Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/11/2022

Bắn tên lửa hù dọa suốt cả tháng trời, Kim Jong-un muốn gì ?

BBC, RFI tổng hợp

Kim Jong-un cho con gái ra mắt lần đầu tiên

BBC, 19/11/2022

Vị lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un vừa cùng con gái xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên, khẳng định lời đồn lâu nay rằng ông có con gái.

kim1

Hai cha con ông Kim Jong-un tại lễ thử tên lửa đạn đạo hôm thứ Sáu

Cô bé, được cho là có tên Kim Chu-ae (Kim Chu Ái), cùng cha đi giám sát một cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa quan trọng hôm thứ Sáu.

Hai cha con đứng nắm tay nhau trong một vụ thử tên lửa mà Hoa Kỳ đã lên án.

Một số bức ảnh được thông tấn xã Bắc Hàn KCNA công bố cho thấy hai người nắm tay khi nói chuyện với các quan chức, kiểm tra các tên lửa và đứng trên bục xem tên lửa được phóng lên.

Không chỉ là một vụ thử tên lửa ?

Phân tích của Jean Mackenzie, Phóng viên BBC tại Seoul :

Việc Kim Jong-un cho ra mắt con gái gây sự quan tâm lớn của các nhà phân tích về Bắc Hàn, hơn nhiều so với tin họ đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất tới nay, được cho là có khả năng vươn sang tận Mỹ.

Vì sao ? Vì động thái này cho chúng ta biết rất nhiều về tương lai của chế độ và chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Hay ít nhất, nó cũng đặt ra một vài câu hỏi mới.

Đầu tiên, phải chăng cô con gái đã được chọn là người tiếp quản Kim Jong-un, người một ngày sẽ điều hành đất nước Bắc Hàn ? Rất có thể. Đây là một đế chế gia đình, có nghĩa ông Kim sẽ muốn một trong những người con lên thay mình.

Thứ hai, vì sao lại cho con gái xuất hiện lúc này ? Cô bé còn rất trẻ. Nếu ông Kim đang chuẩn bị cho cô tiếp quản, thì phải chăng sức khỏe của vị lãnh tụ 38 tuổi này có vấn đề ? Sức khỏe của Kim Jong-un luôn là chủ đề được đồn đoán nhiều, và được cho là sẽ đặt ra những rủi ro lớn nhất cho sự ổn định của chế độ.

Thứ ba, điều này nói gì về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn ?

Công khai con gái ở một buổi lễ phóng tên lửa quan trọng cho thấy một ngày cô sẽ có vai trò trong việc phát triển vũ khí hạt nhân của đất nước. Gần đây ông Kim tuyên bố rằng ông sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây là một cách cho thế giới thấy vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn sẽ tiếp tục được truyền cho thế hệ sau.

kim2

Ông Kim Jong-un cùng vợ và con gái

Michael Madden, một chuyên gia về Bắc Hàn từ Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết ông tin rằng Chu-ae chỉ 12 đến 13 tuổi.

Ông nói việc cho cô bé xuất hiện trước công chúng có thể là cách ông Kim thể hiện rằng "thế hệ thừa kế quyền lực thứ tư sẽ đến từ dòng máu của tôi".

Hồi tháng Chín, vài chuyên gia về Bắc Hàn đưa tin rằng Chu-ae vừa được thấy trong một video tại lễ kỷ niệm Quốc khánh.

Nhưng đây chỉ là đồn đoán, giới lãnh đạo Bắc Hàn không khẳng định đây chính là con gái của Kim Jong-un.

Lần đầu tiên sự tồn tại của Chu-ae được đề cập là hồi 2013, sau khi Dennis Rodman, cựu cầu thủ bóng rổ Mỹ có chuyến đi gây tranh cãi tới Bắc Hàn.

Ông Rodman nói ông đã dành thời gian cùng gia đình ông Kim, thư giãn bên bờ biển và đã "bế em bé Chu-ae con họ".

Các chuyên gia cho rằng ông Kim có thể có tới ba người con – hai con gái và một con trai, và Chu-ae là con cả.

Nhưng vị lãnh tụ hết sức bí mật về gia đình mình – ngay cả bà Ri Jol-ju vợ ông cũng bị giữ kín trong một thời gian khá dài sau khi họ kết hôn.

