Con đường tơ lụa : Nước Ý cô độc trên võ đài Trung-Mỹ
Tổng thống Pháp có thể vượt qua khốn khó ? Ý chơi với Trung Quốc lợi hại như thế nào ? Chế độ tham ô ở Algeria là cội nguồn thúc đẩy giới trẻ xuống đường sang trang lịch sử. Vì sao Putin sẽ bỏ Al Assad ? Có nên tiếp tục nghe nhạc Michael Jakson hay không ? Đó là một số chủ đề trên các tạp chí cuối tuần tại Pháp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại dinh tổng thống Ý, Quirinal, Roma, ngày 22/03/2019. Tiziana Fabi/Pool via Reuters
Bóng đen Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Châu Âu gây ra những phản ứng cảnh giác khác thường và sôi động chưa từng thấy : Bóng đen Trung Quốc trên bầu trời Châu Âu, tựa của tuần báo L’Obs. Nước Ý sẽ bị trả đũa nếu tham gia vào con đường tơ lụa, phân tích của một báo Ý La Republica được Courrier International trích dịch với tựa : Bắt tay với Bắc Kinh, Roma chọc giận Washington, từ lâu nay cực lực chống dự án địa chiến lược con đường tơ lụa.
Theo nhật báo trung tả, do vô tâm, chính quyền Ý đã leo lên võ đài quyền Anh nơi mà hai võ sĩ hạng nặng Mỹ- Trung đang chuẩn bị xáp chiến. Chắc chắn Ý sẽ trúng thương nếu bênh vực bên này hay bên kia. Ý vừa chọc giận đương kim vô địch là đồng minh Hoa Kỳ vừa bị Trung Quốc lợi dụng để tiến gần trung ương đầu não của khối tây phương. Bởi vì khác với Putin, muốn đẩy NATO càng xa biên giới Nga càng tốt, Tập Cận Bình tìm cách tiến sát đối thủ để chiếm thế độc tôn. Một khi chiếm được trung tâm võ đài, Trung Quốc hy vọng là các nước khác sẽ gia nhập theo.
Con đường tơ lụa mới chính là dự án điạ chiến lược, mở một vành đai với ba cột trụ : phát triển hạ tầng lập con đường hàng hải nối liền Châu Á, Châu Âu đến Châu Phi. Sau Hy Lạp, Bắc Kinh nhắm đến Ý được xem là những mục tiêu bị xem là dễ chiêu dụ nhất. Trung Quốc dùng lá bài đầu tư tài chính nhưng thật ra là để tạo ra một mạng lưới doanh nhân, cộng động Hoa kiều thân Bắc Kinh gây áp lực hành lang ủng hộ các dự án của Trung Quốc và nếu thấy cần hơn nữa thì sẽ xuất khẩu lao động. Cột thứ hai là xâm nhập vào guồng máy chính trị và định chế quốc gia của đối tác… thành viên NATO. Thứ ba là thiết lập một loạt căn cứ quân sự trên vành đai chiến lược : Djibouti nằm ngay yết hầu trục Ấn Độ-Thái Bình Dương dẫn đến Địa Trung Hải ngang qua kinh đào Suez là bước đầu trong kế hoạch.
Trâu bò húc nhau….
Do đó, La Repubblica cảnh báo : Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận cho Trung Quốc lấn sân chơi. Quân đội hai nước đã nghiên cứu rất kỹ kịch bản xảy ra xung đột quân sự trực diện. Chắc chắn một điều là Donald Trump sẽ trả đũa.
Trong bối cảnh tiền chiến tranh, áp giá thuế quan chỉ là một khía cạnh nhỏ, tham vọng của Trung Quốc bị bao vây tứ bề. Con đường tơ lụa là "mối đe dọa sinh tử" sau một thời gian bị xem thường. Washington sẵn sàng trả đũa một cách dữ dội và bất tương xứng nhất là nếu nước tham gia là một đồng minh.
Donald Trump đã đe dọa Đức và Ý sẽ giảm quan hệ tình báo trong vụ Hoa Vi. Nước Ý chỉ là một nước Đức nhỏ dưới mắt của Hoa Kỳ do vậy càng phải thận trọng. Donald Trump nói và sẽ làm nếu không sẽ mất uy tín với đồng minh và các đối thủ. Nếu Roma cho Trung Quốc lập kho hàng ở cảng Genova và Trieste, Mỹ sẽ chận lại và sẽ cho Ý một bài học nhất là qua trung gian các cơ quan thẩm định tài chính.
