Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/04/2023

Điểm báo Pháp - Lay chuyển Trung Quốc trong vấn đề Ukraine

RFI tiếng Việt

Liệu Pháp và Liên Âu có thể lay chuyển được Trung Quốc trong vấn đề Ukraine ?

Chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, khởi sự từ hôm 05/04/2023, dĩ nhiên là đề tài rất được báo giới Pháp quan tâm. Bên cạnh đó, hệ quả của sự kiện Phần Lan được chính thức kết nạp vào NATO hôm qua là một chủ đề khác được chú ý, cũng như cuộc gặp hôm nay giữa thủ tướng Pháp Elisabeth Borne với các công đoàn vào lúc phong trào phản đối kế hoạch cải tổ hưu trí chưa nguôi.

laychuyen1

Tổng thống Emmanuel Macron nói chuyện với cộng đồng Pháp, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 05/04/2023. AP - Thibault Camus

Cả hai tờ Le Monde La Croix đều dành trang nhất cho chuyến thăm Trung Quốc của hai nhà lãnh đạo Châu Âu. Le Monde nêu bật trong hàng tựa lớn : "Macron đến Trung Quốc để tìm cách thúc đẩy Tập Cận Bình thay đổi thái độ".

Đối với Le Monde, khi cùng nhau đến Bắc Kinh, hai nhân vật lãnh đạo Liên Âu (Liên Âu) hy vọng khuyên được chủ tịch Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình tác động lên Nga để tìm ra một giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine. Trước xu hướng ngày càng cứng rắn hơn của Bắc Kinh trên chính trường quốc tế, Châu Âu chủ trương duy trì đối thoại với Trung Quốc, nhưng cũng muốn "tái cân bằng" các mối quan hệ.

Riêng về phía Pháp, Le Monde ghi nhận sự kiện có một phái đoàn chủ doanh nghiệp Pháp tháp tùng theo tổng thống Macron. Mối quan tâm đến lãnh vực thương mại cũng dễ hiểu vì từ ba năm nay, thâm thủng mậu dịch giữa Pháp và Trung Quốc càng lúc càng nặng nề thêm.

Tuy nhiên, theo tờ báo, dù muốn mở cửa về phía Trung Quốc, Pháp vẫn thận trọng vì đà tăng trưởng của Trung Quốc đang có dấu hiệu hụt hơi, trong lúc thị trường nước này vẫn khép kín với nhiều rủi ro.

Liên Âu - Trung Quốc, một sự mặc cả lớn

Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix ghi nhận trong hàng tựa lớn trang nhất : "Liên Âu-Trung Quốc, một sự mặc cả lớn". Tờ báo đã giải thích rõ hơn về mục tiêu mà Pháp và Liên Âu muốn đạt được khi đích thân tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cùng đến Bắc Kinh.

Trong bài "Ukraine, tâm điểm cuộc đối thoại Trung Quốc-Liên Âu", tờ báo công giáo cho rằng : "Để đổi lấy một sự hợp tác tối thiểu trên hồ sơ chiến tranh Ukraine, Emmanuel Macron muốn trấn an Trung Quốc về việc mở cửa thị trường Châu Âu cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Để tăng thêm sức nặng cho đề nghị có đi có lại này, ông đã đến Bắc Kinh cùng với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen.

Thế nhưng trong bài "Một nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục", La Croix cũng thấy rằng : "Sau ba năm thực hiện chính sách zero Covid, được dỡ bỏ vào tháng 12 năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng và triển vọng tăng trưởng "khoảng 5%" cho năm 2023 sẽ khó đạt được"

Liên Âu phải dùng vũ khí thương mại

Trong bối cảnh kể trên, tờ báo công giáo cho rằng Liên Âu phải biết sử dụng "Vũ khí thương mại" - tựa bài xã luận – để gây sức ép, buộc Trung Quốc thay đổi thái độ trên vấn đề Ukraine.

