Các khoản vay Trung Quốc đẩy các nước nghèo nhất thế giới đến bờ vực sụp đổ
Hàng chục quốc gia nghèo đang đối mặt với sự bất ổn kinh tế và thậm chí là sự sụp đổ dưới sức nặng của hàng trăm tỷđô la tiền vay nước ngoài, phần lớn là từ Trung Quốc.
Làm đường trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc tại Haripur, Pakistan, ngày 22/12/2017.
Một phân tích của AP về hàng chục quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất - bao gồm Pakistan, Kenya, Zambia, Lào và Mông Cổ - cho thấy việc trả nợ đang ngốn một lượng doanh thu thuế lớn chưa bao giờ thấy vốn cần dùng để chi cho trường học, cấp điện, thực phẩm và nhiên liệu cũng như vắt kiệt dự trữ ngoại tệ mà các quốc gia dùng để trả lãi cho các khoản vay, khiến một số nước chỉ còn vài tháng nữa là cạn kiệt.
Đằng sau hậu trường là sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc xóa nợ và giữ bí mật tuyệt đối về việc họ đã cho vay bao nhiêu tiền và kèm điều kiện nào, làm cản trở các nước cho vay lớn khác can thiệp để giúp đỡ. Trên hết là phát hiện gần đây rằng những nước đi vay đã được yêu cầu gửi tiền mặt vào các tài khoản ký quỹ ẩn, đẩy Trung Quốc đứng trước hàng ngũ các chủ nợ phải trả.
Các quốc gia trong phân tích của AP có tới 50% khoản vay nước ngoài từ Trung Quốc và hầu hết đều dành hơn 1/3 doanh thu của chính phủ để trả nợ nước ngoài. Hai trong số đó, Zambia và Sri Lanka, đã vỡ nợ, thậm chí không thể trả lãi cho các khoản vay tài trợ cho việc xây dựng cảng, hầm mỏ và nhà máy điện.
Ở Pakistan, hàng triệu công nhân dệt may đã bị sa thải vì nước này nợ nước ngoài quá nhiều và không đủ khả năng duy trì điện và máy móc hoạt động.
Tại Kenya, chính phủ đã giữ lại tiền lương của hàng ngàn công chức để tiết kiệm tiền mặt hầu chi trả các khoản vay nước ngoài. Trưởng cố vấn kinh tế của tổng thống đã đăng trên Twitter rằng, "Tiền lương hay vỡ nợ ? Qúy vị chọn đi".
Kể từ khi Sri Lanka vỡ nợ một năm trước, nửa triệu việc làm trong ngành công nghiệp đã biến mất, lạm phát đã vượt quá 50% và hơn một nửa dân số ở nhiều vùng của đất nước rơi vào cảnh nghèo đói.
Các chuyên gia dự đoán rằng trừ khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng lập trường đối với các khoản vay dành cho các nước nghèo, sẽ có thêm nhiều vụ vỡ nợ và biến động chính trị.
Kinh tế gia Harvard Ken Rogoff nói : "Ở nhiều nơi trên thế giới, đồng hồ đã điểm". "Trung Quốc đã tiến vào và để lại sự bất ổn địa chính trị có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài này".
Mọi chuyện diễn ra thế nào ?
Một trường hợp điển hình là ở Zambia, một quốc gia không giáp biển với 20 triệu dân ở miền nam Châu Phi, trong hai thập niên qua đã vay hàng tỷ đô la từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc để xây dựng đập, đường sắt và đường bộ.
Các khoản vay đã thúc đẩy nền kinh tế của Zambia nhưng cũng làm tăng các khoản thanh toán lãi suất nước ngoài cao đến mức chính phủ còn lại rất ít, buộc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội và trợ cấp cho nông dân về hạt giống và phân bón.
Trước đây, trong những trường hợp như vậy, những chính phủ cho vay lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Pháp sẽ thực hiện các thỏa thuận để xóa một số khoản nợ ; mỗi nước cho vay tiết lộ rõ ràng họ được nợ những gì và theo những điều khoản nào để không ai cảm thấy bị lừa dối.
