Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/03/2019

Điểm báo Pháp - Trung Quốc &Châu Âu : Đối thủ hay đối tác

RFI tiếng Việt

Trung Quốc – Châu Âu : Đối thủ hay đối tác

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thất thủ nhưng mối đe dọa vẫn chưa hết. Chuyến công Châu Âu của ông Tập Cận Bình gây hoài nghi và cảnh giác. Brexit, nước Anh không lối thoát số phận thủ tướng Theresa May trở nên mong manh. Đó là những chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo Pháp ra hôm nay.

doitac1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước doanh nhân tại dinh Quirinal, Roma, ngày 22/03/2019. Tiziana Fabi/Pool via REUTERS

Sau chặng đầu có thể được coi là thành công ở nước Ý cùng với hàng chục hợp đồng kinh tế và nghị định thư hợp tác được ký kết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay bắt đầu chuyến thăm Pháp cấp Nhà nước trong vai của "một đối tác cũng như một đối thủ", nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét.

Trong khi đó, Le Figaro, có bài : "Các nước Châu Âu thức tỉnh trước Trung Quốc". Tờ báo nhận thấy tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng tạo được một mặt trận chung Châu Âu để đối phó với chiến lược và tham vọng của Bắc Kinh. Mở đầu bài viết, phóng viên Le Figaro dẫn lại phát biểu của một quan chức Úc cách đây 3 năm rằng "Châu Á đánh giá thấp Hồi giáo cực đoan và Nga nhưng Châu Âu thì vẫn chưa ý thức được mối đe dọa Trung Quốc".

Theo bài báo thì đúng là một thời gian dài "bị cuốn vào các khủng hoảng nội bộ, vướng bận với những hỗn loạn ở Trung Đông, lo toan nhiều vào những hồ sơ lớn như Iran hay Nga, các nước Châu Âu đã không thấy hoặc không lo lắng gì đến bước tiến âm thầm của Trung Quốc trong khi mà từ nhiều năm qua Trung Quốc đã thâm nhập được vào huyết mạch kinh tế của nhiều nền dân chủ phương Tây".

Cho đến giờ Liên Hiệp Châu Âu vẫn coi sự cất cánh của Trung Quốc như là cơ hội kinh tế, chứ không phải là mối nguy cơ chiến lược. Bởi vì Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Châu Âu sau Mỹ.

Nhưng thời gian và thực tế đã buộc Châu Âu thay đổi cách nhìn nhận về đối tác lớn này. Hôm 12/3 vừa qua, Ủy Ban Châu Âu trong một tài liệu quan trọng từ giờ trở đi đã chính thức coi Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh chiến lược". Để lập lại sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, Ủy Ban Châu Âu còn lên một danh mục các hành động phải nhanh chóng triển khai nhằm đối phó với Bắc Kinh.

Ngày mai tổng thống Pháp tổ chức tại Paris cuộc hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình có sự tham dự của thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker. Le Figaro nhận xét đó là "một mặt trận Châu Âu để đáp lại những tham vọng Trung Hoa và để làm thất bại chiến lược của Bắc Kinh luôn dùng ưu đãi quan hệ song phương để chơi trò chia rẽ Châu Âu".

Châu Âu đã hiểu ra nhưng...

Le Figaro nhận thấy, sau Mỹ, các nước Châu Âu đang mở mắt để thấy được những hậu quả của việc sự nổi trội sức mạnh của Trung Quốc.

Đó là hậu quả của việc Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng gia tăng nhằm áp đặt quan điểm và nguy cơ tiềm ẩn kéo theo sau những khoản đầu tư của Trung Quốc trong những khu vực nhạy cảm của kinh tế Châu Âu. Khi mà giờ đây, Trung Quốc đang tập trung tấn công vào Châu Âu qua lĩnh vực công nghệ với mạng viễn thông 5G.

