Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc đang "nghiền nát" công nghiệp Châu Âu, khối 27 nước buộc phải kháng cự

Số người vượt eo biển Manche tìm đến miền đất hứa Anh Quốc tăng vọt đầu năm nay, bất chấp các ngăn chặn. Thị trường chứng khoán Wall Street, Hoa Kỳ, bước vào giai đoạn đầy bất định, sau ba tháng đầu năm thành công rực rỡ. Uy tín của tổng thống Pháp trong giới trẻ sụt giảm mạnh trước thềm bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Trên đây là một số tựa lớn trang nhất của các báo Pháp hôm nay. Le Monde dành chủ đề chính cho nguy cơ hàng Trung Quốc hủy diệt kinh tế Châu Âu.

trungquoc1

Một nhà máy sản xuất pin mặt trời tại Trung Quốc, tỉnh Giang Tô. Ảnh chụp ngày 4/1/2024. AFP - STR

"Trung Quốc đang nghiền nát nền công nghiệp Châu Âu như thế nào" là tựa lớn trang nhất Le Monde. Le Monde nêu bật tình trạng "kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cùng lúc với việc nền công nghiệp nước này cho ra lò quá nhiều sản phẩm, với cái giá bán ra nước ngoài thấp đến mức không ai cạnh tranh nổi". Các sản phẩm công nghệ Trung Quốc, như xe ô tô điện, ắc quy, pin mặt trời, tràn ngập thị trường nước ngoài. Châu Âu đối phó không lại với hàng hóa Trung Quốc, thường được nhà nước trợ giá.

Le Monde nhấn mạnh, khác hẳn với Hoa Kỳ, đã có các chính sách đối phó với Trung Quốc, như tăng thuế nhập khẩu dưới thời Trump, và chính sách hỗ trợ cho công nghiệp nội địa của chính quyền hiện nay, Liên Âu hoàn toàn không có chính sách tương ứng, bất chấp các kêu gọi hỗ trợ "năng lực tự chủ của nền công nghiệp nội địa".

Tiêu thụ nội địa ảm đạm, nhưng sản phẩm Trung Quốc tràn ngập thế giới

Hồ sơ chính của Le Monde về chủ đề này điểm mặt các lĩnh vực mà sản phẩm Trung Quốc chiếm thế thượng phong trên thế giới, như ô tô điện, thép, ắc quy, dược phẩm… 54% sản phẩm thép trên thế giới là do Trung Quốc nắm. 99% ắc quy lithium cho xe tô điện được sản xuất tại Trung Quốc. 60% tua bin điện gió, 12% dược phẩm toàn cầu là sản phẩm của Hoa lục. Thâm hụt thương mại của Châu Âu với Trung Quốc tăng gấp ba trong 10 năm (từ 2013 đến 2023), với 291 tỉ euro hồi năm ngoái. Riêng Pháp nhập siêu từ Trung Quốc hơn 40 tỉ euro.

Tại Châu Âu, xe ô tô điện Trung Quốc, trong vòng 5 năm qua, tổng doanh thu từ chỗ bằng không tăng lên 12 tỉ euro. Sản lượng xe hơi của tập đoàn Trung Quốc BYD, hàng đầu trong lĩnh vực này, "chỉ" tăng trưởng 13% trong quý đầu năm nay, mức thấp nhất tính từ trước đại dịch Covid. Theo giới chuyên gia, với mức độ sản xuất dư thừa rất lớn hiện nay, ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc không để lại cho công nghiệp Châu Âu "nhiều cơ hội sống sót".

Pin mặt trời : Doanh nghiệp Châu Âu thất thủ vào thời điểm vàng

Le Monde nhấn mạnh đến lĩnh vực pin mặt trời. Năm 2023 đạt mức kỷ lục về điện mặt trời mới lắp đặt với tổng công suất 55,9 GW, tăng 40% so với năm trước. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh điện mặt trời vọt tiến, doanh nghiệp Châu Âu lại rơi vào thảm cảnh thất thủ ngay tại sân nhà. Về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp Châu Âu có thể đáp ứng hơn 14 GW, tức hơn một phần ba số công suất mới lặp đặt. Thế nhưng sản lượng pin mặt trời Châu Âu lại sụt giảm mạnh trong chính thời điểm vàng này.

Theo ESMC (European Solar Manufacturing Council), thủ phạm là chính sách xuất khẩu pin mặt trời ồ ạt với giá cực thấp của Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp Châu Âu bị phá sản. Tình hình càng thêm trầm trọng với Châu Âu, khi hàng hóa Trung Quốc khó đổ vào thị trường Mỹ do luật IRA 2022, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Chiến lược mới của Trung Quốc, "cội nguồn xung đột thương mại" toàn cầu

Cũng về chủ đề này, Le Monde có bài đi sâu phân tích về "chiến lược mới" của Trung Quốc, "cội nguồn của các xung đột thương mại" thế giới. Nhật báo Pháp nêu bật chuyến đi, hồi tháng 9/2023, của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến một trung tâm công nghiệp miền đông bắc, thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Tại đây, ông Tập Cận Bình hối thúc các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn. Đẩy mạnh sản xuất để làm gì trong bối cảnh tiêu thụ của thị trường nội điện Trung Quốc chững hẳn lại ? Đẩy mạnh sản xuất để tăng cường xuất khẩu nhằm chinh phục thị trường thế giới là mục tiêu của Bắc Kinh.

Vào năm 2010, nếu như sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc "chỉ" chiếm 20% thị trường toàn cầu, thì hiện tại tỉ lệ này đã là 31%. Tuy nhiên, Bắc Kinh không dừng ở đây. Với sự thúc đẩy và hỗ trợ của chính quyền trung ương, chính quyền nhiều khu vực tại Trung Quốc đang bắt đầu hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, trước hết trong các cạnh tranh quyết liệt ngay tại Hoa lục. Cụ thể như thành phố Ninh Đức (Ningde), tỉnh Phúc Kiến, cạnh tranh với Nghi Tân (Yiben), tỉnh Tứ Xuyên, để dành vị trí thủ phủ của ắc quy CATL. Hay Thâm Quyến, Quảng Đông, cố vươn lên thành thủ phủ xe ô tô điện…

Châu Âu ở "tuyến đầu"

Le Monde lưu ý, trong cuộc chiến tranh kinh tế này, Châu Âu "đứng ở tuyến đầu", bởi Hoa Kỳ "đã bắt đầu khép cánh cửa" với hàng Trung Quốc, thị trường các nền kinh tế đang phát triển thì chưa đủ khả năng hấp thụ. Thời khắc quyết định đang đến : năm nay, Ủy Ban Châu Âu có kế hoạch trình kết luận về cuộc điều tra Bắc Kinh trợ giá xe ô điện, sẽ được sử dụng để thiết lập các loại thuế nhập khẩu mới của khối với hàng Trung Quốc. Bài thời luận của Le Monde số hôm nay cũng dành cho chủ đề này, nhấn mạnh : Liên Âu không có cách nào khác là cũng "phải nỗ lực để thiết lập các chính sách công nghiệp để kháng cự lại Trung Quốc, và để chuẩn bị cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh".

Nga "lấn dần" lãnh thổ Ukraine : hơn 500 km² trong 6 tháng

Khối NATO có cuộc họp cấp ngoại trưởng trong ba ngày thứ tư, thứ năm và hôm nay, thứ sáu 05/04, tại Bruxelles, với Ukraine là chủ đề trọng tâm. Le Monde dành một hồ sơ chính cho chủ đề "Nga tiếp tục cuộc lấn chiếm dần mòn lãnh thổ Ukraine", với thông báo : kể từ tháng 10/2023 đến nay, quân đội Nga đã chiếm thêm 505 km². Nhật báo Pháp nêu bật các biện pháp mà Nga đã sử dụng để đạt được mục tiêu.