Nhưng Trung Quốc đã không chơi theo luật đó. Ban đầu, họ thậm chí từ chối tham gia các cuộc đàm phán đa quốc gia, đàm phán riêng với Zambia và khăng khăng đòi giữ bí mật, cấm nước này nói với các nhà cho vay không phải Trung Quốc về các điều lệ của các khoản vay.
Giữa bối cảnh bối rối này vào năm 2020, một nhóm các nhà cho vay không phải người Trung Quốc đã từ chối lời cầu xin tuyệt vọng từ Zambia về việc tạm dừng thanh toán lãi, dù chỉ trong vài tháng. Việc từ chối đó đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt nước ngoài của Zambia, khoản dự trữ chủ yếu bằng đô la Mỹ mà nước này dùng để trả lãi cho các khoản vay và mua các mặt hàng chính như dầu mỏ. Đến tháng 11 năm 2020, với ít tiền dự trữ còn lại, Zambia ngừng trả lãi và vỡ nợ, khiến nước này không được vay trong tương lai và tạo ra vòng luẩn quẩn cắt giảm chi tiêu và làm nghèo đói thêm.
Lạm phát ở Zambia kể từ đó đã tăng vọt 50%, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất trong 17 năm và đồng tiền của quốc gia, đồng kwacha, đã mất 30% giá trị chỉ sau bảy tháng. Một ước tính của Liên hiệp quốc về số người Zambia không có đủ lương thực đã tăng gần gấp ba lần trong năm nay, lên 3,5 triệu người.
"Tôi chỉ ngồi trong nhà nghĩ xem mình sẽ ăn gì vì không có tiền mua thức ăn", bà Marvis Kunda, một góa phụ mù 70 tuổi ở tỉnh Luapula của Zambia, người gần đây đã bị cắt các khoản trợ cấp xã hội, nói. "Đôi khi tôi ăn một lần một ngày và nếu hàng xóm không ai nhớ giúp tôi thức ăn, thì tôi chỉ có thể nhịn đói".
Vài tháng sau khi Zambia vỡ nợ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nước này nợ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc 6,6 tỷ đô la, gấp đôi con số mà nhiều người tưởng vào thời điểm đó và chiếm khoảng một phần ba tổng số nợ của quốc gia.
Trung Quốc không sẵn sàng chịu lỗ lớn đối với hàng trăm tỷ đô la cho nợ khiến nhiều quốc gia rơi vào vòng xoáy trả lãi, điều này sẽ kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế vốn có thể giúp họ trả nợ.
Nợ và sự đảo lộn
Việc Trung Quốc không sẵn sàng chịu lỗ lớn đối với hàng trăm tỷ đô la cho nợ, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã thúc giục, đã khiến nhiều quốc gia rơi vào vòng xoáy trả lãi, điều này sẽ kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế vốn có thể giúp họ trả nợ.
Dự trữ tiền mặt nước ngoài đã giảm ở 10 trong số hàng chục quốc gia trong phân tích của AP, giảm trung bình 25% chỉ trong một năm. Mức giảm này là hơn 50% ở Pakistan và Cộng hòa Congo. Nếu không có gói cứu trợ, một số quốc gia chỉ còn vài tháng tiền ngoại tệ để chi trả cho thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu khác. Mông Cổ còn tám tháng. Pakistan và Ethiopia còn khoảng hai tháng.
Ông Patrick Curran, chuyên gia kinh tế cấp cao của tổ chức nghiên cứu Tellimer, nói : "Ngay khi các vòi tài chính bị tắt, quá trình điều chỉnh sẽ diễn ra ngay lập tức". "Nền kinh tế co lại, lạm phát tăng vọt, thực phẩm và nhiên liệu trở nên không thể mua được".
Ông Mohammad Tahir, người đã bị sa thải 6 tháng trước tại một nhà máy dệt may ở thành phố Multan của Pakistan, cho biết ông từng có ý định tự tử vì không thể chịu nổi cảnh gia đình 4 người đi ngủ bụng đói hết đêm này qua đêm khác.
