Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/06/2017

Mỹ đang xoay trục về Đông Nam Á ?

RFI tiếng Việt

Tuần tra Biển Đông : Mỹ sẽ nói ít, làm nhiều (RFI, 20/06/2017)

Kể từ tháng 10/2015, Hải quân Mỹ có nhiều cuộc tuần tra hải quân để bảo vệ quyền tự do hàng hải (gọi tắt là FONOP) ở Biển Đông, chống lại tham vọng của Bắc Kinh độc chiếm vùng biển này. Bắc Kinh phản ứng dữ dội trước mỗi cuộc tuần tra áp sát một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và kiểm soát, vốn thường được đưa tin rộng rãi.

bd1

Chiến hạm Mỹ USS Dewey đi qua Biển Đông ngày 06/05/2017 - Kryzentia Weiermann/Courtesy U.S. Navy/Handout via REUTERS

Một số diễn biến gần đây cho thấy chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump dường như đang điều chỉnh chính sách : nói ít hơn và làm nhiều hơn. Cụ thể là gia tăng các hoạt động tuần tra nhằm bình thường hóa sự hiện diện của Hải quân Mỹ trên toàn bộ vùng biển này, nhưng hạn chế quảng bá.

Theo Reuters, hôm 15/06/2017, chiếm hạm Mỹ USS Sterett đã ghé thăm cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, căn cứ thuộc Hạm Đội Nam Hải, có nhiệm vụ kiểm soát Biển Đông. Phát biểu với báo giới trên chiếc tàu chiến này, tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương Mỹ, đô đốc Scott Swift, đã hoan nghênh một diễn biến mới đây mà ông cho là "rất tích cực" trong chính sách Biển Đông của Washington : Đó là giảm thông tin, quảng bá về các hoạt động tuần tra tại Biển Đông.

Chuyến viếng thăm của tư lệnh Mỹ diễn ra chỉ ba tuần sau chuyến tuần tra FONOP của tàu chiến Mỹ USS Dewey trong phạm vi "12 hải lý" của Đá Vành Khăn (Mischief Reef), quần đảo Trường Sa. Tư lệnh Scott Swift đã từ chối trả lời các câu hỏi về các hoạt động của tàu USS Dewey.

Dưới thời Obama, các đợt tuần tra tại Biển Đông đã được quảng bá rộng rãi. Trang mạng chuyên về thời sự chính trị Châu Á The Diplomat nhấn mạnh đến việc nhiều tin tức rò rỉ ra ngoài trước ba cuộc tuần tra.

Về tương lai của các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải, lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương nhấn mạnh là các hoạt động tuần tra tại Biển Đông không những vẫn sẽ tiếp tục như chiến lược đã được vạch ra dưới thời tổng thống tiền nhiệm Obama, mà còn gia tăng về mức độ. Dự kiến Hải quân Mỹ sẽ hiện diện tại Biển Đông hơn 900 ngày, trong năm 2017, so với con số trung bình tổng cộng 600 đến 700 ngày/năm.

Về sự thay đổi nói trên, báo Anh Financial Times dẫn lời bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Center for Strategic and International Studies, có trụ sở tại Washington. Theo chuyên gia này, việc Washington quảng bá rộng rãi về các cuộc tuần tra trong giai đoạn khởi đầu chiến dịch trong hai năm 2015 và 2016 một phần là để trấn an các đồng minh trong khu vực, trong khi đó, chiến dịch FONOP hiện nay đã trở thành một nhiệm vụ bình thường, không còn cần "thảo luận" nữa.

