Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/03/2023

Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Á

RFI tiếng Việt

Mỹ chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc ở Thái Bình Dương

Phan Minh, RFI, 06/03/2023

Các chiến lược gia Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đang "đẩy mạnh tham vọng soán ngôi Hoa Kỳ" và lo ngại Bắc Kinh có thể tiến hành một chiến dịch quân sự tấn công Đài Loan vào năm 2027, hoặc thậm chí là vào năm 2025. Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 01/03/2023, phác họa các đối sách của Hoa Kỳ. RFI xin trích dịch.

donga1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp nhà lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 29/09/2022. AP - Susan Walsh

Sự việc khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị không quân Mỹ bắn hạ sau khi bay qua toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ đã khơi mào một giai đoạn căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy bỏ chuyến công du Bắc Kinh. Mục đích ban đầu của chuyến đi, theo lời lãnh đạo ngoại giao Mỹ, là khôi phục đối thoại ở mức tối thiểu giữa hai nước và quay trở lại mối quan hệ "cạnh tranh chứ không phải đối đầu"

Chính quyền Trung Quốc đã có phản ứng. Thay vì hạ nhiệt căng thẳng, Bắc Kinh lại cáo buộc Washington vi phạm không phận của họ. Cuộc chiến ở Ukraine, thay vì khiến Trung Quốc và Nga xa cách nhau, đã đưa hai cường quốc xích lại gần nhau hơn. Tập Cận Bình dự kiến sẽ công du Moskva vào mùa xuân, và Mỹ đã công khai bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ bắt đầu hỗ trợ quân sự cho Nga. 

Ấn Độ-Thái Bình Dương, chiến địa đối đầu mới 

Sân khấu chính của cuộc đối đầu địa chính trị với Trung Quốc là khu vực bao gồm Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tạo thành một quần thể chiến lược – Ân Độ-Thái Bình Dương. "Hoa Kỳ là một thế lực tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương", chính quyền Biden tuyên bố như vậy vào tháng 02/2022, trong phần mở đầu của tài liệu nêu chi tiết chiến lược mới của Hoa Kỳ tại khu vực này. 

Chính quyền Biden đã từ bỏ kiểu lập luận của Donald Trump, người đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống với những cuộc đối thoại căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, tổng thống thuộc đảng Dân chủ đang theo đuổi một chính sách năng động nhằm kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Hầu hết các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Trump ban hành nhắm vào Trung Quốc đã được duy trì và những biện pháp mới đã được bổ sung. Trong đó có đạo luật về chip điện tử, không cho Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ của Mỹ để sản xuất bộ vi xử lý và ngăn chặn Bắc Kinh giành ưu thế so với Hoa Kỳ. 

Mặt khác, với việc từ bỏ cách tiếp cận đơn phương thời cựu tổng thống Trump, chính quyền Biden đang tìm cách tăng cường các đối tác và đồng minh. 

Trong một năm qua, Hoa Kỳ đã củng cố các liên minh, triển khai quân đội ở các khu vực chiến lược, ký kết các thỏa thuận hợp tác và tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung với các quốc gia. 

Từ biển Trung Hoa qua Philippines cho đến quần đảo Salomon, Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn mới, ở chính những nơi mà họ đã từng chiến đấu với đế quốc Nhật Bản từ năm 1941-1945. Trung Quốc, lúc đó dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân đảng, theo chủ nghĩa dân tộc, là đồng minh của Washington. 

Giờ đây, Nhật Bản là một trong những đồng minh chính của Hoa Kỳ đối mặt với âm mưu bành trướng của Bắc Kinh. Các liên minh như Bộ Tứ Quad (Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ) đã được kích hoạt trở lại. Những liên minh khác được thành lập như Aukus (Úc, Anh Quốc, Hoa Kỳ). Nhiều nước trong khu vực đã thiết lập quan hệ đối tác, thỏa thuận trước những âm mưu của Trung Quốc. 

Đài Loan – nỗi ám ảnh của Bắc Kinh 

Tình trạng của Đài Loan, một lãnh thổ tự trị và một nền dân chủ đang phát triển mạnh mẽ, nhưng Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, là tâm điểm của sự đối đầu giữa hai siêu cường. 

Kể từ khi đắc cử, tổng thống Biden đã 4 lần khẳng định Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Đài Loan nếu Trung Quốc tìm cách sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo. Các cộng sự thân tín của ông cho biết, những tuyên bố này không phải là sự thay đổi về mặt chính sách, nhưng Joe Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên gạt bỏ sự mơ hồ, mập mờ trong chiến lược của Washington về Đài Loan kể từ khi Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1979. 