Tờ báo nhấn mạnh, cũng như Mỹ, các nước Châu Âu lo ngại có thể bị do thám từ những đầu tư của một quốc gia không dân chủ vào lĩnh vực chiến lược. Chưa hết các thương vụ Trung Quốc mua lại, thôn tính các doanh nghiệp và hạ tầng cơ sở bị đánh giá là cách làm ăn không trung thực vì nó giúp Bắc Kinh có được trình độ chuyên môn cao, có công nghệ bản lề với giá thấp nhất và nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc được chính phủ tài trợ và kiểm soát.

Ý thức được những nguy cơ trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng hành động của Châu Âu có vẻ hơi muộn. Le Figaro nhận thấy, "Trung Quốc đã sử dụng và đào sâu sự chia rẽ trong Liên Âu để đề phòng trước một chính sách chung". Hungary, Hy Lạp là một trong số nước tiên phong đứng về phe Bắc Kinh. Bồ Đào Nha đã ký chương trình quốc tế của "con đường tơ lụa mới". Ý thì vừa mới đây trở thành nước G7 đầu tiên đóng góp vào dự án đầy tham vọng của Trung Quốc.

Le Figaro kết luận : Lập trường với Trung Quốc trở nên phức tạp, khi mà Liên Hiệp Châu Âu vẫn muốn tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh để cố cứu các thỏa thuận đa phương đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ, tiêu biểu là thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định khí hậu. Thế nhưng gây bất đồng trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng chính là một trong nhiều mục tiêu của Trung Quốc.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo mất đất chưa phải đã bị tiêu diệt

Chuyển qua thời sự xuất hiện nhiều trên trang nhất các báo. Cứ địa cuối cùng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Baghouz đã bị phá vỡ hoàn toàn hôm thứ Bảy nhưng mối đe dọa vẫn còn hiển hiện ở khắp thế giới. Đó là nhận định chung của các báo khi loan báo tổ chức thánh chiến Hồi giáo bị đánh bại sau hơn 5 năm gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới.

Libération chạy tựa : "Nhà nước Hồi giáo quay trở lại hoạt động bí mật". Tờ báo ghi nhận "tổ chức khủng bố này hôm thứ Bảy đã bại trận hoàn toàn ở cứ điểm kháng cự cuối cùng tại Baghouz. Nhóm thánh chiến, vẫn còn hoạt động, ngay lập tức đã kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục thánh chiến…".

Trên các vùng đất Syria và Iraq, các phần tử của Nhà nước Hồi giáo quay vào hoạt động bí mật. Nhưng tổ chức này đã cắm chân thành công ngoài vương quốc Hồi giáo tự tuyên bố năm 2014, đó là ở Afghanistan, Libya trên bán đảo Sinai của Ai Cập, vùng sa mạc Sahara cho đến Trung Á. Dù có phải chuyển qua mạng lưới ngầm, Daesh vẫn luôn là một mối đe dọa lớn, vẫn là một tổ chức khủng bố toàn cầu có sự lãnh đạo tập trung.

Trong khi đó Le Figaro khẳng định cứ địa Baghouz thất thủ không có nghĩa là lịch sử thánh chiến đã chấm dứt. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trở lại với hiện trạng như trước khi ra công khai. Một tổ chức bí mật, hình thành từ các cơ sở nằm vùng và các nhóm chiến binh ẩn náu trong sa mạc. Daesh vẫn còn các chi nhánh đã cắm sâu từ Sinai, Yemen, qua Châu Phi đến Afghanistan…

Le Figaro cảnh báo hạ quá nhanh mức độ đề phòng sẽ là rất nguy hiểm. Người ta đã thấy ý định của Donald Trump đưa ngay các binh sĩ của ông trở về nhà. Nhưng còn lại vẫn phải xác định một chiến lược lâu dài để đề phòng Daesh hồi sinh trong từng vùng. Nguy cơ lớn nhất đó là một chiến dịch khủng bố tại Châu Âu và nhiều nơi khác vẫn sẽ còn bùng lên.