Theo La Croix, quả đúng là "hòa bình ở Ukraine sẽ không có được nếu không có Bắc Kinh. Hiện tại, thực tế hiển nhiên là Trung Quốc, trong một chừng mực nào đó, thấy không có lợi trong việc tái lập hòa bình ở Ukraine. Cuộc xung đột đang thu hút một phần sự chú ý của Mỹ vào Châu Âu và Nga, khiến Washington không tập trung được vào cuộc đấu tay đôi với đối thủ Châu Á của họ. Trung Quốc, tất nhiên, không muốn cuộc chiến Ukraine diễn ra, nhưng sẽ là ngây thơ nếu cho rằng Bắc Kinh có thể bỏ công sức, dù là tối thiểu, để chấm dứt cuộc chiến, chừng nào mà họ còn thu lợi được".

Xuất phát từ nhận định đó, La Croix cho rằng Châu Âu phải dùng đến đòn bẩy kinh tế để tác động lên Trung Quốc. Tờ báo giải thích : "Trung Quốc không thể thiếu thị trường của các nước phát triển, đặc biệt là Châu Âu. Đây là một trong số đòn bẩy hiếm hoi mà Liên Âu có được để thúc đẩy Bắc Kinh thay đổi thái độ (trên hồ sơ Ukraine)… Chỉ có việc kiên quyết dùng vũ khí thương mại mới có thể ngăn Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga. Đó là điều tối thiểu".

Tuy vậy, trên bình diện đạo đức, tờ báo công giáo Pháp cũng tự hỏi là "Liệu chúng ta có thể tiếp tục đánh đổi quá nhiều với một cường quốc đã thích ứng rất tốt với chiến tranh trên đất Châu Âu hay không ?"

Rất khó đối thoại với Trung Quốc ?

Cũng về chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp Macron, dù không nêu bật thành tựa lớn trang nhất, nhưng cả nhật báo thiên tả Libération cũng như nhật báo kinh tế Les Echos đều đã dành một hồ sơ lớn cho đề tài này.

Trong một hàng tựa nhỏ trang nhất, Libération ghi nhận : "Trung Quốc-Pháp : Một thượng đỉnh hàm chứa chông gai". Ở bên trong, tờ báo nêu bật những khó khăn đang chờ đợi tổng thống Pháp trong khoảng một chục tiếng đồng hồ gặp mặt trực tiếp và hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đối với Libération, tại Trung Quốc, tổng thống Macron sẽ phải "đi dây" giữa nhu cầu ký kết nhiều hợp đồng thương mại và việc tìm giải pháp cho một loạt căng thẳng từ vấn đề Ukraine, Đài Loan, cho đến khí hậu hay mở cửa thị trường…

Để tăng thêm trọng lượng trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, theo Libération, tổng thống Pháp đã đến Bắc Kinh cùng với bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc của Tập Cận Bình có chịu đối thoại hay không.

Trả lời Libération, chuyên gia về Trung Quốc Alice Ekman, phụ trách Châu Á tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Liên Âu EUISS cho rằng vấn đề hiện nay là Đảng cộng sản Trung Quốc luôn hung hăng bác bỏ mọi chỉ trích, khiến cho không thể có đối thoại giữa Liên Âu và Trung Quốc.

Trung Quốc không thể làm trung gian trong hồ sơ Ukraine

Tương tự như Libération, Les Echos cũng dành nhiều trang bài để phân tích về chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp. Trong một khung nhỏ trên trang nhất, tờ báo ghi nhận là sau một thời gian dài bất động vì dịch Covid-19, Emmanuel Macron đã trở lại thăm Trung Quốc. Ông chủ trương phô bày sự thống nhất của Liên Âu trước một cường quốc đã khẳng định được vai trò trên trường quốc tế, nhưng lại trở nên cứng rắn hơn nhiều trong chính sách đối nội.

Điều mà Les Echos đặc biệt ghi nhận là từ một vài ngày nay, bà Ursula von der Leyen, người đi cùng với tổng thống Pháp sang Trung Quốc, đã bày tỏ một lập trường phê phán mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh.

Trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo kinh tế Pháp, giáo sư François Godement, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc không ngần ngại cho rằng Trung Quốc "không thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột tại Ukraine".

La Croix : Nga trong thế thủ sau khi Phần Lan vào NATO

Về thời sự Châu Âu, báo La Croix đã đặc biệt chú ý đến sự kiện "Nga ở trong thế thủ sau khi Phần Lan gia nhập NATO", tựa bài phân tích ở trang quốc tế.

