Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/06/2023

Điểm báo Pháp - Trung Quốc đàn áp để xóa ký ức Thiên An Môn

RFI tiếng Việt

Đối lập mơ nước Nga không còn Putin, Trung Quốc đàn áp để xóa ký ức Thiên An Môn

Libération hôm nay 06/06/2023 dành trang nhất và hồ sơ cho nhà đối lập Vladimir Kara-Murza, với lá thư viết từ ngục tù, kêu gọi "một nước Nga được giải phóng khỏi Putin". Trên chiến trường, Ukraine tiếp tục các hoạt động quân sự nhưng vẫn mập mờ về thời điểm phản công. Ở Châu Á, Le Monde nhận thấy "Tại Hồng Kông, kỷ niệm về vụ đàn áp Thiên An Môn không còn được dung thứ".

mo1

Một phụ nữ cầm hoa giấy bị cảnh sát bắt giữ tại trung tâm thành phố ở Hồng Kông ở gần địa điểm tưởng niệm ngày 04/06/2023, trong dịp kỷ niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn. Reuters – Tyrone Siu

Đòn thăm dò của Ukraine, hay đã bắt đầu phản công ?

Liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, các báo đều quan tâm đến việc Kiev gia tăng các hoạt động chuẩn bị cho cuộc phản công để giành lại những vùng đất bị quân Nga chiếm. Le Figaro tóm tắt, sáng hôm qua, Bộ quốc phòng Nga loan báo đẩy lùi được cuộc tấn công quy mô vào 5 địa điểm ở tây nam Donetsk. Theo thủ lãnh Wagner, Yevgeny Prigozhin, lực lượng Ukraine đã chiếm thêm đất ở phía bắc và tây nam Bakhmut. Về phía Kiev xác nhận "có những hoạt động tấn công" nhưng giảm nhẹ tầm cỡ. Thứ trưởng quốc phòng Hanna Malyar nói rằng "Bakhmut vẫn là trung tâm, chúng tôi tiến lên trên một mặt trận khá rộng và giành chiến thắng".

Trước đó, hôm 27/05, tướng Valery Zaluzhnyi, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine tuyên bố : "Đã đến lúc tái chiếm những gì thuộc về chúng ta". Trả lời Wall Street Journal, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định quân đội đã sẵn sàng, và nói thêm có thể tiến hành theo nhiều cách. Hôm Chủ nhật, Bộ quốc phòng Ukraine phổ biến một video trong đó các chiến binh kêu gọi không nên nói gì về cuộc phản công, và cho biết sẽ không loan báo thời điểm khởi đầu.

Tại vùng biên giới, hai nhóm chiến binh Nga chống Putin và một đơn vị tình nguyện Ba Lan đã gia tăng quấy nhiễu Belgorod. Cuối tuần qua, những đợt oanh kích vào Shebekino, thành phố Nga 40.000 dân cách biên giới hơn một chục cây số làm hư hại nhiều tòa nhà, bốn người thiệt mạng, hàng ngàn người sơ tán. Binh đoàn Nước Nga Tự Do và Binh đoàn Tình nguyện Nga xâm nhập làng Novaya Tavolzhanka, cho biết đã bắt hơn một chục lính Nga và sẵn sàng trao đổi. Những vụ đột kích ngắn này nhằm gieo hoang mang nơi dân chúng, đồng thời buộc quân Nga phải rút về canh giữ biên giới.

F-16 : Kiev cần thêm thời gian

Nhà phân tích Joseph Henrotin ghi nhận : "Ukraine thổi phồng giả tạo những kilomet vùng tiếp xúc cần giám sát, càng làm tăng thêm thế lưỡng nan" cho Nga. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng Moskva vẫn chưa biết phải đáp trả cách nào. Trong ván bài tẩy này, khó thể biết được những hoạt động thăm dò của quân đội Ukraine có phải là khởi đầu của cuộc phản công hay không, hay chỉ là tiếp tục "shaping", chuẩn bị chiến trường.

Les Echos dẫn lời Alexander Kots, một blogger quân sự Nga trung thành với Kremlin cho biết các trận đánh diễn ra từ tờ mờ sáng ở Vugledar, phía nam Donetsk, và cả ở phía bắc ngoại vi Soledar và Bakhmut. Người này cho rằng không phải là cuộc tấn công lớn, vì Ukraine chưa điều đến những lực lượng chính.

