Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/04/2021

Thế trận Biển Đông : Tập Cận Bình tung thêm tàu chiến

RFI, RFA, VOA

Biển Đông : Một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể diễn ra như thế nào ?

Trọng Nghĩa, RFI, 27/04/2021

Trong thời gian gần đây, tình hình Biển Đông và vùng eo biển Đài Loan không ngừng nóng lên, với Quân Đội Trung Quốc liên tục thị uy, đe dọa các láng giềng, kéo theo phản ứng của Hoa Kỳ, thường xuyên cho tàu chiến và máy bay vào phô trương thanh thế trong khu vực. Các diễn biến đó làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, và ngày càng có nhiều kịch bản về một cuộc chiến Mỹ-Trung được đưa ra.

biendong1

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz phối hợp hành động trên Biển Đông ngày 09/02/2021.  USS Nimitz (CVN 68) - Petty Officer 3rd Class Elliot S

Trang mạng Bloomberg của Mỹ ngày 25/04/2021 đã đăng ý kiến của một người có thể gọi là "trong cuộc", cựu đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis, từng là tư lệnh tối cao của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Là người đã phục vụ nhiều năm trong Hải quân Mỹ ở miền Tây Thái Bình Dương, đã theo dõi đà vươn lên của Hải quân Trung Quốc, trong bài "Bốn cách thức mà một cuộc chiến tranh trên biển Mỹ-Trung có thể diễn ra – "Four Ways a China-U.S. War at Sea Could Play Out", cựu đô đốc Stavridis đã cho rằng điểm nóng dễ có khả năng bùng nổ nhất là Đài Loan, nhưng xung đột cũng có thể xảy ra ở Biển Hoa Đông, Biển Đông hoặc Ấn Độ Dương.

Hải quân Trung Quốc giờ đây đã trở thành đáng ngại

Mở đầu bài viết của mình, cựu đô đốc Mỹ trước hết ghi nhận đà vươn lên đáng ngại của Quân Đội, và đặc biệt là Hải quân Trung Quốc, từ một lực lượng không có gì đáng nói vào những năm 1970, đã trở thành một "đối thủ ngang hàng" với Hoa Kỳ, ít ra là trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc.

Tác giả ghi nhận : "Vào giữa những năm 1970, tôi ra khơi với tư cách là một người lính trẻ, lần đầu tiên xuất quân sau khi tốt nghiệp Học Viện Hải quân Hoa Kỳ. Từ San Diego (bang California), chúng tôi đi về phía tây trên một khu trục hạm lớp Spruance hoàn toàn mới. Là một thủy thủ thời Chiến Tranh Lạnh, tôi vô cùng thất vọng khi tàu của tôi không đi vào vùng biển phía bắc Đại Tây Dương để thách thức hạm đội Liên Xô rất nổi tiếng. Thay vào đó, hành trình kéo dài sáu tháng của chúng tôi tập trung vào vùng biển phía tây Thái Bình Dương, những khu vực ngoài khơi miền bắc nước Úc, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan.

Trong ký ức của chúng tôi vào thời xa xưa ấy là một mối đe dọa nghiêm trọng từ phía Trung Cộng (theo cách gọi của chúng tôi lúc đó). Vào khi ấy, Trung Quốc có một lực lượng hải quân ven biển có năng lực, nhưng chiến hạm hay chiến đấu cơ của lực lượng mang một cái tên kỳ lạ là Hải quân Giải Phóng Quân Nhân Dân không hề là một đối thủ đáng kể.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi đáng kể. Trong suốt sự nghiệp hải quân của mình, tôi đã theo dõi Trung Quốc cải thiện một cách từ từ, tỉ mỉ và khôn khéo mọi khía cạnh của lực lượng hải quân của họ. Đà cải thiện đã gia tăng tốc đáng kể trong thập kỷ qua, khi Trung Quốc gia tăng số lượng tàu chiến tối tân, triển khai đội tàu này ra khắp khu vực và xây dựng các đảo nhân tạo để làm căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Trung Quốc hiện là một đối thủ ngang hàng của Hoa Kỳ ở những vùng biển đó, và điều này hàm chứa những rủi ro thực sự".

