Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/04/2023

Điểm báo Pháp - Trung Quốc, đế quốc dối lừa

RFI tiếng Việt

Trung Quốc, đế quốc dối lừa và cuộc so găng với Mỹ

Bảy triệu người trên thế giới đã chết vì con virus xuất xứ từ Vũ Hán. Ba năm sau đại dịch, những tài liệu gây bối rối cho Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện. Phá hoại mọi cuộc điều tra, Trung Quốc còn đổ tội cho Mỹ, bắt tay với Nga để xây dựng trật tự quốc tế mới. Theo chuyên gia François Godement, đó là một trật tự "low cost", cá lớn nuốt cá bé ; The Economist nhận thấy Hoa Kỳ đang cố khống chế con cọp Trung Quốc.

tq01

Đế quốc dối lừa - Ảnh minh họa

Covid : Giả thiết virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán được đưa ra rất sớm

Ông Tập Cận Bình kỳ này đã soán ngôi Ukraine, trở thành chủ đề chính của nhiều tuần báo. Chân dung chủ tịch Trung Quốc chễm chệ trên trang bìa Le Point với tựa lớn "Trung Quốc, đế quốc dối lừa", tờ báo hài ra "giấu diếm nguồn gốc đại dịch Covid, lập lờ đánh lận con đen với Putin và phương Tây". The Economist đăng hình vẽ Chú Sam đang so găng với một con gấu trúc dữ dằn, chạy tít "Mỹ đấu với Trung Quốc". Trên nền hai màu đen, đỏ, L’Express đưa logo ứng dụng TikTok của Trung Quốc đang phổ biến trên thế giới, cho rằng đây là "Kẻ thù nguy hiểm".

Hồ sơ của Le Point đặt vấn đề : Bảy triệu người trên thế giới đã chết vì con virus xuất xứ từ Vũ Hán, làm thế nào mà thảm họa dịch tễ lớn nhất thế kỷ 21 vẫn luôn là một bí ẩn ? Ba năm sau đại dịch, những tài liệu và bằng chứng gây bối rối cho Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện. Nhà báo Julien Peyron đã viết hẳn một cuốn sách mang tựa đề "Nhân danh khoa học", tiết lộ những diễn tiến trong hậu trường ở Bắc Kinh, Washington và Paris.

Theo đó, giả thiết con virus thoát ra từ phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán đã được bí mật nêu ra ngay từ đầu, nhất là từ các nhà lãnh đạo Pháp. Hôm 22/04/2020, Hội đồng Quốc phòng đã chất vấn ông Alain Mérieux, người chịu trách nhiệm chương trình xây dựng phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán do Pháp tài trợ và đào tạo. Cuối 2020, một số nhà khoa học Mỹ đã nhận xét nguồn gốc con virus không thể trong tự nhiên mà đã được sản xuất hay biến đổi trong phòng thí nghiệm.

"China virus" và việc Bắc Kinh gắp lửa bỏ tay người

Về phía Bắc Kinh phá hoại tất cả những cuộc điều tra, hủy hàng ngàn trang trên internet của các trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, không cho lấy mẫu ở khu chợ bán thú hoang Hoa Nam. Nhà Trung Quốc học Mathieu Duchâtel nhấn mạnh, sự nhập nhằng được Bắc Kinh coi là ưu thế chiến lược của mình.

Tại Mỹ, đảng Cộng hòa đã lập một số ủy ban điều tra nhắm vào các nhà nghiên cứu hợp tác với Trung Quốc, bị cáo buộc muốn bóp nghẹt xì-căng-đan xuất xứ nhân tạo của virus. Và Nhà Trắng vừa quyết định cho giải mật các thông tin đã khiến bộ năng lượng và FBI nhấn mạnh khả năng một tai nạn phòng thí nghiệm. Trong khi người Mỹ lao vào con đường tìm kiếm sự minh bạch, Bắc Kinh vẫn câm lặng và xích lại gần với Moskva.

Ông Trump không phải bỗng dưng lên án Trung Quốc, trên thực tế ông chỉ trả đũa sau khi Bắc Kinh cáo buộc Washington đã "tạo ra con virus". Hôm 12/03/2020, phát ngôn viên "chiến binh sói" Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) của bộ ngoại giao Trung Quốc họp báo nói về khả năng này. Ông ta chia sẻ trên Twitter một trang web đáng ngờ ở Canada là Global Research, dẫn bài viết của "Larry Romanoff" tự cho là giáo sư đại học Phục Đán ở Thượng Hải.

