Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/04/2024

Điểm báo Pháp - Thời kỳ "tiền chiến tranh"

RFI tiếng Việt

 Thời kỳ "tiền chiến tranh" làm rung chuyển NATO

Hôm nay 04/04/2024, đúng 75 năm ngày thành lập NATO, báo chí tiếp tục có những bài viết về chủ đề này trong lúc 32 thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang đối mặt với nhiều thách thức, họp thượng đỉnh tại Bruxelles.

thuydien1

Các quân nhân Thụy Điển đi trên hai tàu chiến CB90 của Trung đoàn đổ bộ Stockholm để tham gia cuộc tập trận Nordic Response ở Alta (Na Uy), một ngày sau khi Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, 08/03/2024. via Reuters - Heiko Junge

NATO sau 75 năm : Mỹ lừng khừng, các nước cộng sản cũ đi đầu

Le Monde nhắc lại hình ảnh nhà ly khai Tiệp Khắc trở thành tổng thống Vaclav Havel, là nguyên thủ đầu tiên của một quốc gia dân chủ hậu cộng sản được mời phát biểu trước NATO năm 1991. Không khí lần này kém phần hồ hởi so với thời ông Havel được tiếp đón như một người hùng.

Thành lập ngày 04/04/1949 tại Washington, Minh ước Bắc Đại Tây Dương mang lại khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện quân sự Mỹ tại Tây Âu. Năm 1999, ưu tiên hàng đầu của các nước Trung và Đông Âu, vừa được giải phóng khỏi sự thống trị của Liên Xô, là được Hoa Kỳ bảo vệ và hội nhập hệ thống phòng vệ tập thể của NATO. Ngày nay, mối đe dọa một lần nữa lại đến từ phía đông, người bảo trợ Mỹ còn do dự giữa các ưu tiên khác nhau. Và chính những thành viên "mới" Châu Âu bước lên hàng đầu.

Cộng hòa Czech, mà tổng thống Petr Pavel vốn là cựu tướng NATO, là người đưa ra sáng kiến có thể tránh cho quân đội Ukraine khỏi chịu thất bại vì quá thiếu đạn pháo. Sục sạo khắp nơi trên thế giới, nước này tìm được 800.000 quả đạn pháo, 18 nước thành viên quyết định đóng góp để mua, và 300.000 quả trong số này sẽ đến Ukraine vào đầu mùa hè. Còn hơn thế nữa : người Czech lại tìm thêm được 700.000 đạn pháo, và điều đáng nói là số đạn này sẽ bị rút khỏi thị trường, không thể là nguồn cung tiềm năng cho Nga. Moskva vẫn có thể trông cậy vào Bắc Triều Tiên, năm ngoái đã cung cấp 1 triệu quả pháo.

Ba Lan cũng rất tích cực, nâng ngân sách quốc phòng cao chưa từng thấy, ký hợp đồng mua vũ khí ở các nơi kể cả của Hàn Quốc. Thủ tướng Donald Tusk nhấn mạnh "Cần phải làm quen với một kỷ nguyên mới vừa mở ra : kỷ nguyên tiền chiến tranh. Điều đáng lo nhất là mọi kịch bản đều có thể. Chúng ta chưa hề biết đến tình thế như vậy kể từ năm 1945". Các nước vùng Baltic thì bù đắp cho ngân sách và dân số ít ỏi bằng sự xông xáo và tính sáng tạo về ngoại giao, giúp họ chiếm lĩnh chính trường không thua Berlin hay Paris. Cành cọ vàng được dành cho nữ thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Bà đề nghị Châu Âu cùng đứng ra vay mượn để tài trợ cho quốc phòng, đã nhận được sự ủng hộ nhất là của Pháp.

Nếu gió đổi chiều ở Washington ?

Nhưng Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò thống soái, và liệu Châu Âu có thể trông cậy vào đồng minh lớn này nếu phe "MAGA" chiếm lĩnh Nhà Trắng hay Quốc hội ? Báo chí Mỹ đã chạy những dòng tít như "Châu Âu có thể tự chiến đấu một mình hay không ?".Tại NATO, một nhà ngoại giao nhìn nhận "Tất cả mọi người đều nghĩ đến nhưng không ai nói ra".

Trong bối cảnh còn lửng lơ này, đã có một số chuyển động. Cặp Pháp-Đức đang xích mích bỗng dịu giọng, Pháp nay có cùng quan điểm với các nước Baltic, Ba Lan, Cộng hòa Czech, có thể kể thêm Phần Lan. Bước ngoặt này bắt đầu từ tổng thống Emmanuel Macron qua bài diễn văn tháng 6/2023 ở Bratislava hướng về Trung Âu - mà lâu nay Pháp không mấy quan tâm.

Le Monde ghi nhận tuyên bố của ông Macron hôm 26/02 về khả năng gởi quân sang Ukraine tuy gây tranh cãi và chỉ trích, nhưng một số nước sau đó đã ủng hộ. Washington lấy làm ngạc nhiên khi không được tham khảo trước nhưng cho rằng điều này là tích cực. Tại NATO, tổng thư ký Jens Stoltenberg đi bước trước : ông đề ra kế hoạch viện trợ 100 tỉ đô la cho Ukraine trong 5 năm để đề phòng "gió đổi chiều" từ Washington.

