Thế giới theo Tập Cận Bình : Mạnh được yếu thua
Les Echos không cho rằng Trung Quốc có thể thay thế nước Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Những mô hình do Bắc Kinh đưa ra chỉ nhằm phục vụ lợi ích kinh tế của chính mình. Xử sự kiểu mạnh được yếu thua, Bắc Kinh không thể chiếm được tình cảm của người dân các nước. Bên cạnh đó Trung Quốc còn lá mặt lá trái trong đối ngoại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón tiếp ở Đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/04/2023 via Reuters - Pool
Ngày hành động thứ 11 chống cải cách hưu trí tại Pháp, chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, tổng thống Ukraine thăm Ba Lan, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phản công sau khi bị truy tố là những vấn đề được đề cập nhiều hôm nay trên báo chí Pháp.
"Ông Thiện" và "Ông Ác"
Libération nhận thấy "tại Trung Quốc, ông Macron muốn đi xa hơn", tái thúc đẩy "đối tác chiến lược toàn diện" với Trung Quốc sau ba năm đại dịch. Le Figaro nói về "Bước song đôi của Macron và ‘VDL’" : bà Ursula von der Leyen đến Trung Quốc theo lời mời của tổng thống Emmanuel Macron, để đóng vai trò cứng rắn trước Bắc Kinh. Tổng thống Pháp không còn gợi ra giấc mơ "nhà hòa giải" Trung Quốc, nhưng quyết tâm thuyết phục ông Tập "không ngả sang phe gây chiến" qua việc cung cấp vũ khí cho Nga. Tuy nhiên, ông không đe dọa trừng phạt nếu Trung Quốc vượt qua lằn ranh đỏ.
Ngược lại, bà Leyen trước khi bay đến Bắc Kinh đã kêu gọi 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) nên thực tế trước nhà lãnh đạo độc tài nhất kể từ thời Mao. EU cần phải "mạnh mẽ hơn" trước một tổng bí thư "đàn áp nhiều hơn trong nước và hung hăng trên trường quốc tế", với mục tiêu "thay đổi trật tự thế giới đế đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm". Tờ National Defence Times của chế độ đả kích "ý đồ xấu" của bà, đồng thời cổ vũ ông Macron nên theo vết của tướng De Gaulle, tách biệt với Mỹ. Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của ESSEC nhận định việc đi song đôi này nhằm phân vai để gây áp lực mạnh hơn lên Trung Quốc, giữa bà Leyen đóng vai "Ác" và Macron vai "Thiện".
Thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết "các doanh nghiệp Pháp thận trọng trong việc kết nối trở lại với Trung Quốc". Tình hình không giống như trước đại dịch, vì số điểm bất đồng đang tăng lên. Thị trường Hoa lục cũng chưa khởi sắc : trước mắt thì tiêu thụ vẫn thấp, còn trong trung hạn, việc Đảng cộng sản kiểm soát kinh tế và căng thẳng địa chính trị (đặc biệt về Đài Loan) gây lo ngại. Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc nói doanh nghiệp không rời thị trường này, nhưng đầu tư vào Trung Quốc trở nên phức tạp hơn rất nhiều, phải lưu tâm đến nguy cơ trừng phạt.
Cũng như những người tiền nhiệm, Emmanuel Macron có tham vọng làm cân bằng lại cán cân thương mại với Trung Quốc. Nhưng thâm hụt luôn khổng lồ, không ngừng tăng lên từ 20 năm qua, đạt mức kỷ lục 53,6 tỉ euro năm 2022. Trong những container từ Thượng Hải, Hồng Kông, Thâm Quyến sang Pháp là máy tính, điện thoại di động, hàng điện tử tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, Pháp bán Airbus, động cơ máy bay, rượu vang, dầu thơm, hàng hiệu, nông phẩm.
Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tưởng chừng mở ra thị trường lớn cho phương Tây, nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại. Năm 2000, thâm hụt thương mại giữa Pháp với Trung Quốc chỉ là 5,7 tỉ euro, nay tăng gấp 10 lần. Đối với Hoa Kỳ, thâm hụt tăng gấp 4 lần, Anh gấp 3, Tây Ban Nha gấp 6, Ý gấp 11 lần. Chỉ có Đức là không thâm thủng bao nhiêu nhờ xuất sang Trung Quốc máy công cụ và xe hơi, nhưng lại tăng lệ thuộc vào Bắc Kinh !
