Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/03/2023

Bị nghi là ổ chứa gián điệp, tương lai TikTok sẽ như Huawei ?

RFI tổng hợp

Tại sao TikTok là mối đe dọa với nhiều nước phương Tây ?

Anh Vũ, RFI, 01/03/2023

Với hơn một tỷ người sử dụng trên thế giới, TikTok đứng hàng thứ 6 trong số các mạng xã hội được ưa dùng, thu hút chủ yếu thế hệ trẻ. Dù thành công không thể phủ nhận được, TikTok cũng ngày càng gây lo ngại trong nhiều nước phương Tây. Chính phủ cũng như định chế ở nhiều nơi đã bắt đầu đưa ra các biện pháp cấm các nhân viên sử dụng nền tảng mạng xã hội này.

tiktok1

Ngày càng nhiều nước phương Tây coi TikTok như là mối đe dọa quốc gia. AP - Martin Meissner

Những nước nào cấm công chức sử dụng TikTok ? 

Chính phủ Mỹ là cơ quan đầu tiên ra tay. Từ đầu tháng Giêng tổng thống Joe Biden đã phê chuẩn đạo luật, cấm tải và sử dụng TikTok trên các thiết bị của công chức liên bang Mỹ. Khoảng hai chục bang của Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp tương tự đối với nhân viên của mình. Các cơ quan của chính phủ Mỹ phải cam đoan các thiết bị không còn cài đặt ứng dụng TikTok trong vòng 30 ngày, văn phòng Nhà Trắng vừa ra lệnh như vậy hôm 27/02 vừa rồi.

Theo chân Washington, Ủy Ban Châu Âu quyết định từ ngày 23/02 cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị công vụ của 32 nghìn nhân viên của mình. Các nhân viên của Ủy Ban Châu Âu được ra lệnh đến ngày 15/03 tới phải gỡ bỏ ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị như điện thoại hay máy tính bảng dùng cho công vụ, Bruxelles thông báo. Các nhân viên của Châu Âu cũng sẽ phải xóa TikTok khỏi các thiết bị cá nhân của họ nếu các thiết bị trên được sử dụng trong công việc như để gửi thư tín, tin nhắn, ứng dụng họp trực tuyến qua video… mục đích là để " bảo vệ dữ liệu của Ủy Ban". 

Hôm 28/02, Nghị Viện Châu Âu đã lệnh cho các nghị sĩ Châu Âu, các nhân viên làm việc trong các cơ quan của mình phải xóa ứng dụng TikTok trong điện thoại công vụ, trước ngày 20/03 này.

Trong EU, ByteDance, công ty mẹ của TikTok đang là đối tượng điều tra của chính quyền Irland về vấn đề bảo vệ đời tư. Công ty bị nghi ngờ vi phạm luật Châu Âu về bảo về dữ liệu trong việc xử ly các thông tin cá nhân của trẻ em và chuyển các dữ liệu về Trung Quốc.

Chính phủ Canada đã thông báo sẽ loại TikTok ra khỏi các thiết bị di động mà họ cấp cho nhân viên, lý do là vì chính phủ nhận thấy "mức độ rủi ro không chấp nhận được" đối với đời tư công dân và an ninh.

Hôm thứ Ba (28/02) Nghị Viện Đan Mạch cũng đã yêu cầu các dân biểu và toàn thể nhân viên xóa ứng dụng Trung Quốc trên các máy di động của mình. Còn tại Pháp, bộ Quân Lực đang soạn thảo một văn bản hướng dẫn cách sử dụng đúng đắn mạng xã hội và dự kiến khuyến cáo các quân nhân không nên dùng mạng xã hội, theo thông tin của đài Franceinfo. Về phần mình, Thượng Viện Pháp trong tuần này sẽ mở một ủy ban điều tra về vấn đề trên nhằm đưa ra các khuyến cáo, thậm chí có thể một dự luật từ nay đến mùa hè.