Nguồn : BBC, 19/11/2022

***********************

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên : Sẽ đáp trả vũ khí hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân

Thanh Phương, RFI, 19/11/2022

Theo hãng thông tấn chính thức KCNA của Bắc Triều Tiên, được hãng tin AFP trích dẫn hôm 19/11/2022, lãnh đạo Kim Jong-un vừa tuyên bố sẽ sử dụng bom nguyên tử để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vào Bắc Triều Tiên. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng hôm qua phóng thử một tên lửa liên lục địa với tầm bắn có thể đến lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ. Hãng tin KCNA nói rõ đích thân ông Kim Jong-un đã thị sát vụ bắn tên lửa này. 

kim3

Ảnh do KCNA đăng tải : Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và con gái trước tên lửa "Hwasong 17", ngày 18/11/2022, tại Bình Nhưỡng. AFP - STR

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca tường trình :  

Nếu như phóng một tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Washington hay New York vẫn chưa đủ, thông điệp mà Kim Jong-un nhắn gởi qua báo chí nhà nước Bắc Triều Tiên còn rõ ràng hơn : Bình Nhưỡng sẽ " kiên quyết đáp trả vũ khí hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân và đáp trả một cuộc đụng độ toàn diện bằng một cuộc đụng độ không khoan nhượng". Đó là tuyên bố của lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi thị sát vụ bắn thử tên lửa Hwasong 17 hôm qua.  

Vụ bắn một tên lửa ngoại hạng về kích thước và về khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân là một kỳ công về kỹ thuật đối với Bắc Triều Tiên. Nhưng các chuyên gia không tin vào khả năng sử dụng cụ thể của loại tên lửa này trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy vậy, đây vẫn là một thành công rất lớn đối với Kim Jong-un. Ông đã chứng kiến vụ bắn thử tên lửa cùng với vợ và con gái. Đây là đứa con đầu tiên mà ông chính thức giới thiệu với công chúng. 

Cho lần đầu tiên gia đình xuất hiện chung như vậy, các bức ảnh đứa con gái nắm tay bố trước một tên lửa đạn đạo đã được đăng trên báo chí nhà nước. Một hình ảnh mang tính biểu tượng đối với một chế độ vốn mang tính cha truyền con nối. Theo Bình Nhưỡng, hành động biểu dương sức mạnh mới này nhằm đáp lại các tuyên bố của Hoa Kỳ và các đồng minh về việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Chiến lược này có thể sẽ được đẩy mạnh sau những tuyên bố mới của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.  

Oanh tạc cơ B-1B trở lại bán đảo Triều Tiên 

Theo thông báo của quân đội Hàn Quốc, một oanh tạc cơ chiến lược B-1B đã được triển khai trở lại ở bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ một cuộc tập trận chung trên không giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Tham gia cuộc thao dượt này còn có một số chiến đấu cơ phản lực tối tân nhất của không quân Mỹ và Hàn Quốc, trong đó có máy bay tiêm kích tàng hình F-35.

Thanh Phương

*************************

Bắc Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa

Trần Công, RFI, 18/11/2022

Theo thông báo của Bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc, được hãng tin AFP trích dẫn hôm 18/11/2022, Bắc Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa, mà theo Nhật Bản có thể bắn tới lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ. Ngay sau vụ bắn tên lửa mới này, tại Bangkok, Hoa Kỳ đã họp khẩn cấp với lãnh đạo 5 quốc gia trong khu vực.

kim4

Hình ảnh về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 ngày 18/11/2022. Ảnh : AP

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :  

Theo thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc, một tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên đã được bắn vào 10 giờ 15 phút sáng hôm nay, 18/11/2022, từ khu vực Sunan của Bình Nhưỡng. Tên lửa đạt độ cao tối đa 6100 km, bay được 1000 km và đạt vận tốc Mach 22. Đây là thông số khi tên lửa của Bắc Triều Tiên được phóng ở góc cao, còn nếu bắn ở góc bình thường vào khoảng 30 - 45 độ, thì tầm bắn của tên lửa sẽ là hơn 15000 km, tức là có thể bắn tới lãnh thổ lục địa của Mỹ. Tên lửa liên lục địa này có tên là Hwasong-17 và đã từng được bắn vào ngày 3/11. Tuy nhiên, vụ bắn hôm đó đã thất bại và tên lửa đã rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

Cho đến nay, Bắc Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo 35 lần trong năm nay và ba lần phóng tên lửa liên lục địa. Và đây là vụ phóng tên lửa thứ 25 dưới thời chính quyền Yoon Seok Yeol.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã ra tuyên bố : "Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên. Bất kỳ hành động nào liên quan đến các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên bị cấm theo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và đều không thể được biện minh với bất kỳ lý do gì. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế để buộc Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về những hành động khiêu khích của mình dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ".

