Thượng đỉnh ASEAN bế mạc : Quan ngại về Biển Đông và vẫn bế tắc về Miến Điện
Trọng Nghĩa, RFI, 11/05/2023
Các quốc gia Đông Nam Á đã "không đạt được tiến bộ đáng kể nào" trong việc thực hiện kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt đổ máu ở Miến Điện : Nhân ngày bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Labuan Bajo hôm 11/05/2023, tổng thống Indonesia, nước đang làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á, đã phải thừa nhận như trên.
Tổng thống Joko Widodo trong cuộc họp báo tại Thượng đỉnh ASEAN ở Labuan Bajo, Indonesia, ngày 11/05/2023. AP - Achmad Ibrahim
Phát biểu với các phóng viên, tổng thống Joko Widodo xác định : "Tôi phải thành thật nói rằng về việc thực hiện Bản đồng thuận 5 điểm (tức là kế hoạch hòa bình của ASEAN về Miến Điện), đã không có tiến triển đáng kể nào".
Đối với tổng thống Indonesia, các thành viên ASEAN phải đoàn kết trong việc giải quyết khủng hoảng nếu không muốn khối này bị "tan rã".
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, vấn đề Miến Điện vẫn chia rẽ các thành viên ASEAN. Một báo cáo nội bộ về các cuộc thảo luận của các ngoại trưởng chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đã ghi nhận có một số nước muốn mời chính quyền quân sự trở lại các cuộc họp của ASEAN, vì "thời gian cô lập đã đạt được mục tiêu".
Tài liệu mà AFP tham khảo được nói thêm : "Cũng có ý kiến cho rằng ASEAN có thể đang lâm vào tình trạng "mệt mỏi vì Miến Điện", nên mất tập trung vào các mục tiêu lớn hơn là xây dựng Cộng Đồng ASEAN".
Cho đến nay, Miến Điện vẫn thuộc khối ASEAN bao gồm 10 thành viên, nhưng đã bị cấm tham dự các hội nghị thượng đỉnh vì chính quyền quân sự không thực thi kế hoạch hòa bình do ASEAN đề xuất.
Dấu hiệu rõ nét nhất phản ánh bế tắc trong hồ sơ Miến Điện là ngoài việc lên án và bày tỏ lo ngại về bạo lực đổ máu tiếp diễn, các nhà lãnh đạo ASEAN đã không đưa ra được bất cứ điều gì cụ thể để thúc đẩy tiến trình hòa bình. Tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh không thấy đưa ra một lịch trình hoặc kế hoạch thực hiện.
Quan ngại về Biển Đông
Về hồ sơ Biển Đông, theo AFP, các lãnh đạo ASEAN đã thảo luận về "những vụ việc nghiêm trọng" ở vùng biển này. Các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử nhằm làm giảm nguy cơ xung đột.
Theo Reuters, trong tuyên bố kết thúc hội nghị do tổng thống Widodo thay mặt các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra, ASEAN nhắc lại lời kêu gọi tự kiềm chế ở Biển Đông đang tranh chấp để ngăn chặn những tính toán sai lầm và nguy cơ xung đột.
Đối với hãng tin Anh Reuters, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á cũng chỉ lặp lại ngôn từ được sử dụng trong các tuyên bố trước đây của ASEAN, chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc, nhưng không nêu đích danh.
Hải quân ASEAN thông qua bản hướng dẫn tương tác trên biển
Vào lúc các lãnh đạo ASEAN họp lại tại Indonesia, tư lệnh Hải quân các nước Đông Nam Á đã họp lại tại thành phố Taguig ở Philippines hôm 10/05/2023 trong khuôn khổ Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ANCM) lần thứ 17.
Theo báo chí Philippines, điểm quan trọng nhất tại hội nghị lần này là các bên đã thông qua bản Hướng Dẫn Tương Tác Trên Biển (GMI). Bên cạnh đó, hội nghị cũng thông qua Lộ trình ANCM 2024-2032, đồng thời thảo luận về những sửa đổi được đề xuất trong việc tiến hành cuộc Tập trận Hải quân Đa phương ASEAN (AMNEX) và tổng quan về các hoạt động trong tương lai.
Trọng Nghĩa
************************
ASEAN không từ bỏ nỗ lực hòa bình ở Myanmar dù không có tiến bộ
Reuters, VOA, 11/05/2023
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không từ bỏ nỗ lực chấm dứt bạo lực ở đất nước thành viên Myanmar, mặc dù quân đội cầm quyền tại đây không có tiến triển nào trong kế hoạch hòa bình mà họ đã nhất trí với khối hai năm trước, Indonesia cho biết hôm thứ Năm (11/5).
Từ trái sang : Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisit trao đổi bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia, vào ngày 11/5/2023.