Những lý do nào đưa ra để biện minh cho các lệnh cấm như vậy ? 

Các nhà lập pháp Mỹ coi ứng dụng TikTok như là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. "Vấn đề cơ bản là TikTok thuộc ByteDance, công ty này lại chịu sự kiểm soát của Đảng cộng sản", dân biểu thuộc đảng Cộng hòa Mỹ Mike Gallagher đã giải thích như vậy trên kênh truyền hình CNN hồi tháng 12 năm ngoái.

Các quan chức Canada cũng có giải thích tương tự, cho rằng quyết định được đưa ra nhằm mục đích đề phòng . "Các phương pháp thu thập dữ liệu của TikTok trên thiết bị di động giúp tiếp cận nội dung của điện thoại", Mona Fortier, lãnh đạo Tài chính của chính phủ Trudeau nhấn mạnh.

Cơ quan hành pháp của Liên Âu thì biện minh cho quyết định của mình bằng việc bảo vệ "Ủy ban trước các mối đe dọa trên mạng. Chúng ta phải có nghĩa vụ hành động sớm nhất có thể trước các báo động tiềm ẩn trên mạng", thông cáo của Ủy Ban Châu Âu ghi rõ. "Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Ủy Ban đã chú trọng đến vấn đề an ninh mạng, bảo vệ các cộng tác viên và tất cả những người làm việc" cho định chế, ông Thierry Breton, hôm 23/02 vừa qua đã tuyên bố với báo chí như vậy. Trong khi đó Copenhagen, hôm 28/02 nói đến " nguy cơ gián điệp" liên quan đến sử dụng TikTok.

Trước sức ép của những tố cáo của phương Tây, công ty ByteDance hồi tháng 06/2022 đã thông báo họ sẽ lưu trữ tất cả các giữ liệu liên quan đến người sử dụng Mỹ tại các máy chủ của tập đoàn Oracle đặt tại Hoa Kỳ, nhưng điều này cũng không làm người ta yên tâm hoàn toàn. Điều chủ yếu mà nhiều nước phương Tây vẫn lo ngại đó là Bắc Kinh có thể thông qua ứng dụng tiếp cận các dữ liệu của người sử dụng trên toàn thế giới.

TikTok nói gì trước các cáo buộc của phương Tây ?

TikTok thường xuyên khẳng định : "Đảng cộng sản Trung Quốc đã không yêu cầu chúng tôi chia sẻ các dữ liệu đó... Chúng tôi không chuyển cho Đảng cộng sản các thông tin liên quan đến người sử dụng Mỹ, chúng tôi cũng sẽ không là điều đó nếu người ta yêu cầu".

Cuối tháng 12 vừa qua, ByteDance đã thừa nhận với AFP rằng nhiều nhân viên của họ đã tiếp cận các dữ liệu của ứng dụng TikTok để truy tìm các nhà báo nhằm xác định các nguồn làm lộ thông tin cho báo chí.

Trước các quyết định của nhiều cơ quan chính phủ, mạng xã hội này đã tỏ sự phản đối. Những quyết định "cấm như vậy dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi Ủy Ban (EU) đã không liên hệ trực tiếp với chúng tôi, cũng như không cho chúng tôi cơ hội để giải thích", TikTok tỏ lấy làm tiếc trong một thông cáo, sau quyết định của Bruxelles. Liên quan đến thông báo của chính quyền Canada Một phát ngôn viên của TikTok cũng bày tỏ sự thất vọng với AFP, về quyết định "kỳ quặc", được đưa ra "mà không viện dẫn bất kỳ vấn đề bảo mật cụ thể nào".

Giới chuyên gia nói gì về những quyết định cấm TikTok của nhiều nước phương Tây ?