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của "Hội đồng tư vấn chính sách đối phó tên lửa", làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Bắc Triều Tiên sẽ sớm thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 7.

Ngay sau vụ bắn tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên, tại Bangkok, bên lề thượng đỉnh diễn đàn APEC, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã họp khẩn cấp với lãnh đạo năm nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Canada. Theo thông báo của chính phủ Nhật, được hãng tin Reuters trích dẫn, trong cuộc họp này, lãnh đạo của 6 nước đã lên án "với thái độ cứng rắn nhất" vụ bắn tên lửa nói trên.

Cũng theo thông báo của chính phủ Tokyo, sau vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên, quân đội Hoa Kỳ và quân đội Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận chung hôm nay.

Về phần Hoa Kỳ, Nhà Trắng "cực lực" lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm nay, xem đây là hành động "vi phạm vô số nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và làm gia tăng căng thẳng một cách vô ích, đồng thời có nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực".

Do tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm nay được cho là rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, thủ tướng Fumio Kishida lên án vụ bắn tên lửa này là "tuyệt đối không thể chấp nhận được".

Bắc Triều Tiên cũng đã là vấn đề bao trùm cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với thủ tướng Nhật Bản Kishida hôm qua tại Bangkok trước cuộc họp thượng đỉnh diễn đàn APEC.

Trần Công

*************************

Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa, cảnh cáo đáp trả "dữ dội" Mỹ-Hàn

Thu Hằng, Trần Công, RFI, 17/11/2022

Ngày 17/11/2022, Bình Nhưỡng lại bắn tên lửa để thực hiện lời đe dọa đáp trả "dữ dội" về quyết định tăng cường liên minh quân sự Mỹ-Hàn-Nhật. Trước đó, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Choe Son-hui cảnh cáo "Mỹ đang đặt cược và chắc chắn sẽ hối hận về điều đó".

kim5

Màn hình TV chiếu tin thời sự về vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, tại một ga xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 17/11/2022. Reuters – Heo Ran

Thông tín viên Trần Công tại Seoul tường trình :

"Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc, sáng nay, 17/11/2022, vào lúc 10 giờ 48 phút, Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) từ khu vực Wonsan, tỉnh GangWon về phía biển Nhật Bản. Đây là vụ bắn tên lửa đầu tiên trong 8 ngày qua, kể từ vụ khiêu khích vào chiều 9/11.

Tên lửa của Bình Nhưỡng bay được 240 km, tại độ cao 47 km và đạt vận tốc Mach 4 trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Vụ bắn tên lửa này được cho là để răn đe ba nước Mỹ, Nhật, và Hàn Quốc sau khi lãnh đạo của ba nước này họp thượng đỉnh tại Phnom Penh, Cam Bốt, hôm 13/11. Sau cuộc họp này, lãnh đạo Mỹ Nhật Hàn đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định : "Chúng tôi sẽ hợp tác tăng cường khả năng răn đe mở rộng với Bình Nhưỡng và cảnh báo sẽ có phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết nếu Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7".

Đại diện chính quyền Bình Nhưỡng, bà Choe Son-hui tuyên bố : "các phản ứng quân sự của chúng tôi sẽ tỉ lệ thuận với các hoạt động quân sự và biểu dương lực lượng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên". Bà nói tiếp : "Chúng tôi đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ đối với những tuyên bố vô nghĩa về cái gọi là "phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết" của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đối với Bắc Triều Tiên".

Ngay sau vụ phóng tên lửa, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Hàn tuyên bố: "Các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên là hành động khiêu khích nghiêm trọng ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên". Trong thời gian diễn ra hội nghị ASEAN, tổng thống Mỹ và Hàn Quốc đều gửi những thông điệp liên quan tới vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên tới chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không đề cập đến vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên trong thông báo về kết quả đàm phán Hàn-Trung.

Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung vào sáng nay với sự tham gia của đội tàu khu trục của cả hai nước".

Oanh tạc cơ B1-B tập tiếp liệu tại Nhật Bản

Cũng trong ngày 17/11, một oanh tạc cơ chiến lược B1-B, được điều từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam đến căn cứ Misawa ở Nhật Bản, đã diễn tập tiếp liệu khẩn cấp trên không phận Nhật Bản.

Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM) khẳng định cuộc diễn tập "cho thấy máy bay B-1B có thể nhanh chóng được tái triển khai trên không trong trường hợp cần thiết", cũng như Mỹ "có thể nhanh chóng tham gia với các nước đồng minh và đối tác trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương". Theo Yonhap, đây được cho là tín hiệu cảnh cáo Bắc Triều Tiên.