Sự thất vọng đã gia tăng trong một số thành viên của khối gồm 10 quốc gia đối với Myanmar, và cách xử lý tình trạng hỗn loạn chính trị đẫm máu của nước này đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả và sự thống nhất của khối.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thẳng thắn chỉ trích và nói tại một hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở thị trấn Labuan Bajo của Indonesia rằng các tướng lĩnh của Myanmar đã không có một tiến bộ nào trong kế hoạch hòa bình ASEAN gồm 5 điểm.
Ông cũng nói rằng những vi phạm nhân quyền ở Myanmar là không thể dung thứ và bạo lực ở đó cần phải được chấm dứt và người dân của họ phải được bảo vệ.
Indonesia là chủ tịch ASEAN năm nay. Ngoại trưởng nước này, bà Retno Marsudi, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh rằng các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền đã được ghi trong hiến chương ASEAN.
"Thiếu tiến bộ không có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ", bà Retno nói khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn dữ dội kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ do khôi nguyên Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào năm 2021.
Cuộc đảo chính đã gây ra các cuộc biểu tình lan rộng khiến quân đội đàn áp dữ dội. Kể từ đó, quân đội đã chiến đấu với quân nổi dậy dân tộc thiểu số tìm kiếm quyền tự quyết và các chiến binh đồng minh ủng hộ dân chủ.
Tháng trước, ASEAN lên án quân đội Myanmar về một trong những cuộc không kích mới nhất và nguy hiểm nhất khiến ít nhất 100 người thiệt mạng. Chính quyền nói rằng họ đang chiến đấu với "những kẻ khủng bố".
Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Indonesia đã nói chuyện với tất cả các bên trong những tháng gần đây nhằm nỗ lực giúp các cuộc đàm phán diễn ra, nhưng sự chỉ trích từ Indonesia hôm thứ Năm cho thấy nỗ lực này không mang lại bất kỳ kết quả nào.
"Tôi phải nói thẳng. Về việc thực hiện 5 điểm là không có tiến triển đáng kể", ông Jokowi nói trước đó, đề cập đến cái mà ASEAN gọi là "đồng thuận 5 điểm" hay "5PC" cho Myanmar.
Vị tướng lãnh đạo hàng đầu của Myanmar đã đồng ý với kế hoạch kêu gọi chấm dứt bạo lực, tiếp cận nhân đạo và đối thoại giữa tất cả các bên, vào tháng 4 năm 2021 tại một cuộc họp ở Jakarta, nhưng quân đội phần lớn đã phớt lờ kế hoạch này.
ASEAN, trong nhiều năm tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đã cấm các nhà lãnh đạo chính quyền Myanmar tham dự các cuộc họp cấp cao của khối này vì không thực hiện kế hoạch.
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nói với Reuters bên lề hội nghị thượng đỉnh rằng kế hoạch vẫn sẽ đóng vai trò là nền tảng trong việc can dự vào chính quyền quân sự.
"Những gì chúng ta nên làm là đảm bảo rằng bạo lực bị loại bỏ. Đó là điểm mấu chốt", ông nói.
"Người ta nói muốn tới đích thì chạy, chạy không được thì đi bộ, không đi được thì bò. Chừng nào còn tiến lên được thì còn có tiến bộ".
Ngoại trưởng Malaysia, Zambry Abdul Kadir, cho biết khối này rất nghiêm túc về Myanmar "nhưng phải đoàn kết với nhau".
Ông nói: "Mọi người đều muốn tìm một giải pháp hòa bình và lâu dài".
Trong khi Myanmar chủ trì các cuộc đàm phán trong tuần này, nhóm này cũng thảo luận về những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc chủ yếu tuyên bố chủ quyền bất chấp những tuyên bố chồng chéo của một số thành viên ASEAN.
Indonesia kêu gọi tự kiềm chế trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên tuyến đường thủy chiến lược.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 11/05/2023
**********************
Các lãnh đạo ASEAN "quan ngại sâu sắc" về bạo lực tại Miến Điện
Thanh Phương, RFI, 10/05/2023
Các lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN hôm 10/05/2023, đã bày tỏ thái độ "quan ngại sâu sắc" về tình hình bạo lực tại Miến Điện, đồng thời lên án vụ tấn công vào một đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo tại nước này.
Lãnh đạo 10 nước thành viên chụp ảnh kỷ niệm trước khi khai mạc Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42, tại Labuan Bajo, Indonesia, ngày 10/05/2023. AP - Akbar Nugroho Gumay
Sau cuộc họp trù bị hôm qua của các ngoại trưởng, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN trong hai ngày, hôm nay và ngày mai, họp thượng đỉnh, trên đảo Flores của Indonesia, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Theo hãng tin AFP, trong diễn văn khai mạc, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi lãnh đạo các nước Đông Nam Á đoàn kết với nhau để đối phó với các thách thức đang đặt ra cho ASEAN, để Hiệp hội có thể đóng vai trò "trung tâm" cho hòa bình và tăng trưởng. Thách thức lớn nhất hiện nay đối với ASEAN chính là khủng hoảng Miến Điện.