Một trong các biện pháp mà phương Tây lo ngại nhất hiện nay là "bom bay" (glide bomb). Loại bom điều khiển được thả từ máy bay này có mức độ chính xác không cao, nhưng mức độ phá hủy là ghê gớm. Trong thời gian gần đây, Nga đã nâng trọng lượng của loại bom này từ 250 kg lên 1,5 tấn. Trong một chuyến đi hôm 21/03 đến một nhà máy quân sự, bộ trưởng Quốc phòng Nga thông báo Nga đang sản xuất bom bay mới với trọng lượng 3 tấn. Bom bay Nga có sức công phá hơn hẳn so với đạn pháo 152 ly của Nga, cân nặng khoảng 40 kg.

"Bom bay", dự trữ tên lửa dồi dào... : Thế mạnh của Nga

Từ đầu năm đến nay, các oanh tạc cơ Nga đã phóng đi khoảng 3.500 trái bom bay, theo Bộ Quốc phòng Ukraine. Khoảng 30 đến 40 trái bom như vậy được phóng đi mỗi ngày, cho phép hủy diệt cùng lúc nhiều đơn vị chiến đấu, nhiều căn cứ phòng thủ của Ukraine. Hệ thống phòng không không quân Ukraine gần như không có khả năng ngăn chặn loại vũ khí nguy hiểm này, bởi oanh tạc cơ Nga phóng bom từ sau chiến tuyến, ngoài tầm của các radar của các phi cơ Ukraine.

Về quân đội Nga, có hai lo ngại lớn khác. Thứ nhất là việc Nga đang nhanh chóng khôi phục kho dự trữ tên lửa, nhờ lách được các trừng phạt của phương Tây, ngược hẳn lại các dự đoán của nhiều chuyên gia, về việc dữ trữ tên lửa của Nga cạn kiệt sau hai năm chiến tranh. Điểm thứ hai là quân đội Nga, trên chiến trường, đang trở nên linh hoạt hơn, nhờ việc chuyển nhiều quyền quyết định cho các cấp dưới, khác hẳn so với trước.

Về hội nghị ngoại trưởng NATO tại Bruxelles, nhân dịp 75 năm sinh nhật Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương, theo Le Monde, "hòa bình và ổn định" - các mục tiêu của NATO - giờ đang bị đặt trước thách thức ghê gớm với cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Trong hiện tại, lộ trình kết nạp Ukraine vào khối hiện vẫn là chủ đề gây chia rẽ sâu sắc trong khối. Trước mắt, để khẳng định sự hỗ trợ của khối với Ukraine, các thành viên NATO bắt đầu thảo luận về việc lập quỹ 100 tỉ đô la cho Kiev. Về các hỗ trợ cho Ukraine, Les Echos có bài nói về các nỗ lực của các thành viên NATO nhắm cung cấp nhiều đạn pháo hơn cho Kiev.

Gaza : Israel không tiêu diệt được "bộ máy chính trị" Hamas sau 6 tháng chiến tranh

Về tình hình xung đột tại Gaza, nhật báo công giáo La Croix có bài nói đến nguy cơ chiến tranh kéo dài với cường độ thấp tại vùng lãnh thổ Palestine, sau cuộc tấn công quy mô lớn nửa năm qua. Bất chấp các áp lực quốc tế, chính quyền Israel không từ bỏ ý định duy trì quân đội lâu dài tại Gaza. Theo tướng Olivier Passot, Viện nghiên cứu chiến lược của trường Quân sự Pháp (Irsem), quân đội Israel đã đạt được mục tiêu tiêu diệt một phần lớn lực lượng của Hamas, không cho phép tổ chức này có thể tiến hành trở lại một cuộc tấn công như kiểu ngày 07/10/2023. Theo quân đội Israel, khoảng 13.000 "tên khủng bố" đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó có nhiều chỉ huy, trong số khoảng từ 35.000 đến 40.000 dân quân và cảnh sát Palestine tại Gaza trước chiến tranh. 

Tuy nhiên, vẫn theo nhà nghiên cứu Pháp, Israel sau 6 tháng chiến tranh đã không đạt được mục tiêu hủy diệt "bộ máy chính trị và nhà nước" của Hamas. Phong trào Hamas vẫn tồn tại ở ngay tại vùng đất Gaza. Một nguồn tin Pháp cho biết, từ trong hậu trường, Hamas tiếp tục kiểm soát phần còn lại ít ỏi của các tổ chức dân sự Palestine, đặc biệt là với các cơ sở được gọi là "ủy ban nhân dân", được lập ra để tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ. Các vụ ám sát người cộng tác với Israel cho thấy là hệ thống các mạng lưới ngầm của Hamas vẫn tồn tại.

La Croix nhấn mạnh là, Israel hiện đang trong tình thế khó xử. Duy trì hiện diện quân sự trực tiếp sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề. Việc điều động quân đội đến khi cần cũng không giúp cho việc tiêu diệt được Hamas, bắt rễ trong xã hội Palestine ở Gaza. La Croix nhắc lại một số bài học từ giai đoạn quân đội Israel kiểm soát Gaza từ năm 1967 đến 2005. Một số thủ đoạn Israel sử dụng nhắm khuyến khích người dân nổi dậy chống lại phe Hồi giáo triệt để, đã không mang lại kết quả. Nhật báo công giáo kết luận, dù kịch bản nào đi chăng nữa, dải Gaza trong một thời gian dài sẽ là "trại tị nạn lớn nhất thế giới giữa các hoang tàn đổ nát, một vùng lãnh thổ bị chia cắt thành các khu vực, dưới sự kiểm soát của Israel".

Hỗ trợ chi phí cải tạo chỗ ở : Mê lộ chính sách khiến dân Pháp xa lánh

Thất bại trong chính sách của chính phủ hỗ trợ chi phí cải tạo nơi ở vì mục tiêu môi trường tại Pháp là chủ đề trang nhất của Libération, trên nền hình ảnh một ngôi nhà lộn ngược. Nhật báo Pháp cho biết, chính sách hỗ trợ MaPrimeRénov, được chính phủ Pháp đưa ra từ năm 2020, để giúp nơi ở giữ nhiệt tốt hơn, nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đã biến thành một "mê lộ" với rất nhiều người.

Bài xã luận của Libération, với tựa đề "Kafkaien" (Kafka, tên nhà văn viết tiếng Đức đầu thế kỉ 20, nổi tiếng với các tác phẩm phơi bày bộ máy quan liêu phi nhân tính), tố cáo cả một bộ máy quan liêu đã biến một chính sách tốt thành một thứ "lò hơi ngạt". Libération nhấn mạnh : đây là một điều "hết sức đáng tiếc", bởi việc tăng cường khả năng giữ nhiệt của nơi ở là điều "khẩn cấp".

