Singapore cảnh báo một "xung đột nhỏ" có thể làm bùng phát chiến tranh tại Châu Á
Trọng Thành, RFI, 18/02/2023
Chiến tranh nếu bùng phát tại Châu Á sẽ "không chỉ tàn phá lục địa này, mà là cả thế giới", và một số "sự kiện nhỏ" có thể châm ngòi cho chiến tranh. Trên đây là cảnh báo của bộ trưởng quốc phòng Singapore hôm 17/02/2023, về hậu quả thảm khốc nếu để chiến tranh bùng phát.
Các chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh tham gia cuộc tập trận ngoài khơi đảo Đài Loan, ngày 04/08/2022, sau chuyến thăm Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. AP - Fu Gan (Ảnh minh họa do Tân Hoa Xã phổ biến)
Tại Diễn đàn an ninh quốc tế ở Munich, bộ trưởng quốc phòng Singapore, tiến sĩ Ng Eng Hen, khẳng định không khí căng thẳng đang gia tăng, và Đài Loan có thể là "một yếu tố quyết định mạnh". Lãnh đạo bộ quốc phòng Singapore nhấn mạnh, trong hiện tại các bên đều muốn tránh xung đột, nhưng bất cứ hành động nào của Đài Loan hướng đến độc lập sẽ buộc Trung Quốc phản ứng mạnh. Theo tiến sĩ Ng Eng Hen, Bắc Kinh sẽ coi việc Đài Loan tuyên bố độc lập là một bất công mới mà Trung Quốc phải gánh chịu, tiếp theo nhiều "hiệp ước bất bình đẳng" với phương Tây trong lịch sử, và không lãnh đạo Trung Quốc nào có thể chấp nhận điều đó.
Tiến sĩ Ng Eng Hen nhắc lại việc các sự kiện nhỏ cũng có thể là ngòi nổ cho xung đột, khi đưa ra ví dụ về những gì đã dẫn đến việc Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Lãnh đạo bộ quốc phòng Singapore Ng Eng Hen dẫn lại các sự cố đáng lo ngại gần đây như phi cơ quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ áp sát nhau tại Biển Đông trong phạm vi chỉ ít mét và khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ Mỹ.
Theo bộ trưởng quốc phòng Singapore, "hồi trống trận vẫn chưa bắt đầu vang lên thành tiếng", "nhiệt độ chưa đạt đến mức làm sôi nước, nhưng chắc chắn đang gia tăng, chúng ta phải làm mọi thứ để có thể hạ nhiệt".
Trọng Thành
************************
Đài Loan phát hiện xác khinh khí cầu rơi, có thể của Trung Quốc
Reuters, VOA, 17/02/2023
Quân đội Đài Loan ngày 16/2 loan báo tìm thấy phần còn lại của một khinh khí cầu thời tiết có thể là của Trung Quốc bị rơi trên một hòn đảo xa xôi và có vị trí chiến lược gần bờ biển Trung Quốc, giữa những tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về khinh khí cầu gián điệp.
Những người lính chạy ngang qua một vách đá vẽ hình quốc kỳ Đài Loan trên đảo Đông Dẫn thuộc quần đảo Mã Tổ, nơi khinh khí cầu rơi, ở Đài Loan ngày 15/8/2022. Đông Dẫn được bảo vệ cẩn mật vì có vị trí chiến lược ở đầu eo biển Đài Loan.
Đài Loan, được Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, đã phàn nàn về việc các lực lượng vũ trang của Bắc Kinh gia tăng quấy rối trong ba năm qua, bao gồm các máy bay chiến đấu bay gần đảo và máy bay không người lái bay quanh các đảo nhỏ ngoài khơi.
Quân đội Đài Loan cho biết vào xế trưa ngày 16/2, lực lượng của họ trên đảo Dongyin (Đông Dẫn), một phần của quần đảo Matsu do Đài Loan kiểm soát ngoài khơi Phúc Châu của Trung Quốc, đã quan sát thấy một vật thể lạ rơi từ trên trời xuống, sau đó tìm thấy tàn tích của một khinh khí cầu trên một trường bắn.
Quả cầu có đường kính khoảng 1 mét với một hộp dụng cụ được đánh dấu bằng các ký tự tiếng Trung giản thể - được sử dụng ở Trung Quốc chứ không phải ở Đài Loan - và dòng chữ "Công ty Vô tuyến Taiyuan số 1", "Dụng cụ đo khí quyển kỹ thuật số GTS13" và "dụng cụ khí tượng", quân đội cho biết.