Ông Jean-Vincent Brisset, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris) Pháp, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng, cựu sĩ quan tình báo Pháp, được nhật báo Ouest -France ngày 28/02/ 2023 trích dẫn cho rằng về mặt kỹ thuật Trung Quốc có thể do thám các nước phương Tây thông qua TikTok. Chưa kể khả năng Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để chuyển tải các thông điệp của họ cũng với những tài khoản giả, những tin đồn thất thiệt nhằm mục đích gây bất ổn.

Trả lời câu hỏi : Liệu Bắc Kinh thực sự sử dụng TikTok để do thám các nước phương Tây ? Chuyên gia Jean-Vincent Brisset khẳng định chắc chắn là có. Thế nhưng Hoa Kỳ cũng làm tương tự với Facebook hay Twitter. Vấn đề là ở chỗ : Liệu Trung Quốc có thể sử dụng những dữ liệu của TikTok một cách khôn khéo và có hiệu quả không. Khó khăn là sàng lọc cả một núi thông tin. Liệu Trung Quốc có 10 triệu nhân viên tin học để sàng lọc các dữ liệu của TikTok ? Điều này không ai biết.

Trong khi đó chuyên gia Emmanuel Loncot, giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Công giáo Paris thì cho rằng : Loại bỏ TikTok là cách gây áp lực của các nước phương Tây trong cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc hiện nay. Trên bình diện kinh tế, đó là biện pháp trả đũa. Vì các máy chủ tin học của các nước phương Tây không thể hoạt động tại Trung Quốc do chính sách bảo hộ của họ. Chẳng hạn tại Trung Quốc, bạn không còn vào được e-mail nếu bạn sử dụng Gmail, dịch vụ của Google.

Còn theo bà Stéphanie Laporte, thuộc Viện nghiên cứu cao cấp Kinh tế và Thương mại Pháp INSEEC, được báo 20 Minutes trích dẫn thì những căng thẳng xung quanh ứng dụng Tiktok chỉ là thêm một màn trong "chiến tranh lạnh công nghệ" mà trong đó phương Tây và Trung Quốc tranh giành nhau "kiểm soát dữ liệu và không gian mạng".

Dữ liệu cá nhân, an ninh mạng, tranh giành ảnh hưởng... rất nhiều nguyên do nhưng có thể trở lại với trường hợp của Ấn Độ, một thí dụ có thể gợi lên những suy nghĩ. Nước này năm 2020 đã quyết định cấm hẳn TikTok, nhưng là để triển khai Josh, mạng xã hội riêng của người Ấn, được Google và Microsoft tài trợ.

(Tổng hợp từ các báo Pháp)

Anh Vũ

****************************

Nghị Viện Châu Âu cấm TikTok, Mỹ sắp ban hành thêm biện pháp mới

Thu Hằng, RFI, 01/03/2023

Ngày 28/02/2023, Nghị Viện Châu Âu đã quyết định cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại công vụ. Quyết định được đưa ra sau khi Nhà Trắng ban hành lệnh cấm tương tự. Một ủy ban Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét dự luật cho phép tổng thống Joe Biden cấm ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

tiktok2

Ảnh minh họa với nền là thương hiệu Tik Tok. Ảnh chụp ngày 07/11/2019. Reuters - Dado Ruvic

Theo Reuters, lệnh cấm của Nghị Viện Châu Âu được áp dụng đối với điện thoại cá nhân của nhân viên nhưng được cài ứng dụng để truy cập thư điện tử của Nghị Viện, cũng như những mạng lưới khác. Tuần trước, Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu cũng đã cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại, do lo sợ chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng của tập đoàn ByteDance để thu thập dữ liệu của người sử dụng phục vụ mục đích riêng.

Nhiều nước như Mỹ, Canada và Ấn Độ đã ban hành các biện pháp hạn chế sử dụng TikTok. Sau khi ra lệnh cho toàn bộ các cơ quan thuộc chính quyền Liên Bang loại TikTok khỏi điện thoại thông minh trong vòng 30 ngày, Nhà Trắng cho biết sẽ "tiếp tục xem xét nhiều biện pháp khác", "kể cả việc phối hợp như thế nào với Quốc hội về chủ đề này trong tương lai".