Thu Hằng – Trần Công

*************************

Phải chăng đã đến lúc chấp nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân ?

Phan Minh, RFI, 10/11/022

Sau hàng loạt các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm đến giờ, trang mạng Mỹ CNN ngày 29/10/2022 có bài viết với câu hỏi : Phải chăng đã đến lúc chấp nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc có vũ khí nguyên tử ? RFI xin trích dịch. 

kim6

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên ngày 08/09/2022. via Reuters - KCNA

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố với toàn thế giới hồi tháng trước rằng Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và sẽ không bao giờ từ bỏ loại vũ khí này. 

Ông nói rằng quyết định này "không thể đảo ngược được", rằng những vũ khí này đại diện cho "phẩm giá, cốt lõi và sức mạnh tuyệt đối của Nhà nước" và Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển chương trình này "chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại trên trái đất". 

Có thể ông Kim không lạ lẫm gì trong việc dùng ngôn từ bóng bẩy, nhưng điều đáng nói là không nên coi thường tuyên bố của ông ta – điều mà ông đã ký thành luật. Nên nhớ rằng ông Kim là một nhà độc tài không thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và ông là người thường nói là làm. 

Cũng nên nhớ rằng Bắc Triều Tiên đã thực hiện số vụ phóng tên lửa nhiều kỷ lục trong năm nay với hơn 20 vụ và tuyên bố rằng họ đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cho bộ binh, và cũng được cho là đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 7. 

Tất cả những điều này đã khiến ngày càng nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu bây giờ đã phải là lúc chấp nhận rằng Bắc Triều Tiên trên thực tế là một cường quốc có vũ khí hạt nhân hay không. Làm như vậy sẽ chôn vùi những mong muốn lạc quan hay thậm chí là ảo tưởng khi hy vọng rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể vẫn chưa hoàn thiện hoặc vẫn có thể thuyết phục họ tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân. 

Như Ankit Panda, chuyên nghiên cứu chương trình chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace nói : "Đơn giản là chúng ta phải đối xử với Bắc Triều Tiên theo đúng bản chất của nó chứ không phải như chúng ta mong muốn".

Nói những điều không thể nói ra 

Nhìn dước góc độ thuần túy thời sự, Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và rất ít người theo dõi sát tình hình Bắc Triều Tiên có thể bác bỏ điều này. 

Thống kê gần đây trong tờ Bulletin of the Atomic Scientists ước tính rằng Bắc Triều Tiên có thể đã sản xuất đủ vật liệu phân hạch để chế tạo từ 45 đến 55 đầu đạn hạt nhân. Hơn nữa, các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây cho thấy họ có một số phương pháp vận chuyển những vũ khí này. 

Tuy nhiên, việc thừa nhận một cách công khai điều này hết sức nguy hiểm đối với nhiều quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Một trong những lý do lớn nhất để Hoa Kỳ không làm vậy vì Washington lo ngại châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Châu Á. 

Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan chỉ là một vài láng giềng mong muốn sánh vai ngang hàng với vị thế của Bình Nhưỡng. 

Nhưng một số chuyên gia nói rằng việc từ chối thừa nhận sức mạnh hạt nhân của Bắc Triều Tiên, trước những bằng chứng ngày càng rõ ràng, không khiến cho các nước lân cận cảm thấy yên tâm. Ngược lại, họ lại càng lo lắng hơn vì có cảm giác là các đồng minh của Mỹ đang rúc đầu, không muốn nhìn thẳng vào sự thật. 

Andrei Lankov, giảng viên tại đại học Kookmin ở Seoul, nhận định : "Hãy chấp nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và họ có tất cả các loại vũ khí cần thiết có thể mang đầu đạn hạt nhân, kể cả ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) khá hiệu quả". 

Giải pháp Israel 

Nhiều chuyên gia gợi ý rằng có thể nên nhìn nhận chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên giống chương trình của Israel – tức là ngầm chấp nhận chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Đó là giải pháp được Jeffrey Lewis, giáo sư thỉnh giảng tại trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey đưa ra. 

Ông Lewis nói : "Tôi nghĩ rằng bước quan trọng mà tổng thống Joe Biden cần thực hiện là ông phải tự hiểu và làm cho chính phủ Mỹ hiểu rằng chúng ta sẽ không ép Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí và về cơ bản chấp nhận Bắc Triều Tiên là một nước có vũ khí hạt nhân". 

