Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/04/2023

Điểm báo Pháp - Thuần hóa được cọp Trung Quốc không ?

RFI tiếng Việt

Tổng thống Pháp nuôi hy vọng thuần hóa con cọp Trung Quốc

Năm 2018, Emmanuel Macron đã đề nghị làm người trung gian hòa giải giữa Tập Cận Bình và... Đạt Lai Lạt Ma. Năm năm sau, tổng thống Pháp hy vọng thu xếp được một cuộc điện đàm giữa ông Tập với Zelensky, hay Bắc Kinh từ chối giao vũ khí cho Moskva. Nhưng hoàng đế đỏ chỉ muốn dẫn dụ để khỏi mất thị trường Châu Âu, trong lúc bị Mỹ trừng phạt. Le Figaro cho rằng khó thể tin "người dạy hổ" Emmanuel Macron gây được ấn tượng với con cọp.

cop1

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Élysée ngày 03/04/2023 trước khi lên đường sang Bắc Kinh. AP - Aurelien Morissard

Wagner chiếm được tòa thị chính bỏ hoang 

Chiến tranh ở Ukraine, chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Phần Lan gia nhập NATO, là thời sự rất được chú ý hôm nay. Về việc "Thủ lãnh Wagner tuyên bố đã chiếm được tòa thị chính Bakhmut, Le Figaro cho biết video được phổ biến sáng hôm qua trên mạng xã hội lập tức gây phản ứng khác nhau nơi các nhà phân tích Nga, Ukraine và các nước.

Ông Yevgeny Prigozhin cầm lá cờ Nga với tên của blogger quân sự vừa bị ám sát, nói rằng đã kiểm soát được Bakhmut "về mặt pháp lý". Theo Prigozhin, quân đội Ukraine chỉ còn tập trung tại các khu vực phía tây thành phố. Kiev bác bỏ ngay, một phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine khẳng định Nga "còn lâu" mới chiếm được Bakhmut. Những trận đánh vẫn tiếp diễn xung quanh tòa thị chính, và quân Nga "đã cắm cờ ở phía trên vị trí dường như là toa-lét".

Mà thực ra nếu Wagner có chiếm được đi nữa thì cũng chẳng mấy quan trọng. Từ nhiều tháng qua, thị trưởng và tất cả nhân viên làm việc bên ngoài thành phố, cách xa trận địa. Tòa thị chính bị bỏ hoang, cũng giống như những tòa nhà khác trong thành phố không ngừng bị oanh kích, đa số cư dân đã di tản. Một bản đồ của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ngày 31/03 cho thấy lính đánh thuê Wagner đã ở gần tòa nhà này, như vậy chẳng tiến được mấy bước.

Binh sĩ Ukraine chờ đợi chiến dịch phản công

Tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ thứ Tư tuần trước coi trận đánh Bakhmut là "thảm sát trên diện rộng". Theo ông, khoảng 6.000 lính đánh thuê Wagner và 30.000 binh sĩ Nga đã bỏ mạng, còn tình báo Anh cho rằng tại Donbass, "quân Nga chỉ chiếm được một ít đất với cái giá mấy chục ngàn người chết". Les Echos dẫn nguồn từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nói rằng trong suốt tháng Ba, mất vô số mạng lính nhưng quân Nga chỉ chiếm được 70 kilomet vuông. Đồng thời cho biết "tại Donbass, những chiến sĩ Ukraine nóng lòng chờ đợi phản công".

Dù Bakhmut sắp tới có thất thủ, vẫn không ảnh hưởng đến quyết tâm của người Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov gần đây tiết lộ chiến dịch phản công sẽ bắt đầu "vào tháng Tư hoặc tháng Năm", tùy theo điều kiện thời tiết. Nhưng những trận mưa lớn vừa đổ xuống, bùn lầy làm chậm lại việc di chuyển. Trên chiến tuyến ở Toretsk, nơi quân Nga và những người lính lữ đoàn cơ giới 24 của Ukraine đóng cách nhau chưa đầy 2 cây số, những chiến hào có thể nhìn thấy từ xa. 

