Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/05/2023

Tổng thống Marcos Jr. củng cố vị thế của Philippines ở Biển Đông

RFI tiếng Việt

Như mọi năm, Biển Đông vẫn là một trong những chủ đề bao trùm hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Indonesia, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng lại bùng phát giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực này. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., qua việc đẩy mạnh hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, đang củng cố vị thế của Philippines ở Biển Đông trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này. 

marcos1

Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. phát biểu trong cuộc tọa đàm về " hiện đại hóa liên minh Mỹ-Philippines" tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 04/05/2023. Reuters – Nathan Howard

Khác với người tiền nhiệm Duterte, nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn và xa rời đồng minh Mỹ, tổng thống đương nhiệm của Philippines Marcos Jr. đã không ngần ngại để cho Hoa Kỳ mở rộng sự hiện diện quân sự ở Philippines, đồng thời công khai lên án các hành động hung hăng của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. 

Vào tháng 2 vừa qua, tổng thống Marcos Jr. đã chấp nhận cho quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines để giúp bảo vệ các lợi ích của Manila. Đến giữa tháng 4, Philippines và Mỹ đã mở cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay.

Vào tuần trước, ông Marcos Jr. đã đi thăm Hoa Kỳ để gặp tổng thống Joe Biden. Ông đã nhận được những bảo đảm an ninh mới của Mỹ và được tặng thêm một số tàu tuần tra và phi cơ quân sự. Hai bên cũng đã ban hành một văn bản hướng dẫn nhằm cập nhật hóa Hiệp ước phòng thủ chung ký kết vào năm 1951. Theo văn bản mới, hiệp ước này sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công trên Biển Đông hoặc nếu các tàu tuần duyên bị tấn công. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã ngay lập tức ra tuyên bố "phản đối việc sử dụng các hiệp ước phòng thủ song phương để can thiệp vào Biển Đông". 

Vài ngày trước chuyến viếng thăm của tổng thống Marcos Jr., Washington đã lên án Trung Quốc về những hành động "hù dọa và sách nhiễu" ở Biển Đông, sau khi lực lượng tuần duyên Philippines tố cáo những "chiến thuật gây hấn" và "những thao tác nguy hiểm" của các tàu Trung Quốc ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. 

Trang mạng Nikkei Asia ngày 09/052023 trích dẫn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, nhận định : "Việc Philippines củng cố vị thế ở Biển Đông, bằng cách gia tăng hợp tác với Mỹ và không ngần ngại lên án các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển này, sẽ khuyến khích các nước tranh chấp khác trong khối Đông Nam Á mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ quyền của họ ở Biển Đông". Theo ông Alexander Vuving, những nước tranh chấp khác như Việt Nam, hay Malaysia sẽ bớt "cảm thấy lẻ loi". 

Tuy nhiên, theo lời ông Zokhri Idris, một đối tác của công ty tư vấn Malaysia Global Asia Consulting, được Nikkei Asia trích dẫn, không phải nước nào cũng hào hứng với sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông. Ông Idris ghi nhận rằng những nước tranh chấp khác như Malaysia hay Brunei không có liên minh quân sự với Mỹ, và đặc biệt Malaysia không chấp nhận sự hiện diện quân sự của nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á. 

Theo cái nhìn của ông Idris, Việt Nam có thể sẽ theo chân Philippines tỏ ra cứng rắn hơn ở Biển Đông, tuy ông nhấn mạnh Hà Nội sẽ vẫn rất thận trọng. Về mặt chính thức, Việt Nam vẫn theo chính sách quốc phòng "bốn không", trong đó có việc không tham gia liên minh quân sự và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác. 

Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Daniel K. Inouye, cho rằng việc Philippines nay hành xử giống như lãnh đạo trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông có thể khiến Manila trở thành mục tiêu chính trong các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh. Theo ông, Trung Quốc có thể sẽ hung hăng hơn đối với Philippines để trắc nghiệm sự yểm trợ của Mỹ, nhưng Trung Quốc sẽ vẫn giữ thái độ xác quyết đối với Việt Nam, Malaysia và Indonesia để răn đe các nước này đừng theo gương Philippines. 

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 270 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)