Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/04/2024

Điểm báo Pháp - Trung Quốc đang "nghiền nát" công nghiệp Châu Âu

RFI tiếng Việt

Trung Quốc đang "nghiền nát" công nghiệp Châu Âu, khối 27 nước buộc phải kháng cự

Số người vượt eo biển Manche tìm đến miền đất hứa Anh Quốc tăng vọt đầu năm nay, bất chấp các ngăn chặn. Thị trường chứng khoán Wall Street, Hoa Kỳ, bước vào giai đoạn đầy bất định, sau ba tháng đầu năm thành công rực rỡ. Uy tín của tổng thống Pháp trong giới trẻ sụt giảm mạnh trước thềm bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Trên đây là một số tựa lớn trang nhất của các báo Pháp hôm nay. Le Monde dành chủ đề chính cho nguy cơ hàng Trung Quốc hủy diệt kinh tế Châu Âu.

trungquoc1

Một nhà máy sản xuất pin mặt trời tại Trung Quốc, tỉnh Giang Tô. Ảnh chụp ngày 4/1/2024. AFP - STR

"Trung Quốc đang nghiền nát nền công nghiệp Châu Âu như thế nào" là tựa lớn trang nhất Le Monde. Le Monde nêu bật tình trạng "kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cùng lúc với việc nền công nghiệp nước này cho ra lò quá nhiều sản phẩm, với cái giá bán ra nước ngoài thấp đến mức không ai cạnh tranh nổi". Các sản phẩm công nghệ Trung Quốc, như xe ô tô điện, ắc quy, pin mặt trời, tràn ngập thị trường nước ngoài. Châu Âu đối phó không lại với hàng hóa Trung Quốc, thường được nhà nước trợ giá.

Le Monde nhấn mạnh, khác hẳn với Hoa Kỳ, đã có các chính sách đối phó với Trung Quốc, như tăng thuế nhập khẩu dưới thời Trump, và chính sách hỗ trợ cho công nghiệp nội địa của chính quyền hiện nay, Liên Âu hoàn toàn không có chính sách tương ứng, bất chấp các kêu gọi hỗ trợ "năng lực tự chủ của nền công nghiệp nội địa".

Tiêu thụ nội địa ảm đạm, nhưng sản phẩm Trung Quốc tràn ngập thế giới

Hồ sơ chính của Le Monde về chủ đề này điểm mặt các lĩnh vực mà sản phẩm Trung Quốc chiếm thế thượng phong trên thế giới, như ô tô điện, thép, ắc quy, dược phẩm… 54% sản phẩm thép trên thế giới là do Trung Quốc nắm. 99% ắc quy lithium cho xe tô điện được sản xuất tại Trung Quốc. 60% tua bin điện gió, 12% dược phẩm toàn cầu là sản phẩm của Hoa lục. Thâm hụt thương mại của Châu Âu với Trung Quốc tăng gấp ba trong 10 năm (từ 2013 đến 2023), với 291 tỉ euro hồi năm ngoái. Riêng Pháp nhập siêu từ Trung Quốc hơn 40 tỉ euro.

Tại Châu Âu, xe ô tô điện Trung Quốc, trong vòng 5 năm qua, tổng doanh thu từ chỗ bằng không tăng lên 12 tỉ euro. Sản lượng xe hơi của tập đoàn Trung Quốc BYD, hàng đầu trong lĩnh vực này, "chỉ" tăng trưởng 13% trong quý đầu năm nay, mức thấp nhất tính từ trước đại dịch Covid. Theo giới chuyên gia, với mức độ sản xuất dư thừa rất lớn hiện nay, ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc không để lại cho công nghiệp Châu Âu "nhiều cơ hội sống sót".