Về phương tiện, Le Figaro tìm hiểu "Làm thế nào Không quân Ukraine chuẩn bị tiếp nhận chiến đấu cơ F-16". Có 50 phi công đã được chọn để huấn luyện, nhưng không cùng lúc vì nhiều người đang phục vụ ở mặt trận. Họ đã chuẩn bị hành lý, chỉ chưa biết nơi đến. Đan Mạch, Anh, Hà Lan đề nghị cho mượn căn cứ, người Mỹ cung cấp huấn luyện viên. Hồi tháng 3, hai phi công Ukraine đã được mời đến Hoa Kỳ để xác định thời gian điều khiển được F-16 cũng như phối hợp với các chiến đấu cơ khác. Nếu phi công cần được huấn luyện bốn tháng, các kỹ thuật viên bảo trì cần ít nhất 133 ngày, và đi kèm với F-16 là cả một "hệ sinh thái".

Ưu tiên kết nạp Ukraine vào EU ? Pháp-Đức bất đồng

Trong khi đó, việc mở rộng Liên Hiệp Châu Âu (EU) được bàn đến trong cuộc gặp tay đôi giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Đức tối nay ở Postdam. Tại Bratislava tuần trước, ông Emmanuel Macron đã có một bước ngoặt quan trọng, đặt cơ sở cho việc kết nạp nhanh chóng Ukraine, Moldova, các nước Balkan vào EU. Macron cho rằng lúc Nga tiếp tục chiến tranh, gia tăng áp lực lên sườn phía đông Châu Âu, thì không nên để tồn tại một vùng xám.

Le Figaro nhắc lại, mới cách đây một năm, Emmanuel Macron còn nhấn mạnh trước Nghị Viện Châu Âu, rằng việc EU kết nạp Ukraine còn phải mất "nhiều thập niên nữa". Nhưng nếu nay Pháp tỏ ra cởi mở, thì Đức lại ngại ngần. Ông Olaf Scholz không muốn dành ưu tiên cho Ukraine, trong khi 5 nước vùng Balkan đã phải chờ đợi từ 20 năm qua.

Zelensky : Không hòa giải với quân xâm lược 

Dù không khí đang sôi sục, những lời kêu gọi "hòa bình" tiếp tục được đưa ra. Tác giả Renaud Girard trên trang Ý kiến của Le Figaro nêu đề nghị của Indonesia hôm 03/06/2023 nhân Diễn đàn Shangri-La ở Singapore. Kế hoạch này gồm : ngưng bắn lập tức tại các chiến tuyến hiện nay, thiết lập vùng phi quân sự rộng rãi chạy dài theo đó, gởi lính mũ xanh đến giám sát. Số phận những tỉnh bị Nga chiếm đóng sẽ được quyết định bằng trưng cầu dân ý với các quan sát viên Liên Hiệp Quốc.

Nhật báo công giáo La Croix nói đến chuyến đi Kiev hai ngày kể từ hôm qua của Hồng y Matteo Zuppi, nhân vật đã từng giúp kết thúc cuộc nội chiến ở Mozambique. Ngài có rất ít khả năng xoay sở : chưa đầy một tháng trước tại Roma, vài giờ sau khi diện kiến Giáo hoàng, tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác bỏ mọi khả năng hòa giải. Ông nói : "Chúng tôi không cần trung gian giữa Ukraine và kẻ xâm lăng".

Nhưng quốc vụ khanh Tòa Thánh, Hồng y Pietro Parolin cho biết : "Chuyến đi này không có mục đích trước mắt là đứng ra hòa giải, mà nhằm tạo ra không khí thuận lợi, giúp tiến đến một giải pháp hòa bình". Hồng y Zuppi cũng sẽ đến ba thủ đô khác : Washington, Moskva và Bắc Kinh.