Bắc Kinh và mưu đồ thống trị thế giới
Trong bài xã luận "Thế giới theo cách nghĩ của Tập Cận Bình", Les Echos cho rằng không phải vì nước Mỹ mất đi vai trò lãnh đạo toàn cầu mà Trung Quốc có thể thay thế. Bắc Kinh không đưa ra được mô hình quản trị nào khác với những gì phương Tây đã thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến. "Con đường tơ lụa mới" được cho là giúp các nước mới nổi trở nên thịnh vượng, đã tạo ra những núi nợ và cảm giác cay đắng. Nhóm BRICS, Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng Châu Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải… chỉ nhằm phục vụ lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
Chính với tầm nhìn cá lớn nuốt cá bé mà Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng, nhưng không thể chiếm được tình cảm lẫn lòng tin của người dân các nước. Bên cạnh đó còn là ngoại giao hai mặt, kiểu như Thổ Nhĩ Kỳ vừa bán drone cho Ukraine vừa giúp Nga tránh né trừng phạt. Bắc Kinh, bạn thân thiết của Moskva ? Tuần trước Tập Cận Bình đã thẳng thừng bác dự án đường ống dẫn khí mà Vladimir Putin hy vọng xây dựng. Trong khi ông Tập đầy thủ đoạn tìm cách khích bác các nước Châu Âu chống đối lẫn nhau, theo Les Echos phương Tây cần tố cáo những đòn chơi xấu đối tác của Trung Quốc, vạch trần kiểu tuyên truyền về một "phương nam" - chỉ "toàn cầu" có mỗi cái tên.
Ba Lan : Hết lòng giúp Ukraine cũng là tự vệ
Một chuyến công du khác được tất cả báo Pháp chú ý, là chuyến thăm Ba Lan của tổng thống Ukraine. Libération, Le Monde, Le Figaro, Les Echos đều nhận thấy Zelensky đến Warszawa để "siết chặt liên minh", "mừng sự đồng thuận" "tình bạn vĩnh cửu", "làm hồi sinh sự ủng hộ", La Croix cho rằng "tình hữu nghị giữa Kiev và Warszawa được vun đắp nhờ mối đe dọa từ Nga".
Les Echos lưu ý, lần đầu tiên chuyến viếng thăm của tổng thống Volodymyr Zelensky được loan báo trước nhiều ngày trong khi những lần công du Washington, Luân Đôn, Paris và Bruxelles được giữ kín cho tới phút chót. Chuyên gia Wojciech Lorenz của think tank Polish Institute of International Affairs cho rằng "đó là dấu hiệu tin cậy, Zelensky muốn cho thấy ông có cảm giác an toàn".
Chuyến thăm cũng quan trọng đối với tổng thống Duda và thủ tướng Morawiecki của Ba Lan. Từ đầu cuộc xâm lăng, nhờ ủng hộ Kiev hết mình mà chính phủ dân túy nước này ra khỏi tình trạng bị cô lập. Le Figaro nhắc lại, có đến 73% dân Ba Lan coi cuộc chiến ở Ukraine đe dọa đến an ninh nước mình. La Croix cho biết món quà ngày gặp mặt là Warszawa tặng toàn bộ số tiêm kích MiG-29 có từ thời Liên Xô gồm khoảng 30 chiếc (đã giao 8 chiếc). Ba Lan đứng thứ tư về quân viện cho Ukraine, chỉ sau Hoa Kỳ, Anh, Đức.
Tính chung, viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chánh đã lên đến 3,5 tỉ euro, hơn 0,6% GDP Ba Lan (so với Pháp chỉ có 0,07%). Nước này cũng tiếp đón 1,3 triệu người tị nạn Ukraine, 200.000 học sinh Ukraine đang theo học ở các trường Ba Lan. Cuộc chiến cũng làm gác lại một vấn đề nhạy cảm trong lịch sử : tổng thống tiền nhiệm Viktor Yuchenko đã phong anh hùng cho nhân vật dân tộc chủ nghĩa Stepan Bandera, mà lực lượng liên kết với quốc xã đã sát hại mấy chục ngàn người Ba Lan thời Đệ nhị Thế chiến.