Ông nói thêm rằng cả Israel và Ấn Độ đều là những ví dụ mà Mỹ có thể tham khảo để tìm ra một đối sách áp dụng với Bắc Triều Tiên. 

Israel được cho là đã bắt đầu phát triển chương trình hạt nhân từ những năm 1960, luôn tuyên bố mơ hồ về kho vũ khí hạt nhân của mình trong khi từ chối gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong khi Ấn Độ thì duy trì sự mập mờ về hạt nhân trong nhiều thập kỷ trước khi từ bỏ chính sách đó với vụ thử hạt nhân năm 1998. 

Ông Lewis nói thêm : "Trong cả hai trường hợp này, Mỹ đều biết rằng những quốc gia đó có bom nguyên tử, nhưng nếu như họ không đề cập đến vũ khí này, không dùng nó để đe dọa, không gây ra các vấn đề chính trị, thì chúng ta sẽ không đáp trả. Tôi nghĩ đó là thỏa thuận mà chúng ta muốn đạt được với Bắc Triều Tiên". 

Phi hạt nhân hóa : "Giống như theo đuổi một phép màu" 

Tuy nhiên, hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy Washington ngừng hy vọng thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. 

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhấn mạnh điều này trong chuyến thăm gần đây tới DMZ, khu phi quân sự giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. 

Bà Harris nói : "Mục tiêu chung của chúng ta (Hoa Kỳ và Hàn Quốc) - là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Đó có thể là một mục tiêu chính đáng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nó ngày càng không thực tế. 

Ông Panda nói : "Không ai không đồng ý rằng phi hạt nhân hóa sẽ là một kết quả lý tưởng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế". 

Bởi việc Kim Jong-un muốn duy trì chế độ của mình sẽ là trở ngại lớn nhất trong việc phi hạt nhân hóa. Andrei Lankov nhận định rằng mặc dù ông Kim đã rất hoang tưởng, nhưng cuộc xâm lược Ukraine của Nga được coi là sự củng cố kịp thời cho niềm tin của ông ta đối với việc "vũ khí hạt nhân là sự bảo đảm đáng tin cậy duy nhất cho an ninh". 

Thuyết phục ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân dường như là một nhiệm vụ bất khả thi vì Bình Nhưỡng đã tuyên bố rõ rằng sẽ không có ý định đàm phán với chính quyền Mỹ về phi hạt nhân hóa. 

Ông Lankov nói : "Nếu Mỹ muốn đàm phán về phi hạt nhân hóa, Bắc Triều Tiên sẽ từ chối và nếu Washington không đàm phán, thì Bình Nhưỡng sẽ phóng ngày càng nhiều tên lửa và các vũ khí này sẽ ngày càng tiên tiến. Đơn giản là vậy". 

Ngoài ra còn có một vấn đề là nếu các nước láng giềng kết luận rằng chính sách của Washington đối với Bắc Triều Tiên không đi đến đâu, thì bản thân điều này có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mà Mỹ luôn muốn tránh. 

Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện Sejong, viện nghiên cứu của Hàn Quốc, là một trong số nhiều tiếng nói bảo thủ ngày càng gia tăng kêu gọi Seoul xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình để chống lại Bình Nhưỡng. 

Ông nói, những nỗ lực ngăn cản Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã "kết thúc trong thất bại" và thậm chí bây giờ, theo đuổi phi hạt nhân hóa cũng giống như theo đuổi một phép màu. 

Trump có từng đi đúng hướng ? 

Giấc mơ phi hạt nhân hóa có vẻ xa vời, nhưng nhiều người nói rằng thừa nhận, chính thức hay không chính thức, Bắc Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, cũng sẽ là một sai lầm. 

Soo Kim, một cựu sĩ quan CIA, hiện là nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Mỹ RAND Corporation nhận định : "Về cơ bản, sau tất cả những cuộc đọ sức, giằng co này, chúng ta sẽ nói với Kim Jong-un rằng ông sẽ đạt được những gì ông muốn. Câu hỏi lớn hơn sau đó tất nhiên là : toàn bộ khu vực Đông Á sẽ ra sao ?" 

Điều đó để lại một khả năng khác cho chính quyền Biden và các đồng minh của ông, mặc dù đó là một khả năng có vẻ khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại. Họ có thể theo đuổi một thỏa thuận với việc Bình Nhưỡng chấp nhận ngừng việc phát triển vũ khí đánh đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt. 