La Republica đưa ra hai giải pháp : trước hết phải khẩn cấp thành lập trung tâm chiến lược quốc gia, quyết định chính sách chung, chấm dứt tình trạng sứ quân địa phương hay cá nhân cam kết với ai tùy tiện, bất chấp an ninh quốc gia. Thứ hai, phải tương thân với Châu Âu mà cho đến nay, chính phủ dân túy không xem ra cái gì cả. Và cuối cùng, nước Ý có quyền chính đáng và bổn phận thu hút đầu tư nhưng không chỉ có đầu tư của Trung Quốc. Roma phải rút kinh nghiệm khôn ngoan của các thành viên NATO khác, hội ý trước với Mỹ, một lằn ranh vàng không vượt qua. Thời kỳ vô tư đã chấm dứt, tờ báo trung tả kết luận.
Cũng trong chiều hướng này, L’Obs, tuần báo Pháp thiên tả cảnh giác : lợi dụng tình trạng tê liệt của Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc đổ tiền vào các nước thành viên Balkan, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Bây giờ, đến phiên nước Ý. Không chỉ có Mỹ tức giận. Pháp và Đức cũng rất bực mình về chính sách của chính quyền Roma và tìm cách phản ứng chung nhưng có lẽ đã trễ.
Nhắc lại câu nói của Napoleon : "Hãy để Trung Hoa ngủ yên, vì nếu nó tỉnh dậy, thế giới sẽ rung chuyển", tác giả kêu gọi "Châu Âu phải thức dậy", thà trễ còn hơn là tiếp tục ngủ mê.
Algeria : Bouteflika hãy tự xét mình
Tình hình thế giới Ả Rập ra sao ? bài phân tích dài trên nhật báo đối lập El Watan ở Algeria khẳng định : Hoang phí tài nguyên, đặc quyền đặc lợi, tham ô toàn diện trong suốt bốn nhiệm kỳ của tổng thống Bouteflika tác hại đến kinh tế và tài chính quốc gia là cội nguồn của phong trào phản kháng của dân chúng, đặc biệt là giới trẻ. Với khẩu hiệu "Các ông ăn hết đất nước" (Klitou lebled), giới trẻ xuống đường đòi sang trang lịch sử. Liberté cũng nhận định : sinh viên, học sinh Algeria muốn tự mình nắm vận mệnh và làm chủ đất nước.
Syria : Assad lo thân
Cũng trong khu vực, Courrier International tuyển chọn hai bài của truyền thông Liban. Bài thứ nhất của báo Daraj : Iran-Saudi Arabia, hai chế độ thù nghịch có điểm giống nhau là trấn áp các phụ nữ tranh đấu nhân quyền. Phụ nữ bị giam cầm không phải vì hành động của họ mà vì họ là phụ nữ tranh đấu.
Bài thứ hai của báo Al-Modon : Liệu tổng thống Syria Assad có thể bị Nga bỏ rơi. Tác giả lý giải : Iran và Nga sắp lãnh một loạt biện pháp trừng phạt mới. Không phải là chuyện tình cờ mà cuối tháng Hai, Assad bay qua Iran trong khi thủ tướng Israel sang thăm Nga. Trong khi Netanyahu kêu gọi Putin vận động cho tất cả lực lượng ngoại nhập rút khỏi Syria thì Assad khẳng định nhu cầu liên minh Iran- Syria.
Vì sao có hai kêu gọi mâu thuẫn này ? Để hiểu lý do, theo lập luận của Al-Modon, vào tháng 5 tới, Mỹ sẽ ban hành một loạt trừng phạt mới chống Iran : giảm lượng dầu khí xuất khẩu từ 4 triệu thùng mỗi này xuống còn một triệu. Đối với Nga, biện pháp trừng phạt mới đã được Thượng viện Mỹ thông qua nhắm vào các đại xí nghiệp tham gia tái thiết tại Syria. Thật ra, các đại tập đoàn này đến Syria để khai thác tài nguyên như thực dân hơn là tái thiết. Cụ thể là Stroytransgaz, khai thác phosphate trong 50 năm, chia lời theo tỷ lệ Nga 70%, Syria 30%.