Liên hoan nghệ thuật Avignon "tìm lời" để nói về một "thế giới hỗn loạn"

Trong lĩnh vực nghệ thuật, Le Monde chú ý đến Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon thường niên, sau khi ban tổ chức chính thức công bố chương trình hôm thứ Tư, 03/04. Bài "Liên hoan Avignon đối mặt với một thế giới hỗn loạn" của Le Monde nhấn mạnh đến thông điệp của người phụ trách Liên hoan lần thứ 78, nhà soạn kịch người Bồ Đào Nha Tiago Rodrigues : "Mục tiêu của Liên hoan của chúng tôi là tìm lời để nói về một thế giới bị đe dọa bởi chiến tranh, bất bình đẳng, các trào lưu cực đoan và đại khủng hoảng khí hậu". "Chercher ses mots" ("Tìm lời") là chủ đề chính của Liên hoan Avignon năm nay.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế

Tổng thống Pháp nuôi hy vọng thuần hóa con cọp Trung Quốc

Năm 2018, Emmanuel Macron đã đề nghị làm người trung gian hòa giải giữa Tập Cận Bình và... Đạt Lai Lạt Ma. Năm năm sau, tổng thống Pháp hy vọng thu xếp được một cuộc điện đàm giữa ông Tập với Zelensky, hay Bắc Kinh từ chối giao vũ khí cho Moskva. Nhưng hoàng đế đỏ chỉ muốn dẫn dụ để khỏi mất thị trường Châu Âu, trong lúc bị Mỹ trừng phạt. Le Figaro cho rằng khó thể tin "người dạy hổ" Emmanuel Macron gây được ấn tượng với con cọp.

cop1

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Élysée ngày 03/04/2023 trước khi lên đường sang Bắc Kinh. AP - Aurelien Morissard

Wagner chiếm được tòa thị chính bỏ hoang 

Chiến tranh ở Ukraine, chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Phần Lan gia nhập NATO, là thời sự rất được chú ý hôm nay. Về việc "Thủ lãnh Wagner tuyên bố đã chiếm được tòa thị chính Bakhmut, Le Figaro cho biết video được phổ biến sáng hôm qua trên mạng xã hội lập tức gây phản ứng khác nhau nơi các nhà phân tích Nga, Ukraine và các nước.

Ông Yevgeny Prigozhin cầm lá cờ Nga với tên của blogger quân sự vừa bị ám sát, nói rằng đã kiểm soát được Bakhmut "về mặt pháp lý". Theo Prigozhin, quân đội Ukraine chỉ còn tập trung tại các khu vực phía tây thành phố. Kiev bác bỏ ngay, một phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine khẳng định Nga "còn lâu" mới chiếm được Bakhmut. Những trận đánh vẫn tiếp diễn xung quanh tòa thị chính, và quân Nga "đã cắm cờ ở phía trên vị trí dường như là toa-lét".

Mà thực ra nếu Wagner có chiếm được đi nữa thì cũng chẳng mấy quan trọng. Từ nhiều tháng qua, thị trưởng và tất cả nhân viên làm việc bên ngoài thành phố, cách xa trận địa. Tòa thị chính bị bỏ hoang, cũng giống như những tòa nhà khác trong thành phố không ngừng bị oanh kích, đa số cư dân đã di tản. Một bản đồ của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ngày 31/03 cho thấy lính đánh thuê Wagner đã ở gần tòa nhà này, như vậy chẳng tiến được mấy bước.

Binh sĩ Ukraine chờ đợi chiến dịch phản công

Tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ thứ Tư tuần trước coi trận đánh Bakhmut là "thảm sát trên diện rộng". Theo ông, khoảng 6.000 lính đánh thuê Wagner và 30.000 binh sĩ Nga đã bỏ mạng, còn tình báo Anh cho rằng tại Donbass, "quân Nga chỉ chiếm được một ít đất với cái giá mấy chục ngàn người chết". Les Echos dẫn nguồn từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nói rằng trong suốt tháng Ba, mất vô số mạng lính nhưng quân Nga chỉ chiếm được 70 kilomet vuông. Đồng thời cho biết "tại Donbass, những chiến sĩ Ukraine nóng lòng chờ đợi phản công".

Dù Bakhmut sắp tới có thất thủ, vẫn không ảnh hưởng đến quyết tâm của người Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov gần đây tiết lộ chiến dịch phản công sẽ bắt đầu "vào tháng Tư hoặc tháng Năm", tùy theo điều kiện thời tiết. Nhưng những trận mưa lớn vừa đổ xuống, bùn lầy làm chậm lại việc di chuyển. Trên chiến tuyến ở Toretsk, nơi quân Nga và những người lính lữ đoàn cơ giới 24 của Ukraine đóng cách nhau chưa đầy 2 cây số, những chiến hào có thể nhìn thấy từ xa. 

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với Yomiuri Shimbun : "Chúng tôi không thể gửi những người lính dũng cảm của mình ra tiền tuyến mà không có xe tăng, pháo tầm xa". Trong khi đó, những người lính của Lữ đoàn 24 đã thề không nhường một tấc đất cho quân thù. Một xạ thủ đại liên nói : "Mỗi người chúng tôi đều có con cái, có gia đình. Chúng tôi đã thấy những gì người Nga đã làm với Irpin và Bucha, không thể để họ tiếp tục".

Ám sát blogger cực đoan Nga : Ai là thủ phạm ?

Liên quan đến vụ blogger cực đoan Vladlen Tatarsky thiệt mạng trong vụ nổ ở Saint-Petersburg hôm qua, Le Figaro  Le Monde cho biết thêm một số chi tiết. Chiều Chủ nhật 02/04, một cuộc họp được "câu lạc bộ thảo luận ái quốc" Cyber front Z tổ chức tại một quán cà phê của ông chủ Wagner, tập hợp khoảng 100 người xung quanh blogger nổi tiếng có 560.000 người theo dõi trên Telegram.

Cuộc tọa đàm bắt đầu được một tiếng đồng hồ thì một cô gái tóc vàng tự giới thiệu là Nastya (Anastasia), sinh viên mỹ thuật, muốn chuyển quà từ một nhóm nghệ sĩ rất trân trọng Vladlen Tatarsky. Blogger tươi cười mở gói quà, cô gái quay về chỗ. Món quà là bức tượng chính anh ta bằng thạch cao phủ lớp sơn ánh vàng, và theo một nhân chứng, vụ nổ đã xảy ra ba đến năm phút sau khi mở hộp. Có 32 người bị thương, trong đó 24 đang nằm viện. Theo cảnh sát, bức tượng chứa 200 gam TNT.

Cái tên Vladlen có từ thời Liên Xô, rút ngắn từ VLADimir LENin. Tên thật của blogger này là Maxim Fomin, sinh ở Makiivka thuộc Ukraine, từng bị tù vì cướp ngân hàng nhưng đã vượt ngục năm 2014. Năm 2019, đến Moskva sinh sống, anh ta lập blog và theo chân quân Nga kể từ cuộc xâm lăng để tường thuật, kêu gọi "hủy diệt toàn bộ Nhà nước Ukraine". Được mời đến Kremlin nhân buổi lễ sáp nhập bốn vùng đất của Ukraine, Tatarsky tuyên bố "Chúng ta sẽ chiến thắng tất cả mọi người, giết tất cả, cướp bóc tất cả…".

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau vụ nổ, cảnh sát Nga nhanh chóng bắt giữ cô Daria Trepova, 26 tuổi trong một căn hộ gần đó. Trong một video được chính quyền đăng tải, cô gái tóc ngắn màu hung này không giống cô có mái tóc dài màu vàng được camera an ninh ghi lại hôm trước. Kremlin tố cáo "an ninh Ukraine, có sự tham gia của gián điệp hợp tác với Quỹ Navalny" đã ám sát blogger trên. Les Echos cho rằng vụ này "làm đậm nét thêm sự kình địch giữa các phe cực đoan" Nga. Chính ông Prigozhin nói rằng ông không cáo buộc chế độ Kiev, mà nghĩ rằng đây là hành động của một nhóm cực đoan. Ông chủ Wagner, người bảo trợ của Tatarsky phải là người biết rõ hơn ai hết.