"Tôi đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói tồi tệ nhất", ông Tahir cho biết, người gần đây được thông báo rằng dự trữ tiền mặt ở nước ngoài của Pakistan đã cạn kiệt đến mức giờ đây nước này không thể nhập nguyên liệu thô cho nhà máy của ông. "Tôi không biết khi nào chúng tôi sẽ có lại công việc của mình".
Trước đây, các nước nghèo đã từng phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại tệ, lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nạn đói phổ biến, nhưng hiếm khi xảy ra như năm ngoái.
Cùng với sự kết hợp giữa quản lý yếu kém của chính phủ và tham nhũng là hai sự kiện bất ngờ và tàn khốc : chiến tranh ở Ukraine khiến giá ngũ cốc và dầu tăng vọt, và quyết định tăng lãi suất 10 lần liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tháng này. Điều đó đã làm cho các khoản vay có lãi suất thay đổi đối với các quốc gia đột nhiên trở nên đắt đỏ hơn nhiều.
Tất cả đều đang khuấy động nền chính trị trong nước và làm đảo lộn các liên minh chiến lược.
Vào tháng 3, Honduras nợ nần chồng chất đã trích dẫn "áp lực tài chính" trong quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Tháng trước, Pakistan đã rất tuyệt vọng để ngăn chặn tình trạng mất điện đến mức họ đã đạt được thỏa thuận mua dầu giảm giá từ Nga, vượt qua nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm cắt các nguồn quỹ cho ông Vladimir Putin.
Tại Sri Lanka, người dân nổi loạn đổ ra đường vào tháng 7 năm ngoái, đốt cháy nhà của các bộ trưởng chính phủ và xông vào dinh tổng thống, khiến nhà lãnh đạo bị ràng buộc với các thỏa thuận khó khăn với Trung Quốc phải chạy trốn khỏi đất nước.
Phản ứng của Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một tuyên bố với AP, bác bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc là một bên cho vay không khoan nhượng và lặp lại những tuyên bố trước đó đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Bộ nói rằng nếu Trung Quốc nhượng bộ yêu cầu của Qũy Tiền tệ và Ngân hàng Thế giới về việc xóa một phần khoản vay, thì các nhà cho vay đa phương khác, mà Trung Quốc coi là ủy quyền của Hoa Kỳ, cũng phải làm như vậy.
"Chúng tôi kêu gọi các định chế này tham gia tích cực vào các hành động liên quan phù hợp với nguyên tắc ‘hành động chung, gánh vác công bằng’ và đóng góp nhiều hơn để giúp các nước đang phát triển vượt qua khó khăn", tuyên bố của Bộ cho biết.
Trung Quốc lập luận rằng họ đã đưa ra biện pháp cứu trợ dưới hình thức kéo dài thời hạn cho vay và các khoản vay khẩn cấp, đồng thời là bên đóng góp lớn nhất cho chương trình tạm dừng thanh toán lãi trong đại dịch virus corona. Trung Quốc cũng cho biết họ đã xóa 23 khoản vay không lãi suất cho các quốc gia Châu Phi, mặc dù giới nghiên cứu nói các khoản vay như vậy hầu hết là từ hai thập niên trước và chiếm chưa đến 5% tổng số tiền mà nước này đã cho vay.
Trong các cuộc đàm phán cấp cao ở Washington vào tháng trước, Trung Quốc đang xem xét từ bỏ yêu cầu Qũy Tiền tệ và Ngân hàng Thế giới xóa nợ nếu hai bên cho vay này cam kết cung cấp các khoản tài trợ và trợ giúp khác cho các quốc gia gặp khó khăn, theo tin tức truyền thông. Nhưng trong nhiều tuần kể từ đó, không có loan báo nào được đưa ra và cả hai bên cho vay đều bày tỏ sự thất vọng với Bắc Kinh.
"Quan điểm của tôi là chúng ta phải lôi họ - có thể đó là một từ bất lịch sự - chúng ta cần phải đi cùng nhau", Giám đốc điều hành Qũy Tiền tệ Kristalina Georgieva cho biết hồi đầu tháng này. "Bởi vì nếu chúng ta không làm như vậy, sẽ có thảm họa cho rất nhiều quốc gia".