Nói cách khác, thỏa thuận này không khác nhiều so với thỏa thuận mà cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào tháng 02/2019. 

Biện pháp này cũng có nhiều người ủng hộ. "Ngừng phát triển vũ khí thực sự là một cách chắc chắn để bắt đầu mọi đàm phán. Rất khó để có thể loại bỏ những vũ khí tồn tại, nhưng điều có thể được làm là ngăn cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn". Ông Jeffrey Lewis của Trung tâm James Martin cho biết như trên. 

Tuy nhiên, vì đây là ý tưởng của chính quyền Trump, nên có thể khiến điều này trở thành bất khả thi. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng tổng thống Biden có cân nhắc chiến thuật này không, ông Lewis cười và nói : "Tôi là một giảng viên, vì vậy tôi chuyên đưa ra những lời khuyên mà không ai sẽ thực hiện". 

Từ chối đàm phán 

Nhưng ngay cả khi chính quyền Biden có ý định làm như vậy, thì Kim Jong-un sẵn sàng đàm phán của năm 2019 khác xa so với Kim Jong-un của năm 2022. 

Ông Kim hiện đang tập trung vào kế hoạch hiện đại hóa quân đội trong 5 năm được công bố vào tháng 01/2021 và việc không nhận được lời đề nghị đàm phán nào từ chính quyền Biden hay những nước khác sẽ không làm thay đổi tình hình. 

Ankit Panda có cùng quan điểm với nhiều chuyên gia và một số nhà lập pháp Hoa Kỳ và Hàn Quốc khi cho rằng sẽ phải sống chung với một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong ít nhất vài thập niên tới. 

Phan Minh

**********************

Giới phân tích lo ngại học thuyết mới về hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Đức Tâm, RFI, 13/10/2022

Bị lãng quên đôi chút trong bối cảnh căng thẳng trên thế giới do Nga xâm lược Ukraine, Bắc Triều Tiên tìm cách quay trở lại bàn cờ địa chính trị thế giới bằng cách thông báo một "học thuyết" mới về hạt nhân và điều này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á. RFI giới thiệu bài viết của Philippe Pons, thông tín viên tại Tokyo, đăng trên báo Le Monde ngày 10/09/2022.

kim7

Ảnh do KCNA, hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên, công bố ngày 06/10/2022 về một cuộc tập trận, nhưng không ghi địa danh và thời điểm. AP

Tại Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc Hội) họp ngày 08/09/2022, trước ngày kỷ niệm 74 năm thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (CHDCND), lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã thông báo một đạo luật mới quy định việc Bắc Triều Tiên có lực lượng hạt nhân là điều "không thể đảo ngược được" và vũ khí hạt nhân có được sử dụng trong trường hợp bị "các thế lực thù địch tấn công, bằng vũ khí hạt nhân hay không". Lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói thêm : "Không có việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và chúng ta gạt bỏ mọi đàm phán về việc phi hạt nhân hóa".

Văn bản này quả thực là rõ ràng, nhưng cũng chỉ là nhắc lại nội dung tuyên bố của Kim Jong-un hồi tháng 07/2022. Lúc đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói sẵn sàng triển khai lực lượng răn đe hạt nhân trong trường hợp đối đầu với Mỹ và Hàn Quốc. Hàm ý tính chất "không thể đảo ngược được" của lực lượng hạt nhân cũng đã thể hiện trong Hiến pháp của Bắc Triều Tiên, được sửa đổi bổ sung hồi tháng 04/2012, coi CHDCND Triều Tiên là một "Nhà nước có vũ khí nguyên tử". Vào lúc đó, điều khoản mới trong Hiến pháp sửa đổi cũng đã loại trừ việc từ bỏ một vũ khí mà cho đến hiện nay Bắc Triều Tiên vẫn nói đó là một lực lượng răn đe.

"Học thuyết" mới về hạt nhân còn đi xa hơn, nêu ra 5 kịch bản, "biện minh" cho một cuộc tấn công phòng ngừa chống lại "các thế lực thù địch", trong đó, theo Bình Nhưỡng, có hai kịch bản "giai đoạn cuối các chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng vũ khí nguyên tử hoặc không" ; "mối đe dọa đang chuẩn bị các hoạt động" nhắm vào "các lãnh đạo Nhà nước" hoặc "bộ chỉ huy lực lượng hạt nhân" biện minh cho việc tự động sử dụng ngay lập tức vũ khí hạt nhân.  