Theo điều tra năm 2021 của IRSEM, trung tâm tư vấn liên kết với bộ quốc phòng Pháp, thực ra tác giả 80 tuổi này chỉ là một người làm ăn với Trung Quốc từ hơn 20 năm, quản lý một số trang web chuyên tung tin giả chống Mỹ. Một "kẻ ngốc hữu dụng", có thể được đảng cộng sản giựt dây. Vị giáo sư giả hiệu sáng tác ra một câu chuyện ly kỳ, mà đoạn cuối là con virus được các vận động viên Mỹ mang vào Vũ Hán trong Thế vận hội quân đội năm 2019, nhưng không hề đưa ra một bằng chứng khoa học nào. Thế nên ngày 17/03/2020 tổng thống Mỹ Donald Trump mới tức giận tố cáo "con virus Trung Quốc".

Trật tự thế giới theo kiểu Trung Quốc : "Cá lớn nuốt cá bé"

Coi Tập Cận Bình là "kiến trúc sư của một trật tự thế giới mới", tuần báo Pháp nhắc lại câu nói của chủ tịch Trung Quốc với ông Vladimir Putin trong cuộc gặp mới đây ở Moskva : "Hiện đang có những thay đổi chưa từng thấy từ 100 năm qua, và chính chúng ta đang dẫn dắt". Đó là cách mà hai kẻ thù của phương Tây tóm tắt cách thức chia lại ván bài quốc tế. Hai nhà lãnh đạo này hiểu rõ về nhau nhất thế giới : đã gặp gỡ 40 lần, và những cuộc điện đàm thì vô số. Lần công du Moskva thứ 9 của Tập Cận Bình được dán nhãn "nhiệm vụ hòa bình", nhưng dường như ông Tập chẳng buồn quan tâm đến việc Nga xâm lăng Ukraine.

Việc Iran và Saudi Arabia làm hòa sau bốn ngày đàm phán ở Bắc Kinh gây ngạc nhiên, nhưng thực ra vai trò hòa giải của Trung Quốc không nhiều. Sân bãi đã được dọn sẵn nhiều tháng trước bởi Iraq, Bắc Kinh chỉ là nhân tố mới nhất. Ý tưởng "Pax Sinica" (Thái Bình Trung Hoa) được nêu ra có phần vội vã, theo chuyên gia Jean-Loup Samaan của đại học Singapore, vì không chắc gì bền vững, vả lại Bắc Kinh rất cần an ninh cho các tuyến hàng hải vùng Vịnh - hiện đang được Hải quân Hoa Kỳ bảo đảm chứ không phải Trung Quốc.

Thế nào là "cộng đồng nhân loại cùng chung vận mạng" như ông Tập vẫn rao giảng ? Chuyên gia François Godement, Viện Montaigne tóm tắt : "Trung Quốc muốn một trật tự quốc tế giá rẻ, càng ít ràng buộc càng tốt, chỉ nhằm bảo đảm thương mại. Tầm nhìn của Bắc Kinh trên thực tế là một sự phân rã hoàn toàn, trong đó cá lớn nuốt cá bé". Nhà nghiên cứu Alexey Muraviev, đại học Curtin (Úc) đặt nghi vấn khi ngày 21/03 đã có một loạt cuộc họp kín giữa ông Tập và Putin với sự tham dự của các quan chức cao cấp của Nga về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên không có thông báo nào liên quan đến lãnh vực này, trong khi sự hiện diện của nguyên thủ thường vào lúc các hợp đồng đã được thỏa thuận xong.

Chận đứng độc tài Nga-Trung : vẫn còn kịp

Trước tham vọng của chế độ Trung Quốc và Nga nhằm xóa bỏ các nền dân chủ, nhà báo Nicolas Baverez trên Le Point kêu gọi "Ngăn cản các đế quốc độc tài". Tác giả bài viết cho rằng vẫn còn thời gian để thế giới tự do có thể đối phó.

Tình hình địa chính trị năm 2022 khá u ám cho các chế độ độc tài. Trung Quốc đối mặt với dân số giảm mạnh, kinh tế sa sút và tham vọng bành trướng bị phản ứng. Nga đang trong ngõ cụt hoàn toàn, lối thoát duy nhất là trở thành chư hầu của Bắc Kinh. Các giáo sĩ Iran bị người dân ồ ạt nổi dậy chống đối, Thổ Nhĩ Kỳ trong tình trạng thê thảm sau động đất. Ngược lại Ukraine chiến đấu bảo vệ tổ quốc rất hiệu quả, các quốc gia dân chủ Châu Âu và Châu Á tái vũ trang, Hoa Kỳ bênh vực Ukraine và Đài Loan, NATO mở rộng sang Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển, AUKUS hình thành và Hàn Quốc, Nhật Bản đang xích lại gần.

