Washington sẵn sàng để tổng thống Đài Loan đến Mỹ gặp chủ tịch Hạ Viện
Thùy Dương, RFI, 09/03/2023
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Ned Price, ngày 08/03/2023 nói với báo chí là "việc các quan chức cấp cao của Đài Loan quá cảnh ở Mỹ là phù hợp với chính sách lâu nay của Mỹ và với các quan hệ không chính thức nhưng chặt chẽ với Đài Loan". Theo AFP, điều này cho thấy Washington không phản đối việc tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến Hoa Kỳ để gặp chủ tịch Hạ Viện.
Phát ngôn viên ngoại giao Mỹ Ned Price trong một cuộc họp báo tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 10/03/2022. AP - Manuel Balce Ceneta
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ dùng từ "quá cảnh" chứ không phải "chuyến thăm". Phát biểu của ông Ned Price được đưa ra sau khi hôm 07/03 chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy khẳng định ông sẽ gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại bang California và tạm thời tránh công du Đài Loan, để không làm gia tăng căng thẳng Trung - Mỹ. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng sau này sẽ đến thăm Đài Loan.
Còn theo thông tín viên Frédéric Lemaitre của báo Le Monde tại Bắc Kinh, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn dường như là người đã đề xuất là chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Kevin McCarthy không nên đến Đài Bắc như ông từng có ý định mà sẽ tiếp bà tại California.
Reuters trước đó trích dẫn hai nguồn tin ẩn danh cho biết tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn được mời phát biểu tại thư viện Ronald Reagan khi dừng chân ở California, trong chuyến công du đến Trung Mỹ và chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy sẽ có cuộc gặp với bà.
Bà Thái Anh Văn đã từng 6 lần quá cảnh tại Mỹ trong vòng 6 năm lãnh đạo Đài Loan, lần gần đây nhất là vào năm 2019 trong chuyến công du chính thức đến vùng Carribe. Bắc Kinh, luôn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, luôn phản đối mọi cuộc tiếp xúc chính thức giữa đại diện chính quyền Đài Loan với nước ngoài.
Thùy Dương
**********************
Mỹ thấy nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc ngày càng giống Nga
AP, VOA, 08/03/2023
Hoa Kỳ từ lâu đã coi Trung Quốc là nguồn tuyên truyền chống Mỹ mạnh mẽ nhưng ít tích cực hơn trong các hoạt động gây ảnh hưởng so với Nga, quốc gia đã sử dụng các cuộc tấn công mạng và hoạt động bí mật để làm gián đoạn các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và bôi nhọ các đối thủ.
Dân biểu Dân chủ Raja Krishnamoorthi của Illinois, người đứng đầu Đảng Dân chủ trong ủy ban Hạ viện mới thành lập tập trung vào Đảng cộng sản Trung Quốc.
Nhưng nhiều người ở Washington giờ đây cho rằng Trung Quốc đang ngày càng áp dụng các chiến thuật dính líu tới Nga — và ngày càng có nhiều lo ngại rằng Hoa Kỳ không hành động đủ để đáp trả.
Các quan chức Hoa Kỳ và các chuyên gia bên ngoài trích dẫn các ví dụ gần đây về việc các ‘diễn viên’ có liên hệ với Trung Quốc tạo ra các báo cáo tin tức sai sự thật bằng trí tuệ nhân tạo và đăng một lượng lớn các bài phỉ báng trên mạng xã hội. Mặc dù nhiều nỗ lực được phát hiện là nghiệp dư, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng báo hiệu rõ ràng Bắc Kinh sẵn sàng thử nhiều chiến dịch gây ảnh hưởng hơn như một phần của một loạt các hoạt động bí mật, theo hai người quen thuộc với vấn đề nói với điều kiện giấu tên.
"Đối với chúng tôi, nỗ lực này là điều nổi bật," một quan chức tình báo Mỹ nói.
Tâm trạng ngày càng bi quan ở Washington về các mục tiêu chính trị và kinh tế bành trướng của Bắc Kinh cũng như khả năng xảy ra chiến tranh về Đài Loan đang thúc đẩy những lời kêu gọi Hoa Kỳ nỗ lực mạnh mẽ hơn để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài.
Các nhà lập pháp và quan chức đặc biệt lo ngại về các quốc gia bao gồm Khu vực phía Nam bán cầu Global South ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latin, nơi cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế và chính trị to lớn. Nhiều quốc gia trong số này có dân số ủng hộ cả hai bên - điều mà một quan chức gọi là "các quốc gia dao động" trong trận chiến tường thuật.
Dân biểu Raja Krishnamoorthi của Illinois, người đứng đầu Đảng Dân chủ trong ủy ban Hạ viện mới thành lập tập trung vào Đảng cộng sản Trung Quốc, nói : "Đây phải là nỗ lực của toàn bộ chính phủ".
