Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/04/2023

Malaysia không chịu nỗi áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông

Tổng hợp

Biển Đông : Malaysia "sẵn sàng đàm phán" với Trung Quốc về khai thác dầu khí tại nơi tranh chấp

Trọng Thành, RFI, 03/04/2023

Chính quyền Malaysia hôm 03/04/2023, cho biết kiên quyết tiếp tục khai thác dầu khí ở Biển Đông, tại một số nơi mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền nhưng sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh, để "bảo đảm an toàn" cho các hoạt động khai thác dầu khí quốc gia, theo hãng tin Pháp AFP.

malaysia1

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong cuộc họp báo tại phủ thủ tướng ở Putrajaya, Malaysia ngày 25/11/2022. AP

Thủ tướng Anwar Ibrahim - người vừa có chuyến công du Bắc Kinh tuần trước - cho biết vấn đề "nhạy cảm" này đã được trực tiếp nêu ra trong cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo hãng tin Nhà nước Malaysia Bernema, thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, khẳng định : "Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền tại khu vực này. Tôi đã nói, là một quốc gia nhỏ, chúng tôi cần tài nguyên, (như) dầu khí, chúng tôi phải tiếp tục (các dự án thăm dò)", "nhưng nếu điều kiện là cần phải có đàm phán, thì chúng tôi sẵn sàng đàm phán".

Thủ tướng Malaysia không cung cấp thêm chi tiết về cuộc nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuyên bố nói trên của thủ tướng Malaysia được đưa ra trong bài phát biểu hàng tháng trước toàn thể cán bộ, viên chức Văn phòng Thủ tướng.

Công ty năng lượng Nhà nước Malaysia Petronas có giàn khoan dầu lớn nhất và một số dự án thăm dò khác tại khu vực Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Năm 2021, Malaysia đã phải triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối việc tàu thuyền và không quân Trung Quốc áp sát khu vực khai thác dầu khí.

Trung Quốc "sẵn sàng hợp tác để tăng tốc đàm phán COC"

Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm qua, 02/04/2023, dẫn lại tin từ Tân Hoa Xã, cho hay Trung Quốc "sẵn sàng hợp tác với Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á khác để tăng tốc đàm phán" về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Phát biểu được thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đưa ra trong cuộc gặp người đồng cấp Malaysia tại Bắc Kinh hôm thứ Bảy, 01/04.

Sau một thời gian tạm ngưng do đại dịch Covid, đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, giữa Trung Quốc và khối ASEAN, đã được nối lại kể từ ngày 08/03 vừa qua. Indonesia, quốc gia chủ tịch luân phiên khối ASEAN năm nay và Trung Quốc đã cam kết đẩy nhanh đàm phán để sớm đúc kết Bộ Quy tắc COC. Tuy nhiên, đông đảo giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về một bước đột phá. Trên trang mạng The Diplomat, nhà nghiên cứu Collin Koh nhận định "các trường hợp gần đây về hành động dùng vũ lực trên biển của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á tranh chấp, như Indonesia, Malaysia và Philippines, sẽ không góp phần xây dựng được lòng tin".

Trọng Thành

************************

Malaysia mở rộng cửa về đàm phán với Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông

RFA, 03/04/2023

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vào ngày 3/4 cho biết ông sẵn sàng đàm phán với phía Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông giữa đôi bên.

malaysia2

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - AP

Phát biểu của Thủ tướng Malaysia như vừa nêu được đưa ra chỉ ít ngày sau khi có báo cáo nói tàu hải cảnh CCG 5901 của Trung Quốc áp sát một dự án khí đốt của Malaysia tại Biển Đông.

Reuters loan tin ngày 3/4 dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) đưa ra hồi tuần rồi nêu rõ tàu hải cảnh CCG 5901 suốt tháng qua hoạt động gần khu mỏ khí Kasawari ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Khu mỏ khí này do Tập đoàn Petronas vận hành khai thác. Báo cáo nói có lúc tàu tuần duyên Trung Quốc chỉ cách mỏ khí chừng 1,5 dặm. Khu mỏ này được dự kiến đi vào sản xuất trong năm nay.

Trong những năm gần đây, Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Malaysia Petronas từng có những vụ đối đầu với tàu Trung Quốc.

Reuters có yêu cầu Hải quân Malaysia bình luận về thông tin vừa nêu nhưng chưa được trả lời ; trong khi đó Tập đoàn Petronas từ chối bình luận với Reuters.

AMTI cũng cho biết tàu hải cảnh 5901, một tàu tuần duyên lớn nhất thế giới hiện nay, cũng từng hoạt động tại lô mỏ khí Tuna của Indonesia và mỏ Chim Sáo của Việt Nam.

Vào sáng ngày 26/3 vừa qua, dữ liệu theo dõi tàu thuyền của Marine Traffic dựa trên tín hiệu cả Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) cho cho thấy, tàu hải cảnh CCG 5205 và tàu kiểm ngư 278 của Việt Nam có cuộc chạm trán căng thẳng. Hai tàu áp sát nhau ở cự ly gần nhất là 10 mét.

Vụ việc xảy ra ở vùng biển cách Bãi Tư Chính 50 hải lý (92,6 km) về phía nam – nơi được biết đến như một điểm nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông.

Nguồn : RFA, 03/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, RFA tiếng Việt
Read 264 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)