Chuyên gia : Nga đang bị "Stalin hóa"

Còn ở Nga, "bầu không khí đang bị Stalin hóa", theo Andrei Kolesnikov, chuyên gia của Quỹ Carnegie. Trả lời Les Echos, ông nhận định lệnh truy nã Vladimir Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cho thấy tổng thống Nga bị coi là thủ phạm chính, như vậy đã gián tiếp bảo vệ những người khác.

Không biết có phải là ngẫu nhiên hay không, nhưng sau đó khoảng 15 nhà tài phiệt đã không tham dự cuộc họp giữa Putin với giới doanh nhân. Giới tinh hoa chính trị thì ủng hộ Putin đến cùng để giữ được những ưu đãi đang có. Họ lệ thuộc vào chế độ cho đến nỗi dù lương tâm có phản đối nhưng không thể biểu lộ. Cũng giống như tất cả đang trong một chiếc tàu ngầm dưới đáy biển, dù đang chìm dần cũng chẳng hay, chỉ biết tin tưởng vào thuyền trưởng.

Cũng như dưới thời Stalin, người ta có thể bị bắt vì bất kỳ một thái độ chống đối nào. Để chứng tỏ lòng trung thành với chế độ, người Nga cảm thấy cần phải tố cáo những người hàng xóm bị nghi là phản chiến. Mọi sự có thể thay đổi rất nhanh, khác với thời xô-viết, không có dấu hiệu nào báo trước sẽ bị bắt. Là một trong những người nhà bình luận cuối cùng còn ở lại Nga, Andrei Kolesnikov cho biết ông luôn cảnh giác trong các quán cà phê, métro… Khi viết, đôi khi ông cũng dùng từ "chiến tranh" nhưng rất nguy hiểm, phải thay bằng "thảm họa", "tai họa"…

Phần Lan vào NATO, biên giới với Nga dài thêm 1.300 cây số

Cũng tại Châu Âu, sự kiện Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO kể từ chiều hôm nay, sau ba thập niên trung lập, được tất cả các báo chú ý. Lá cờ Phần Lan được kéo lên trước trụ sở NATO, đúng vào ngày kỷ niệm 74 năm thành lập Liên minh. Đây là vụ kết nạp nhanh nhất trong lịch sử, và nữ thủ tướng trẻ tuổi Sanna Marin có thể ra đi "với vầng hào quang", theo Les Echos. Nhật báo kinh tế nhắc lại, chính cuộc xâm lăng Ukraine đã thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển nhanh chóng xin gia nhập NATO.

Ban đầu hai nước Bắc Âu muốn vào một lượt nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn trở, rốt cuộc Phần Lan gia nhập trước và gây sức ép lên Thổ để hỗ trợ nước láng giềng thân thiết. Libération nhận thấy điều trớ trêu cho Putin : một trong những lý do nêu ra để tấn công Ukraine là lo ngại NATO mở rộng. Mười ba tháng sau, biên giới giữa Nga với Liên minh Bắc Đại Tây Dương lại được mở rộng thêm 1.340 kilomet. Nếu chiến tranh xảy ra, Phần Lan có thể huy động 280.000 binh sĩ và 600.000 quân dự bị. Đất nước này sở hữu cơ sở hạ tầng lưỡng dụng, pháo binh thuộc loại hùng hậu ở Châu Âu, đội phi cơ gồm 60 tiêm kích Mỹ, lực lượng hải quân chuyên chống mìn.

Pháp tăng cường tái vũ trang

La Croix nhận thấy sau ba thập niên thắt lưng buộc bụng, nay cũng như nhiều nước Châu Âu và Châu Á, chính phủ Pháp quyết định gia tăng sức mạnh quân đội. Luật chương trình quân sự (LPM) 2024-2030 được giới thiệu hôm nay trước nội các, đã tăng ngân sách quân sự lên 430 tỉ euro so với luật trước là 295 tỉ euro, như vậy đến 2025 đạt cam kết với NATO là 2% GDP. Quân đội sẽ có được các vệ tinh địa tĩnh giám sát, "lặn" được sâu 6.000 mét dưới đáy biển. Ưu tiên dành cho drone và kỹ thuật số khiến nhiệm vụ của lục quân thay đổi hẳn.

Les Echos cho biết thêm, Pháp tái thúc đẩy chương trình nghiên cứu để ra mắt các tàu ngầm nguyên tử thế hệ thứ ba (SNLE 3G). Không quân sẽ có thêm những chiến đấu cơ Rafale mới bên cạnh những chiếc Mirage cải tiến. Trong bài xã luận, tờ báo kêu gọi "đoàn kết chặt chẽ vì quân đội", trong bối cảnh quốc tế mới.

Macron cố chận bớt liên kết Nga-Trung

Về chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp, Le Figaro chạy tựa "Tại Bắc Kinh, Macron muốn kìm bớt việc ông Tập và Putin xích gần lại với nhau", và chủ đề Ukraine sẽ là trung tâm. Tờ báo dẫn lời chuyên gia Marc Julienne của IFRI nhận xét, ý định của các nhà lãnh đạo Châu Âu tìm kiếm từ Bắc Kinh một giải pháp cho cuộc chiến không chỉ là ảo tưởng, mà còn góp phần giúp Trung Quốc tự quảng cáo như một nhân tố hòa giải. Hy vọng này đã thành mây khói sau chuyến đi Moskva được tuyên truyền ầm ĩ của Tập Cận Bình. Giờ thì Emmanuel Macron chỉ mong muốn tránh mọi "quyết định tai hại" - ủng hộ Moskva về quân sự.

Nhưng đa số nhà quan sát nghi ngờ khả năng của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong việc làm thay đổi chủ trương của Bắc Kinh và đạt được những kết quả cụ thể trong hồ sơ Ukraine. Trong bài xã luận "Macron tại Trung Quốc, người dạy cọp", Le Figaro mỉa mai, năm 2018 trong chuyến công du đầu tiên khi vừa nhậm chức tổng thống, ông Emmanuel Macron đã hồ hởi đề nghị làm người trung gian hòa giải giữa Tập Cận Bình và... Đạt Lai Lạt Ma dù chẳng ai nhờ. Kết quả là chẳng có gì.

Năm năm sau, bớt hăng hái hơn, Macron lại lao vào một trò chơi ngoại giao đầy cao vọng : lập ra một mối quan hệ thăng bằng, với người bạn thân thiết nhất của Vladimir Putin và kẻ thù tồi tệ nhất của Joe Biden. Tổng thống Pháp hy vọng thu xếp được một cuộc điện đàm giữa ông Tập với Zelensky, Bắc Kinh từ chối cung ứng vũ khí cho Moskva, hay chỉ đơn giản ủng hộ hòa bình cho Ukraine.

Người dạy hổ và con cọp dữ

Nhưng hoàng đế đỏ chỉ muốn dẫn dụ EU để khỏi mất đi thị trường, trong lúc đang phải chịu đựng trừng phạt của Mỹ, không từ bỏ ý định khống chế thế giới với mô hình toàn trị của mình. Pháp, Đức và các nước Nam Âu đang là các mục tiêu ưu tiên trong chiến dịch quyến rũ của Trung Quốc. Với 500 triệu người tiêu thụ, EU trở thành thiết yếu trong xu hướng nâng cấp kỹ nghệ của kế hoạch Trung Quốc 2035, nhằm tiến lên hàng đầu về công nghệ mũi nhọn. EU cũng là nguồn đầu tư quý giá đối với Trung Quốc vốn đang muốn rút ngắn khoảng cách trong nhiều lãnh vực như ngành hàng không.