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với Yomiuri Shimbun : "Chúng tôi không thể gửi những người lính dũng cảm của mình ra tiền tuyến mà không có xe tăng, pháo tầm xa". Trong khi đó, những người lính của Lữ đoàn 24 đã thề không nhường một tấc đất cho quân thù. Một xạ thủ đại liên nói : "Mỗi người chúng tôi đều có con cái, có gia đình. Chúng tôi đã thấy những gì người Nga đã làm với Irpin và Bucha, không thể để họ tiếp tục".

Ám sát blogger cực đoan Nga : Ai là thủ phạm ?

Liên quan đến vụ blogger cực đoan Vladlen Tatarsky thiệt mạng trong vụ nổ ở Saint-Petersburg hôm qua, Le Figaro  Le Monde cho biết thêm một số chi tiết. Chiều Chủ nhật 02/04, một cuộc họp được "câu lạc bộ thảo luận ái quốc" Cyber front Z tổ chức tại một quán cà phê của ông chủ Wagner, tập hợp khoảng 100 người xung quanh blogger nổi tiếng có 560.000 người theo dõi trên Telegram.

Cuộc tọa đàm bắt đầu được một tiếng đồng hồ thì một cô gái tóc vàng tự giới thiệu là Nastya (Anastasia), sinh viên mỹ thuật, muốn chuyển quà từ một nhóm nghệ sĩ rất trân trọng Vladlen Tatarsky. Blogger tươi cười mở gói quà, cô gái quay về chỗ. Món quà là bức tượng chính anh ta bằng thạch cao phủ lớp sơn ánh vàng, và theo một nhân chứng, vụ nổ đã xảy ra ba đến năm phút sau khi mở hộp. Có 32 người bị thương, trong đó 24 đang nằm viện. Theo cảnh sát, bức tượng chứa 200 gam TNT.

Cái tên Vladlen có từ thời Liên Xô, rút ngắn từ VLADimir LENin. Tên thật của blogger này là Maxim Fomin, sinh ở Makiivka thuộc Ukraine, từng bị tù vì cướp ngân hàng nhưng đã vượt ngục năm 2014. Năm 2019, đến Moskva sinh sống, anh ta lập blog và theo chân quân Nga kể từ cuộc xâm lăng để tường thuật, kêu gọi "hủy diệt toàn bộ Nhà nước Ukraine". Được mời đến Kremlin nhân buổi lễ sáp nhập bốn vùng đất của Ukraine, Tatarsky tuyên bố "Chúng ta sẽ chiến thắng tất cả mọi người, giết tất cả, cướp bóc tất cả…".

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau vụ nổ, cảnh sát Nga nhanh chóng bắt giữ cô Daria Trepova, 26 tuổi trong một căn hộ gần đó. Trong một video được chính quyền đăng tải, cô gái tóc ngắn màu hung này không giống cô có mái tóc dài màu vàng được camera an ninh ghi lại hôm trước. Kremlin tố cáo "an ninh Ukraine, có sự tham gia của gián điệp hợp tác với Quỹ Navalny" đã ám sát blogger trên. Les Echos cho rằng vụ này "làm đậm nét thêm sự kình địch giữa các phe cực đoan" Nga. Chính ông Prigozhin nói rằng ông không cáo buộc chế độ Kiev, mà nghĩ rằng đây là hành động của một nhóm cực đoan. Ông chủ Wagner, người bảo trợ của Tatarsky phải là người biết rõ hơn ai hết.

Chuyên gia : Nga đang bị "Stalin hóa"

Còn ở Nga, "bầu không khí đang bị Stalin hóa", theo Andrei Kolesnikov, chuyên gia của Quỹ Carnegie. Trả lời Les Echos, ông nhận định lệnh truy nã Vladimir Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cho thấy tổng thống Nga bị coi là thủ phạm chính, như vậy đã gián tiếp bảo vệ những người khác.

