Những hình ảnh vệ tinh gần đây chụp vùng ven biển xung quanh khu vực tỉnh Sihanoukville của Campuchia cho thấy sự phát triển đáng kể của một căn cứ hải quân được Trung Quốc tài trợ - nơi sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường triển khai sức mạnh không chỉ ở Đông Nam Á mà cả eo biển Đài Loan.
Ảnh vệ tinh cho thấy Campuchia mở rộng căn cứ hải quân do Trung Quốc tài trợ : trước và sau - JuxtaposeJS
Tờ Wall Street Journal đưa tin vào năm 2019 rằng : Phnom Penh và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một phần căn cứ này. Phnom Penh đã nhiều lần phủ nhận thỏa thuận này và nói rằng việc cho phép một quốc gia nước ngoài độc quyền tiếp cận quân sự với căn cứ này sẽ trái với hiến pháp của Campuchia.
Tuy nhiên, vào tháng 6 năm ngoái, hai nước đã bắt đầu dự án phát triển Căn cứ Hải quân Ream tại tỉnh Sihanoukville trên bờ Vịnh Thái Lan, với sự tài trợ của Trung Quốc.
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất do Đài Á Châu Tự do (RFA) có được từ công ty chụp hình trái đất Planet Labs cho thấy rất nhiều thay đổi về cảnh quan, sự xuất hiện các công trình xây dựng mới cũng như việc giải phóng mặt bằng quy mô lớn.
So với hình ảnh Google Earth chụp ngày 1/7/2022, khi dự án phát triển mới bắt đầu, căn cứ hải quân hiện có hai cầu tàu mới.
Theo ông Tom Shugart, nghiên cứu viên cấp cao của Chương trình Quốc phòng thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ, một số công trình mới đã được xây dựng ở trung tâm của căn cứ và một trong số đó trông giống như một nhà máy xi măng phục vụ cho toàn bộ dự án.
Tương tự, hai cầu tàu mới dường như được dùng tạm thời để vận chuyển vật liệu và thiết bị xây dựng chứ không phải là cầu tàu hải quân dùng để đón tàu chiến.
Chỉ trong sáu tháng, hai khu vực rộng lớn đã được giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình ở khu vực trung tâm và phía đông nam. Trong đó, khu vực phía đông nam hiện rộng khoảng 66 mẫu Anh. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), diện tích đã được giải phóng mặt bằng ở khu vực trung tâm là khoảng 28 mẫu Anh, tương đương với hơn 15% tổng diện tích đất của Căn cứ Ream.
Các chủ dự án cũng đã cải tạo một khu vực ở phía nam của căn cứ.
Nhìn chung, "tốc độ và quy mô xây dựng đơn giản là rất ấn tượng" - ông Shugart nói với RFA.
Vị trí chiến lược
Theo dự án phát triển hiện tại, bên cạnh hai cầu tàu mới, Trung Quốc cũng sẽ giúp Campuchia xây dựng một khu vực để sửa chữa tàu (dry dock), bến/đường trượt, bệnh viện và một số tòa nhà khác cũng như đường sá.
Bắc Kinh cũng sẽ hỗ trợ Hải quân Hoàng gia Campuchia sửa chữa một số tàu cũ và nạo vét các tuyến đường hàng hải để cho phép các tàu cỡ trung bình tiếp cận căn cứ.
Tờ Wall Street Journal , dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ và đồng minh hiểu biết về vấn đề này cáo buộc rằng chính phủ của ông Hun Sen đã cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một phần căn cứ trong 30 năm và được tự động gia hạn cứ mỗi 10 năm sau đó.
Thỏa thuận này sẽ mang đến cho Trung Quốc một căn cứ hải quân đầu tiên ở Đông Nam Á đồng thời là căn cứ thứ hai của nước này trên thế giới sau căn cứ ở Djibouti. Việc này cũng giúp Trung Quốc mở rộng đáng kể các cuộc tuần tra trên Biển Đông về phía eo biển Đài Loan và xa hơn nữa.
Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh nói vào tháng 6 năm ngoái rằng quân đội Trung Quốc sẽ độc quyền sử dụng "một phần của căn cứ".
Bác bỏ các cáo buộc này, Phnom Penh lập luận rằng họ đã tổ chức nhiều chuyến thăm cho các nhà ngoại giao nước ngoài tới Ream và điều này chứng tỏ đây "không phải là một căn cứ bí mật".
Người phát ngôn của chính phủ Campuchia Phay Siphan vào thời điểm đó cũng nói với Ban tiếng Khmer của RFA rằng : "không có thỏa thuận hay luật nào nói rằng việc xây dựng [căn cứ này] chỉ dành riêng cho lợi ích của Trung Quốc".
Một tùy viên quốc phòng Hoa Kỳ đã được phép đến thăm căn cứ vào năm 2021 nhưng nói rằng ông không được phép tiếp cận đầy đủ.
Các lo ngại về an ninh
Các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa căn cứ hải quân này và Sân bay Quốc tế Dara Sakor, chỉ nằm cách đó 60 km và dự kiến sẽ sớm bắt đầu hoạt động thương mại.
Sân bay được xây dựng bởi Tập đoàn Union của Trung Quốc, bằng tiền của Trung Quốc và là nơi có đường băng dài nhất của Campuchia.
Các quan chức Mỹ được đưa tin là đã bày tỏ lo ngại rằng : Sân bay này có khả năng được Không quân Trung Quốc sử dụng. Chính phủ Campuchia cũng phủ nhận điều này.
Đầu tháng này, Thủ tướng Hun Sen đã có chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh. Tại đây, ông được các nhà lãnh đạo Trung Quốc trấn an về sự hỗ trợ liên tục của Trung Quốc đối với "chủ quyền và an ninh quốc gia" của Campuchia.
Ngay sau đó Hun Sen đã thăm Việt Nam - quốc gia đang theo dõi chặt chẽ quá trình hàn gắn và cải thiện quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc. Căn cứ Hải quân Ream chỉ cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng 30 km.
Nguồn : RFA, 01/03/2023