Qũy Tiện tệ và Ngân hàng Thế giới nói rằng việc thua lỗ đối với các khoản cho vay của họ sẽ phá quy tắc truyền thống về đối phó với các cuộc khủng hoảng quốc gia đòi hỏi sự đối xử đặc biệt bởi vì, không giống như các ngân hàng Trung Quốc, họ đã tài trợ ở mức lãi suất thấp để giúp các quốc gia đau khổ đứng dậy. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý rằng hai bên cho vay đa phương là Qũy Tiền tệ và Ngân hàng Thế giới đã từng có ngoại lệ đối với các quy tắc trong quá khứ, bỏ qua các khoản vay cho nhiều quốc gia vào giữa những năm 1990 để cứu họ khỏi sụp đổ.
Khi thời gian không còn nhiều, một số quan chức đang thúc giục nhượng bộ.
Ông Ashfaq Hassan, cựu quan chức tại Bộ Tài chính Pakistan, cho biết gánh nặng nợ của đất nước ông quá lớn và kêu gọi sự nhượng bộ từ các quỹ đầu tư tư nhân cho đất nước ông vay bằng cách mua trái phiếu.
Trung Quốc cũng bác bỏ ý tưởng, đã phổ biến trong chính quyền ông Trump, rằng họ đã tham gia vào "ngoại giao bẫy nợ", khiến các quốc gia phải gánh các khoản vay mà họ không đủ khả năng chi trả để họ có thể chiếm cảng, mỏ và các tài sản chiến lược khác.
Về điểm này, các chuyên gia nghiên cứu vấn đề một cách chi tiết đã đứng về phía Bắc Kinh. Các khoản cho vay của Trung Quốc đến từ hàng chục ngân hàng trên đại lục và quá lộn xộn và cẩu thả để có thể điều phối từ trên xuống. Họ nói, nếu có bất cứ điều gì, các ngân hàng Trung Quốc không bị thua lỗ bởi vì thời điểm đó rất tồi tệ khi họ phải đối mặt với những tác động lớn từ hoạt động cho vay bất động sản liều lĩnh ở chính đất nước của họ và nền kinh tế đang chậm lại đáng kể.
Nhưng các chuyên gia nhanh chóng chỉ ra rằng vai trò của Trung Quốc ít nham hiểm hơn không phải là vai trò ít đáng sợ hơn.
Ông Teal Emery, cựu chuyên gia phân tích khoản vay có chủ quyền, hiện đang điều hành nhóm tư vấn Teal Insights nói : "Không có một người nào chịu trách nhiệm".
Điều tra cho vay
Phần lớn công lao trong việc lôi những khoản nợ giấu mặt của Trung Quốc ra ánh sáng là nhờ ông Brad Parks, giám đốc điều hành AidData, một phòng nghiên cứu tại William & Mary đã phanh phui hàng ngàn khoản nợ Trung Quốc bí mật và hỗ trợ AP trong cuộc phân tích này. Ông Parks trong thập niên qua đã phải đối mặt với mọi rào cản, che đậy và dối trá từ chính quyền độc tài Trung Quốc.
Cuộc truy lùng bắt đầu vào năm 2011 khi một nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới đề nghị ông Parks đảm nhận công việc xem xét các khoản cho vay của Trung Quốc. Trong vòng vài tháng, sử dụng kỹ thuật khai thác dữ liệu trực tuyến, ông Parks và một số nhà nghiên cứu bắt đầu phát hiện ra hàng trăm khoản vay mà Ngân hàng Thế giới không hề hay biết.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang tăng cường cho vay vốn sẽ sớm trở thành một phần của "Sáng kiến Vành đai và Con đường" trị giá 1 ngàn tỷ đô la để đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng, giành được các đồng minh ở nước ngoài và kiếm nhiều tiền hơn từ việc nắm giữ đồng đô la Mỹ. Nhiều nước đang phát triển mong muốn có đô la Mỹ để xây dựng các nhà máy điện, đường sá, bến cảng và mở rộng hoạt động khai thác mỏ.