Chuyên gia về an ninh quốc tế cũng lưu ý là các cuộc tuần tra FONOP của Hoa Kỳ đã diễn ra từ nhiều thập kỷ nay, và không chỉ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Bài bình luận "Hải quân Mỹ duy trì hiện diện tại Biển Đông", trên The Diplomat, dẫn lại bản báo cáo thường niên của bộ Quốc Phòng Mỹ, theo đó FONOP là một chương trình bảo vệ luật pháp quốc tế trên biển trên phạm vi toàn cầu, chứ không phải chỉ nhắm riêng vào Trung Quốc. Riêng tại Biển Đông, hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của Hải quân Mỹ là trên toàn khu vực, chứ không chỉ riêng tại một số đảo đá nhân tạo mà Trung Quốc đang nỗ lực quân sự hóa.

Việc điều chỉnh chính sách nói trên của Hoa Kỳ cho thấy Washington vừa kiên quyết trong chính sách bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, chống tham vọng độc chiếm của Bắc Kinh, nhưng cũng vừa duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, bất chấp các căng thẳng chính trị. Chuyến công du Trung Quốc ba ngày của tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương là chuyến viếng thăm đầu tiên của một chiến hạm Hoa Kỳ tại Trung Quốc kể từ tháng 8/2016, và cũng là chuyến thăm đầu tiên dưới thời tổng thống Donald Trump.

Trọng Thành

********************

Sĩ quan ASEAN thị sát Biển Đông trên tàu chiến Nhật (RFI, 20/06/2017)

Các sĩ quan 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) có chuyến thăm Biển Đông trên chiếc tàu chiến hiện đại nhất của Nhật Bản, tàu chở trực thăng Izumo. Đây là một dấu hiệu mới cho thấy Tokyo sẵn sàng đóng vai trò hậu thuẫn các nước ASEAN, đối trọng lại tham vọng của Bắc Kinh.

bd2

Tàu chở trực thăng Nhật Bản Izumo tại căn cứ Yokosuka, Kanagawa. (Ảnh ngày 06/12/2016) KAZUHIRO NOGI / AFP

Reuters dẫn nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho hay, sĩ quan 10 nước ASEAN lên tàu Izumo khởi sự chuyến thăm Biển Đông từ Singapore, kể từ hôm qua, 19/06/2017. Một giới chức quốc phòng Nhật cho biết "đây là lần đầu tiên" Tokyo thực hiện một chuyến du hành như vậy. Song song với hoạt động này, một số đại diện quốc phòng các nước ASEAN có chuyến đi Nhật ba ngày, tham dự vào các hoạt động cứu nạn của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản.

Các sự kiện nói trên cho thấy mức độ hợp tác ngày càng mạnh mẽ hơn giữa Tokyo và các nước Đông Nam Á về mặt quốc phòng, vốn rất mờ nhạt trước đây. Nhật Bản tin tưởng ở vị trí thuận lợi hơn Hoa Kỳ, trong việc thu hút sự hợp tác của các nước Đông Nam Á, chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.

Hồi tuần trước, Nhật Bản đã tổ chức một cuộc thảo luận về công nghệ quân sự với các đại diện của Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonessia, Malaysia và Singapore.

Học giả Trung Quốc phản đối Nhật Bản hỗ trợ tuần duyên Việt Nam

Trước các hoạt động hợp tác gia tăng giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hoa Kỳ, tại Trung Quốc có nhiều phản ứng bất đồng. Báo chí Châu Á hôm qua dẫn ý kiến của một học giả Trung Quốc, ông Li Kaisheng, viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, cho rằng khi hỗ trợ Việt Nam tăng cường lực lượng tuần duyên, Nhật Bản có ý đồ "kích động Việt Nam đối đầu với Trung Quốc" tại Biển Đông.

Trong chuyến công du Nhật Bản mới đây, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ký 43 thỏa thuận đầu tư với Nhật, với tổng trị giá 22 tỉ đô la. Hỗ trợ tuần duyên là một phần quan trọng trong hợp tác song phương. Tokyo cam kết trợ giúp 530 triệu đô la để giúp Việt Nam hiện đại hóa các tàu tuần duyên, cũng như tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên Việt Nam.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 781 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)