Tác giả ghi nhận bốn "điểm nóng" trên biển riêng biệt, nơi hải quân Trung Quốc có thể mở một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác của Mỹ : Eo biển Đài Loan ; Nhật Bản và Biển Hoa Đông ; Biển Đông ; và các vùng biển xa hơn xung quanh các nước láng giềng khác của Trung Quốc, bao gồm Indonesia, Singapore, Úc và Ấn Độ.

Biển Đông : Hải quân nhiều nước chen chúc bên nhau

Về hiện trạng Biển Đông, cựu đô đốc Stavridis ghi nhận sự hiện diện đông đảo của chiến hạm các nước bên cạnh đám đông tàu cá, tàu buôn, tàu dầu, giàn khoan dầu khí trong một tuyến đường thủy bận rộn, vận chuyển gần 40% lượng hàng gởi bằng đường biển của thế giới.

Ngoài chiến hạm của Mỹ và Trung Quốc, còn có tàu thuyền của các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương khác, bao gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng duy trì sự hiện diện quân sự, chưa kể đến chiến hạm đến từ Pháp, Đức, Anh - cũng thường xuyên triển khai ở đó.

Tình hình Biển Đông đã trở thành căng thẳng do các yêu sách chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển.

Bắc Kinh là bên đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Dựa vào các chuyến đi của đô đốc Trịnh Hòa từ những năm 1600, Trung Quốc ngay từ những năm 1940 đã vạch ra cái mà họ gọi là "Đường Chín Đoạn", một ranh giới trên biển mà họ dùng để "duy trì sự hư cấu về chủ quyền". Yêu sách đó đã bị hầu hết các quốc gia khác trong khu vực tranh chấp (nhiều nước trong số này còn có yêu sách chồng chéo và cạnh tranh không chỉ với Trung Quốc, mà còn cả với nhau). Một tòa án quốc tế đã bác bỏ phần lớn yêu sách của Trung Quốc vào năm 2016.

Bắc Kinh đòi trọn Biển Đông, Mỹ công khai thách thức

Với chiến lược lâu dài là củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông, Trung Quốc đã cho bồi đắp các đảo nhân tạo, chủ yếu nằm ở các khu vực có các mỏ dầu khí đầy hứa hẹn ở vùng phía nam Biển Đông và xung quanh quần đảo Trường Sa, vốn đang bị tranh chấp giữa một số quốc gia.

Có bảy hòn đảo nhân tạo đã hoàn thành, tất cả đều được quân sự hóa, một số có sân bay, và không ai nghĩ Bắc Kinh sẽ dừng lại ở đó.

Đối với Hoa Kỳ, ở những vùng biển Châu Á, trong đó có Biển Đông, giá trị tối quan trọng cần bảo vệ là quyền tự do hàng hải. Trung Quốc tin chắc rằng theo thời gian, Mỹ sẽ nhân nhượng thay vì đối đầu, nhưng Hoa Kỳ đã cho thấy rõ ý định khi càng lúc càng tăng số lượng các cuộc tuần tra "tự do hàng hải".

Trung Quốc đã phản đối các hoạt động của Hoa Kỳ và đôi khi cử tàu của họ ra thách thức chiến hạm Mỹ. Cho đến nay, hai bên vẫn giữ bình tĩnh và không có sự cố lớn nào xảy ra. Thế nhưng cả hai nước đều có các kế hoạch chiến tranh được diễn tập kỹ lưỡng trong trường hợp có xung đột thực sự nổ ra trên Biển Đông.

Trung Quốc dùng 3 mũi giáp công, Mỹ tiền pháo hậu xung

Trong kịch bản này, Trung Quốc sẽ có ba mũi tấn công : Trên biển, họ sẽ tung các chiến hạm mạnh (tàu khu trục, tàu hộ tống...) tràn ngập khu vực, sử dụng đến các loại tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel và điện ; từ các căn cứ trên đất liền họ sẽ bắn tên lửa hành trình siêu thanh và tên lửa đạn đạo vào các đội tàu Mỹ ; và sẽ cố gắng vô hiệu hóa các vệ tinh cũng như các hệ thống chỉ huy và kiểm soát hàng hải của Mỹ bằng các cuộc tấn công mạng.