Phải mất ba mươi năm để các nhà lãnh đạo Châu Âu tỉnh giấc mơ, rằng thương mại sẽ giúp bình thường hóa Trung Quốc, và tư bản sẽ dân chủ hóa nước Nga. Thế nhưng giờ đây hai quốc gia độc tài này liên kết với nhau để áp đặt một trật tự thế giới mới "giá rẻ" - theo từ ngữ của nhà Trung Quốc học François Godement - trong đó cá lớn nuốt cá bé. Trong vai người dạy hổ, khó thể tin rằng ông Emmanuel Macron, dù bên cạnh có cả chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, lại gây được ấn tượng với con cọp.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Châu Á

Trung Quốc – Châu Âu : Đối thủ hay đối tác

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thất thủ nhưng mối đe dọa vẫn chưa hết. Chuyến công Châu Âu của ông Tập Cận Bình gây hoài nghi và cảnh giác. Brexit, nước Anh không lối thoát số phận thủ tướng Theresa May trở nên mong manh. Đó là những chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo Pháp ra hôm nay.

doitac1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước doanh nhân tại dinh Quirinal, Roma, ngày 22/03/2019. Tiziana Fabi/Pool via REUTERS

Sau chặng đầu có thể được coi là thành công ở nước Ý cùng với hàng chục hợp đồng kinh tế và nghị định thư hợp tác được ký kết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay bắt đầu chuyến thăm Pháp cấp Nhà nước trong vai của "một đối tác cũng như một đối thủ", nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét.

Trong khi đó, Le Figaro, có bài : "Các nước Châu Âu thức tỉnh trước Trung Quốc". Tờ báo nhận thấy tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng tạo được một mặt trận chung Châu Âu để đối phó với chiến lược và tham vọng của Bắc Kinh. Mở đầu bài viết, phóng viên Le Figaro dẫn lại phát biểu của một quan chức Úc cách đây 3 năm rằng "Châu Á đánh giá thấp Hồi giáo cực đoan và Nga nhưng Châu Âu thì vẫn chưa ý thức được mối đe dọa Trung Quốc".

Theo bài báo thì đúng là một thời gian dài "bị cuốn vào các khủng hoảng nội bộ, vướng bận với những hỗn loạn ở Trung Đông, lo toan nhiều vào những hồ sơ lớn như Iran hay Nga, các nước Châu Âu đã không thấy hoặc không lo lắng gì đến bước tiến âm thầm của Trung Quốc trong khi mà từ nhiều năm qua Trung Quốc đã thâm nhập được vào huyết mạch kinh tế của nhiều nền dân chủ phương Tây".

Cho đến giờ Liên Hiệp Châu Âu vẫn coi sự cất cánh của Trung Quốc như là cơ hội kinh tế, chứ không phải là mối nguy cơ chiến lược. Bởi vì Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Châu Âu sau Mỹ.

Nhưng thời gian và thực tế đã buộc Châu Âu thay đổi cách nhìn nhận về đối tác lớn này. Hôm 12/3 vừa qua, Ủy Ban Châu Âu trong một tài liệu quan trọng từ giờ trở đi đã chính thức coi Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh chiến lược". Để lập lại sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, Ủy Ban Châu Âu còn lên một danh mục các hành động phải nhanh chóng triển khai nhằm đối phó với Bắc Kinh.

Ngày mai tổng thống Pháp tổ chức tại Paris cuộc hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình có sự tham dự của thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker. Le Figaro nhận xét đó là "một mặt trận Châu Âu để đáp lại những tham vọng Trung Hoa và để làm thất bại chiến lược của Bắc Kinh luôn dùng ưu đãi quan hệ song phương để chơi trò chia rẽ Châu Âu".

Châu Âu đã hiểu ra nhưng...

Le Figaro nhận thấy, sau Mỹ, các nước Châu Âu đang mở mắt để thấy được những hậu quả của việc sự nổi trội sức mạnh của Trung Quốc.

Đó là hậu quả của việc Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng gia tăng nhằm áp đặt quan điểm và nguy cơ tiềm ẩn kéo theo sau những khoản đầu tư của Trung Quốc trong những khu vực nhạy cảm của kinh tế Châu Âu. Khi mà giờ đây, Trung Quốc đang tập trung tấn công vào Châu Âu qua lĩnh vực công nghệ với mạng viễn thông 5G.

Tờ báo nhấn mạnh, cũng như Mỹ, các nước Châu Âu lo ngại có thể bị do thám từ những đầu tư của một quốc gia không dân chủ vào lĩnh vực chiến lược. Chưa hết các thương vụ Trung Quốc mua lại, thôn tính các doanh nghiệp và hạ tầng cơ sở bị đánh giá là cách làm ăn không trung thực vì nó giúp Bắc Kinh có được trình độ chuyên môn cao, có công nghệ bản lề với giá thấp nhất và nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc được chính phủ tài trợ và kiểm soát.

Ý thức được những nguy cơ trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng hành động của Châu Âu có vẻ hơi muộn. Le Figaro nhận thấy, "Trung Quốc đã sử dụng và đào sâu sự chia rẽ trong Liên Âu để đề phòng trước một chính sách chung". Hungary, Hy Lạp là một trong số nước tiên phong đứng về phe Bắc Kinh. Bồ Đào Nha đã ký chương trình quốc tế của "con đường tơ lụa mới". Ý thì vừa mới đây trở thành nước G7 đầu tiên đóng góp vào dự án đầy tham vọng của Trung Quốc.

Le Figaro kết luận : Lập trường với Trung Quốc trở nên phức tạp, khi mà Liên Hiệp Châu Âu vẫn muốn tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh để cố cứu các thỏa thuận đa phương đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ, tiêu biểu là thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định khí hậu. Thế nhưng gây bất đồng trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng chính là một trong nhiều mục tiêu của Trung Quốc.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo mất đất chưa phải đã bị tiêu diệt

Chuyển qua thời sự xuất hiện nhiều trên trang nhất các báo. Cứ địa cuối cùng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Baghouz đã bị phá vỡ hoàn toàn hôm thứ Bảy nhưng mối đe dọa vẫn còn hiển hiện ở khắp thế giới. Đó là nhận định chung của các báo khi loan báo tổ chức thánh chiến Hồi giáo bị đánh bại sau hơn 5 năm gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới.

Libération chạy tựa : "Nhà nước Hồi giáo quay trở lại hoạt động bí mật". Tờ báo ghi nhận "tổ chức khủng bố này hôm thứ Bảy đã bại trận hoàn toàn ở cứ điểm kháng cự cuối cùng tại Baghouz. Nhóm thánh chiến, vẫn còn hoạt động, ngay lập tức đã kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục thánh chiến…".

Trên các vùng đất Syria và Iraq, các phần tử của Nhà nước Hồi giáo quay vào hoạt động bí mật. Nhưng tổ chức này đã cắm chân thành công ngoài vương quốc Hồi giáo tự tuyên bố năm 2014, đó là ở Afghanistan, Libya trên bán đảo Sinai của Ai Cập, vùng sa mạc Sahara cho đến Trung Á. Dù có phải chuyển qua mạng lưới ngầm, Daesh vẫn luôn là một mối đe dọa lớn, vẫn là một tổ chức khủng bố toàn cầu có sự lãnh đạo tập trung.