Không biết có phải là ngẫu nhiên hay không, nhưng sau đó khoảng 15 nhà tài phiệt đã không tham dự cuộc họp giữa Putin với giới doanh nhân. Giới tinh hoa chính trị thì ủng hộ Putin đến cùng để giữ được những ưu đãi đang có. Họ lệ thuộc vào chế độ cho đến nỗi dù lương tâm có phản đối nhưng không thể biểu lộ. Cũng giống như tất cả đang trong một chiếc tàu ngầm dưới đáy biển, dù đang chìm dần cũng chẳng hay, chỉ biết tin tưởng vào thuyền trưởng.

Cũng như dưới thời Stalin, người ta có thể bị bắt vì bất kỳ một thái độ chống đối nào. Để chứng tỏ lòng trung thành với chế độ, người Nga cảm thấy cần phải tố cáo những người hàng xóm bị nghi là phản chiến. Mọi sự có thể thay đổi rất nhanh, khác với thời xô-viết, không có dấu hiệu nào báo trước sẽ bị bắt. Là một trong những người nhà bình luận cuối cùng còn ở lại Nga, Andrei Kolesnikov cho biết ông luôn cảnh giác trong các quán cà phê, métro… Khi viết, đôi khi ông cũng dùng từ "chiến tranh" nhưng rất nguy hiểm, phải thay bằng "thảm họa", "tai họa"…

Phần Lan vào NATO, biên giới với Nga dài thêm 1.300 cây số

Cũng tại Châu Âu, sự kiện Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO kể từ chiều hôm nay, sau ba thập niên trung lập, được tất cả các báo chú ý. Lá cờ Phần Lan được kéo lên trước trụ sở NATO, đúng vào ngày kỷ niệm 74 năm thành lập Liên minh. Đây là vụ kết nạp nhanh nhất trong lịch sử, và nữ thủ tướng trẻ tuổi Sanna Marin có thể ra đi "với vầng hào quang", theo Les Echos. Nhật báo kinh tế nhắc lại, chính cuộc xâm lăng Ukraine đã thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển nhanh chóng xin gia nhập NATO.

Ban đầu hai nước Bắc Âu muốn vào một lượt nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn trở, rốt cuộc Phần Lan gia nhập trước và gây sức ép lên Thổ để hỗ trợ nước láng giềng thân thiết. Libération nhận thấy điều trớ trêu cho Putin : một trong những lý do nêu ra để tấn công Ukraine là lo ngại NATO mở rộng. Mười ba tháng sau, biên giới giữa Nga với Liên minh Bắc Đại Tây Dương lại được mở rộng thêm 1.340 kilomet. Nếu chiến tranh xảy ra, Phần Lan có thể huy động 280.000 binh sĩ và 600.000 quân dự bị. Đất nước này sở hữu cơ sở hạ tầng lưỡng dụng, pháo binh thuộc loại hùng hậu ở Châu Âu, đội phi cơ gồm 60 tiêm kích Mỹ, lực lượng hải quân chuyên chống mìn.

Pháp tăng cường tái vũ trang

La Croix nhận thấy sau ba thập niên thắt lưng buộc bụng, nay cũng như nhiều nước Châu Âu và Châu Á, chính phủ Pháp quyết định gia tăng sức mạnh quân đội. Luật chương trình quân sự (LPM) 2024-2030 được giới thiệu hôm nay trước nội các, đã tăng ngân sách quân sự lên 430 tỉ euro so với luật trước là 295 tỉ euro, như vậy đến 2025 đạt cam kết với NATO là 2% GDP. Quân đội sẽ có được các vệ tinh địa tĩnh giám sát, "lặn" được sâu 6.000 mét dưới đáy biển. Ưu tiên dành cho drone và kỹ thuật số khiến nhiệm vụ của lục quân thay đổi hẳn.

