Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/05/2023

Trung Quốc đang thực thi các bước đi ngoại giao 'trái ngược' ?

BBC tiếng Việt

Trung Quốc đang tăng cường tập trung vào an ninh quốc gia và tang cường đối đầu với Mỹ, đe dọa quá trình mở cửa trở lại với thế giới sau những năm hạn chế vì Covid chuyển thành một kỷ nguyên cô lập mới từ Phương Tây, theo một phân tích từ Reuters.

tq1

Tập Cận Bình và Vladimir Putin - Ảnh minh họa

Kể từ khi nới lỏng các lệnh hạn chế vì đại dịch Covid vốn đã khiến quốc gia này đóng cửa biên giới kể từ năm 2020, Bắc Kinh trong những tháng gần đây đã tham gia vào một loạt các bước đi về kinh doanh và ngoại giao dường như mang tính trái ngược nhau, khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về các động cơ thật sự của Bắc Kinh.

Những bước đi của Trung Quốc bao gồm : thúc đẩy hòa bình ở Ukraine trong khi hội đàm với quân xâm lược Nga, trải thảm đỏ chào đón các nhà lãnh đạo Phương Tây trong khi leo thang căng thẳng với Đài Loan, hòn đảo theo thể chế dân chủ và thu hút những giám đốc điều hành (CEO) trong khi thực thi các biện pháp được coi là bóp nghẹt môi trường kinh doanh của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng các tín hiệu lẫn lộn là kết quả của mối tập trung mới của Chủ tịch Tập Cận Bình về nền an ninh quốc gia, được củng cố từ mối quan hệ ngoại giao đang ở mức thấp nhất với cường quốc đối thủ là Mỹ.

"Một thực tiễn khắc nghiệt ở Trung Quốc... là an ninh quốc gia đang vượt lên tất cả, từ nền kinh tế đến ngoại giao", Alfred Wu, phó trưởng khoa Ttrường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, nhận định.

Ông Wu cho biết việc tập trung quá mức đối với nền an ninh đang làm tổn hại đến các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc cùng những kế hoạch tái thiết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách ghi dấu ấn về quyền lực của mình trong các vấn đề địa chính trị quan trọng, bao gồm cuộc khủng hoảng Ukraine.

"Đối với tất cả những gì mà Trung Quốc tuyên bố về mong muốn mở cửa với thế giới bên ngoài, thì quốc gia này đang dần dần đóng cửa".

Chủ tịch Tập cũng đã chọn an ninh quốc gia, một khái niệm rộng mang tính kết hợp các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, cho đến công nghệ, và tranh chấp lãnh thổ, trong bài phát biểu sau khi tiếp tục nắm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp vào tháng 10/2022.

Bài phát biểu sau đó hồi tháng Ba tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc chỉ rõ hơn : Nền an ninh Trung Quốc đang bị thách thức từ các nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của quốc gia này, ông Tập tuyên bố.

tq2

Sách 'Tập Cận Bình về quản lý đất nước Trung Quốc', tập II

Trong khi an ninh quốc gia vẫn luôn nằm trong các mối quan tâm chính của Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, hai nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy tập trung vào các vấn đề trong nước như giới bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền và các cộng đồng thiểu số người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc.

Trong bài phát biểu hồi tháng 10/2022, ông Tập thêm vào cụm từ "an ninh bên ngoài" và "an ninh quốc tế", theo các nhà phân tích là các tín hiệu về trọng tâm mới nhằm đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài, cụ thể là Washington.

Khi được hỏi phản hồi cho một loạt các câu hỏi về câu chuyện này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ "không biết về tình hình".

Giới chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thường xuyên lặp lại tuyên bố quốc gia này là một cường quốc có trách nhiệm, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tiến trình toàn cầu hóa và đã cáo buộc các quốc gia khác đang tăng cường rêu rao về "mối đe dọa từ Trung Quốc".

'Chệch hướng ngầm'

Thế nhưng sự ám ảnh của Trung Quốc đối với vấn đề an ninh đã tác động xấu đến một số đề xuất ngoại giao gần đây của Bắc Kinh, theo các nhà phân tích.

Ví dụ, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy một bản kế hoạch hòa bình cho Ukraine đã vấp phải sự ngờ vực khi từ chối lên án Moscow, vốn là đồng minh thân cận và quốc gia cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Bắc Kinh.

Hồi tháng rồi, khi ông Tập có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra cách đây hơn một năm, một nỗ lực nhằm nhấn mạnh Bắc Kinh đang không chọn phe, một số nhà phân tích đã gọi đây là "sự kiểm soát tổn thất" sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Pháp chất vấn về vấn đề chủ quyền của Ukraine.

