Bầu cử Thái Lan : Cuộc đối đầu dai dẳng giữa quân đội và các đảng dân túy
Minh Anh, RFI, 14/05/2023
Ngày 14/05/2023, cử tri Thái Lan bầu Quốc Hội mới. Đây là một cuộc tuyển cử mang ý nghĩa quan trọng, có thể đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đất nước, cho phép phe Áo Đỏ và nhiều đảng dân chủ trở lại chính trường sau chín năm quân đội cùng các đồng minh cầm quyền. Phe đối lập hy vọng lật sang trang mới nhưng cũng lo lắng rằng lá phiếu của người dân sẽ không được tôn trọng.
Bầu cử Thái Lan ngày 14/05/2023. Ảnh chụp tại Bangkok. AP - Sakchai Lalit
Từ Bangkok, thông tín viên đài RFI Carol Isoux giải thích :
"Bất chấp nắng nóng, hàng triệu người dân Thái Lan đã thức dậy từ sáng sớm để đi bỏ phiếu. Họ phải bầu chọn 500 đại biểu Quốc Hội. Phe Áo Đỏ, còn được gọi là phe đối lập dân túy, luôn có lá phiếu ủng hộ của nông dân trồng lúa miền Đông Bắc, được cho là bên thắng cử trong các cuộc thăm dò. Hơn nữa đây là đảng đã giành thắng lợi bầu cử một cách có hệ thống từ những năm 2000. Đảng này hứa hẹn tăng lương tối thiểu và phân phối rộng rãi các khoản trợ cấp.
Nhưng ở bên kia, những chính khách xuất thân từ hàng ngũ quân nhân vẫn được tầng lớp trung lưu thành thị tín nhiệm bởi họ được cho là hiện thân của sự ổn định.
Cuối cùng, đảng giới trẻ cũng có triển vọng nhận được số phiếu bầu cao. Lãnh đạo đảng trẻ tuổi được cho có ưu thế để giữ chức thủ tướng nhưng những tuyên bố gần đây của anh về ý muốn cải cách luật khi quân đã làm dấy lên nhiều phản ứng gay gắt từ giới tướng lĩnh. Những người này cảnh báo rằng các đảng chính trị không thể thay đổi "mọi thứ" tại Thái Lan, và quân đội có thể sẽ can thiệp nếu người dân không chọn lựa đúng đắn và bất ổn nảy sinh".
Minh Anh
************************
Kiểm phiếu sơ bộ ở Thái Lan : Phe đối lập dẫn trước
Reuters, VOA, 14/05/2023
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc bầu cử ở Thái Lan cho thấy phe đối lập tiến bộ của nước này sớm dẫn trước hôm Chủ nhật, theo sau là các đảng trong liên minh cầm quyền được quân đội và chính quyền hậu thuẫn.
Bà Paetongtarn Shinawatra, ái nữ của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, đứng cùng các ủng hộ viên của đảng Pheu Thai tại Bangkok, tháng 12/2022.
Đảng Pheu Thai dẫn đầu với 6,45% số phiếu hợp lệ được kiểm, theo sau là một đảng đối lập khác, Move Forward, theo kiểm đếm sơ bộ của ủy ban bầu cử.
Cơ quan bầu cử dự kiến sẽ công bố kết quả bầu cử sơ bộ trước 10 giờ tối.
Trong cuộc bầu cử lần này, phe đối lập tiến bộ cạnh tranh với các đảng được hậu thuẫn bởi giới tài phiệt, phe bảo thủ và các tướng lĩnh, vốn là trung tâm của hai thập kỷ biến động ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Tuy nhiên, một chiến thắng của phe đối lập hôm Chủ nhật sẽ không đảm bảo rằng một trong hai đảng sẽ cầm quyền, ngay cả với tư cách là một liên minh, vì các quy tắc của quốc hội do quân đội soạn thảo sau cuộc đảo chính năm 2014 có lợi cho phe quân nhân.
