Trung Quốc bị nghi ngờ về vai trò ‘kiến tạo hòa bình’ ở Ukraine khi ngày càng thân Nga
Reuters, VOA, 24/02/2023
Các nhà ngoại giao và nhà phân tích phương Tây nói rằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc thể hiện mình "kiến tạo hòa bình" ở Ukraine chỉ cho thấy mục đích đánh bóng hình ảnh của nước này hơn là thay đổi lập trường, khi nước này tìm cách khẳng định mình là một nhà lãnh đạo của một trật tự thế giới đa cực mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 11, tại Brasilia, Brazil, vào ngày 12/11/2019. Ông Putin hôm 22/2 cho biết ông Tập sẽ sớm thăm Moscow.
Một năm sau khi Nga xâm lược nước láng giềng phía tây nam, đối tác "không giới hạn" của họ là Trung Quốc đề nghị làm trung gian hòa bình. Bắc Kinh nói họ sẽ đưa ra một "tường trình quan điểm" về Ukraine và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ có "bài phát biểu hòa bình" trong tuần này.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc khẳng định mối quan hệ "vững như bàn thạch" với Nga và ủng hộ đường lối của Nga trong cuộc chiến đã làm suy yếu vị thế trung lập của họ, cũng như khẳng định của Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà Trung Quốc bác bỏ.
Các nhà ngoại giao Châu Âu cho rằng đề nghị hòa bình của Bắc Kinh cho thấy nỗ lực hàn gắn quan hệ của Trung Quốc với một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Châu Âu, chứ không phải là sự thay đổi chính sách lớn, trong khi khẳng định lập trường một cách khoa trương chỉ là một nỗ lực nhằm thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới.
Cũng có khả năng đây chỉ nhằm mục đích xây dựng một câu chuyện để kể lể trong nước về Tập Cận Bình trong tư cách là người giải quyết các vấn đề toàn cầu khi ông bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo đạo thứ ba và Trung Quốc tìm cách vực dậy nền kinh tế tế bị ảnh hưởng sau ba năm kiềm tỏa vì dịch Covid-19.
Li Mingjiang, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nhận xét : "Hiện tại, nỗ lực hòa bình của Trung Quốc chỉ ở mức độ khoa trương".
Ông nói : "Thật khó để tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ sớm có hành động thực tế để làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine… Đây chỉ là một thay đổi kiểu cách nhỏ của Trung Quốc, không phải là bất kỳ điều chỉnh chính sách thực chất nào đối với cuộc chiến".
Chắc chắn rằng bất kỳ động thái nghiêm túc nào của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc chiến trên bộ đẫm máu nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai đều sẽ được hoan nghênh rộng rãi, nhưng nhiều nhà ngoại giao và những người theo dõi Trung Quốc nói rằng khi bị đẩy tới cùng, Trung Quốc sẽ về phe Nga.
Sự hoài nghi này càng được củng cố bởi cam kết của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị hôm 22/2 tại Moscow rằng Trung Quốc mong muốn "làm sâu sắc thêm" mối quan hệ với Nga, và thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Tập Cận Bình sẽ sớm thăm Moscow.
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, vài tuần sau khi Bắc Kinh và Moscow công bố mối quan hệ đối tác "không giới hạn", ông Tập đã nói chuyện thường xuyên với ông Putin nhưng chưa một lần nói với người đồng cấp Ukraine - Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Vào năm 2022, nhập khẩu hàng hóa của Nga vào Trung Quốc đã tăng vọt trong khi thương mại với Ukraine giảm dần.
Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà ngoại giao nói Trung Quốc khó có thể sớm cung cấp viện quân sự cho Nga, ít nhất là không công khai.
"Nếu hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine làm tăng khả năng thất bại của Nga, thì cộng đồng quốc tế nên mong đợi những nỗ lực mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc để ngăn chặn kết quả đó", Tong Zhao, một chuyên gia hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhận định.
"Tính toán của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc vạch ra một lằn ranh rõ ràng hơn đối với Trung Quốc", ông Zhao nói, đề cập đến cảnh báo của Mỹ về vấn đề vũ khí. "Bắc Kinh đang tìm cách đạt được sự cân bằng giữa việc ổn định quan hệ với Washington và ngăn chặn thất bại của Moscow".
Trong khi Trung Quốc ủng hộ hòa bình về nguyên tắc, các nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng nước này không muốn chấm dứt cuộc chiến Ukraine gây nguy hiểm cho Putin hoặc chế độ của ông, do nguy cơ bất ổn ở quốc gia có đường biên giới chung hơn 4.000 km.
"Đối với Bắc Kinh, câu hỏi quan trọng không phải là là liệu chiến tranh có nên kết thúc hay không mà là nó nên kết thúc như thế nào", Benjamin Herscovitch, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc, nói.
Theo ông, "Trung Quốc vẫn coi Nga là yếu tố trung tâm trong chiến lược tổng thể của mình nhằm mục đích suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ cũng như xây dựng một thế giới đa cực".
(Reuters)
************************
NATO nói đã thấy dấu hiệu Trung Quốc cân nhắc gửi vũ khí cho Nga
Reuters, VOA, 24/02/2023
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Năm (23/2) nói liên minh đã nhận thấy những dấu hiệu Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga và cảnh báo Bắc Kinh không nên thực hiện bất kỳ bước đi nào như vậy.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả nếu nước này hỗ trợ vật chất cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
"Chúng tôi chưa thấy bất kỳ nguồn viện trợ vũ khí sát thương nào từ Trung Quốc sang Nga, nhưng chúng tôi đã thấy những dấu hiệu cho thấy họ đang xem xét và có thể đang lên kế hoạch cho điều đó", ông Stoltenberg nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
"Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã cảnh báo rất rõ ràng về điều đó. Và Trung Quốc tất nhiên không nên ủng hộ cho cuộc chiến bất hợp pháp của Nga", ông nói thêm.
Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì, nhưng trước đó trong ngày thứ Năm, Bộ Ngoại giao nước này nói rằng bất kỳ thông tin tình báo nào về việc Trung Quốc chuyển giao vũ khí cho Nga mà Hoa Kỳ dự định tiết lộ chỉ là suy đoán.
Nga và Trung Quốc đã ký quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2 năm ngoái ngay trước khi Nga xua quân xâm lược Ukraine, và các liên kết kinh tế của họ đã bùng nổ khi các mối quan hệ của Moscow với phương Tây bị thu hẹp.
Phương Tây lâu nay vẫn cảnh giác với phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc chiến Ukraine. Một số quan chức cảnh báo rằng chiến thắng của Nga sẽ tạo động lực cho những hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trung Quốc cho đến nay vẫn không lên án cuộc xung đột ở Ukraine và tránh gọi đây là một "cuộc xâm lược".
Ông Stoltenberg nói Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
"Nguyên tắc cơ bản của hiến chương là tôn trọng sự toàn vẹn của các quốc gia khác và không tiến vào và xâm lược một quốc gia khác với hàng trăm nghìn quân", ông nói. "Tất nhiên, Trung Quốc không nên là một phần trong chuyện này".
Trung Quốc nói họ sẽ đưa ra quan điểm về cách giải quyết cuộc xung đột Ukraine thông qua các biện pháp chính trị trong một báo cáo sắp tới, mà truyền thông nhà nước Nga cho biết sẽ được xuất bản nhân kỷ niệm một năm "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
(Reuters)