"Đảng cộng sản Trung Quốc đang đi khắp thế giới để nói xấu Hoa Kỳ, nói xấu các định chế của chúng ta, nói xấu hình thức chính phủ của chúng ta," ông Krishnamoorthi nói trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng ta phải chống lại điều này bởi vì cuối cùng nó không mang lại lợi ích tốt nhất cho Hoa Kỳ".
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington cho biết trong một tuyên bố rằng Bắc Kinh "phản đối việc bịa đặt và phổ biến thông tin sai lệch" và đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì đã biến mạng xã hội "thành công cụ để thao túng dư luận quốc tế và là vũ khí của họ để bêu xấu và bôi nhọ các quốc gia khác".
"Về vấn đề này, phía Mỹ phải tự kiểm điểm và ngừng la làng ‘ăn cướp’," phát ngôn viên tòa đại sứ Liu Pengyu nói.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc và các kênh liên kết, cũng như những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với lượng người theo dõi đông đảo, thường xuyên truyền bá những ý tưởng mà Hoa Kỳ cho là phóng đại, sai lệch hoặc gây hiểu lầm. Trong những tuần gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi sự chú ý đến vụ tàu trật đường ray phóng hóa chất độc hại ở Ohio cũng như cáo buộc Hoa Kỳ có thể đã phá hoại các đường ống được sử dụng để vận chuyển khí đốt của Nga.
Chính quyền ông Biden đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc về đường ống Nord Stream và bênh vực phản ứng của mình ở Ohio.
Trung Quốc từ lâu được coi là ít sẵn sàng hơn Nga trong việc thực hiện các bước khiêu khích có thể bị lộ và lo ngại hơn về việc bị đổ lỗi công khai. Tình báo Mỹ nhận định Nga cố gắng ủng hộ ông Donald Trump trong hai kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, trong khi Trung Quốc năm 2020 có cân nhắc nhưng không tìm cách tác động đến cuộc bầu cử.
Nhưng một số quan chức Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc hiện đang thực hiện hoặc xem xét các hoạt động mà trước đây họ không thực hiện, theo hai người quen thuộc với vấn đề này. Một phần là do Bắc Kinh lo ngại rằng họ đang thua trong trận chiến về tuyên truyền ở nhiều quốc gia, một nguồn tin cho biết.
Công ty nghiên cứu Graphika gần đây đã xác định các video do trí tuệ nhân tạo làm ra có liên quan đến hoạt động gây ảnh hưởng thân Trung Quốc. Một video công kích cách tiếp cận của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn bạo lực súng đạn ; một video khác "nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-Trung để phục hồi nền kinh tế toàn cầu," theo Graphika. Và các nhà phân tích mối đe dọa tại Google cho biết họ đã phá vỡ hơn 50.000 trường hợp đăng bài và hoạt động khác vào năm ngoái có liên quan đến hoạt động gây ảnh hưởng thân Trung Quốc được gọi là "Dragonbridge".
Các video do trí tuệ nhân tạo làm ra rõ ràng là hư cấu và Graphika cho biết không có video nào có hơn 300 lượt xem. Hầu hết các bài đăng của Dragonbridge, Google cho biết, cũng tiếp cận được một lượng độc giả nhỏ.
Quan chức tình báo Hoa Kỳ nói thủ đoạn của Trung Quốc trên truyền thông xã hội là "không đồng đều" và kém tinh vi hơn so với những gì thường liên quan đến Điện Kremlin. Nhưng kỹ thuật gián điệp đó - cả về hoạt động truyền thông xã hội và nỗ lực che giấu bất kỳ mối liên hệ nào với Bắc Kinh - có thể được cải thiện theo thời gian và với thực tế, quan chức này cho biết.
Và đã có những lo ngại từ lâu ở Washington về TikTok, ứng dụng chia sẻ video lan truyền có hoạt động tại Hoa Kỳ hiện đang trải qua một đợt duyệt xét an ninh. Không có bằng chứng công khai nào cho thấy Bắc Kinh đã sử dụng quyền hạn rộng rãi của mình đối với các doanh nghiệp ở Trung Quốc để điều hướng nội dung trên ứng dụng này hoặc khởi động các hoạt động gây ảnh hưởng do chính phủ phê chuẩn, nhưng có niềm tin rằng Trung Quốc có thể làm như vậy đủ nhanh để không bị bắt hoặc dừng lại.
Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố năm ngoái, Trung Quốc ngày càng bị coi là không thiện cảm ở Mỹ, phần lớn Châu Âu, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhưng ở các quốc gia khác tại Châu Á cũng như ở phần lớn Châu Phi và Châu Mỹ Latin, có nhiều thái độ tích cực hơn đối với chính phủ Trung Quốc, thường được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư kinh tế và cung cấp hỗ trợ cơ sở hạ tầng và an ninh của Bắc Kinh.