Nhưng sau một vài năm được chính phủ Trung Quốc cho vay, những quốc gia đó thấy mình mắc nợ nặng nề và cái nhìn của công chúng thật tồi tệ. Họ sợ rằng việc chồng chất các khoản vay lên trên những khoản vay cũ sẽ khiến họ trở nên liều lĩnh trước các cơ quan xếp hạng tín dụng và khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn trong tương lai.
Vì vậy, Trung Quốc bắt đầu thành lập các công ty vỏ bọc cho một số dự án cơ sở hạ tầng và thay vào đó cho họ vay, điều này cho phép các quốc gia mắc nợ nặng nề tránh đưa khoản nợ mới đó vào sổ sách của họ.
Ví dụ, ở Zambia, khoản vay 1,5 tỷ đô la từ hai ngân hàng Trung Quốc cho một công ty vỏ bọc để xây dựng một đập thủy điện khổng lồ đã không xuất hiện trên sổ sách của nước này trong nhiều năm.
Ở Indonesia, các khoản vay 4 tỷ đô la của Trung Quốc để giúp xây dựng một tuyến đường sắt cũng không bao giờ xuất hiện trên các tài khoản công của chính phủ. Tất cả đã thay đổi nhiều năm sau đó, khi ngân sách vượt quá 1,5 tỷ đô la, chính phủ Indonesia buộc phải cứu trợ đường sắt hai lần.
Ông Parks nói : "Khi những dự án này trở nên tồi tệ, những gì được quảng cáo là nợ tư nhân sẽ trở thành nợ công". "Có những dự án như thế này trên khắp thế giới".
Vào năm 2021, một thập niên sau khi ông Parks và nhóm của ông bắt đầu cuộc săn lùng, họ đã thu thập đủ thông tin cho một phát hiện bom tấn : Ít nhất 385 tỷ đô la nợ Trung Quốc được che giấu và báo cáo không đầy đủ ở 88 quốc gia, và nhiều quốc gia trong số đó đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn mọi người nghĩ.
Trong số các tiết lộ có việc Trung Quốc cấp khoản vay 3,5 tỷ đô la để xây dựng hệ thống đường sắt ở Lào, khoản vay này sẽ lấy gần 1/4 sản lượng hàng năm của nước này để chi trả.
Một báo cáo khác của AidData cùng thời điểm cho rằng nhiều khoản vay của Trung Quốc dành cho các dự án ở các khu vực của các quốc gia được các chính trị gia quyền lực ủng hộ và thường ngay trước các cuộc bầu cử quan trọng. Một số thứ được xây dựng không có ý nghĩa kinh tế và có nhiều vấn đề.
Ở Sri Lanka, một sân bay do Trung Quốc tài trợ được xây dựng ở quê hương của tổng thống, cách xa phần lớn dân số của đất nước, hầu như không được sử dụng đến mức người ta đã phát hiện ra những con voi lang thang trên đường băng của nó.
Các vết nứt đang xuất hiện tại các nhà máy thủy điện ở Uganda và Ecuador, nơi vào tháng 3, chính phủ đã được tòa án phê chuẩn các cáo buộc tham nhũng liên quan đến dự án chống lại một cựu tổng thống hiện đang lưu vong.
Ở Pakistan, một nhà máy điện đã phải đóng cửa vì sợ nó có thể sụp đổ. Ở Kenya, những dặm quan trọng cuối cùng của tuyến đường sắt không bao giờ được xây dựng do quy hoạch kém và thiếu kinh phí.
Nhảy lên hàng đầu
Khi ông Parks tìm hiểu chi tiết về các khoản vay, ông phát hiện ra một điều đáng báo động : Các điều khoản bắt buộc các quốc gia đi vay phải gửi đô la Mỹ hoặc ngoại tệ khác vào các tài khoản ký quỹ bí mật mà Bắc Kinh có thể đột kích nếu các quốc gia đó ngừng trả lãi cho các khoản vay của họ.
Trên thực tế, Trung Quốc đã nhảy lên hàng đầu để được trả tiền mà những nhà cho vay khác không hề hay biết.