Về phía Hoa Kỳ, tương tự như những gì mà họ có thể làm trong một cuộc xung đột về Đài Loan hoặc trên Biển Hoa Đông, Mỹ sẽ đáp trả bằng lực lượng không quân tầm xa xuất phát từ đảo Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc, được trang bị tên lửa hành trình và bom dẫn đường chính xác. Các mục tiêu chính sẽ là tàu chiến Trung Quốc và các căn cứ trên đảo nhân tạo của họ.

Sau khi các máy bay này hoàn tất việc làm tiêu hao khả năng tấn công của Trung Quốc, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ thận trọng tiến vào Biển Đông, sử dụng càng nhiều không gian biển càng tốt để nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa và phòng không trên đất liền của Trung Quốc.

Cả hai bên tuy nhiên sẽ cố gắng tránh leo thang chiến tranh quá đà, vì lẽ một cuộc tấn công kết thúc bằng việc phá hủy các căn cứ và cơ sở hạ tầng trên đất liền của Trung Quốc sẽ gây nên một phản ứng dữ dội. Điều đó thậm chí có thể khiến Trung Quốc trả đũa Hoa Kỳ.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 27/04/2021

*************************

Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh sẽ đến khu vực Châu Á

RFA, 26/04/2021

Vào tháng 5, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ đến khu vực Châu Á bao gồm hoạt động tại Biển Đông và ghé nhiều nước gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

biendong2

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ đến Châu Á vào tháng 5. Courtesy of Thesun

Thông tin trên được hãng tin AP đưa vào ngày 26/4 và được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào cùng ngày.

Theo tin, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ lên đường cùng với 8 tàu tiêm kích trên boong, cùng sáu hộ tống hạm, một tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, 14 trực thăng và một đại đội thủy quân lục chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh - Ben Wallace cho biết sứ mệnh sắp tới nhằm thể hiện rằng Anh "không bước lùi mà lại tiến thẳng đến việc đóng vai trò chủ động trong định hình hệ thống thế giới".

Đây được coi là sự tập trung sức mạnh hải quân và không quân lớn nhất nhằm thể hiện chính sách của Anh về việc tăng cường sự hiện diện của mình ở Châu Á.

Dự kiến chuyến điều động của nhóm tác chiến tàu sân bay này kéo dài khoảng 6 tháng và các tàu sẽ ghé thăm hơn 40 nước.

Trước đó, hôm 21/4, khinh hạm HMAS Anzac và tàu tiếp liệu HMAS Sirius của Hải quân Hoàng gia Úc cũng đã có cuộc tập trận chung ở Biển Đông cùng với Hải quân Pháp. Phía Pháp đã cử tàu sân bay trực thăng LHD Tonnerre có khả năng đổ bộ binh lính và thiết giáp cùng với khinh hạm lớp La Fayette mang tên Surcouf (F711).

Chiến hạm của Úc và Pháp được cho là đã làm việc và huấn luyện cùng nhau trong vài tuần trên khắp Đông Nam Á và Đông Bắc Ấn Độ Dương. Đặc biệt, hai chiến hạm Pháp có kế hoạch ghé 10 cảng trong đó có 2 lần quá cảnh Biển Đông và ghé thăm 2 cảng của Việt Nam trong đó có cảng Cam Ranh.

Cùng với đó hôm 26/4, tại cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trước thềm cuộc họp các lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi Indonesia và Việt Nam cần kết thúc các cuộc đàm phán đang diễn ra về việc phân định ranh giới trên biển giữa các vùng đặc quyền kinh tế của hai nước ở biển Đông để tránh sự cố ở vùng biển này.

Tại đây, Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về đặc quyền kinh tế vốn đã và đang diễn ra trong 11 năm.

************************

Hạ thủy tàu Trường Chinh, Hải Nam và Đại Liên, Chủ tịch Tập gửi ra thông điệp gì ?