Ukraine thiếu đạn pháo và quân, NATO muốn hỗ trợ lâu dài

Ông Stoltenberg từ chối nói thêm chi tiết, chỉ thông báo sẽ thảo luận trong tuần này để tìm được đồng thuận trước hội nghị thường niên vào tháng Bảy. Les Echos cho biết câu hỏi đặt ra là phân bố đóng góp như thế nào, có tính cả viện trợ song phương hay không.

Đó là vấn đề dài hạn, nhưng cuộc chiến có thể đảo lộn trong ba tháng tới, khi quân đội Ukraine đang lùi bước vì đạn dược từ phương Tây hầu như cạn kiệt từ nhiều tháng qua. Còn Nga cho các nhà máy vũ khí hoạt động 24/24, huy động 3,5 triệu công nhân so với 2,5 triệu trước chiến tranh. Nga sản xuất số đạn pháo gấp 2,5 lần phương Tây, khoảng 250.000 quả mỗi tháng.

Hiện quân đội Ukraine vẫn trụ được, vì số diện tích chiếm thêm từ đầu năm - theo Kremlin - không quá 400 km2. Nhưng theo Les Echos, sự sụp đổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, ở một điểm nào đó trên tiền tuyến dài đến 1.200 kilomet dưới hỏa lực khủng khiếp : quân Nga bắn sang gấp năm lần so với Ukraine. Phi cơ Nga lại bắt đầu đe dọa dọc theo biên giới với những quả bom lượn đáng sợ.

Pháp và "nền kinh tế chiến tranh"

Về phía Paris nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đẩy nước Pháp bước vào nền kinh tế chiến tranh. Nhưng theo Les Echos, chỉ có một số ít nước đang trong tình trạng này, còn Pháp thì chưa ; tuy bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu hôm thứ Ba đã đe dọa trưng dụng kỹ nghệ thuộc lãnh vực này.

Kinh tế chiến tranh là gì ? Thật ra không có ngưỡng cụ thể về tỉ lệ tổng sản phẩm nội địa (GDP) dành cho quốc phòng. Có người nêu ra con số 10%, số khác nói rằng phải 30% hay 40%. Một khía cạnh nữa là sự gia tăng can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, tái tổ chức toàn bộ hệ thống sản xuất để trang bị cho quân đội, từ vũ khí, vận chuyển đến cung cấp thực phẩm và dịch vụ y tế... Đệ nhị Thế chiến đã phá vỡ mọi kỷ lục : Hoa Kỳ dành 40% GDP cho nhu cầu quân đội, Đức 75%. Một tỉ lệ không thể tìm lại trong nhiều năm qua, trừ Bắc Triều Tiên dành 15 đến 25% nguồn lực.

Đặc thù đáng kể nữa là Ukraine, bỗng dưng bị xâm lăng năm 2022, đã dành 1/3 tổng sản phẩm nội địa cho quân đội. Về phía Israel phải lao vào cuộc chiến chống lại Hamas sau vụ khủng bố ngày 07/10, với việc huy động quân dự bị, GDP sụt giảm mạnh và ưu tiên cho quân sự, Nhà nước Do Thái rõ ràng đã bước vào kinh tế chiến tranh. Còn Pháp chỉ đang tiến gần giai đoạn trung gian của "kinh tế khủng hoảng". Theo chuyên gia Renaud Bellais, Fondation Jean-Jaurès, tổng thống Macron nêu ra khái niệm trên nhằm đánh động dư luận.

Slovakia bầu tổng thống, mối nguy "deepfake" rình rập

Chiến tranh không chỉ nơi tiền tuyến mà còn ảnh hưởng đến các nước khác trên mặt trận thông tin. La Croix quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Slovakia, diễn ra trong bối cảnh tin giả lan tràn. Bốn triệu rưỡi người Slovakia sẽ đi bầu vòng hai vào thứ Bảy này để chọn ra tổng thống mới. Những cuộc bỏ phiếu ở nước này thường bị rối loạn bởi việc sử dụng các video do trí thông minh nhân tạo chế ra và việc bóp méo thông tin.

Chẳng hạn trong bầu cử Quốc hội tháng 9/2023, người ta nghe Michal Simecka, chủ tịch đảng Slovakia cấp tiến (tự do và thân Châu Âu) loan báo sẽ tăng giá bia nếu đắc cử. Tin giả này thực hiện công phu đến nỗi một dân biểu trong đảng vốn thân thiết với Simecka tưởng thật, phải gọi cho ông để phản đối. Tệ hơn nữa, hai ngày trước bầu cử, báo chí bị cấm đưa tin theo thông lệ, một video thứ hai xuất hiện, trong đó ông Michal Simecka nói với một nhà báo nổi tiếng là ông đã lũng đoạn được cuộc bỏ phiếu. Đây là hai sản phẩm "deepfake" của trí thông minh nhân tạo, lần đầu tiên được sử dụng để can thiệp vào bầu cử, cơn ác mộng trước cuộc bỏ phiếu Nghị Viện Châu Âu và bầu tổng thống Mỹ trong năm nay. Mọi cái nhìn nghi ngờ đều hướng về phía Nga nhưng khó thể tìm được bằng chứng.