Quân đội Mỹ đánh giá một cách nghiêm túc khả năng xảy ra chiến tranh với Trung Quốc ở Thái Bình Dương để bảo vệ Đài Loan. "Tôi hy vọng là tôi sai, nhưng cảm nghĩ của tôi mách bảo rằng chúng ta sẽ tham chiến vào năm 2025", tướng Mike Minihan, một trong những lãnh đạo của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã viết như vậy cho cấp dưới của ông. Trong một thông tư nội bộ được ký hôm 01/02, ông ra lệnh cho các binh sĩ của mình chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Trung Quốc trong vòng 2 năm tới. 

Căn cứ quân sự tại Philippines 

Hồi đầu tháng 2, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã thực hiện chuyến công du thứ bảy tới Châu Á kể từ khi ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng vào năm 2021. Từ Philippines, ông thông báo về việc ký kết một thỏa thuận với nước này cho phép Hoa Kỳ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines ngoài 5 căn cứ mà quân đội Mỹ đang sử dụng. 

Sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ tại Philippines vốn bị Hiến pháp Philippines cấm từ những năm 1990, nhưng thỏa thuận này cho phép Mỹ luân chuyển đơn vị quân đội và bố trí vũ khí và đạn dược tại chỗ. Lợi thế của các căn cứ này là gần eo biển Đài Loan và các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là các đảo nhỏ và rạn san hô mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Philippines vốn là thuộc địa cũ của Mỹ và là quốc gia mà Mỹ có hiệp ước phòng thủ lâu đời nhất trong khu vực. 

Nhật Bản tái vũ trang 

Sau khi tuyên bố tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng cho năm 2023, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ vào đầu năm nay. Tokyo cũng tuyên bố xây dựng hai phi đạo trên đảo Mageshima mà chính phủ mua lại từ một công ty tư nhân, nơi các binh sĩ Mỹ và Nhật Bản có thể tiến hành các cuộc tập trận chung, các chiến dịch đổ bộ và đánh chặn tên lửa. Hòn đảo này sẽ đóng vai trò là căn cứ để triển khai quân và cung cấp đạn dược trong trường hợp xảy ra xung đột xung quanh Đài Loan. 

Tập trận với Hàn Quốc 

Trong chuyến công du Châu Á gần đây, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tuyên bố tại Seoul rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường triển khai các phương tiện quân sự tiên tiến trong khu vực bán đảo Triều Tiên, bao gồm các chiến đấu cơ và tàu sân bay. Bị cắt giảm dưới thời tổng thống Trump, các cuộc tập trận quân sự chung giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẽ được tăng cường trở lại, bao gồm nhiều khóa huấn luyện bắn đạn thật hơn. Những cuộc tập trận mô phỏng trong trường hợp Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân cũng sẽ được tiến hành. 

Thủy quân lục chiến ở đảo Guam 

Hoa Kỳ đã công bố vào tháng Giêng mở một căn cứ thủy quân lục chiến mới ở đảo Guam. Hòn đảo ở Thái Bình Dương này là lãnh thổ của Mỹ từ năm 1899, đã bị Nhật Bản chiếm trong Thế chiến thứ 2 và được thủy quân lục chiến Mỹ chiếm lại vào năm 1944. Thủy quân lục chiến sẽ triển khai một trung đoàn duyên hải mới tại căn cứ quân sự này. 

Trường hợp của Guadalcanal 

Hồi đầu tháng, Hoa Kỳ đã tuyên bố mở lại đại sứ quán ở quần đảo Salomon, nơi họ đã đóng cơ quan đại diện của mình vào năm 1993. Việc quần đảo Salomon nối lại quan hệ với Bắc Kinh dưới thời thủ tướng Manasseh Sogavare đã khiến Washington lo ngại là quần đảo này có thể trở thành một phiên bản mới của Cuba. Tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao giữa quần đảo Salomon và Đài Loan vào năm 2019 đã khiến Hoa Kỳ bị bất ngờ. Sau đó một thời gian, đã có thông báo về việc một công ty Trung Quốc thân cận với đảng Cộng Sản Trung Quốc thuê đảo Tulagi. Dự án này đã bị hủy bỏ sau khi Hoa Kỳ gây áp lực, nhưng quần đảo đã ký một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh và điều này khiến bộ Ngoại Giao Mỹ cảm thấy lo lắng. 

Tái đầu tư vào quần đảo Thái Bình Dương 

Tuyên bố vào năm 2019 về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh của quần đảo Salomon và quần đảo Kiribati, vốn trước đây từng công nhận Đài Loan, là một hồi chuông cảnh báo cho Hoa Kỳ về tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương. Palau, Nauru, quần đảo Marshall và Tuvalu là những quốc gia còn duy trì quan hệ với Đài Loan. 