BBC, 26/04/2021

Hôm 24/04/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân tới đảo Hải Nam dự lễ hạ thủy cùng lúc ba chiến hạm Trung Quốc, chỉ dấu nhà lãnh đạo tối cao chú tâm đến các vấn đề hải quân.

biendong3

Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân tới căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam dự lễ hạ thủy cùng lúc một tàu ngầm nguyên tử, một khu trục hạm và một chiến hạm đổ bộ

Cùng lúc, có các đánh giá liệu có hay không một xung đột hải-lục-không quân xảy ra quanh Đài Loan hay tại vùng Trường Sa trong tương lai gần.

Căng thẳng Biển Đông vẫn không giảm nhưng đã xuất hiện nhận xét của giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng các cứ điểm nhân tạo ở gần Trường Sa "rất khó bảo vệ" nếu bị tấn công.

Tên lửa từ tàu ngầm nguyên tử nhắm vào đâu ?

Chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ hạ thủy tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh, khu trục hạm Đại Liên, và tàu đổ bộ Hải Nam, với sự tham gia của 2.400 người, được truyền hình Trung Quốc đưa tin trên cả nước.

Dù Hải quân Quân Giải phóng (PLA Navy) không công bố chi tiết kỹ thuật về ba chiếc tàu mới, giới quan sát nước ngoài ghi nhận một số điểm quan trọng :

-            Tàu Trường Chinh (Changzheng 18 - mang tên cuộc hành quân gian khổ thời Mao) là tàu ngầm nguyên tử Type 09IV chở tên lửa đạn đạo ;

-            Tàu Đại Liên (Dalian) là chiếc khu trục hạm thứ ba của Trung Quốc thuộc Type 055, trọng tải 10 nghìn tấn ;

-            Tàu Hải Nam là chiếc tàu đổ bộ đầu tiên Type 075 của Trung Quốc, với thiết kế để chiếm đảo của đối phương.

Hoàn cầu Thời báo viết rằng tàu Đại Liên "ưu việt hơn các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ, và chiếc Hải Nam chở được trực thăng vũ trang và xe tăng.

Năm 2019, các tàu Type 055 và 052D đã trở thành lực lượng nòng cốt của hải quân Trung Quốc.

Một đánh giá của giới quan sát nói về lý thuyết, tàu Type 055 của Trung Quốc được coi là tàu khu trục mạnh thứ nhì thế giới, chỉ sau tàu DDG-1000, tức tàu lớp Zumwalt, của hải quân Hoa Kỳ, và có kích thước to lớn giống với tàu tuần dương hơn là tàu khu trục.

biendong4

Một chiếc khu trục Type 055 của Trung Quốc, thuộc hạng mạnh thứ nhì thế giới

Hai chiếc này sẽ cùng hàng không mẫu hạm tập thành tiểu hạm đội, lực lượng tấn công tương đương 'task group' của Mỹ và đủ khả năng "phòng không, chống hỏa tiễn, chống ngầm, và năng lực đổ bộ".

Tuy thế, các báo quốc phòng chú ý lời lẽ của quan chức Trung Quốc lần đầu nhắc rõ đến "năng lực răn đe hạt nhân" của tàu ngầm nguyên tử mà họ sở hữu.

Gần đây nhất, quan chức quốc phòng Hoa Kỳ nói về cán cân lực lượng bằng số hỏa tiễn nguyên tử Mỹ - Trung.

Không rõ vì lý do gì, tại buổi lễ đông đảo quan khách, Hải quân Trung Quốc cho mở cửa nắp (hatch) của chiếc tàu ngầm nguyên tử đời mới.

Trong khi báo Trung Quốc ca ngợi công nghệ lặn ngầm giảm tiếng động và độ chính xác của tên lửa mà tàu Trường Chinh đã có, giới quan sát nói để tàu ngầm mở cửa nắp trước công chúng là điều khác thường.

Phải chăng Trung Quốc có vẻ muốn tỏ ra độ tự tin của Hải quân Quân Giải phóng ?

Trang NavalNews viết tàu ngầm Trung Quốc đã được trang bị hỏa tiễn đạn đạo chiến lược xuyên lục địa (JL-2 SLBM), với tầm tác xạ 7.400 km.