Những rủi ro đánh giá sai lầm

Theo Chad O’Carroll, chuyên gia phân tích của trang mạng về Bắc Triều Tiên NK News, các quy định này, nhằm gây khó khăn cho Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong việc đánh giá những rủi ro của một hoạt động nào đó và nhờ vậy, làm giảm bớt khả năng hành động của Washington và Seoul, nhưng chứa đựng nhiều rủi ro đánh giá sai lầm của chính Bắc Triều Tiên. Vụ một máy bay B-52 của Mỹ có thể mang bom nguyên tử, bay qua lãnh thổ Bắc Triều Tiên năm 2013 hoặc tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại rất căng thẳng do các bên bắn tên lửa, như hồi năm 2017, về mặt lý thuyết, giờ đây, có thể coi là một trong những trường hợp biện minh cho việc đáp trả bằng vũ khí nguyên tử.

Tại Quốc Hội, Kim Jong-un nói rõ là "đối với CHDCND Triều Tiên, không có việc từ bỏ vũ khí nguyên tử và sẽ không thể có đàm phán về điểm này". Lập trường này cũng không có gì là mới mẻ cả nhưng được trình bày một cách rõ ràng và đi kèm với cam kết không tiến hành mở rộng phát triển vũ khí hạt nhân, có nghĩa là không chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các nước khác. 

Đối với Bình Nhưỡng, các cuộc thương lượng với Hoa Kỳ - bị đình chỉ từ cuộc gặp cuối cùng giữa Kim Jong-un và Donald Trump, ở Hà Nội, năm 2019 và cuộc gặp này đã thất bại – phải bao gồm một thỏa thuận chung về cân bằng lực lượng tại Đông Bắc Á, đi kèm với những bảo đảm lẫn nhau của các bên, chứ không phải chỉ bàn đến việc đơn phương gỡ bỏ lực lượng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Làm cho Washington chuyển biến lập trường

Cho dù chính quyền Biden tuyên bố sẵn sàng đàm phán mà không đòi hỏi các điều kiện tiên quyết, nhưng tổng thống Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường coi việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là mục tiêu tối hậu của các cuộc thương lượng. Khi tuyên bố rõ ràng rằng việc Bắc Triều Tiên có lực lượng hạt nhân là điều "không thể đảo ngược được", Kim Jong-un thử tìm cách thúc đẩy Washington có những chuyển biến trong khuôn khổ này. Bình Nhưỡng đã có các tuyên bố hùng hồn mới sau các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo, nhiều ở mức kỷ lục trong năm nay. Theo các chuyên gia phân tích Hàn Quốc, vụ thử hạt nhân lần thứ 7, được dự báo từ nhiều tháng nay, dường như đã phải lùi lại do Bắc Kinh phản đối, không muốn một sự kiện như vậy lại xẩy ra trước khi Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc ngày 16/10.

Bầu không khí xung đột giữa một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh và bên kia là Nga và Trung Quốc, đặt Bắc Triều Tiên vào một vị thế thuận lợi cho hoạt động leo thang mới. Cả Moskva cũng như Bắc Kinh dường như không sẵn sàng bỏ phiếu ở Hội Đồng Bảo An về các trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng – và áp dụng các trừng phạt hiện hành một cách kém sốt sắng hơn trước. Bắc Triều Tiên củng cố quan hệ với Trung Quốc và ngày càng phụ thuộc vào nước này kể từ khi Bình Nhưỡng tự cô lập do đại dịch Covid. Bắc Triều Tiên cũng tăng cường quan hệ với Nga. Sau khi ủng hộ Nga xâm lược Ukraine, Bắc Triều Tiên sẵn sàng cung cấp cho Nga các thiết bị pháo, được vận chuyển theo tuyến đường sắt vừa được mở lại, nối liền hai nước, rồi sau đó, qua tuyến đường sắt xuyên Sibéria.

Đức Tâm

************************

Bắc Triều Tiên bắn 2 "tên lửa hành trình chiến lược tầm xa"

Phan Minh, RFI, 13/10/2022

Hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên KCNA, được AFP trích dẫn hôm 13/10/2022, loan tin Bình Nhưỡng vừa bắn thử hai "tên lửa hành trình chiến lược tầm xa" trước sự chứng kiến của lãnh đạo Kim Jong-un. KCNA cho biết thêm rằng các tên lửa đó được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.

kim8

Một vụ thử tên lửa tại một địa điểm không được tiết lộ ở Bắc Triều Tiên, được chụp trong khoảng từ ngày 25/9 đến ngày 9/10. Ảnh do chính quyền Bắc Triều Tiên cung cấp ngày 10/10/2022. AP

Hai tên lửa hành trình, di chuyển ở độ cao thấp hơn so với tên lửa đạn đạo, đã bay được 2.000 km trên vùng Hoàng Hải trước khi tới mục tiêu.