Pin mặt trời : Doanh nghiệp Châu Âu thất thủ vào thời điểm vàng

Le Monde nhấn mạnh đến lĩnh vực pin mặt trời. Năm 2023 đạt mức kỷ lục về điện mặt trời mới lắp đặt với tổng công suất 55,9 GW, tăng 40% so với năm trước. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh điện mặt trời vọt tiến, doanh nghiệp Châu Âu lại rơi vào thảm cảnh thất thủ ngay tại sân nhà. Về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp Châu Âu có thể đáp ứng hơn 14 GW, tức hơn một phần ba số công suất mới lặp đặt. Thế nhưng sản lượng pin mặt trời Châu Âu lại sụt giảm mạnh trong chính thời điểm vàng này.

Theo ESMC (European Solar Manufacturing Council), thủ phạm là chính sách xuất khẩu pin mặt trời ồ ạt với giá cực thấp của Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp Châu Âu bị phá sản. Tình hình càng thêm trầm trọng với Châu Âu, khi hàng hóa Trung Quốc khó đổ vào thị trường Mỹ do luật IRA 2022, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Chiến lược mới của Trung Quốc, "cội nguồn xung đột thương mại" toàn cầu

Cũng về chủ đề này, Le Monde có bài đi sâu phân tích về "chiến lược mới" của Trung Quốc, "cội nguồn của các xung đột thương mại" thế giới. Nhật báo Pháp nêu bật chuyến đi, hồi tháng 9/2023, của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến một trung tâm công nghiệp miền đông bắc, thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Tại đây, ông Tập Cận Bình hối thúc các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn. Đẩy mạnh sản xuất để làm gì trong bối cảnh tiêu thụ của thị trường nội điện Trung Quốc chững hẳn lại ? Đẩy mạnh sản xuất để tăng cường xuất khẩu nhằm chinh phục thị trường thế giới là mục tiêu của Bắc Kinh.

Vào năm 2010, nếu như sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc "chỉ" chiếm 20% thị trường toàn cầu, thì hiện tại tỉ lệ này đã là 31%. Tuy nhiên, Bắc Kinh không dừng ở đây. Với sự thúc đẩy và hỗ trợ của chính quyền trung ương, chính quyền nhiều khu vực tại Trung Quốc đang bắt đầu hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, trước hết trong các cạnh tranh quyết liệt ngay tại Hoa lục. Cụ thể như thành phố Ninh Đức (Ningde), tỉnh Phúc Kiến, cạnh tranh với Nghi Tân (Yiben), tỉnh Tứ Xuyên, để dành vị trí thủ phủ của ắc quy CATL. Hay Thâm Quyến, Quảng Đông, cố vươn lên thành thủ phủ xe ô tô điện…

Châu Âu ở "tuyến đầu"

Le Monde lưu ý, trong cuộc chiến tranh kinh tế này, Châu Âu "đứng ở tuyến đầu", bởi Hoa Kỳ "đã bắt đầu khép cánh cửa" với hàng Trung Quốc, thị trường các nền kinh tế đang phát triển thì chưa đủ khả năng hấp thụ. Thời khắc quyết định đang đến : năm nay, Ủy Ban Châu Âu có kế hoạch trình kết luận về cuộc điều tra Bắc Kinh trợ giá xe ô điện, sẽ được sử dụng để thiết lập các loại thuế nhập khẩu mới của khối với hàng Trung Quốc. Bài thời luận của Le Monde số hôm nay cũng dành cho chủ đề này, nhấn mạnh : Liên Âu không có cách nào khác là cũng "phải nỗ lực để thiết lập các chính sách công nghiệp để kháng cự lại Trung Quốc, và để chuẩn bị cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh".

Nga "lấn dần" lãnh thổ Ukraine : hơn 500 km² trong 6 tháng

Khối NATO có cuộc họp cấp ngoại trưởng trong ba ngày thứ tư, thứ năm và hôm nay, thứ sáu 05/04, tại Bruxelles, với Ukraine là chủ đề trọng tâm. Le Monde dành một hồ sơ chính cho chủ đề "Nga tiếp tục cuộc lấn chiếm dần mòn lãnh thổ Ukraine", với thông báo : kể từ tháng 10/2023 đến nay, quân đội Nga đã chiếm thêm 505 km². Nhật báo Pháp nêu bật các biện pháp mà Nga đã sử dụng để đạt được mục tiêu.