Tuy nhiên một trật tự thế giới mới do Bắc Kinh chủ trương và được Moskva ủng hộ có thể đặt phương Tây ra ngoài lề, với sự dẫn dụ các nước phương nam. Các chế độ tự do vẫn là thiểu số : chỉ có 21 quốc gia dân chủ hoàn toàn, và 53 nước chưa hoàn chỉnh ; lại không có chiến lược dài hạn trước các đế quốc toàn trị. Tác giả đề ra năm hướng : tái lập răn đe quân sự, chiếm hàng đầu công nghệ, củng cố sức kháng cự, đối thoại với xã hội dân sự của các chế độ độc tài, giúp các nước phương nam bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và Nga.

Mỹ và Trung Quốc : Một rừng không thể có hai cọp

The Economist nhận thấy ông "Joe Biden đang cố gắng khống chế con cọp Trung Quốc", đồng thời tỏ ra lo ngại khi "Cuộc đối đầu Mỹ-Trung bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm". Quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, mỗi bên đều có lý lẽ của mình. Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh ghi nhận một không khí thù địch rõ rệt nơi các quan chức Hoa lục, họ tin rằng Mỹ muốn bóp chết Trung Quốc, o ép cho đến khi Bắc Kinh phục tùng, chỉ là "một con mèo mập chứ không phải là cọp". Các nhà kỹ trị tuy được đào tạo ở phương Tây nhưng nay biện luận rằng toàn cầu hóa phải phục vụ cho mục tiêu chính trị của ông Tập.

Phía Mỹ lo lắng trước sự bành trướng của Trung Quốc tại Châu Á, một quốc gia độc đảng nay chỉ do một con người quyết định - đàn áp xã hội dân sự và bắt tay với Putin. Việc gì phải để cho một chế độ toàn trị sử dụng các phát minh của mình rồi trở nên nguy hiểm hơn ?

Trong khoảng 40 năm trước khi ông Donald Trump đắc cử, các đời tổng thống Mỹ liên tiếp đều nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi đón tiếp Hồ Cẩm Đào tại Nhà Trắng, Barack Obama tuyên bố : "Tôi hoàn toàn tin rằng sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc là tốt cho thế giới và tốt cho nước Mỹ". Ngày nay, lời bảo đảm này nghe như chuyện cổ tích. Một rừng không thể có hai cọp.

Đầu tư vào Việt Nam sôi nổi như Trung Quốc 20 năm trước

Trong khi đó theo L’Express, "Đất nước của bác Hồ thu hút những người thất vọng về Trung Quốc". Quá chán ngán trước chính sách khắt khe "zero Covid" và để tránh né các trừng phạt của Mỹ, nhiều công ty ngoại quốc đã chọn nước láng giềng Việt Nam làm nơi đầu tư.

Chẳng hạn ông Lionel Baud, chủ doanh nghiệp Pháp chuyên về cơ khí chính xác cho kỹ nghệ xe hơi và tự động hóa. Tuy đã có một chi nhánh thương mại ở Thượng Hải, nhưng ông chọn Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô kinh tế Việt Nam ở cách đó 2.500 kilomet, làm nơi xây dựng nhà máy đầu tiên của công ty ở Châu Á. Doanh nhân này tin tưởng ông đã đầu tư đúng nơi và đúng lúc. Ông chủ Baud Industries phấn khởi cho biết : "Trong kỹ nghệ, ngày nay có sự say mê đối với Việt Nam giống như với Trung Quốc cách đây 20 năm. Ngày càng có nhiều khách hàng và nhà cung cấp của chúng tôi di dời nhà máy sang, tạo ra một sự năng động thực sự". 

Ngay từ đầu cuộc thương chiến do tổng thống Donald Trump khởi động năm 2018, nhiều nhà đầu tư và doanh nhân coi Việt Nam là miền đất hứa mới ở Châu Á, nhờ sự gần gũi địa lý với người khổng lồ Châu Á, chính trị ổn định và nhân công rẻ. Thị trường 100 triệu dân này dự kiến tăng trưởng 6% trong năm nay, cao nhất trong khu vực. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng 13,5% trong năm 2022 với 22 tỉ đô la ; so với Trung Quốc 180 tỉ đô la - chủ yếu nhờ một số ít tập đoàn lớn của Đức.

Có thể kể : Tập đoàn Foxconn, nhà cung cấp cho Apple đầu tư 400 triệu đô la vào Bắc Giang, hãng Lego của Đan Mạch xây dựng một nhà máy quy mô ở phía bắc Saigon trị giá đến 1 tỉ đô la. Việt Nam đã ký ít nhất 18 hiệp định tự do mậu dịch, trong đó có một hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu (EU) năm 2020, nhờ đó xuất khẩu sang EU đã tăng 21% ngay từ 2021. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một nước chuyên lắp ráp, gia công, nên cần phải đầu tư vào giáo dục, đào tạo kỹ sư, giảm nạn quan liêu.