Theo tờ báo, sau ba thập kỷ không liên kết quân sự và quan hệ thân thiện với Nga, Phần Lan đã gia nhập NATO ngày 4 tháng Tư. Điện Kremlin bị dao động giữa mong muốn giảm nhẹ tầm mức quan trọng và tung ra nhưng lời đe dọa ngấm ngầm.

Điều chắc chắn là là việc Phần Lan gia nhập NATO đã không hề thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông lớn tại Nga. Ngay buổi sáng ngày sự kiện với những hậu quả chiến lược quan trọng này diễn ra, chủ đề này đã vắng bóng trên trang nhất của các nhật báo chính và các trang tin tức trực tuyến. Hai nhà tuyên truyền chính của chế độ, Vladimir Soloviev và Margarita Simonian, nổi tiếng là thường xuyên đề cập đến những mối đe dọa của NATO, cũng giữ thái độ im lặng.

Tình trạng thiếu quan tâm tương đối này có thể được giải thích một phần bằng tình trạng lúng túng của chính quyền Nga khi đối mặt với việc Phần Lan trở thành thành viên NATO, điều này có thể được coi là một cái tát vào mặt Vladimir Putin. Trong số nhiều lý do được dùng để biện minh cho việc tấn công xâm lược Ukraine, đó là vì nước này mong muốn gia nhập NATO, trong khi đơn ứng cử của Kiev không có triển vọng thành công ngay lập tức.

Với việc Phần Lan vào NATO, kể từ ngày 4/4, Nga sẽ tăng gấp đôi số km đường biên giới với các quốc gia trong liên minh, với nguy cơ kế tiếp là khả năng quân đội nước ngoài trú đóng trên đất Phần Lan.

Các mối đe dọa khủng bố cực hữu

Liên quan đến thời sự nước Pháp, Libération đặc biệt chú ý các mối đe dọa khủng bố cực hữu vốn không được chính quyền và cánh hữu quan tâm.

Trang nhất tờ báo giới thiệu : "Điều tra : Các mối đe dọa khủng bố từ phe cực hữu" và nói rõ : "Các nhóm cực đoan đang tự tổ chức trên mạng xã hội Telegram để chuẩn bị các hành động bạo lực chống lại các cộng đồng xã hội, các đại biểu dân cử hoặc nhà báo bị chỉ địch danh. Đây là một mối nguy hiểm được các cơ quan tình báo coi trọng nhưng lại bị chính phủ phớt lờ".

Theo Libération : "Trong số mười cuộc tấn công vì động cơ chính trị gần đây nhất bị phá vỡ ở Pháp, bảy vụ có liên quan đến phe cực hữu. (…) Và bộ trưởng bộ Nội vụ, Gérald Darmanin đã tố cáo cánh cực tả thay vì một phong trào ngày càng đáng lo ngại, qua đó nuôi dưỡng một cách nguy hiểm sự thông cảm của ông với phe cực hữu".

Đối thoại chính phủ-công đoàn về hưu trí khó thành

Cũng về nước Pháp, Le Figaro dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ đặc biệt cho cuộc tiếp xúc mở ra hôm nay giữa thủ tướng Pháp Elisabeth Borne và các đại diện công đoàn. Tờ báo chạy tựa : "Bề ngoài giả tạo của cuộc họp Borne-Berger" (Berger là lãnh đạo công đoàn CFDT, một thành tố quan trọng trong phong trào chống cải cách chế độ hưu bổng hiện nay).

Đối với Le Figaro, sự kiện này có khả năng kết thúc rất sớm vì lẽ cả hai bên đều khăng khăng giữ lập trường của mình về cải cách hưu trí.

Tờ báo giải thích : Thủ tướng chính phủ, vốn đang chờ quyết định của Hội đồng Bảo hiến dự kiến ​​vào ngày 14 tháng 4, không có ý định hy b bin pháp kéo tui v hưu lên thành 64, trong lúc đó thì hai công đoàn CFDT và CGT lại coi việc hủy bỏ biện pháp này là điều kiện tiên quyết để nối lại đối thoại.

Đối với Le Figaro, dù rất được chú ý, nhưng cuộc họp hôm nay sẽ hoàn toàn vô ich và có thể chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 276 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)