Ở Uganda, ông Parks tiết lộ khoản vay để mở rộng sân bay chính bao gồm một tài khoản ký quỹ có thể chứa hơn 15 triệu đô la. Một cuộc điều tra lập pháp đã chỉ trích Bộ trưởng Tài chính vì đã đồng ý với các điều khoản như vậy.
Ông Parks không chắc có bao nhiêu tài khoản như vậy đã được thiết lập, nhưng việc chính phủ khăng khăng yêu cầu bất kỳ loại tài sản thế chấp nào, ít tài sản thế chấp dưới dạng tiền mặt, là điều hiếm thấy trong các khoản cho vay có chủ quyền. Và chính sự tồn tại của chúng đã làm náo loạn các ngân hàng không phải của Trung Quốc, các nhà đầu tư trái phiếu và những người cho vay khác và khiến họ không sẵn sàng chấp nhận ít hơn số tiền họ sở hữu.
Vay như ‘trao đổi ngoại tệ’
Trong khi đó, Bắc Kinh đã thực hiện một hình thức cho vay bí mật mới làm tăng thêm sự lúng túng và mất lòng tin. Ông Parks và những người khác phát hiện ra rằng ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã cho vay hàng chục tỷ đô la một cách hiệu quả thông qua những gì có vẻ như là trao đổi ngoại tệ thông thường.
Trao đổi ngoại tệ cho phép các quốc gia về cơ bản vay các loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi hơn như đồng đô la Mỹ để khắc phục sự thiếu hụt tạm thời trong dự trữ ngoại hối. Chúng được thiết kế cho mục đích thanh khoản, không phải để xây dựng mọi thứ và chỉ tồn tại trong vài tháng.
Nhưng các hợp đồng này của Trung Quốc bắt chước các khoản vay kéo dài nhiều năm và tính lãi suất cao hơn bình thường. Và quan trọng là, chúng không xuất hiện trên sổ sách dưới dạng các khoản vay có thể bổ sung vào tổng số nợ của một quốc gia.
Mông Cổ đã rút ra 1,8 tỷ đô la hàng năm trong các giao dịch hoán đổi như vậy trong nhiều năm, số tiền tương đương với 14% sản lượng kinh tế hàng năm của nước này. Pakistan đã rút ra gần 3,6 tỷ đô la hàng năm trong nhiều năm và Lào là 300 triệu đô la.
Các giao dịch hoán đổi có thể giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ bằng cách bổ sung dự trữ tiền tệ, nhưng chúng chồng chất thêm các khoản vay lên trên các khoản cũ và có thể khiến tình trạng sụp đổ trở nên tồi tệ hơn nhiều, giống như những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 khi các ngân hàng Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp các khoản thế chấp lớn hơn bao giờ hết cho những chủ nhà không đủ khả năng mua.
Một số quốc gia nghèo đang phải vật lộn để trả nợ cho Trung Quốc giờ đây đang mắc kẹt trong một kiểu cho vay lấp lửng : Trung Quốc sẽ không nhượng bộ khi chịu thua lỗ và Qũy Tiền tệ sẽ không cung cấp các khoản vay lãi suất thấp nếu tiền chỉ để trả lãi cho các khoản nợ của Trung Quốc.
Đối với Chad và Ethiopia, đã hơn một năm kể từ khi các gói giải cứu của Qũy Tiền tệ được thông qua, nhưng gần như toàn bộ số tiền đã bị giữ lại khi các cuộc đàm phán giữa các chủ nợ kéo dài.
"Ngày càng có nhiều quốc gia gặp khó khăn về tài chính nghiêm trọng", ông Parks nói, cho rằng điều này phần lớn là do sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Trung Quốc chỉ trong một thế hệ từ nước nhận viện trợ nước ngoài ròng sang chủ nợ lớn nhất thế giới.
Ông nói : "Bằng cách nào đó họ đã làm được tất cả những điều này ngoài tầm nhìn của công chúng".
"Vì vậy, trừ khi mọi người hiểu cách Trung Quốc cho vay, cách thức vận hành hoạt động cho vay của họ, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được những cuộc khủng hoảng này".
Nguồn : VOA, 19/05/2023