Ngày 28/02, Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ xem xét một dự thảo luật, do các nghị sĩ Cộng Hòa đề xuất, cho phép tổng thống Joe Biden cấm hoàn toàn TikTok ở Hoa Kỳ. Ông Michael MacCaul, chủ tịch ủy ban, cáo buộc : "TikTok là con ngựa thành Troy của Đảng cộng sản Trung Quốc, được sử dụng để theo dõi người Mỹ và khai thác thông tin cá nhân của họ".

Theo AFP, dự thảo luật sẽ còn phải chờ được hai viện Quốc hội thông qua nhưng có thể sẽ không gặp khó khăn do các biện pháp chống Trung Quốc là một trong những chủ đề hiếm hoi có được đồng thuận của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ở Quốc hội Mỹ.

TikTok đánh giá lệnh cấm của Mỹ mang "ý nghĩa chính trị" và lấy làm tiếc là quyết định đó "lại được các chính phủ khác trên thế giới bắt chước".

Thu Hằng

*********************

Mỹ : Chính quyền Liên bang yêu cầu loại TikTok trong vòng 30 ngày

Trọng Thành, RFI, 28/02/2023

Tại Hoa Kỳ, toàn bộ các cơ quan thuộc chính quyền Liên Bang phải bảo đảm là trong thời hạn một tháng, không còn phương tiện điện tử nào còn cài đặt các ứng dụng của TikTok, nền tảng kỹ thuật số được hơn một tỉ người sử dụng trên toàn cầu.

tiktok3

Ảnh minh họa : Logo của TikTok. Reuters – Dado Ruvic

Lệnh cấm của chính quyền Mỹ được đưa ra hôm qua, 27/02/2023, ít ngày sau một lệnh tương tự của Ủy Ban Châu Âu cấm nhân viên sử dụng TikTok vì lý do an ninh. Lệnh cấm nói trên không liên quan đến các cơ sở không trực thuộc chính quyền Liên Bang, cũng như hàng triệu cá nhân sử dụng TikTok. Chính quyền nhiều nước phương Tây nghi ngờ các ứng dụng TikTok của công ty Trung Quốc ByteDance được Bắc Kinh sử dụng để thu thập thông tin. 

Công chức Canada bị cấm dùng TikTok từ hôm nay

Hôm qua, chính quyền Canada cũng thông báo cấm công chức sử dụng Tiktok kể từ ngày 28/02.

Thông tin viên Pascale Guéricolas tường trình từ Québec :

"Không còn các công thức nấu ăn, những bàn thắng đẹp nhất của đội khúc côn cầu yêu thích hay các mẹo trang điểm trên điện thoại công vụ của các công chức Canada. Chính quyền Canada lo ngại các dữ liệu cá nhân của họ sẽ lọt vào tay ban lãnh đạo của công ty Trung Quốc ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, một công ty có liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cảnh báo : "Tôi hy vọng rằng nhiều người Canada, cả doanh nghiệp và cá nhân, sẽ lưu tâm đến việc bảo mật dữ liệu của chính họ và có thể sẽ có các hành động phù hợp".

Một cuộc khảo sát vừa được tiến hành tại Canada để kiểm tra xem liệu dữ liệu của người dùng TikTok tại đây có được bảo vệ đầy đủ hay không, đặc biệt là với giới trẻ. Theo một số khảo sát, hơn ba phần tư dân Canada trong độ tuổi 18-24 sử dụng ứng dụng này. Về phần mình, công ty Trung Quốc lấy làm tiếc rằng chính phủ Canada đã không thông báo cho họ về quyết định liên quan đến các công chức. Người phát ngôn của công ty nói họ sẵn sàng thảo luận với chính quyền về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Thu Hằng, Trọng Thành
Read 359 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)