Trong khi đó Le Figaro khẳng định cứ địa Baghouz thất thủ không có nghĩa là lịch sử thánh chiến đã chấm dứt. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trở lại với hiện trạng như trước khi ra công khai. Một tổ chức bí mật, hình thành từ các cơ sở nằm vùng và các nhóm chiến binh ẩn náu trong sa mạc. Daesh vẫn còn các chi nhánh đã cắm sâu từ Sinai, Yemen, qua Châu Phi đến Afghanistan…

Le Figaro cảnh báo hạ quá nhanh mức độ đề phòng sẽ là rất nguy hiểm. Người ta đã thấy ý định của Donald Trump đưa ngay các binh sĩ của ông trở về nhà. Nhưng còn lại vẫn phải xác định một chiến lược lâu dài để đề phòng Daesh hồi sinh trong từng vùng. Nguy cơ lớn nhất đó là một chiến dịch khủng bố tại Châu Âu và nhiều nơi khác vẫn sẽ còn bùng lên.

Nhật báo Công giáo nhấn mạnh trong bài xã luận : Cuộc chiến vẫn còn lâu mới kết thúc. Nhiều cơ sở của Daesh vẫn hoạt động và những điều kiện trỗi dậy vẫn luôn hiện hữu. Tại Syria và Iraq, chừng nào dân Hồi giáo Sunnite còn bị đẩy ra ngoài lề quyền lực thì bạo lực vẫn có cơ hoành hành. Ở Pháp hay Châu Âu cũng vậy, các nhân tố có thể dẫn đến hành động khủng bố vẫn chưa mất hẳn. Trong khi đó, các khủng hoảng nhiều mặt chính trị, kinh tế và văn minh ở đa số các nước Hồi giáo, sẽ có thể là mảnh đất tốt để khủng bố Hồi giáo tái sinh.

Brexit : Bỏ phiếu đi bỏ phiếu lại, bế tắc vẫn hoàn bế tắc

Cố công đàm phán với bên ngoài để rồi về nước bị bác bỏ. Quay trở lại đàm phán, năn nỉ xin gia hạn rồi chờ bỏ phiếu lại với viễn cảnh không có gì sáng hơn trước. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà bà thủ tướng Theresa May đã loay hoay cố tìm một lối thoát vụ ly dị của nước Anh với Liên Hiêp Châu Âu.

Ở Anh bắt đầu xuất hiện câu hỏi : Liệu có cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 cho Brexit ? Có lẽ đó sẽ là giải pháp trong bước đường cùng của chính phủ Anh. Trước hết đã có hàng triệu người dân xứ sương mù tin vào giải pháp này rồi. Một kiến nghị tổ chứ lại trưng cầu dân ý đã thu được 5 triệu chữ ký.

Libération cho biết, "hơn một triệu người Anh hôm thứ Bảy đã biểu tình ở Luân Đôn để đòi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới. Từ Bruxelles trở về với một lịch trình mới, bà thủ tướng bị suy yếu hơn bao giờ hết, trước khi bước vào một tuần mới mang tính sống còn".

Libération chỉ rõ : từ cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu hôm thứ Năm và thứ Sáu trở về với hai mốc thời gian mới ngày 12 tháng Tư hoặc 22 tháng Năm, Theresa May dường như đang sống những ngày cuối cùng ở Downing Sreet (phủ thủ tướng). Một tuần đang mở ra một lần nữa sẽ mang tính quyết định. Một cuộc bỏ phiếu mới về thỏa thuận Brexit vẫn chưa được bảo đảm thay đổi được điều gì.

Cùng lúc đó, nhật báo Les Echos ghi nhận : "Brexit : Theresa May đối mặt với sự nổi dậy trong nội các". Từ các dân biểu cùng phe cho đến nhiều thành viên chính phủ Anh bắt đầu lên tiếng phản kháng với cách làm việc của bà thủ tướng Anh trong hồ sơ Brexit. Les Echos cho biết trong phiên họp nội các hôm nay có thể khoảng hơn chục thành viên chính phủ lên tiếng đòi bà Theresa May từ chức ngay trong ngày hôm nay.

Một tuần sống còn của Boeing 737 MAX

Vẫn Les Echos cho biết, tuần này nhà chế tạo máy bay Boeing sẽ phải trình giải pháp an toàn, xử lý các sự cố cho phép loại máy bay Boeing 737 MAX được bay trở lại. Tờ báo ghi nhận đây là một tuần đầy khó khăn đối với nhà chế tạo máy bay Mỹ. Đầu tuần phải trình Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ FAA các giải pháp an toàn cho Boeing 737 có thể cất cánh trở lại. Cùng lúc Thượng Viện mở phiên điều trần về mối liên hệ giữa FAA với Boeing.

Các giải pháp của nhà chế tạo liên quan đến số phận của 371 máy bay Boeing 737 MAX đang bị cấm bay từ sau vụ tai nạn thảm khốc của hàng không Ethiopia Airlines. Sức thuyết phục của Boeing còn liên quan đến việc nối lại các đơn hàng với loại 737 MAX, hiện chiếm 80% đơn đặt hàng và gần nửa doanh số của Boeing.

Trong khi đó Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu đã cảnh báo kể cả FAA bật đèn xanh để B 737 MAX bay trở lại thì họ cũng sẽ tiến hành các kiểm tra riêng.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Trung Quốc muốn đem Vành đai Con đường sang Ý (BBC, 21/03/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến Rome vào thứ Năm tuần này để ký kết một thỏa thuận cơ sở hạ tầng mang tính bước ngoặt, làm dấy lên nghi ngờ từ các đồng minh phương Tây của Ý.

backinh1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biến BRI thành một chính sách hàng đầu.

Ông Tập muốn đem dự án Con đường Tơ lụa mới tới đây, kết nối Trung Quốc và Châu Âu. Con đừng Tơ lụa này có cái tên khác : Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI).

Nhưng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc khiến nhiều bên đặt câu hỏi, nhất là từ các Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ.

BRI liên quan đến làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào hàng loạt dự án tàu trạm, đường xá và cầu cảng trên khắp thế giới, do các công ty xây dựng của Trung Quốc thực hiện thông qua các hợp đồng béo bở kết nối cảng và thành phố, với nguồn vốn là khoản nợ từ các ngân hàng Trung Quốc.

Mức nợ của các quốc gia Châu Phi đối với Trung Quốc khiến phương Tây lo ngại nhưng nếu không có Trung Quốc, những cơ sở hạ tầng này không thể xuất hiện.

Ở Uganda, hàng triệu người Trung Quốc đã xây dựng một con đường dài 50km đến sân bay quốc tế.

Ở Tanzania, một thị trấn nhỏ ven biển đã có thể trở thành cảng biển lớn nhất lục địa.

Ở Châu Âu cũng vậy, các công ty Trung Quốc đã mua 51% quyền sở hữu cảng Piraeus gần Athens năm 2016, sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp.

Tuy nhiên, Ý sẽ là cường quốc toàn cầu đầu tiên - một thành viên của G7 - nhận tiền của Trung Quốc.

Đây là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới - nhưng Rome đang ở trong một tình trạng khá rối ren.

backinh2

Chuyến du hành của nhà thám hiểm Marco Polo dọc theo Con đường Tơ lụa đã được bất tử hóa trong "Cuốn sách của Marvels"

Kinh tế Ý đang rối ren

Cầu Genève sụp đổ vào tháng 8 giết chết hàng chục người và khiến hệ thống cơ sở hạ tầng đổ nát của Ý trở thành một vấn đề chính trị lớn lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Và nền kinh tế của Ý còn lâu mới bùng nổ.

Ý rơi vào suy thoái vào cuối năm 2018, và mức nợ quốc gia của nước này thuộc hàng cao nhất trong khu vực đồng euro.