Tấn công vào các đại gia của Nga có hai cái lợi. Một là tác động đến kinh tế Nga và hai là gây chia rẽ giới thân cận của Putin với chủ nhân điện Kremlin. Trong năm 2018, gần 68 tỷ đô la bị tẩu tán, tăng hơn gấp đôi so với số liệu 2017. Giới doanh nghiệp cũng bớt hăng hái ủng hộ chính sách đối ngoại của Putin.
Nếu sau chiến thắng quân sự, Nga bị sa lầy tại Syria với một nền kinh tế suy yếu, liệu tổng thống Nga sẽ làm gì ? Bỏ Assad và thúc giục Iran rút quân ? Chế độ Hồi giáo phản ứng thế nào ? Một số nhà quan sát, theo nhật báo Liban, tin rằng Putin dùng Assad như món hàng mặc cả và sẽ bỏ tổng thống Syria khi có cơ hội. Ẩn số không phải là có hay không mà là lúc nào ?
Nga : cái giá phải trả cho Crimea và Syria
Vladimir, cố gắng thêm nào ? Đó là tựa bài bình luận về khả năng có giới hạn của tổng thống Nga trên Le Point : Năm 2018, nước Nga thành công củng cố uy thế đại cường nhưng đất nước ngày càng bị cô lập, người dân trả giá nặng cho chiến thắng quân sự. Tái đắc cử với 77% , kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát giảm còn 4%, thất nghiệp thấp, 4%... Nỗ lực quốc phòng tạo ra một quân đội hùng mạnh, hệ thống tên lửa ấn tượng, chiến tranh phức hợp quân sự, chính trị, tuyên truyền hiệu quả… Thế nhưng, tổng thống Nga ngày càng cô độc.
Chiến thuật kích động tinh thần dân tộc và tố cáo Tây Phương can thiệp vào nội tình mất sức thuyết phục dân Nga đang túng nghèo vì nợ và nạn tham ô. Phẩm chất thực phẩm và thuốc men sụt giảm nghiêm trọng do chạy đua sản xuất bù đắp cấm vận kinh tế. Dân chúng bất bình vì thuế xăng dầu gia tăng như TVA từ 18% lên 20% cộng với phong trào chống ô nhiễm, tố cáo chính sách quản lý rác, biến nhiều địa phương thành bãi chứa đồ phế thải của thủ đô.
Nước Nga cũng đang chiến thắng chiến tranh lạnh vì chính sách rút chân của Donald Trump, bỏ ngỏ Đông Âu và Trung Đông. Với hệ thống chiến tranh mạng và guồng máy kiểm soát, định hướng công luận, Putin chắc chắn sẽ tiếp tục cầm quyền sau năm 2024. Nhưng quyền lực tuyệt đối một lần nữa ghi dấu thất bại trong cố gắng canh tân nước Nga.
Vô tình, tổng thống Nga đã chứng minh rằng triết gia Pháp Alexis de Tocqueville đã dự báo đúng tương lai hai nước Nga và Mỹ từ thế kỷ thứ 19 : Nước Mỹ chiến đấu chống sa mạc và sự man rợ, còn Nga chống lại nền văn minh với tất cả mọi vũ khí và quyền lực tập trung trong tay một người. Mỹ hành động với phương tiện chính yếu là tự do còn Nga bằng áp đặt phục tùng, Le Point kết luận.
Emmanuel Macron có bật lên được không ?
Tổng thống Pháp cũng bị đưa lên bàn cân phân tích. "Thiên tài lâm đại nạn" là tựa của bài bình luận trên Courrier International tổng hợp những ý kiến khác nhau của các đồng nghiệp quốc tế.
Hình ảnh Khải Hoàn Môn bị đập phá ngày 01 tháng 12 năm 2018 và những cuộc bạo động khác loan truyền trên các kênh truyền hình thế giới tạo ra một hình ảnh nước Pháp chẳng khải hoàn chút nào trong khi dân chúng khát khao cải cách.