Báo Đài Loan trích giới chuyên gia cho rằng tàu Trường Chinh có thể bắn tên lửa đạn đạo từ Biển Đông tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Đài Loan hay Biển Đông ?

NavalNews nói phía Trung Quốc đã công khai về khả năng dùng tàu đổ bộ vào chiến dịch tương lai đánh Nam Sa, Đông Sa và Bành Hồ, cũng như đảo Đài Loan, khi cần.

Nam Sa là tên Trung Quốc gọi Trường Sa.

Trong khi đó, trang The Australian nói lễ hạ thủy ba tàu chiến Trung Quốc gọi là "đẳng cấp quốc tế" là thông điệp nhắm vào Đài Loan.

Trang The Times ở Anh cũng nêu nhận xét tương tự.

Đầu tháng 12/2020, tờ South China Morning Post (06/12/2020) và các báo quốc tế trích một tạp chí chuyên ngành Trung Quốc nói việc bảo vệ các đảo nhân tạo xây ở Biển Đông là rất khó khăn.

Tạp chí Hạm thuyền Tri thức (船知识杂志 - Jianchuan Zhishi) đặt vấn đề ứng cứu cho các đảo nhân tạo sẽ không dễ dàng khi bị tấn công.

"Các đảo nhân tạo có ưu thế đặc biệt để đảm bảo chủ quyền của Trung Quốc và duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng đại dương, nhưng chúng có bất lợi về tự vệ".

Nếu bị tấn công, lấy ví dụ Đá Thập tự (Fiery Cross Reef - Vĩnh Thử), nằm cách Tam Á 1000 km, sẽ cần tiếp tế của tàu chiến đi từ Hải Nam, và phải mất ít nhất 20 giờ mới tới được, theo tạp chí Trung Quốc.

Các điểm này cũng "dễ bị tấn công từ nhiều hướng" vì nằm ngay trục lộ của hàng hải quốc tế.

Cùng lúc, giới chức Mỹ - Úc nêu các ý kiến khác nhau về khả năng xung đột ở Eo biển Đài Loan.

Hồi tháng 3/2021, Đô đốc Mỹ Philip Davidson cảnh báo Trung Quốc "có thể tấn công Đài Loan trong vòng sáu năm tới".

Tuy thế, có ý kiến khác nói khả năng vận chuyển cả triệu quân qua eo biển rộng 160 km, chỉ có thời tiết tốt trong vài tuần vào tháng 4 và 10, sẽ đặt ra những thách thức lớn cho Trung Quốc.

Một là yếu tố bất ngờ sẽ không có nếu Trung Quốc phải cần 1-2 năm để chuẩn bị đánh Đài Loan.

Hai là hàng nghìn tàu thuyền qua biển chuyển quân sẽ dễ trở thành mục tiêu bị tấn công từ trên không, trên biển và dưới ngầm.

Đây vẫn là các vấn đề Tanner Greer nêu ra tháng 9/2018, trong bài trên Foreign Policy, đặt câu hỏi về khả năng chiến thắng của Trung Quốc trước các thách thức hậu cần, quân sự nghiêm trọng.

Tác giả này còn nêu ý rằng 'Đài Loan có thể thắng cuộc chiến với Trung Quốc' nếu biết phòng thủ tốt.

Thế nhưng, việc Trung Quốc có đánh hay không các vị trí của Đài Loan ở ngoài khơi, gồm cả đảo Thái Bình (Việt Nam gọi là Ba Bình) ở Trường Sa, hay Đông Sa (Pratas) là điều đang được chú ý.

Ba tàu mới "ra lò", và nhiều tàu nữa đang sắp được hoàn tất chắc chắn sẽ tăng sức mạnh của Hải quân TQ, bất kể đối thủ của họ là ai.