Cử tri Slovakia lần này sẽ phải chọn giữa Peter Pellegrini, ứng cử viên của liên minh dân túy cầm quyền, và nhà ngoại giao Ivan Korcok thân Châu Âu. Và dù chưa thy "deepfake", nhưng đã n r nhng tin gi "theo kiu xưa", có li cho Peter Pellegrini. Theo qu Stop corruption, các video này do mt công ty ca cu b trưởng giáo dc trong chính ph thân Nga Robert Fico sn xut. Vi s tr li ca th tướng dân túy Fico, nhng lun điu ng h Kremlin ng tr trên truyn thông nhà nước. Đây là cung cách đã giúp Viktor Orban bước lên đỉnh cao quyền lực cách đây 14 năm, và kịch bản này có nguy cơ tái diễn ở Slovakia.

Thêm bằng chứng tình báo Nga liên quan "Hội chứng La Havana"

Le Monde quay lại với "Hội chứng La Havana" mà khoảng một trăm nhà ngoại giao Mỹ, nhân viên FBI, CIA là nạn nhân, tiết lộ thêm một số chi tiết cho thấy Nga đứng phía sau. Theo điều tra của tờ báo độc lập Nga The Insider phối hợp với tờ Der Spiegel của Đức và kênh truyền hình CBS của Mỹ, tất cả những người bị "hội chứng La Havana" tại các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Đức, Trung Quốc, Úc, Việt Nam và Áo đều làm việc trong các hồ sơ liên quan đến Nga. Các nhà báo đã tìm ra dấu vết hai người Nga tham gia chiến dịch này.

Nghi can thứ nhất đóng vai đầu bếp di cư sang Hoa Kỳ nhưng thực ra là kỹ sư điện tử làm việc cho tình báo Nga. Anh ta được nhìn thấy trong một video của cảnh sát khi bị chận lại vì chạy quá tốc độ, chỉ bị phạt về tội này và sau đó quay về Nga, chết trên chiến trường Ukraine. Nghi can thứ hai là con trai của thủ trưởng đơn vị 29155, Andrei Averianov, bị nạn nhân là vợ một nhà ngoại giao Mỹ nhận diện. Tên tuổi của 20 thành viên đơn vị này đã bị báo chí quốc tế công bố.

"Đầu bếp không biên giới" rút khỏi Gaza

Tại Trung Đông, về vụ bảy nhân viên tổ chức nhân đạo thiệt mạng tại Dải Gaza vì hỏa tiễn Israel, các báo tiếp tục nói về phản ứng của các nước liên quan và hoạt động của World Central Kitchen (WCK) - một tổ chức phi chính phủ Mỹ có thể coi như "Đầu bếp không biên giới", đã tham gia cứu trợ ngay từ sau vụ khủng bố ngày 07/10. 

Le Figaro cho biết vụ này vô tình đã làm tên tuổi của José Andrés - chủ tịch WCK, đầu bếp danh tiếng người Mỹ gốc Tây Ban Nha - bỗng nổi bật trên trường quốc tế. Tổng thống Joe Biden đã trực tiếp gọi điện để chia buồn, còn Benyamin Netanyahou đã xin lỗi – một động thái hiếm hoi, tuy nói rằng đây là sự cố ngoài ý muốn. Từ mười năm qua, WCK hoạt động tại các vùng đất bị thiên tai, địch họa, một mô hình trợ giúp khẩn cấp ở những nơi trong tình trạng không thể nấu nướng, với những bữa ăn chất lượng. Tổ chức này có khả năng can thiệp nhanh chóng, như cung cấp 3 triệu bữa ăn cho Porto Rico sau trận bão Maria, và là tổ chức quốc tế đầu tiên đưa viện trợ thực phẩm đến Dải Gaza bằng đường biển, nhưng nay quyết định rút đi.

José Andrés thuộc về một thế hệ đã làm thay đổi ngành ẩm thực ở Hoa Kỳ. Đến Mỹ năm 1993 không có một xu dính túi, chẳng bao lâu ông đã nổi tiếng trên toàn quốc và nhập tịch năm 2013. Từ nhà hàng Jaleo bán "tapas" đầu tiên do ông điều hành ở trung tâm Washington, đã phát triển ra khoảng 30 cơ sở nữa ở mười mấy thành phố, sở hữu nhiều sao trong sách Michelin. Quen biết lớn trong giới chính khách và thượng lưu, José Andrés không quên những người nghèo. Ông thành lập World Central Kitchen với chủ trương "Khi người ta đói, nên gởi người nấu bếp đến, không phải ngày mai mà ngay hôm nay".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 204 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)