Việc bầu một thủ tướng và thành lập một chính phủ đòi hỏi phải có sự ủng hộ của đa số của cả hạ viện và thượng viện cộng lại.
Thượng viện do chính quyền quân nhân cũ bổ nhiệm và dự kiến sẽ bỏ phiếu ủng hộ các đảng hoặc khối liên minh với quân đội.
Cuộc bầu cử diễn ra sau 9 năm chính phủ được lãnh đạo hoặc ủng bộ bởi quân đội, vốn đã tổ chức hai cuộc đảo chính trong vòng 8 năm chống lại các chính phủ do gia đình tỷ phú Shinawatra, động lực của đảng Pheu Thai, kiểm soát.
*********************
Bầu cử Thái Lan : Đảng đối lập hy vọng "sang trang chế độ độc tài quân sự"
Trọng Thành, RFI, 13/05/2023
Thái Lan bỏ phiếu bầu Quốc hội mới vào ngày Chủ nhật 14/05/2023. Hôm nay, 13/05, lãnh đạo các đảng phái đối lập tổ chức vận động cử tri bỏ phiếu đông đảo để sang trang chế độ độc tài quân sự.
Bà Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo đảng đối lập Pheu Thai, trong cuộc mít tinh vận động tranh cử ngày 12/05/2023. AP - Wason Wanichakorn
Theo AFP, trước khoảng 10.000 người ủng hộ tại một sân vận động gần thủ đô Bangkok, bà Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, chính trị gia đảng Pheu Thai (đảng Vì Người Thái), ứng cử viên hàng đầu vào chức thủ tướng gọi ngày mai là "một ngày lịch sử, sẽ cho thấy quyền lực tại Thái Lan chuyển từ chế độ độc tài quân sự sang dân chủ". Theo các thăm dò dư luận, hai đảng đối lập Pheu Thai và Move Forward (Hướng về phía trước) có nhiều khả năng giành chiến thắng áp đảo tại Quốc hội, vượt xa phe của thủ tướng Prayut Chan-O-Cha, cựu thủ lĩnh quân đội, lãnh đạo phe bảo thủ, cầm quyền từ sau cuộc đảo chính năm 2014.
Bà Paetongtarn Shinawatra, chính trị gia đảng Pheu Thai đang được nhiều cử tri đặt hy vọng, là con gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị phe quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006. Em gái cựu thủ tướng Thaksin, bà Yingluck, trở lại nắm quyền sau một cuộc bầu cử dân chủ, tiếp tục bị quân đội đảo chính năm 2014. Cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan lần này diễn ra trong bối cảnh dân chúng thất vọng với phe quân đội cầm quyền, được sự ủng hộ của giới thượng lưu truyền thống. Trả lời AFP, nhiều chuyên gia khẳng định tình hình kinh tế ảm đạm và các quyền tự do căn bản tụt lùi có thể khiến 52 triệu cử tri Thái Lan ồ ạt đi bỏ phiếu.
Tuy nhiên, cho dù các đảng đối lập có dành được đa số tại Quốc hội (Hạ Viện), ứng cử viên thủ tướng của phe đối lập rất ít có cơ may giành được chiến thắng. Theo Hiến Pháp Thái Lan, tuyệt đại số 250 thành viên Thượng Viện do Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Duy trì Trật tự, chỉ định. Hội đồng nói trên nằm dưới sự chỉ huy của cựu thủ lĩnh quân đội, thủ tướng mãn nhiệm Prayut Chan-O-Cha. 250 thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu bầu tân thủ tướng cùng với 500 dân biểu mới. Để lãnh đạo đối lập đắc cử thủ tướng, các đảng phái đối lập phải giành được "đa số áp đảo" tại Quốc hội, điều mà nhiều nhà quan sát cho rằng rất ít có khả năng xảy ra.
Trọng Thành