Les Echos cho biết thêm, Pháp tái thúc đẩy chương trình nghiên cứu để ra mắt các tàu ngầm nguyên tử thế hệ thứ ba (SNLE 3G). Không quân sẽ có thêm những chiến đấu cơ Rafale mới bên cạnh những chiếc Mirage cải tiến. Trong bài xã luận, tờ báo kêu gọi "đoàn kết chặt chẽ vì quân đội", trong bối cảnh quốc tế mới.

Macron cố chận bớt liên kết Nga-Trung

Về chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp, Le Figaro chạy tựa "Tại Bắc Kinh, Macron muốn kìm bớt việc ông Tập và Putin xích gần lại với nhau", và chủ đề Ukraine sẽ là trung tâm. Tờ báo dẫn lời chuyên gia Marc Julienne của IFRI nhận xét, ý định của các nhà lãnh đạo Châu Âu tìm kiếm từ Bắc Kinh một giải pháp cho cuộc chiến không chỉ là ảo tưởng, mà còn góp phần giúp Trung Quốc tự quảng cáo như một nhân tố hòa giải. Hy vọng này đã thành mây khói sau chuyến đi Moskva được tuyên truyền ầm ĩ của Tập Cận Bình. Giờ thì Emmanuel Macron chỉ mong muốn tránh mọi "quyết định tai hại" - ủng hộ Moskva về quân sự.

Nhưng đa số nhà quan sát nghi ngờ khả năng của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong việc làm thay đổi chủ trương của Bắc Kinh và đạt được những kết quả cụ thể trong hồ sơ Ukraine. Trong bài xã luận "Macron tại Trung Quốc, người dạy cọp", Le Figaro mỉa mai, năm 2018 trong chuyến công du đầu tiên khi vừa nhậm chức tổng thống, ông Emmanuel Macron đã hồ hởi đề nghị làm người trung gian hòa giải giữa Tập Cận Bình và... Đạt Lai Lạt Ma dù chẳng ai nhờ. Kết quả là chẳng có gì.

Năm năm sau, bớt hăng hái hơn, Macron lại lao vào một trò chơi ngoại giao đầy cao vọng : lập ra một mối quan hệ thăng bằng, với người bạn thân thiết nhất của Vladimir Putin và kẻ thù tồi tệ nhất của Joe Biden. Tổng thống Pháp hy vọng thu xếp được một cuộc điện đàm giữa ông Tập với Zelensky, Bắc Kinh từ chối cung ứng vũ khí cho Moskva, hay chỉ đơn giản ủng hộ hòa bình cho Ukraine.

Người dạy hổ và con cọp dữ

Nhưng hoàng đế đỏ chỉ muốn dẫn dụ EU để khỏi mất đi thị trường, trong lúc đang phải chịu đựng trừng phạt của Mỹ, không từ bỏ ý định khống chế thế giới với mô hình toàn trị của mình. Pháp, Đức và các nước Nam Âu đang là các mục tiêu ưu tiên trong chiến dịch quyến rũ của Trung Quốc. Với 500 triệu người tiêu thụ, EU trở thành thiết yếu trong xu hướng nâng cấp kỹ nghệ của kế hoạch Trung Quốc 2035, nhằm tiến lên hàng đầu về công nghệ mũi nhọn. EU cũng là nguồn đầu tư quý giá đối với Trung Quốc vốn đang muốn rút ngắn khoảng cách trong nhiều lãnh vực như ngành hàng không.

Phải mất ba mươi năm để các nhà lãnh đạo Châu Âu tỉnh giấc mơ, rằng thương mại sẽ giúp bình thường hóa Trung Quốc, và tư bản sẽ dân chủ hóa nước Nga. Thế nhưng giờ đây hai quốc gia độc tài này liên kết với nhau để áp đặt một trật tự thế giới mới "giá rẻ" - theo từ ngữ của nhà Trung Quốc học François Godement - trong đó cá lớn nuốt cá bé. Trong vai người dạy hổ, khó thể tin rằng ông Emmanuel Macron, dù bên cạnh có cả chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, lại gây được ấn tượng với con cọp.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 345 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)