Một trong các biện pháp mà phương Tây lo ngại nhất hiện nay là "bom bay" (glide bomb). Loại bom điều khiển được thả từ máy bay này có mức độ chính xác không cao, nhưng mức độ phá hủy là ghê gớm. Trong thời gian gần đây, Nga đã nâng trọng lượng của loại bom này từ 250 kg lên 1,5 tấn. Trong một chuyến đi hôm 21/03 đến một nhà máy quân sự, bộ trưởng Quốc phòng Nga thông báo Nga đang sản xuất bom bay mới với trọng lượng 3 tấn. Bom bay Nga có sức công phá hơn hẳn so với đạn pháo 152 ly của Nga, cân nặng khoảng 40 kg.

"Bom bay", dự trữ tên lửa dồi dào... : Thế mạnh của Nga

Từ đầu năm đến nay, các oanh tạc cơ Nga đã phóng đi khoảng 3.500 trái bom bay, theo Bộ Quốc phòng Ukraine. Khoảng 30 đến 40 trái bom như vậy được phóng đi mỗi ngày, cho phép hủy diệt cùng lúc nhiều đơn vị chiến đấu, nhiều căn cứ phòng thủ của Ukraine. Hệ thống phòng không không quân Ukraine gần như không có khả năng ngăn chặn loại vũ khí nguy hiểm này, bởi oanh tạc cơ Nga phóng bom từ sau chiến tuyến, ngoài tầm của các radar của các phi cơ Ukraine.

Về quân đội Nga, có hai lo ngại lớn khác. Thứ nhất là việc Nga đang nhanh chóng khôi phục kho dự trữ tên lửa, nhờ lách được các trừng phạt của phương Tây, ngược hẳn lại các dự đoán của nhiều chuyên gia, về việc dữ trữ tên lửa của Nga cạn kiệt sau hai năm chiến tranh. Điểm thứ hai là quân đội Nga, trên chiến trường, đang trở nên linh hoạt hơn, nhờ việc chuyển nhiều quyền quyết định cho các cấp dưới, khác hẳn so với trước.

Về hội nghị ngoại trưởng NATO tại Bruxelles, nhân dịp 75 năm sinh nhật Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương, theo Le Monde, "hòa bình và ổn định" - các mục tiêu của NATO - giờ đang bị đặt trước thách thức ghê gớm với cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Trong hiện tại, lộ trình kết nạp Ukraine vào khối hiện vẫn là chủ đề gây chia rẽ sâu sắc trong khối. Trước mắt, để khẳng định sự hỗ trợ của khối với Ukraine, các thành viên NATO bắt đầu thảo luận về việc lập quỹ 100 tỉ đô la cho Kiev. Về các hỗ trợ cho Ukraine, Les Echos có bài nói về các nỗ lực của các thành viên NATO nhắm cung cấp nhiều đạn pháo hơn cho Kiev.

Gaza : Israel không tiêu diệt được "bộ máy chính trị" Hamas sau 6 tháng chiến tranh

Về tình hình xung đột tại Gaza, nhật báo công giáo La Croix có bài nói đến nguy cơ chiến tranh kéo dài với cường độ thấp tại vùng lãnh thổ Palestine, sau cuộc tấn công quy mô lớn nửa năm qua. Bất chấp các áp lực quốc tế, chính quyền Israel không từ bỏ ý định duy trì quân đội lâu dài tại Gaza. Theo tướng Olivier Passot, Viện nghiên cứu chiến lược của trường Quân sự Pháp (Irsem), quân đội Israel đã đạt được mục tiêu tiêu diệt một phần lớn lực lượng của Hamas, không cho phép tổ chức này có thể tiến hành trở lại một cuộc tấn công như kiểu ngày 07/10/2023. Theo quân đội Israel, khoảng 13.000 "tên khủng bố" đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó có nhiều chỉ huy, trong số khoảng từ 35.000 đến 40.000 dân quân và cảnh sát Palestine tại Gaza trước chiến tranh. 