Lá thư từ ngục tù của Putin : Chiến tranh, cái giá khủng khiếp

Về nội tình nước Nga, Libération dành trang nhất và hồ sơ cho nhà đối lập Vladimir Kara-Murza, với lá thư "viết từ ngục tù của Putin". Bị kết án 25 năm tù vì tố cáo cuộc chiến tranh với Ukraine, ông kêu gọi "một nước Nga được giải phóng khỏi Putin", ông chủ điện Kremlin hiện nay.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Can đảm", Libération cho biết Kara-Murza, một trong những nhà đối lập kiên quyết nhất với Putin đã sụt mất 22 ký sau một năm bị tạm giam. Thứ Năm tới, một lần nữa ông phải ra tòa sau khi nhận bản án nặng nề ở phiên sơ thẩm vì chống lại cuộc xâm lăng. Tuyên bố của ông xứng đáng đi vào lịch sử : "Tôi cam kết với mỗi từ ngữ nói ra. Tôi chỉ tự trách mình có mỗi một điều, là trong những năm tháng hoạt động chính trị, tôi không thuyết phục được nhiều đồng bào mình và những chính khách của các quốc gia dân chủ về sự nguy hiểm của chế độ hiện nay ở Kremlin đối với nước Nga và thế giới. Ngày nay đã trở nên rõ ràng đối với tất cả mọi người, nhưng với một cái giá khủng khiếp là cái giá của chiến tranh".

Đối với bản thân Kara-Murza, cái giá phải trả cũng rất đắt : bị tạm giam, ông suýt chết hai lần vì bị đầu độc năm 2015 và 2017. Trang web điều tra Bellingcat tìm được dấu vết các điệp viên FSB Nga đã theo dõi ông những ngày trước khi bị đầu độc, cùng một cách với Alexei Navalny. Nhờ người vợ vận động sang chữa trị tại Mỹ, ông sống sót nhưng bị di chứng nặng nề. Và nay còn có nguy cơ bị đưa đi giam ở một nhà tù rất xa nổi tiếng khắc nghiệt để cô lập ông với thế giới, trong lúc sức khỏe tiếp tục suy sụp.

Vladimir Kara-Murza, 41 tuổi, là nhà sử học kiêm nhà báo mang hai quốc tịch Anh và Nga nhưng không muốn lưu vong, xưa nay chỉ làm việc cho những cơ quan truyền thông độc lập. Ngày 01/09/2018, Vladimir Kara-Murza là một trong số 14 người được thượng nghị sĩ Mỹ John McCain chọn lựa để khiêng quan tài mình trong tang lễ. Tờ báo cũng không quên Alexei Navalny, nhà đối lập 47 tuổi vừa đón sinh nhật lần thứ ba trong tù. Hay Ilya Yashin, người đại biểu bị tám năm rưỡi tù vì dùng chữ "chiến tranh" thay cho "chiến dịch quân sự đặc biệt". Hoặc Yevgeny Roizman, cựu thị trưởng Ekaterinburg, cũng phải ra tòa vì chỉ trích cuộc xâm lăng. Sự can đảm của những nhân vật từ chối chết đi mà không cảnh báo thế giới về bộ máy đàn áp đang nghiền nát họ, mang lại hy vọng về một nước Nga khác sẽ xuất hiện một ngày nào đó. Nhưng bao giờ ?

Trung Quốc muốn xóa sạch ký ức về tội ác Thiên An Môn

Ở Châu Á, La Croix cho biết nhiều nhà đấu tranh Hồng Kông bị bắt giữ vì tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Le Monde nhận thấy "Tại Hồng Kông, kỷ niệm về vụ đàn áp Thiên An Môn không còn được dung thứ".

Chỉ vì cầm cuốn sách "Ngày 35 tháng Năm", cách gọi mỉa mai để né kiểm duyệt, ám chỉ ngày 4 tháng Sáu (31 cộng thêm 4 ngày) mà một thanh niên bị cảnh sát bắt giữ chiều ngày 04/06 tại Hồng Kông, cùng với khoảng 20 nhà đấu tranh dân chủ. Năm ngàn cảnh sát được triển khai tại khu thương mại Đồng La Loan (Causeway Bay). Mấy chục xe trong đó có vài chiếc thiết giáp hiện đại bao vây công viên Victoria, địa điểm tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989.

Trong số người bị bắt có Trần Bảo Oánh (Chan Po Ying), chủ tịch đảng đối lập Liên đoàn Dân chủ Xã hội ; "Mamie Wong", người phụ nữ lớn tuổi không hề vắng mặt trong các cuộc biểu tình, Mạch Yến Đình (Mak Yin Ting), cựu chủ tịch hiệp hội các nhà báo Hồng Kông… Một hôm trước đó, nghệ sĩ Tam Mộc (San Mu) khi bị mấy chục cảnh sát dẫn giải, đã la lớn với công chúng : "Người Hồng Kông đừng sợ hãi ! Đừng quên ngày 4 tháng Sáu !". Canada, Anh, Úc đã đăng lời kêu gọi Bắc Kinh minh bạch về sự kiện vẫn là cấm kỵ tại Trung Quốc.