Một chính phủ dân túy của Ý lên nắm quyền vào tháng 6/2018 với các kế hoạch chi tiêu cao nhưng phải rút lại sau khi bàn bạc với EU.

Chính trong bối cảnh đó, Trung Quốc xuất hiện với những thỏa thuận béo bở, có thể làm trẻ hóa các thành phố cảng lớn của Ý dọc theo Con đường tơ lụa trên biển.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã đề cập đến các thành phố Trieste và Genève là những ứng cử viên tiềm năng.

"Theo cách chúng tôi nhìn nhận, đó là cơ hội để các công ty của chúng tôi tận dụng sức ảnh hưởng, tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới", Thứ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư của Ý, Michele Geraci nói.

"Chúng tôi cảm thấy rằng trong số các đối tác Châu Âu, Ý đã bị bỏ rơi. Chúng tôi đã lãng phí một chút thời gian", ông nói với BBC.

Động thái của Ý tham gia vào Vành đai Con đường được đánh giá "chủ yếu mang tính biểu tượng", theo Peter Frankopan, giáo sư Lịch sử Toàn cầu tại Đại học Oxford và là một người nghiên cứu các Con đường tơ lụa.

"Nó đánh bóng các chính sách hiện có và cũng cho thấy Trung Quốc có vai trò toàn cầu quan trọng".

backinh3

Con đường Tơ lụa mới trên biển và đất liền

"Động thái dường như vô hại này đến vào thời điểm nhạy cảm đối với Châu Âu và Liên minh Châu Âu, nơi đột nhiên rất lo lắng không chỉ về Trung Quốc, mà còn về cách Châu Âu hay EU nên thích nghi và phản ứng với một thế giới đang đổi thay", Giáo sư Frankopan nói với BBC.

Và Ý có nhiều lý do để nắm lấy Bắc Kinh. "Nếu đầu tư không đến từ Trung Quốc để xây dựng cảng, nhà máy lọc dầu, tuyến đường sắt, v.v. thì nó sẽ đến từ đâu đây ?"

Nghiên liệu Trung Quốc - Sản xuất tại Ý

Trước khi đến, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng tình hữu nghị giữa hai quốc gia đã "bắt nguồn từ một di sản lịch sử phong phú".

"Made in Italy đã trở thành đồng nghĩa với các sản phẩm chất lượng cao. Thời trang và nội thất Ý đáp ứng đầy đủ hương vị của người tiêu dùng Trung Quốc ; pizza và tiramisu được giới trẻ Trung Quốc yêu thích", ông viết trong một bài báo được xuất bản bởi Corriere della Sera.

Thương hiệu "Sản xuất tại Ý" có uy tín về chất lượng trên toàn thế giới và được bảo vệ về mặt pháp lý đối với các sản phẩm được chế biến "chủ yếu" tại Ý.

Trong những năm gần đây, các nhà máy Trung Quốc, sử dụng lao động Trung Quốc có trụ sở tại Ý đã thách thức thương hiệu chất lượng này.

Việc kết nối giữa đầu vào là các nguyên liệu thô giá rẻ từ Trung Quốc - và đầu ra là sản phẩn hoàn chỉnh ở Ý - có thể khiến cái mác 'Made in Italy' trở thành sự phóng đại.

Huawei sẽ không nằm trong thỏa thuận không ràng buộc được hai nước ký kết hôm thứ Năm.

Nhưng hơn một tuần trước khi thỏa thuận được ký kết, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố chung về "sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc" và sự cần thiết phải "xem xét" các mối quan hệ.

Văn bản này gọi Trung Quốc là 'đối thủ mang tính hệ thống' (systemic rival), điều đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị bác bỏ.

Trong khi ông Tập đi thăm Rome, các nhà lãnh đạo EU tại Brussels sẽ xem xét 10 điểm trong mối quan hệ với Trung Quốc, liên quan đến các kế hoạch "giải quyết các tác động xấu của các doanh nghiệp nhà nước có nguồn vốn nước ngoài" cũng như "rủi ro an ninh của đầu tư nước ngoài vào các lĩnh trọng yếu như công nghệ và cơ sở hạ tầng".

Vào tháng Ba, phát ngôn viên của Hội đồng Bảo an Quốc gia Hoa Kỳ Garrett Marquis đã chỉ ra rằng Ý là một nền kinh tế lớn và không cần phải "cho các dự án cơ sở hạ tầng phù phiếm của Trung Quốc vay mượn sự hợp pháp hóa".

backinh4

Chủ tịch Tập đã đến Rome, dự lễ hôm 22/03

Các thành viên của đảng Liên minh cánh hữu cầm quyền của Ý có những lo ngại riêng về an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini cảnh báo rằng ông không muốn thấy các doanh nghiệp nước ngoài "thuộc địa hóa" nước Ý.

"Trước khi cho phép ai đó đầu tư vào các cảng ở Bologna hoặc Genève, tôi sẽ nghĩ về việc này không chỉ một lần mà là hàng trăm lần", Salvini cảnh báo.

Các quan chức Ý khác thì rất muốn chỉ ra rằng thỏa thuận được ký kết không phải là một hiệp ước quốc tế, và không ràng buộc.

"Không có dự án cụ thể", ông Geraci nói. "Nó chỉ là một thỏa thuận nhằm tạo tiền đề".

Các quốc gia Châu Âu khác đã chấp nhận đầu tư của Trung Quốc thông qua cái gọi là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, và Vương quốc Anh là nước đầu tiên tham gia.

"Và rồi lần lượt, từng nước một, Pháp, Đức, Ý và mọi người khác cũng làm theo", ông Geraci nói.

Tương tự như vậy, ông tin rằng các nước láng giềng của Ý sẽ sớm theo gương Rome trong sáng kiến Vành đai và Con đường.

"Tôi tin rằng lần này Ý thực sự đang dẫn dắt Châu Âu - điều mà tôi hiểu có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người", ông nói thêm.

********************

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du Châu Âu (RFI, 21/03/2019)

Hôm 21/03/2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân đến Ý, bắt đầu chuyến công du Châu Âu kéo dài đến ngày 26/03. Sau Ý, lãnh đạo Trung Quốc sẽ sang thăm công quốc Monaco và Pháp.

backinh5

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du ba nước Châu Âu Ý, Pháp và công quốc Monaco từ ngày 21/03 đến ngày 26/03/2019. WANG ZHAO / AFP

Nhân chuyến thăm Ý, chủ tịch Trung Quốc sẽ ký với Roma một thỏa thuận về việc Ý tham gia dự án "Những con đường tơ lụa mới" do chính ông khởi xướng. Nước Ý như vậy sẽ là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh, kết nối ba Châu lục Á, Âu, Phi và vùng Trung Đông, vào lúc mà Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ về cách ứng phó với Trung Quốc.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde nhận định :

"Tạo một đà mới cho quan hệ Trung Quốc – Châu Âu, đó là mục tiêu các chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Ý, công quốc Monaco và Pháp, theo bản tin của Tân Hoa Xã, được toàn bộ báo chí chính thức đăng lại.

Nhưng đằng sau sự kiện ʺPhương Đông gặp gỡ Phương Tâyʺ (tựa bài diễn đàn của chủ tịch Trung Quốc trên tờ Corriere della Serra hôm 20/03), hoặc đằng sau cái gọi là ʺnhững chương mới trong quan hệ hữu nghịʺ với các nước mà ông sẽ đi qua, nhân vật lãnh đạo số một của Trung Quốc tìm cách trấn an một lục địa đang bị chia rẽ, thậm chí lo ngại, trước những tham vọng thương mại của Bắc Kinh.