Nguồn : VOA, 26/04/2021

**********************

Biển Đông : Trung Quốc tăng cường lực lượng Hải quân bằng ba tàu chiến mới

Trọng Nghĩa, RFI, 25/04/2021

Nhân kỷ niệm 72 năm thành lập Hải quân, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/04/2021 đã đến Hải Nam chứng kiến ​​việc đưa 3 tàu chiến mới vào hoạt động, trong đó có một tàu đổ bộ và chở trực thăng cỡ lớn. Sự hiện diện của các phương tiện tấn công mới này tại Biển Đông sẽ gia tăng các mối đe dọa nhắm vào Mỹ cũng như các láng giềng Châu Á của Trung Quốc.

biendong5

Tàu đổ bộ tấn công Type 075, mang tên "Hải Nam", có khả năng chở 30 trực thăng và hàng trăm binh sĩ, với lượng giãn nước 40.000 tấn

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Les Echos, đáng chú ý nhất trong ba chiếc tàu vừa được giao cho Hải quân Trung Quốc là tàu đổ bộ tấn công Type 075, mang tên "Hải Nam", có khả năng chở 30 trực thăng và hàng trăm binh sĩ, với lượng giãn nước 40.000 tấn. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng chính thức đưa khu trục hạm "Đại Liên" Type 055 vào hoạt động, và một tàu ngầm hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo "Trường Chinh 18" Type 094.

Theo Les Echos, tàu chở trực thăng Hải Nam, thuộc loại tàu đổ bộ tấn công lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay, sẽ nâng cao đáng kể năng lực tấn công của quân đội Trung Quốc trong một khu vực thường xuyên có những căng thẳng gay gắt với các nước láng giềng, dù đó là vùng eo biển Đài Loan hay Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với Việt Nam và Philippines.

Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng tàu Hải Nam được biên chế cho Chiến Khu Nam Bộ, nhưng chủ yếu sẽ được sử dụng ở Biển Đông.

Cũng trên South China Morning Post, ông Collin Koh, chuyên gia về Hải quân thuộc trường S. Rajaratnam ở Singapore thì khi bố trí tàu Hải Nam vào lực lượng của Chiến Khu Nam Bộ, Bắc Kinh muốn gởi một tín hiệu đe dọa tới các nước láng giềng về năng lực "đánh chiếm một thực thể ở Biển Đông hay đổ bộ lên Đài Loan".

Trọng Nghĩa

**********************

Trung Quốc hạ thủy ba tàu chiến hiện đại bổ sung vào hạm đội tàu ở Biển Đông

RFA, 25/04/2021

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc hôm 25/4 cho biết hải quân nước này vừa hạ thủy ba tàu chiến hiện đại bao gồm một tàu đổ bộ cỡ lớn, bổ sung vào hạm đội tàu ở Biển Đông.

biendong6

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia tập trận ở Tây Thái Bình Dương hôm 18/4/2018 - Reuters

Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin cho biết, lễ hạ thủy được tổ chức ở cảng Tam Á thuộc đảo Hải Nam hôm 23/4 vừa qua với sự có mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trang tin ANI news trích bình luận của những nhà quan sát quân sự cho rằng, các tàu mới có thể được triển khai đến gần Đài Loan, và có thể gây lo ngại cho các nước đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng cộng sản Trung Quốc cho biết ba tàu mới được hạ thủy bao gồm : tàu đổ bộ Type 075 đầu tiên của nước này, một khu trục hạm cỡ lớn và một tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Theo The South China Morning Post, việc hạ thủy tàu mới của Trung Quốc diễn ra vào khi Hải quân nước này kỷ niệm 72 năm ngày thành lập.

Hiện hải quân Trung Quốc có số lượng tàu lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc có 36 tàu và tàu ngầm bao gồm hơn 130 tàu tác chiến mặt nước, trong khi Hoa Kỳ có 297 tàu, theo số liệu thống kê năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo Trung tâm An ninh Biển Quốc tế, tổng cộng trọng tải các tàu của Mỹ là 4,6 triệu tấn trong khi của Trung Quốc là 2 triệu tấn, tính đến năm 2019. Con số này khiến Hải quân Hoa Kỳ vẫn đứng trên Hải quân Trung Quốc về sức mạnh.

Nguồn : RFA, 25/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, RFA tiếng Việt, BBC tiếng Việt
Read 735 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)