Nhật báo Công giáo nhấn mạnh trong bài xã luận : Cuộc chiến vẫn còn lâu mới kết thúc. Nhiều cơ sở của Daesh vẫn hoạt động và những điều kiện trỗi dậy vẫn luôn hiện hữu. Tại Syria và Iraq, chừng nào dân Hồi giáo Sunnite còn bị đẩy ra ngoài lề quyền lực thì bạo lực vẫn có cơ hoành hành. Ở Pháp hay Châu Âu cũng vậy, các nhân tố có thể dẫn đến hành động khủng bố vẫn chưa mất hẳn. Trong khi đó, các khủng hoảng nhiều mặt chính trị, kinh tế và văn minh ở đa số các nước Hồi giáo, sẽ có thể là mảnh đất tốt để khủng bố Hồi giáo tái sinh.

Brexit : Bỏ phiếu đi bỏ phiếu lại, bế tắc vẫn hoàn bế tắc

Cố công đàm phán với bên ngoài để rồi về nước bị bác bỏ. Quay trở lại đàm phán, năn nỉ xin gia hạn rồi chờ bỏ phiếu lại với viễn cảnh không có gì sáng hơn trước. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà bà thủ tướng Theresa May đã loay hoay cố tìm một lối thoát vụ ly dị của nước Anh với Liên Hiêp Châu Âu.

Ở Anh bắt đầu xuất hiện câu hỏi : Liệu có cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 cho Brexit ? Có lẽ đó sẽ là giải pháp trong bước đường cùng của chính phủ Anh. Trước hết đã có hàng triệu người dân xứ sương mù tin vào giải pháp này rồi. Một kiến nghị tổ chứ lại trưng cầu dân ý đã thu được 5 triệu chữ ký.

Libération cho biết, "hơn một triệu người Anh hôm thứ Bảy đã biểu tình ở Luân Đôn để đòi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới. Từ Bruxelles trở về với một lịch trình mới, bà thủ tướng bị suy yếu hơn bao giờ hết, trước khi bước vào một tuần mới mang tính sống còn".

Libération chỉ rõ : từ cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu hôm thứ Năm và thứ Sáu trở về với hai mốc thời gian mới ngày 12 tháng Tư hoặc 22 tháng Năm, Theresa May dường như đang sống những ngày cuối cùng ở Downing Sreet (phủ thủ tướng). Một tuần đang mở ra một lần nữa sẽ mang tính quyết định. Một cuộc bỏ phiếu mới về thỏa thuận Brexit vẫn chưa được bảo đảm thay đổi được điều gì.

Cùng lúc đó, nhật báo Les Echos ghi nhận : "Brexit : Theresa May đối mặt với sự nổi dậy trong nội các". Từ các dân biểu cùng phe cho đến nhiều thành viên chính phủ Anh bắt đầu lên tiếng phản kháng với cách làm việc của bà thủ tướng Anh trong hồ sơ Brexit. Les Echos cho biết trong phiên họp nội các hôm nay có thể khoảng hơn chục thành viên chính phủ lên tiếng đòi bà Theresa May từ chức ngay trong ngày hôm nay.

Một tuần sống còn của Boeing 737 MAX

Vẫn Les Echos cho biết, tuần này nhà chế tạo máy bay Boeing sẽ phải trình giải pháp an toàn, xử lý các sự cố cho phép loại máy bay Boeing 737 MAX được bay trở lại. Tờ báo ghi nhận đây là một tuần đầy khó khăn đối với nhà chế tạo máy bay Mỹ. Đầu tuần phải trình Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ FAA các giải pháp an toàn cho Boeing 737 có thể cất cánh trở lại. Cùng lúc Thượng Viện mở phiên điều trần về mối liên hệ giữa FAA với Boeing.

Các giải pháp của nhà chế tạo liên quan đến số phận của 371 máy bay Boeing 737 MAX đang bị cấm bay từ sau vụ tai nạn thảm khốc của hàng không Ethiopia Airlines. Sức thuyết phục của Boeing còn liên quan đến việc nối lại các đơn hàng với loại 737 MAX, hiện chiếm 80% đơn đặt hàng và gần nửa doanh số của Boeing.

Trong khi đó Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu đã cảnh báo kể cả FAA bật đèn xanh để B 737 MAX bay trở lại thì họ cũng sẽ tiến hành các kiểm tra riêng.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)