Đáp lại thái độ quan ngại của các nước Châu Âu, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Siêu (Wang Chao) đã tuyên bố : Chúng tôi đã nghe nhiều tranh cãi ở Ý về sáng kiến này. Những gì quá mới mẻ thường gây hiểu lầm và nghi ngại. Nhưng thực tế lúc nào cũng mạnh hơn những lời nói : Đã có hơn 150 quốc gia và tổ chức tham gia vào dự án Một vành đai, Một con đường mà Trung Quốc đề nghị.

Khẩu hiệu Hãy đừng sợ, trước đây là của Vatican, nhằm thuyết phục Châu Âu tiếp tục mở cửa rộng hơn nữa các thị trường của lục địa này cho các dự án của Trung Quốc, trước hết là trong khuôn khổ Những con đường tơ lụa mới mà Bắc Kinh đề nghị và hiện đang gây quan ngại cho nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Nhân chuyến viếng thăm đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc tại Ý từ một thập niên qua, ông Tập Cận Bình sẽ ký một biên bản ghi nhớ về việc quốc gia đầu tiên của nhóm G7 tham gia dự án Những con đường tơ lụa mới. Nước Pháp về phần mình chưa đáp lại lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình, vì Paris chủ trương phối hợp với các đối tác Châu Âu trước cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc ngày 09/04 tới".

Thanh Phương

****************

EU gọi Trung Quốc là 'đối thủ hệ thống' trước khi ông Tập thăm Ý và Pháp (BBC, 19/03/2019)

Trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sang Ý và Pháp, Liên hiệp Châu Âu công bố văn bản gọi Trung Quốc là 'đối thủ mang tính hệ thống'.

backinh6

EU và Trung Quốc từng có 'cuộc chiến thuế nhập khẩu giày dép' từ hơn 10 năm trước

Khái niệm 'systemic rival' mà văn bản 10 điểm của EU nêu ra tuần trước để đối phó với Trung Quốc đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị bác bỏ.

Hôm 18/03, ông Vương Nghị nói có sự cạnh tranh (competition) giữa Trung Quốc và EU nhưng hai bên đều muốn tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược.

Ủy hội Châu Âu - cơ quan hành pháp của Liên hiệp Châu Âu kêu gọi Châu lục này phải cứng rắn hơn với đầu tư Trung Quốc.

EU gọi Trung Quốc là "đối thủ kinh tế tìm cách giành vị trí lãnh đạo về công nghệ, và đối thủ mang tính hệ thống, đang thúc đẩy cho một mô hình khác về quản trị nhà nước và xã hội".

Giới bình luận tin rằng đây là lần đầu tiên, EU dùng ngôn từ rõ ràng chỉ ra khác biệt ý thức hệ và mô hình chính trị của Trung Quốc, coi đó là 'đối thủ'.

Không thích Vành đai và Con đường ?

Văn bản của EU cũng phê phán một số quốc gia đang muốn tham gia dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

backinh7

Biểu tình của một nhóm người Uighur tại Brussels hồi tháng 4/2018 phản đối các trại giam tập thể ở Tân Cương, Trung Quốc

Dự án này chính là mục tiêu của chuyến thăm sang Ý tuần này mà Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện.

Chính phủ thiên hữu ở Ý ngỏ ý muốn tham gia Vành đai và Con đường, điều EU không đồng ý.

Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm cả Ý, Monaco và Pháp từ 21 đến 26/03 này.

Sau đó, tới ngày 09/04, EU và Trung Quốc sẽ mở hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường.

backinh8

Chủ tịch Tập và phu nhân Bành có chuyến thăm Bồ Đào Nha hồi cuối năm 2018

Hiện hai bên đang chuẩn bị về thông cáo chung nhưng chưa đồng ý được về nội dung.

EU muốn tiếp cận rộng hơn thị trường Trung Quốc nhưng chính sách của Bắc Kinh chưa mở cho các đại công ty Châu Âu đầu tư bình đẳng với công ty Trung Quốc.

Tiếp cận thị trường một cách bình đẳng cũng là điều Hoa Kỳ yêu cầu với Trung Quốc.

EU còn lo ngại về các vụ mua đứt khổng lồ của đối tác Trung Quốc tại Châu Âu.

Sự bành trướng của Huawei mà Hoa Kỳ cho là 'ăn cắp công nghệ' cũng đang khiến một số chính phủ EU xem lại hợp đồng phát triển mạng 5G của tập đoàn này.

Ngoài ra, thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc vẫn đang tăng, lên tới 21,4 tỷ euro năm qua, từ 20,8 tỷ năm trước nữa.

Pháp và Đức muốn tăng cường vai trò trong quốc phòng và an ninh Châu Âu sau Brexit, và Trung Quốc bị Paris và Berlin nay coi là đối thủ, theo trang Politico.

Có ý kiến tại Đức cho rằng EU đã sai lầm về an ninh, quốc phòng những năm qua vì "đề cao quá mức mối đe dọa từ Nga, và coi nhẹ quá mức đe dọa từ Trung Quốc".

********************

Đất chật người đông, Hồng Kông xây đảo nhân tạo 80 tỉ đô (RFI, 20/03/2019)

AFP hôm nay 20/03/2019 cho biết chính quyền Hồng Kông muốn xây lên một trong những hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, với chi phí kỷ lục 80 tỉ đô la.

backinh9

Khu vực Đại Tự Sơn (Lantau) của Hồng Kông, nơi dự định xây đảo nhân tạo. Max Pixel

Cựu thuộc địa Anh dự định mở rộng thêm 1.000 hecta trên biển, gần Đại Tự Sơn (Lantau), hòn đảo lớn nhất của Hồng Kông. Dự án này được coi là giải pháp để đối phó với nạn thiếu thốn nhà ở trầm trọng tại lãnh thổ có 7 triệu dân, với giá nhà tính theo mét vuông thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Chương trình dự kiến tiêu tốn 624 tỉ đô la Hồng Kông (gần 80 tỉ đô la).

Chính quyền hy vọng sẽ bắt đầu công việc đào đắp vào năm 2025, với mục tiêu đón nhận những cư dân đầu tiên năm 2032.

Đảo nhân tạo đắt tiền nhất từ trước đến nay của Hồng Kông, cao gấp bốn lần trị giá phi trường quốc tế tại đây, vượt xa đảo nhân tạo nổi tiếng Palm Jumeirah ở ngoài khơi Dubai được ước tính khoảng 10 tỉ đô la. Khoảng 260.000 căn hộ sẽ được xây dựng, trong đó 70% là nhà ở xã hội.

Những người phản đối tố cáo chi phí khổng lồ và tác động môi trường, nhất là đối với sinh thái biển, bên cạnh đó là việc chính quyền đã quyết định mà không hề tham khảo ý kiến người dân. Dân biểu đối lập Chu Khải Địch (Eddie Chu) ước tính giá thành sẽ đội lên đến khoảng 114 tỉ đô la. Hàng ngàn người đã biểu tình để phản đối.

Hồng Kông còn dự kiến xây thêm một đảo nhân tạo khác có diện tích 700 hecta gần Đại Tự Sơn, nhưng không cho biết chi tiết về dự án này.

Đại Tự Sơn trước đó đã khánh thành cây cầu trên biển dài nhất thế giới, nối Hồng Kông, Macao với Hoa lục, bị cáo buộc là nằm trong mưu đồ của Bắc Kinh nhằm siết chặt kiểm soát Hồng Kông.

Thụy My

Published in Quốc tế