Trong những tuần gần đây, đích thân ông Kim Jong-un đã giám sát một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo, được Bình Nhưỡng mô tả là các cuộc tập trận ''hạt nhân chiến thuật'' mô phỏng việc phá hủy các sân bay và cơ sở quân sự ở Hàn Quốc.

Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã bày tỏ "sự hài lòng" trước kết quả của các vụ thử và cho biết lực lượng tác chiến hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã "hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc chiến thực sự" và nói rằng các vụ thử tên lửa này là một lời "cảnh cáo" đối với các nước thù địch.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều gặp bế tắc từ lâu và cuộc xung đột ở Ukraine khiến Liên Hiệp Quốc không thể thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã gia tăng nỗ lực phát triển và thử nghiệm kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Cả Seoul và Washington đều đã cảnh báo từ nhiều tháng qua về nguy cơ Bình Nhưỡng sắp tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7.

Phan Minh

***********************

Bắc Triều Tiên khẳng định đã mô phỏng các cuộc "tấn công hạt nhân chiến thuật"

Thanh Phương, RFI, 10/10/2022

Hôm 10/10/2022, Bắc Triều Tiên khẳng định trong hai tuần qua đã tiến hành mô phỏng các cuộc "tấn công hạt nhân chiến thuật" dưới sự giám sát của đích thân chủ tịch Kim Jong-un, nhằm đáp lại "mối đe dọa quân sự" từ Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

kim9

Ảnh chính quyền Bắc Triều Tiên cung cấp hôm 10/10/2022 minh họa một vụ thử nghiệm tên lửa phóng từ một địa điểm không được nêu tên, trong khoảng thời gian từ 25/09 đến 08/10. AP

Từ hai tuần qua, chế độ Bình Nhưỡng đã bắn tổng cộng 7 tên lửa đạn đạo, trong đó có một tên lửa bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản lần đầu tiên từ năm 2017. 

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca tường trình:

"Sau khi giữ im lặng về 7 vụ bắn thử tên lửa trong vòng 15 ngày, Bắc Triều Tiên đã quyết định làm rõ ý định của họ khi biểu dương sức mạnh như vậy. Các vụ bắn thử này, dưới sự giám sát trực tiếp của chủ tịch Kim Jong-un, là nhằm gởi "một tín hiệu mạnh mẽ đến những kẻ thù hiện đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực". 

Nói cách khác, đó là cách Bình Nhưỡng đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn trong những ngày qua và cũng để thể hiện khả năng về vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Chế độ Kim Jong-un dường như đã mô phỏng các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật, với nhiều kịch bản khác nhau, chẳng hạn như vô hiệu hóa các sân bay và các hải cảng của Hàn Quốc, hay tấn công với độ chính xác cao vào những trung tâm chỉ huy chính của đối phương.

Về vụ bắn tên lửa ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, gây ồn ào, hôm 04/10, báo chí Nhà nước của Bắc Triều Tiên chỉ loan tin với đúng một dòng, rằng đây là "một lời cảnh cáo mạnh mẽ và rõ ràng với kẻ thù".

Lời cảnh cáo này cũng nhằm chứng tỏ với Hoa Kỳ và Hàn Quốc rằng Bắc Triều Tiên sẽ không lùi bước trước những hành động đáp trả cứng rắn về quân sự của hai đồng minh này. Đối với Kim Jong-un, Bình Nhưỡng không có lợi gì khi đối thoại với Seoul và Washington". 

Hôm nay, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố đã tiến hành mô phỏng "phối hợp tấn công trên không với quy mô lớn", huy động "hơn 150 phi cơ". Cuộc thao dượt này cũng được chủ tịch Kim Jong-un trực tiếp giám sát.

Nhiều chuyên gia và quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Bắc Triều Tiên đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để tiến hành một vụ thử hạt nhân đầu tiên từ 5 năm qua. AFP trích dẫn ông Ankit Panda, một nhà phân tích về an ninh ở Mỹ, nhận định: "Chắc chắn là họ muốn trang bị một vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tôi nghĩ là họ sẽ dần dần gắn đầu đạn nguyên tử vào nhiều tên lửa tầm ngắn mới".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, RFI tiếng Việt, Thanh Phương, Trần Công, Thu Hằng, Phan Minh, Đức Tâm
Read 650 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)