Taiyuan (Thái Nguyên) là một thành phố lớn ở miền bắc Trung Quốc. Chưa liên lạc được với công ty vừa kể để yêu cầu bình luận.
"Cuộc điều tra sơ bộ xác định rằng phần còn lại là của một thiết bị thăm dò khí tượng, đã được các bộ phận liên quan thu thập để đánh giá thêm", quân đội Đài Loan cho biết trong một tuyên bố ngắn.
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 14/2 cho biết họ không phát hiện bất kỳ khinh khí cầu do thám nào từ Trung Quốc trong vùng lân cận, trong lúc tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về khinh khí cầu do thám gây ra lo ngại về căng thẳng quân sự gia tăng.
Dongyin nằm ở đầu Eo biển Đài Loan trên một lối đi quan trọng đối với bất kỳ lực lượng nào của Trung Quốc đi về phía nam từ tỉnh Chiết Giang phía đông nếu họ tấn công Đài Loan và hòn đảo này được phòng thủ rất tốt.
Năm ngoái, Đài Loan cho biết một máy bay nhỏ, có động cơ cánh quạt của Trung Quốc đã bay rất gần Dongyin mà chính phủ cho biết họ nghi ngờ rằng Trung Quốc triển khai một máy bay dân sự để thử phản ứng của quân đội Đài Loan.
Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay không người lái đến các đảo do Đài Loan kiểm soát gần bờ biển Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái khi Bắc Kinh tổ chức các cuộc tập trận gần Đài Loan, cuộc tập trận chỉ kết thúc sau khi lực lượng Đài Loan bắn hạ một chiếc.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 17/02/2023
**************************
Mỹ tập trận ở Biển Đông giữa căng thẳng với Trung Quốc
AP, VOA, 14/02/2023
Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh về vụ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (phía trước) và USS Nimitz di chuyển theo đội hình ở Biển Đông trong bức ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp vào ngày 6/7/2020. Hoa Kỳ thường xuyên cho tàu đi qua khu vực này để thực hiện quyền quyền tự do hàng hải và hàng không.
Hạm đội 7 có trụ sở tại Nhật Bản cho biết hôm Chủ nhật rằng nhóm hàng không mẫu hạm tấn công USS Nimitz và Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 13 đã tiến hành "các hoạt động của lực lượng tấn công viễn chinh tổng hợp" ở Biển Đông.
Thông báo cho biết các cuộc tập trận liên quan đến tàu, lực lượng mặt đất và máy bay đã diễn ra vào thứ Bảy nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm bắt đầu hoặc liệu chúng đã kết thúc hay chưa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và phản đối mạnh mẽ hoạt động quân sự của các quốc gia khác trên tuyến đường thủy đang tranh chấp, nơi vận chuyển hàng hóa có trị giá 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Hoa Kỳ không có lập trường chính thức nào về chủ quyền ở Biển Đông nhưng cho rằng quyền tự do hàng hải và hàng không phải được bảo vệ. Vài lần trong năm, Mỹ cho tàu đi qua các tiền đồn kiên cố của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, khiến Bắc Kinh phản đối dữ dội.
Hoa Kỳ cũng đang tăng cường liên minh quốc phòng với Philippines, quốc gia đối mặt với tình trạng xâm phạm các đảo và nghề cá của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và các hạm đội trên danh nghĩa dân sự nhưng do chính phủ hậu thuẫn.
Các cuộc tập trận của quân đội Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch trước. Chúng diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh càng trở nên trầm trọng hơn do tranh chấp ngoại giao gây ra bởi quả khinh khí cầu bị bắn rơi vào cuối tuần trước trên không phận Hoa Kỳ, ở ngoài khơi bờ biển South Carolina.
Mỹ nói khinh khí cầu không người lái được trang bị để phát hiện và thu thập tín hiệu tình báo, nhưng Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là khí cầu nghiên cứu thời tiết đã vô tình bị thổi bay.
Vụ việc đã khiến Ngoại trưởng Antony Blinken đột ngột hủy chuyến công du tới Bắc Kinh nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai bên vào cuối tuần trước.
Sau lần đầu hiếm hoi bày tỏ hối tiếc về vụ việc, Trung Quốc đã có những lời lẽ cứng rắn hơn, gọi động thái của Hoa Kỳ là phản ứng thái quá và vi phạm các quy tắc quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã từ chối nhận cuộc điện thoại từ Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin để thảo luận về vấn đề này.
