoại của họ, khả năng tương tác quân sự thực sự và sự bổ sung kinh tế chặt chẽ hơn".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 02/02/2023