Nhìn từ Luân Đôn, Financial Times khen ngợi những đề nghị táo bạo canh tân Châu Âu, tái cấu trúc không gian Schengen, củng cố một số thành viên cốt lõi cùng chung một chính sách về di dân và kinh tế.
Nhìn từ Roma, theo Il Foglio, tổng thống Pháp phục hồi được hình ảnh của một nhà chính trị năng động tích cực. Trong vòng hai tháng, uy tín tăng thêm 11 điểm, lên 34%, trở lại thời kỳ trước khủng hoảng Áo Vàng. Tuy Pháp vẫn còn bị hai cản lực truyền thống là công đoàn và giới công chức cao cấp, nhưng ông Macron đã thông qua được đạo luật lao động thích nghi với thế kỷ 21. Nỗ lực của tổng thống Macron đã mang lại một số kết quả khích lệ : trong vòng ba tháng tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ từ 20,5% giảm xuống 18,8%.
Nhưng rồi, vụ bạo động biến đại lộ Champs-Elysées thành bãi chiến trường hôm thứ bảy tuần trước "một lần nữa giam tổng thống Macron vào vòng vây", nhận định của Le Temps. Nhật báo Thụy sĩ nêu lên hai câu hỏi : Những kẻ bịt mặt, mặc quần áo đen cướp phá là ai ? Tại Pháp, ai là kẻ thủ lợi và ai sợ thành phần bất hảo cướp chính quyền ?
Nhìn từ Đức, báo chí không mấy hài lòng về tổng thống Pháp vì cho rằng dự án tái cấu trúc Châu Âu mở đường cho một Liên Hiệp Châu Âu "hai vận tốc",hàm chứa nhiều rủi ro : Sáng kiến không có lợi cho Đức vì mọi chia rẽ chỉ làm cho Liên Âu tan rã, đó là nhận định của Suddeutsch Zeitung.
Từ Tây Ban Nha, báo ABC cũng lấy làm tiếc rẻ là tổng thống Pháp, tuy trẻ và mới lên cầm quyền, mà đã bị hiện tượng "xoi mòn, mỏi mệt" như nữ thủ tướng Đức. Vấn đề là bà Angela Merkel đã sắp rời chính trường sau 20 năm hoạt động còn Emmanuel Macron mới lên đài. Hai nhà lãnh đạo Pháp Đức có một điểm chung khác là tạo được uy tín quốc tế nhưng ở trong nước thì gặp cảnh "bụt nhà không thiêng".
Ấu dâm, khủng bố
Cuối cùng , vụ thảm sát nhân danh da trắng thượng đẳng ở New Zealand và các vụ án lạm dụng tình dục trẻ em, trong giới tu sĩ và chuyện ca sĩ quá cố Michael Jackson bị hai nạn nhân tố cáo lạm dụng lúc họ còn trẻ thơ được phân tích rộng rãi.
Não bộ kẻ khủng bố Christchurch nghĩ gì, làm cách nào để chống lại những kẻ khủng bố có tâm lý ngưỡng mộ những sát thủ đi trước ? tựa của Le Point. Trong khi đó, L’Obs tìm hiểu chuyện gì diễn ra trong đầu, chính xác là ở thùy thái dương, của kẻ ấu dâm mà qua nghiên cứu khoa học đã "khám phá" được khi cho thủ phạm nhìn ảnh một đứa trẻ
Đối với câu hỏi có nên xóa nhạc của Michael Jackson, có hai ý kiến trái nhau trên Courrier International. Cần phải cấm vì không thể ích kỷ cho rằng người nghe chỉ thưởng thức âm nhạc mà không cần biết gì về đời tư của nghệ sĩ, như là sống mà không quan tâm đến môi trường xung quanh. Tiếng nhạc có sức thu hút hàng chục triệu người có thể là cái giá khổ đau của một số nạn nhân vô tội của Michael Jackson.
Trái lại, ý kiến phản bác cho rằng có cấm cũng không làm thay đổi gì. Thứ đến là không thể xóa những tác phẩm của Michael Jackson có giá trị văn hóa trong lịch sử âm nhạc. Và có biết chắc là những văn nghệ sĩ mà chúng ta hâm mộ, đều là những người hoàn hảo hay không ?
Tú Anh