"Lễ hội ẩm thực" để làm quên đi vụ thảm sát

Ngay cả sau khi trao trả cho Trung Quốc năm 1997, người Hồng Kông vẫn duy trì truyền thống tổ chức tưởng niệm Thiên An Môn, tập hợp cả trăm ngàn người. Đến 2020, buổi lễ bị cấm lần đầu tiên từ 30 năm qua vì Covid, rồi liên tiếp hai năm sau cũng với cái cớ này. Liên minh vẫn tổ chức tưởng niệm giải thể năm 2021, đa số người phụ trách vào tù. Riêng luật sư Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung), cựu phó chủ tịch đã tuyệt thực 34 giờ để kỷ niệm 34 năm vụ thảm sát, do vậy bà đã bị biệt giam.

Cảnh sát trưởng Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang) cảnh báo sẽ "cứng rắn", nhưng trưởng đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee) không nói rõ có cấm kỷ niệm Thiên An Môn tại Hồng Kông hay không. Giám mục Hồng Kông Stephano Chu Thủ Nhân (Stephen Chow) trong ngày này kêu gọi "cầu nguyện cho những người mà trái tim đã chai đá". Để đánh lạc hướng, chính quyền tổ chức lễ hội ẩm thực tại công viên Victoria vào đúng ngày tưởng niệm những sinh viên đã ngã xuống dưới xích xe tăng Trung Quốc. 

Người đấu tranh dân chủ Hồng Kông tị nạn tại Đài Loan : Không đơn giản

Le Monde cũng nói về "Cuộc sống lưu vong đầy sóng gió của người tị nạn Hồng Kông tại Đài Loan". Tháng 8/2020, vài tuần lễ sau khi luật an ninh quốc gia mới bắt đầu áp dụng tại Hồng Kông khởi đầu cho nạn đàn áp chưa từng thấy, và sau vụ 12 thanh niên dùng thuyền chạy sang Đài Loan nhưng bị bắt ngay trên biển, đảo quốc tự do này là mơ ước của những người đấu tranh dân chủ. Nhất là tổng thống Thái Anh Văn nhanh chóng lên tiếng ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông. Làn sóng tị nạn đầu tiên đến Đài Bắc sau vụ chiếm Nghị Viện Hồng Kông (LegCo) đêm 01/07/2019, và tiếp tục tăng lên. Có khoảng 10.000 người Hồng Kông đến Đài Loan tị nạn mỗi năm, nhưng từ một, hai năm qua bắt đầu giảm xuống.

Đợt tị nạn đầu tiên là những thanh niên trong tâm trạng hoảng loạn, đôi khi không hành lý, không có cả thẻ SIM, chưa có khái niệm gì về cuộc sống ở Đài Loan, chỉ tin vào lời hứa hẹn của bà Thái Anh Văn. Tanya, một nhà đấu tranh trẻ tuổi thổ lộ, một số thanh niên cảm thấy cay đắng vì nghĩ rằng bị lợi dụng cho mục đích chính trị. "Chính nhờ các sự kiện ở Hồng Kông năm 2019 mà bà Thái mới có được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Nhưng một khi đã tái đắc cử, họ bị rơi vào quên lãng". Phát ngôn viên tổng thống Đài Loan biện minh rằng không bỏ rơi người Hồng Kông tị nạn, nhưng không muốn gây ra một cuộc khủng hoảng với Trung Quốc.

Tang Phổ (Sang Pu), cựu biên tập viên Apple Daily cho biết, các thanh niên Hồng Kông mới sang lần đầu rất ngạc nhiên trước một đất nước dân chủ, tự do, bình đẳng hơn so với đặc khu, một xã hội dân sự tích cực. Nhưng họ thấy thiếu vắng một Nhà nước pháp quyền mà người Anh đã xây dựng từ 150 năm qua. Thủ tục hành chánh ở Đài Loan không rõ ràng như Hồng Kông, mà khá tùy tiện, nhiều người đến nay vẫn chưa có visa. Một số cảm thấy bị theo dõi, hoặc từ gián điệp Trung Quốc xâm nhập vào Đài Loan, hoặc do tình báo Đài Loan nghi ngờ họ là mật vụ Hoa lục giả danh người Hồng Kông. Không ít thanh niên đấu tranh đã thất vọng, di cư sang Anh, Canada hay Úc.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 253 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)