Phụ nữ Nga sang Argentina sinh con để có quốc tịch
Liên quan đến nước Nga, các báo có nhiều bài phóng sự, từ "Trường ‘đại học’ cho lực lượng đặc biệt của Kadyrov ở Chechnya", cho đến cuộc sống ở vùng ngoại ô Kharkiv sau khi tái chiếm – dù đạn bom, người dân vẫn trở về. Đáng chú ý là bài phóng sự trên Le Figaro về "Những phụ nữ Nga đến sinh con ở Buenos Aires".
Chỉ riêng trong tháng Giêng năm nay, đã có 4.523 công dân Nga nhập cảnh vào Argentina, tăng gấp bốn so với năm trước. Từ đầu cuộc chiến tranh ở Ukraine, có ít nhất 22.000 người Nga chạy sang quốc gia Châu Mỹ La tinh này. Tuy Buenos Aires lên án cuộc xâm lăng, nhưng không áp dụng các biện pháp trừng phạt Moskva. Sang sinh con tại đây, đứa trẻ sẽ có quốc tịch Argentina, hộ chiếu được miễn visa vào 171 quốc gia, trong khi công dân Nga bị nhiều nước cấm nhập cảnh. Hơn nữa hệ thống y tế nước này rất tốt và miễn phí. Hiện nay tại bệnh viện công Fernandez ở khu phố Palermo, trẻ sơ sinh Nga chiếm 20%.
Mỹ : Cực tả mất đà
Nhìn sang nước Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump sau khi bị tòa án New York cáo buộc nhiều tội danh đã bác bỏ tất cả. Đa số các báo đều nhận thấy ông Trump lại càng hăng hái hơn trước, thậm chí vụ này có thể mang lại lợi thế cho ông trong kỳ bầu cử năm 2024. Trên lãnh vực xã hội, tác giả Édouard Tetreau nhận định xu hướng "woke" (tỉnh thức) ở Mỹ đang xuống dốc.
Tại Chicago, thành phố mỗi năm có 700 người chết vì súng đạn, một số chính khách cực đoan đã im tiếng. Lori Lightfoot, nhân vật nổi tiếng của phe cực tả, thị trưởng da đen đồng tính nữ đầu tiên của một thành phố lớn nước Mỹ đã mất chức chỉ sau một nhiệm kỳ - lần đầu tiên trong 40 năm. Đó là do cách làm việc của bà (không trả lời các ký giả nam da trắng), kinh tế, an ninh tồi tệ. Ở các thành phố khác cũng vậy, người dân muốn được phục vụ thay vì những biểu tượng ngồi đó làm vì.
Tại New York, những con đường của một thành phố tiêu biểu cho văn hóa lao động, sáng tạo nay đầy mùi cần sa. Thành phố có đến 1.400 "smoke shop", nhiều gấp 7 lần các quán cà phê Starbuck ; người vô gia cư đông hơn. Trong ba năm qua, gần 200.000 người New York đã chuyển sang Florida sinh sống.
Pháp : Lại xuống đường thay vì đối thoại
Quay lại với thời sự nước Pháp, trong bài xã luận mang tên "Nguyên trạng", La Croix ngao ngán "Trở lại với (biểu tình) đường phố". Nhật báo thiên tả Libération tập trung đả kích bộ trưởng Nội vụ Gérard Darmanin, tờ báo cánh hữu Le Figaro phản đối "Bạo lực và thù ghét".
Nhà sử học André Siegfried từ năm 1950 đã chỉ ra "tính cách phá hoại", "thoải mái khi chống đối hơn là hợp tác" của người Pháp. Từ 70 năm qua, có bao nhiêu là dịp chứng minh ông đã đúng. Như cuộc họp hôm qua giữa thủ tướng và các nghiệp đoàn, đối thoại là bất khả, bất đồng luôn diễn ra. Tất nhiên là chính phủ luôn bị đổ lỗi. Những từ ngữ phóng đại như "bộ trưởng bộ Ma-trắc" khiến Hội Đồng Châu Âu và Liên Hiệp Quốc lo ngại, ngay cả một bộ phận trong đa số cầm quyền cũng lung lay. Nước Pháp của ông Macron là Nhà nước công an chuyên đàn áp như Chile của Pinochet chăng ? Đi biểu tình với dao rựa, tạ sắt, bom xăng là chuyện bình thường chăng ? Một đất nước kỳ lạ - theo Le Figaro.
Thụy My