Charles Parton, một nhà nghiên cứu từ cơ quan Council of Geostrategy của Anh cho biết lời kêu gọi của Trung Quốc cho nền hòa bình tại Ukraine có liên quan đến cuộc chiến tranh của quốc gia này với Mỹ.

"Bắc Kinh không quan tâm liệu quá trình kiến tạo hòa bình của mình có tác dụng hay không... quan trọng đây là một cơ hội để cho thấy hình ảnh xấu xí của người Mỹ", ông nói, đề cập đến các khẳng định của Trung Quốc rằng Mỹ và những quốc gia đồng minh đang thổi bùng ngọn lửa chiến tranh khi viện trợ vũ khí cho Kyiv.

tq3

Hồi tháng Tư, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Pháp Macron rời Bắc Kinh, Trung Quốc đã tiến hành tập trận xung quanh hòn đảo Đài Loan

Michael Butler, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Clark ở Boston nói Ukraine là một phép thử quan trọng về ý chí của Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan, một hòn đảo theo thể chế dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

"Mối quan tâm đặc biệt của Tập Cận Bình là tính toán liệu Mỹ sẽ, hoặc sẽ không sát cánh bảo vệ chủ quyền của Ukraine trước quân xâm lược Nga, trong khi công khai định vị Trung Quốc như một tiếng nói điềm tĩnh về lý lẽ và Mỹ là một kẻ áp bức gây lắm chuyện", ông nhận định.

Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm lôi kéo các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu cũng là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm đối phó với sự ảnh hưởng từ Washington, nhưng cũng có thành công mang tính lẫn lộn, các nhà phân tích cho biết.

Họ cũng chỉ ra cuộc họp hồi tháng rồi ở Trung Quốc giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Một cuộc gặp dường như thân thiện, mang tính xây dựng, thế nhưng lại theo sau đó là cuộc tập trận của Bắc Kinh quanh hòn đảo Đài Loan chỉ vài giờ sau khi ông Macron rời đi.

Điều này, đi cùng với các bình luận của ông Macron, được cảm nhận là yếu về vấn đề Đài Loan, đã tăng thêm sự chỉ trích ở Châu Âu rằng chuyến công du là để vuốt ve Bắc Kinh. Giới chức Châu Âu sau đó cũng có lập trường cứng rắn hơn về Trung Quốc.

Quan ngại về kinh doanh

tq4

Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm lôi kéo các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu cũng là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm đối phó với sự ảnh hưởng từ Washington, nhưng cũng có thành công mang tính lẫn lộn, các nhà phân tích cho biết

Trọng tâm về an ninh của Trung Quốc cũng tạo rủi ro về việc quốc gia này bị cô lập về mặt kinh tế.

Tại hai kỳ họp thượng đỉnh tại Trung Quốc hồi tháng Ba, giới chức nước này đã khó khăn khi phải nhấn mạnh phải mở cửa trong lĩnh vực kinh doanh sau dịch Covid.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc cũng đã thông qua hiệu chỉnh về luật chống gián điệp của mình trên diện rộng và xem điều mà Mỹ tuyên bố là hành động "mang tính trừng phạt" đối với một số công ty nước ngoài ở Trung Quốc.

"Các lực lượng an ninh tại Trung Quốc dường như ngày càng táo bạo hơn, cùng lúc đó Trung Quốc đang tìm cách thu hút thêm đầu tư nước ngoài", Lester Ross, người đứng đầu Ủy ban chính sách Trung Quốc từ Văn phòng Thương mại Mỹ trả lời Reuters.

Giới chức Bộ Ngoại giao Trungn Quốc trước đó cho biết Bắc Kinh đã hoan nghênh các công ty nước ngoài miễn là họ tuân theo luật pháp quốc gia này.

Thay vì lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, tâm lý lạc quan của nước ngoài kéo dài hàng thập kỷ trên thị trường vốn của nước này đang bị phá vỡ, với sự cạnh tranh của Trung Quốc với Hoa Kỳ đang là mối lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư.

Ray Dalio, nhà sáng lập của Bridgewater, một trong các quỹ phòng hộ (hedge fund) lớn nhất thế giới và Sinophile, một quỹ nổi tiếng, là một trong những người quan ngại.

"(Trung Quốc và Mỹ) rất gần đến việc vượt qua lằn ranh đỏ, và nếu vượt qua, thì sẽ đẩy họ đến bờ vực không thể đảo ngược, của một dạng chiến tranh nào đó có thể gây tổn hại đến hai quốc gia và gây hại đến trật tự thế giới theo những cách nghiêm trọng và không thể đảo ngược", Dalio, hiện đã về hưu, gần đây viết trên tài khoản LinkedIn cá nhân của mình.

Nguồn : BBC, 09/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 334 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)