Kể từ đó, Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen sáu thực thể của Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến các chương trình hàng không vũ trụ của Bắc Kinh như một phần trong phản ứng của họ đối với vụ việc.
Hạ viện Mỹ cũng nhất trí bỏ phiếu lên án Trung Quốc vì "sự vi phạm trắng trợn" chủ quyền của Hoa Kỳ và nỗ lực "lừa dối cộng đồng quốc tế thông qua những tuyên bố sai sự thật về các chiến dịch thu thập thông tin tình báo của họ".
Lầu Năm Góc cho biết khinh khí cầu là một phần của chương trình do thám lớn mà Trung Quốc đã tiến hành trong nhiều năm. Hoa Kỳ cho biết những khinh khí cầu của Trung Quốc đã bay qua hàng chục quốc gia trên khắp năm châu lục trong những năm gần đây, và họ đã biết thêm về chương trình khinh khí cầu sau khi theo dõi chặt chẽ một quả bị bắn rơi gần South Carolina.
Trong thông cáo báo chí, Hạm đội 7 cho biết hoạt động chung đã "thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực, hỗ trợ hòa bình và ổn định".
"Là một lực lượng phản ứng sẵn sàng, chúng tôi củng cố một loạt các nhiệm vụ bao gồm đổ bộ Thủy quân lục chiến lên bờ, cứu trợ thảm họa nhân đạo và ngăn chặn những kẻ thù tiềm tàng thông qua sức mạnh chiến đấu hiện tại và hữu hình", thông cáo cho biết.
(AP)
Nguồn : VOA, 14/02/2023
****************************
Mỹ và đồng minh sẵn sàng chống bất kỳ cuộc xâm lược nào ở Châu Á
Trân Văn, VOA, 11/02/2023
Cho đến nay, với sự tham gia của các đồng minh và đối tác, Mỹ đã sắp đặt gần như hoàn chỉnh một vành đai phòng thủ để sẵn sàng đáp trả nguy cơ xâm lược từ phía Trung Quốc và Bắc Hàn.
Chiến đấu cơ Mỹ, Nhật, Úc bay đội hình tại căn cứ Andersen Air Force Base, Guam, 2020. Hình minh họa.
Đó là tuyên bố của Thiếu tướng Joshep Ryan – Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh của Mỹ (*). Phạm vi trách nhiệm của sư đoàn có Bộ Tư lệnh đặt tại Hawaii này của Lục quân Mỹ là toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tướng Ryan đưa ra tuyên bố vừa kể trong một cuộc phỏng vấn với AP tại Manila – thủ đô Philippnes. Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh Mỹ đang ở Philippines để thảo luận với giới hữu trách của Philippines về kế hoạch cho các cuộc tập trận chung sẽ diễn ra trong tháng tới và tháng tới nữa cả trên bộ, trên biển lẫn trên không ở Philippines. Theo dự kiến, sẽ có hàng ngàn quân nhân Mỹ tham gia hai cuộc tập trận này và riêng năm nay, Mỹ sẽ cùng Philippines tổ chức khoảng 500 cuộc tập trận chung ở các quy mô khác nhau.
Mức độ cứng rắn trong các thông điệp mà Mỹ gửi cho Trung Quốc, Bắc Hàn đang tăng dần và cuộc trò chuyện giữa tướng Ryan với AP chính là một ví dụ. Trong cuộc trò chuyện này, tướng Ryan nhắc đến cuộc chiến giữa Ukraine và Nga đề lưu ý cả Trung Quốc lẫn Bắc Hàn – hai quốc gia được xác định là những đối tượng có khả năng phát động các cuộc chiến xâm lược ở Châu Á – cần quan sát kỹ lưỡng về hậu quả mà Nga đang phải gánh chịu và suy nghĩ cẩn thận xem có nên hung hăng như thế hay không.
Tướng Ryan nhấn mạnh :Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và những đồng minh ở Châu Á trong thời gian vừa qua cho thấy Mỹ và đồng minh sẵn sàng tham chiến. Thông qua các cuộc tập trận chung, Mỹ, Nhật, Úc, Philippines và những quốc gia khác đã chứng minh sẽ cùng với nhau chống lại sự xâm lược của những quốc gia muốn thay đổi trật tự thế giới ở Châu Á. Tuy Châu Á không phải là đối tác của NATO nhưng liên minh quân sự này sẽ cung cấp các biện pháp bảo vệ, tham gia duy trì trật tự quốc tế trong khu vực.
Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh của Mỹ bày tỏ sự phấn khởi trước những gì ông đã chứng kiên từ các đồng minh và đối tác trong khu vực Châu Á, đặc biệt là việc cùng nhau đáp trả hành động gây hấn của Trung Quốc. Chuyện Philippines mở cửa chín căn cứ quân sự (một số trông sang Đài Loan, một số trông ra Biển Đông) để tiếp nhận các đơn vị của quân đội Mỹ trú đóng theo hình thức luân phiên và bố trí sẵn vũ khí, quân cụ, phương tiện quân sự là ví dụ mới nhất.
Cho đến nay, với sự tham gia của các đồng minh và đối tác, Mỹ đã sắp đặt gần như hoàn chỉnh một vành đai phòng thủ để sẵn sàng đáp trả nguy cơ xâm lược từ phía Trung Quốc và Bắc Hàn. Sự phản đối của Trung Quốc về những cuộc tập trận có quân đội Mỹ tham gia ở những vùng ven Biển Đông – khu vực mà Trung Quốc muốn xác lập chủ quyền - cũng như những cáo buộc vể việc Mỹ can thiệp vào các tranh chấp ở Châu Á, quân sự hóa gia tăng nguy hiểm tại khu vực này... rõ ràng là... phản tác dụng !
Theo tướng Ryan, mục đích chính của việc thiết lập vành đai phòng thủ và liên tục tổ chức các cuộc tập trận chung với đồng minh và đối tác trong khu vực Châu Á là nhằm "răn đe" đối thủ trong khu vực : Mỗi chính khách, mỗi chính phủ sẽ phải nhìn vào mối liên kết đó đểsuy nghĩ trước khi đưa ra quyết định. Họ phải cân nhắc xem có thể thắng nếu phải đối mặt với lực lượng đã được huấn luyện và sẵn sàngnhư vậy hay không. Trước nay, giới hữu trách của các bên tham gia tập trận ở khu vực Châu Á thường không xác định loại hoạt động này nhắm vào quốc gia nào nhưng giờ đã khác. Tướng Ryan bảo rằng :Sự hung hăng của Trung Quốc là một thực tế đáng ngại mà cả khu vực nên chuẩn bị. Khi huấn luyện,khảnăng xâm lược của Trung Quốc có xuất hiện trong suynghĩ của chúng ta không ? Hoàn toàn có thể ! Chúng ta có nghĩa vụ phải bảo đảm rằng Philippines có thể duy trì và sẽ duy trì chủ quyền của họ. Sự gây hấn củaTrung Quốc khiến đồng minh của chúng tôi khó chịu cũng khiến chúng tôi khó chịu.
Chỉ tính riêng năm ngoái, Philippines đã gửi khoảng 200 công hàm phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông – hải lộ vừa đông đúc, vừa giàu tài nguyên, nơi Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cùng xác lập chủ quyền ở những vùng chồng lấn. Trả lời thắc mắc, liệu Mỹ và các đồng minh ở Châu Á có sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra tình huống tương tự như Nga xâm lược Ukraine trong khu vực hay không, tướng Ryan khẳng định :Hoàn toàn có thể.Tôi tựtin là chúng tôi đã sẵn sàng nhưng điều đó không có nghĩa là tôi hài lòng. Chúng ta luôn có thể làmtốt hơn. Theo ông : Các đối thủ của Mỹ nên ngẫmnghĩ về đối thoại vì chiến tranh rất phức tạpvà có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Nga đã nhận ra và sẽ còn nhận ra điều này. Trước chiến tranh, nhiều người nghĩ Ukraine sẽ nhanh chóng bị khuất phục trước sức mạnh quân sự của Nganhưng điều đó đã không xảy ravì hai lý do, thứ nhất, đó là ý chí chiến đấu của dânchúng Ukraine...
Thứ hai là Mỹ và NATO đã hỗtrợ quân đội Ukraine bằngcách huấn luyện, nâng cao khả năng đối phó với các tình huống an ninh bất ngờ củahọ trong nhiều năm trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược quy mô lớn vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tướng Ryan nói thêm :Tôi nghĩ các đồng minh của chúng ta trong khu vực coi trọng chủ quyền của họ, coi trọng tự do của họ, coi trọng nền độc lập của họ và không đối thủ nào nên xem nhẹ điều đó.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/02/2023
Chú thích