Trong thông cáo chung công bố hôm nay, các lãnh đạo ASEAN bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các vụ bạo lực ở Miến Điện, đồng thời kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức" mọi hình thức bạo lực và sử dụng vũ lực, nhằm tạo "một môi trường thuận lợi" cho trợ giúp nhân đạo và đối thoại hòa giải.
Trong thông cáo, các lãnh đạo ASEAN cũng lên án vụ tấn công hôm Chủ nhật vừa qua nhắm vào một đoàn xe chở các nhà ngoại giao và các quan chức mang theo hàng cứu trợ nhân đạo ở khu vực phía đông của bang Shan. Trong đoàn xe có đại diện của sứ quán Singapore và sứ quán Indonesia.
Miến Điện hiện vẫn là thành viên của ASEAN, nhưng các lãnh đạo của nước này không được tham gia các cuộc họp cấp cao, do tập đoàn quân sự vẫn không thực hiện bản đồng thuận 5 điểm do ASEAN đề nghị để giải quyết khủng hoảng.
Việc Indonesia nắm chức chủ tịch ASEAN đã tạo ra hy vọng là với trọng lượng kinh tế và kinh nghiệm ngoại giao, Jakarta có thể giúp đạt được những tiến bộ trong hồ sơ Miến Điện. Tuy nhiên, ASEAN vẫn duy trì nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào chuyện nội bộ, cho nên giới phân tích không chờ đợi có những bước đột phá tại thượng đỉnh lần này.
Một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược IISS tại Singapore cho hãng tin AFP biết, Indonesia dự trù công bố một dự thảo hướng dẫn thi hành bản đồng thuận 5 điểm đã đạt được với tập đoàn quân sự Miến Điện cách đây 2 năm.
Về hồ sơ Biển Đông, tuyên bố với các phóng viên tối qua tại Indonesia, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết ông sẽ kêu gọi các lãnh đạo thành viên ASEAN nhanh chóng đúc kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Ông tỏ ý hy vọng là bản dự thảo về COC sẽ được phổ biến sớm nhất có thể được, bởi vì "căng thẳng trên Biển Đông đang gia tăng".
Thanh Phương
************************
ASEAN họp thượng đỉnh với trọng tâm là khủng hoảng Miến Điện
Thanh Phương, RFI, 09/05/2023
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN hôm 09/05/2023, khai mạc cuộc họp thượng đỉnh tại Indonesia, với trọng tâm là Miến Điện, nơi mà bạo lực đang leo thang. Trong cuộc họp thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Labuan Bajo, trên đảo Flores, miền đông Indonesia, các nước Đông Nam Á sẽ tìm cách thúc đẩy việc thực hiện bản đồng thuận 5 điểm nhằm chấm dứt bạo lực ở Miến Điện.
Toàn cảnh hội nghị các ngoại trưởng ASEAN trước thềm Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara (Indonesia), ngày 09/05/2023 via Reuters - Pool
Miến Điện đã lâm vào khủng hoảng chính trị và nhân đạo kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 02/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, tiếp theo là chiến dịch đàn áp đẫm máu do tập đoàn quân sự tiến hành.
Bị chỉ trích vì không có hành động gì trước tình hình này, ASEAN đã cố tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng cho tới nay nỗ lực của các nước Đông Nam Á không đạt kết quả, nhất là vì tập đoàn quân sự dứt khoát không muốn đối thoại với phe đối lập, thậm chí còn đàn áp dữ dội hơn. Gần đây nhất, vào tháng 4, các cuộc không kích ở vùng Sagaing, miền trung Miến Điện, đã khiến ít nhất 170 người chết, trong đó có nhiều trẻ em.
Bạo động leo thang tại Miến Điện càng làm gia tăng áp lực đối với ASEAN. Theo hãng tin AFP, tuyên bố tại thượng đỉnh hôm nay, bộ trưởng điều phối viên về Các vấn đề chính trị, tư pháp và an ninh của Indonesia, ông Mahfud MD, cho rằng ASEAN đang đứng trước "một sự chọn lựa mang tính quyết định". Theo vị bộ trưởng này, nếu thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng Miến Điện, ASEAN có nguy cơ mất hết uy tín.
Hôm nay, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch cho rằng các vụ không kích nói trên "rất có thể là một tội ác chiến tranh". Tổ chức này thúc giục ASEAN có những biện pháp mạnh hơn để cắt đứt các nguồn thu nhập của tập đoàn quân sự Miến Điện và thúc ép các tướng lãnh cầm quyền chấp nhận những thay đổi.
Theo hãng tin AFP, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á càng buộc phải có hành động trong hồ sơ Miến Điện sau khi một đoàn xe chở các nhà ngoại giao và các quan chức mang theo hàng cứu trợ nhân đạo bị tấn công ở khu vực phía đông của bang Shan. Trong đoàn xe có đại diện của sứ quán Singapore và sứ quán Indonesia. Hai nước này đã lên án vụ tấn công.
Thanh Phương