Cựu tổng thư ký NATO : Phương Tây đã để yên cho Putin leo thang

Nhìn sang Ukraine, L’Express nhận thấy Nga đã vét sạch số xe tăng cho cuộc quyết đấu sắp tới. Đến ngày 27/03, số xe bọc thép Nga bị tiêu diệt trên chiến trường Ukraine đã vượt qua mức 1.900 chiếc, một con số khủng khiếp ! Đó chỉ là số liệu được chứng thực, trên thực tế có thể lên đến 2.500. Viện Nghiên cứu Chiến lược ước tính có đến phân nửa số chiến xa tân tiến T-72B3 và T-72B3M đã bị tiêu hủy từ đầu cuộc xâm lược, số xe T-80BV/U chỉ còn 2/3.

Đôi khi không được pháo binh và bộ binh yểm trợ, các xe tăng Nga trở thành nạn nhân của các hỏa tiễn chống tăng phương Tây. Tệ hơn nữa, Ukraine tịch thu được ít nhất 552 xe tăng Nga. Moskva đành vét nhẵn các kho, huy động gần 800 chiếc T-62 đã thọ được 60 tuổi. Nhưng đây không phải là loại đồ cổ duy nhất, cả những chiếc T-54 và T-55 sản xuất vào cuối Đệ nhị Thế chiến cũng đã được xuất kho.

Cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng cần phải nhanh chóng viện trợ vũ khí cho Kiev nhiều hơn để cuộc chiến sớm kết thúc, hủy bỏ mọi giới hạn tự đặt ra. Ông Rasmussen phê phán phương Tây đã để yên cho Putin leo thang chiến tranh, chỉ bổ sung quân viện dần dà khi Nga dấn tới. Một ví dụ : do đợi quyết định chính trị về viện trợ xe tăng hạng nặng mới bắt đầu huấn luyện, nên việc chuyển giao bị chậm trễ. Ông cũng nhấn mạnh, muốn chiến thắng cần gây bất ngờ và trang bị hùng hậu hơn đối thủ.

Thụy Sĩ, hồi kết của một mô hình

Đất nước này đang trải qua "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến" - theo lời đại sứ Mỹ Scott Miller được Le Point trích dẫn. Washington phẫn nộ vì Bern nhân danh trung lập, cấm các quốc gia đã mua vũ khí của mình chuyển cho Ukraine. Làm thế nào mà một nền dân chủ phương Tây có thể né sang một bên trong cuộc đối đầu với phe toàn trị, bám víu vào một chủ trương từ thế kỷ 16, khi Thụy Điển và Phần Lan đã gõ cửa NATO ?

Các sông băng của dãy Alpes đang tan chảy, Thụy Sĩ sụt xuống vị trí thứ tám trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2023, quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu bị tổn hại. Tệ hại hơn cả là ngành ngân hàng. Đã bắt đầu lung lay từ 2016 khi không còn được giữ bí mật tiền gởi, sự sụp đổ của Credit Suisse càng làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia - Bern đã bỏ mặc ngành này trong nhiều năm. Thụy Sĩ vẫn là một nước giàu có, nhưng một kỷ nguyên đang kết thúc.

Đất đai phì nhiêu của Ukraine bị hủy hoại lâu dài

Tình hình hỗn loạn vì phong trào phản đối cải cách hưu trí tại Pháp tiếp tục được chú ý. Trên trang bìa của L’Obs, một cô gái trên mặt vẽ số "49.3" đối diện với một người cảnh sát đang cầm khiên bên cạnh đồng đội, với dòng tựa "Ra khỏi vòng xoáy". Courrier International kêu gọi "Hãy duy trì nguồn nước" : tái sử dụng nước ngọt để đối phó với hạn hán.

Trên khía cạnh môi trường, cuộc xâm lăng của Nga không chỉ tàn sát con người, mà khiến cho mặt đất Ukraine còn phải chịu đựng tác hại trong suốt nhiều thập niên tới. Sau một năm chiến tranh, xác xe tăng Nga nằm la liệt khắp nơi, những cánh đồng loang lổ hố bom, mìn bẫy, những khu rừng chằng chịt giao thông hào… Và Nga đã biến "tchernoziom", loại đất đen màu mỡ của Ukraine thành những vùng đất ô nhiễm nhất thế giới, bị bão hòa vì lượng oxyde chrome, đồng, nickel, chì, xăng dầu…hấp thu, trong đó có những chất gây ung thư.

Các nhà khoa học được L’Express dẫn lời nhấn mạnh, tiến trình tẩy độc phải mất ít nhất vài chục năm. Một phần ba diện tích rừng Ukraine, khoảng 3 triệu hecta đã bị ô nhiễm. Chưa kể số lượng mìn chống tăng, mìn chống cá nhân, bom bi, đạn pháo chưa nổ… nhiều hơn cả ở Syria và Afghanistan.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 412 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)