Kể từ đó, Hoa Kỳ đã tăng cường các sáng kiến ngoại giao và kinh tế trong khu vực. Tổng thống Biden đã tiếp các nguyên thủ và chính phủ của 14 quốc đảo trong khu vực vào tháng 09/2022 tại Washington và công bố khoản viện trợ hơn 800 triệu đô la cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cũng đang tái đàm phán các hiệp ước của họ với ba quốc đảo trong khu vực : quần đảo Marshall, Palau và Liên bang Micronesia. Các văn bản này cho phép Mỹ từ chối, không cho các cường quốc nước ngoài tiếp cận lãnh thổ của các quốc đảo này. Đổi lại, các quốc đảo này được Mỹ hỗ trợ các dịch vụ công, tài chính và được miễn thị thực nhập cảnh. 

Lầu Năm Góc cũng muốn xây dựng một căn cứ quân sự mới và hệ thống radar chiến thuật ở Palau. Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đang mở rộng căn cứ không quân tại Tinian ở quần đảo Bắc Mariana. Washington cũng đang đàm phán một thỏa thuận quốc phòng với Papua New Guinea. Tổng thống Biden có thể sẽ công du các hòn đảo này trong những tháng tới.

Phan Minh

Nguồn : RFI, 06/03/2023

****************************

Mỹ huy động oanh tạc cơ B-52H tập trận chung với Hàn Quốc

Thanh Hà, RFI, 06/03/2023

Một tuần lễ trước đợt tập trận chung Freedom Shield mở ra từ ngày 13-23/03/2023, Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm 06/03/2023, bắt đầu một bài tập phòng thủ trên không. Mỹ huy động máy bay ném bom B-52. Washington và Seoul cùng nhiều loại máy bay trinh sát, răn đe Bình Nhưỡng trước khả năng có hành động khiêu khích.

donga2

Máy bay ném bom B-1B của Không quân Hoa Kỳ tập trận với chiến đấu cơ KF-16 của Hàn Quốc ngày 03/03/2023. Reuters – South Korean Defence Ministry

Thông cáo của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc được Reuters trích dẫn chỉ đề cập đến loại máy bay ném bom B-52 "có khả năng mang theo đầu đạn nguyên tử". Nhưng hãng tin Hàn Quốc, Yonhap thì đi sâu hơn vào chi tiết khi tiết lộ Washington gửi "một máy bay ném bom siêu thanh" B-52H đến tham gia cuộc thao diễn sáng nay trên bán đảo Triều Tiên.

Đây là "lần đầu tiên từ ba tháng nay, B-52 của Mỹ và B-2 quay lại khu vực này". B-52 có khả năng bay khứ hồi để nhắm tới các mục tiêu cách xa hơn 6.400 cây số, mang theo 31 tấn bom kể cả loại tên lửa địa đối không với tầm bắn 200 km.

Cũng trong cuộc diễn tập sáng nay, hãng tin Yonhap ghi nhận không quân Mỹ-Hàn sử dụng cả các loại chiến đấu cơ F-15K và F-16K do Hàn Quốc chế tạo, cùng với drone chiến đấu MQ-9Reaper.

Trong thời gian gần đây, Mỹ và Hàn Quốc huy động nhiều "phương tiện chiến lược" trong các cuộc giao lưu về quân sự. Trong số này có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ lớp Los Angeles USS Springfield, tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Washington và Seoul đang nghiên cứu khả năng đưa hàng không mẫu hạm Mỹ US Nimitz đến bán đảo Triều Tiên. 

Tất cả các hoạt động nói trên nhằm ngăn cản Bắc Triều Tiên có hành động khiêu khích. Bình Nhưỡng luôn xem các chương trình tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc là một bài tập chuẩn bị "xâm chiếm" Bắc Triều Tiên.

Thêm một bước chuẩn bị để Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám ?

Vẫn Yonhap hôm nay trích dẫn hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA cho biết Bình Nhưỡng "không ngừng tiến bộ" trong việc phát triển vệ tinh đa năng, và có "thành quả cao". Phát biểu hôm Chủ Nhật 05/03/2023, phó giám đốc Cơ quan đặc trách các chương trình phát triển không gian quốc gia NADA của Bắc Triều Tiên, ông Park Kyong Su cho biết : Bình Nhưỡng đang trong quá trình hoàn thiện động cơ có lực đẩy lớn, đủ sức "phóng nhiều vệ tinh lên quỹ đạo". Tuyên bố này được đưa ra vào lúc, Seoul dự báo từ nay đến cuối tháng 4/2023, Bắc Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh dọ thám mang tính quân sự.

Thanh Hà

Nguồn : RFA, 06/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh, Thanh Hà
Read 341 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)