Tuy nhiên, vẫn theo nhà nghiên cứu Pháp, Israel sau 6 tháng chiến tranh đã không đạt được mục tiêu hủy diệt "bộ máy chính trị và nhà nước" của Hamas. Phong trào Hamas vẫn tồn tại ở ngay tại vùng đất Gaza. Một nguồn tin Pháp cho biết, từ trong hậu trường, Hamas tiếp tục kiểm soát phần còn lại ít ỏi của các tổ chức dân sự Palestine, đặc biệt là với các cơ sở được gọi là "ủy ban nhân dân", được lập ra để tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ. Các vụ ám sát người cộng tác với Israel cho thấy là hệ thống các mạng lưới ngầm của Hamas vẫn tồn tại.

La Croix nhấn mạnh là, Israel hiện đang trong tình thế khó xử. Duy trì hiện diện quân sự trực tiếp sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề. Việc điều động quân đội đến khi cần cũng không giúp cho việc tiêu diệt được Hamas, bắt rễ trong xã hội Palestine ở Gaza. La Croix nhắc lại một số bài học từ giai đoạn quân đội Israel kiểm soát Gaza từ năm 1967 đến 2005. Một số thủ đoạn Israel sử dụng nhắm khuyến khích người dân nổi dậy chống lại phe Hồi giáo triệt để, đã không mang lại kết quả. Nhật báo công giáo kết luận, dù kịch bản nào đi chăng nữa, dải Gaza trong một thời gian dài sẽ là "trại tị nạn lớn nhất thế giới giữa các hoang tàn đổ nát, một vùng lãnh thổ bị chia cắt thành các khu vực, dưới sự kiểm soát của Israel".

Hỗ trợ chi phí cải tạo chỗ ở : Mê lộ chính sách khiến dân Pháp xa lánh

Thất bại trong chính sách của chính phủ hỗ trợ chi phí cải tạo nơi ở vì mục tiêu môi trường tại Pháp là chủ đề trang nhất của Libération, trên nền hình ảnh một ngôi nhà lộn ngược. Nhật báo Pháp cho biết, chính sách hỗ trợ MaPrimeRénov, được chính phủ Pháp đưa ra từ năm 2020, để giúp nơi ở giữ nhiệt tốt hơn, nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đã biến thành một "mê lộ" với rất nhiều người.

Bài xã luận của Libération, với tựa đề "Kafkaien" (Kafka, tên nhà văn viết tiếng Đức đầu thế kỉ 20, nổi tiếng với các tác phẩm phơi bày bộ máy quan liêu phi nhân tính), tố cáo cả một bộ máy quan liêu đã biến một chính sách tốt thành một thứ "lò hơi ngạt". Libération nhấn mạnh : đây là một điều "hết sức đáng tiếc", bởi việc tăng cường khả năng giữ nhiệt của nơi ở là điều "khẩn cấp".

Liên hoan nghệ thuật Avignon "tìm lời" để nói về một "thế giới hỗn loạn"

Trong lĩnh vực nghệ thuật, Le Monde chú ý đến Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon thường niên, sau khi ban tổ chức chính thức công bố chương trình hôm thứ Tư, 03/04. Bài "Liên hoan Avignon đối mặt với một thế giới hỗn loạn" của Le Monde nhấn mạnh đến thông điệp của người phụ trách Liên hoan lần thứ 78, nhà soạn kịch người Bồ Đào Nha Tiago Rodrigues : "Mục tiêu của Liên hoan của chúng tôi là tìm lời để nói về một thế giới bị đe dọa bởi chiến tranh, bất bình đẳng, các trào lưu cực đoan và đại khủng hoảng khí hậu". "Chercher ses mots" ("Tìm lời") là chủ đề chính của Liên hoan Avignon năm nay.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 212 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)