Khảo sát Thanh niên Châu Phi năm ngoái, bao gồm 4.500 cuộc phỏng vấn của những người từ 18 đến 24 tuổi ở 15 quốc gia, cho thấy 76% số người được hỏi tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng tích cực ở đất nước họ. Về Mỹ, 72% cho biết họ tin rằng ảnh hưởng của Mỹ là tích cực.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh về Đài Loan, các chuyên gia tin rằng việc định hình thái độ và tuyên truyền toàn cầu sẽ là chìa khóa để đảm bảo hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho cả hai bên.
Dân biểu Mike Gallagher, đảng viên Cộng hòa ở Wisconsin, chủ tịch ủy ban mới lập tại quốc hội Mỹ chuyên về Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố sau chuyến thăm Đài Loan gần đây rằng các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc là một phần của chiến lược rộng lớn hơn về "chiến tranh nhận thức". Ông nói thêm rằng ủy ban sẽ "làm việc để phơi bày sự thật về mô hình xâm lược (của Đảng cộng sản Trung Quốc) chống lại Mỹ và những người bạn của chúng ta".
Trung tâm Tham gia Toàn cầu của Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm chống lại thông điệp của Trung Quốc bên ngoài cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Phát biểu với điều kiện giấu tên theo các quy tắc cơ bản do Bộ đặt ra, một quan chức Bộ Ngoại giao hồi đáp về các mối lo ngại cho rằng Hoa Kỳ không trực tiếp chống lại nhiều đường tấn công từ Bắc Kinh :
"Đã có một quyết định được đưa ra rằng chúng tôi sẽ không nhắm dập tắt từng dòng tin cụ thể của Trung Quốc," quan chức này cho biết. "Thành thật mà nói, có quá nhiều thứ. Điều đó giống như cố gắng đặt ngón tay của bạn vào con đập để ngăn rò rỉ".
Thay vào đó, Bộ Ngoại giao cố gắng tài trợ cho các chương trình phơi bày sự thật và ý tưởng mà Trung Quốc muốn đàn áp. Trung tâm Tham gia Toàn cầu đã tài trợ cho nghiên cứu của bên thứ ba về cuộc đàn áp của Trung Quốc tại tỉnh Tân Cương đối với người Uyghur và các nhóm sắc tộc chủ yếu theo đạo Hồi khác. Bắc Kinh từ lâu đã cố gắng đóng khung các hoạt động của mình ở Tân Cương là chống khủng bố và chủ nghĩa cấp tiến trước sự chỉ trích của quốc tế về mạng lưới các trại tạm giam và những hạn chế đối với việc di chuyển và biểu hiện tôn giáo trong tỉnh.
Nhà nước cũng đã tài trợ cho các khóa đào tạo ký giả điều tra ở các quốc gia nhận đầu tư của Trung Quốc và một dự án theo dõi việc xây dựng đập của Trung Quốc dọc theo sông Mekong, nguồn cung cấp nước chính cho các quốc gia Đông Nam Á ở hạ lưu từ Trung Quốc.
Hoa Kỳ cũng sử dụng đầu tư trực tiếp như một công cụ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, mặc dù các nhà phê bình đã đặt câu hỏi liệu một số chương trình được tài trợ có hiệu quả hay không.
Chẳng hạn, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ năm ngoái đã đề xuất sử dụng tiền từ quỹ hàng năm để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc để hỗ trợ các tiệm bánh ở Tunisia. Theo hai người khác quen thuộc với vấn đề này, các quan chức muốn mua phần mềm cho các chủ tiệm bánh để giúp họ xác định sản phẩm nào của họ có thị trường tốt nhất.
Trong một tuyên bố, USAID cho biết chương trình của Tunisia nhằm "tạo việc làm bền vững theo nhu cầu" và thúc đẩy phần mềm phương Tây thay vì các chương trình của Trung Quốc "có thể dễ dàng truy cập" nhưng "kém hiệu quả hơn".
Tuyên bố cho biết : "Chúng tôi biết rằng sự hỗ trợ dựa trên các khoản tài trợ của chúng tôi có thể còn tiến xa hơn nữa khi được kết hợp với các khoản đầu tư công và tư nhân, vượt xa các nguồn lực mà Công hòa Nhân dân Trung Hoa đã mang đến cho tới nay".
Nguồn : VOA, 08/03/2023
****************************
Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ ra những thách thức từ Trung Quốc
VOA, 08/03/2023
Chỉ huy Lục quân của Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gần đây đưa ra quan điểm cơ bản về những thách thức do việc Trung Quốc tăng cường quân sự trong khu vực, chỉ ra tình trạng thiếu đạn dược là một trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ nên củng cố để ngăn chặn hiệu quả sự xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc.
Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Christine Wormuth xem phiên bản mới nhất của xe tăng M1A2 Abrams tại Trung tâm Sản xuất Hệ thống Chung ở Lima, Ohio, ngày 16/2/2023.
"Tôi đã theo dõi các lực lượng trên bộ và PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân] kể từ năm 2014," Tướng Tư lệnh Charles A. Flynn của Lục quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nói với cử tọa ở Washington vào tuần trước. Ông đang trong một kỳ nghỉ hiếm hoi ngoài Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi ông bắt đầu với tư cách là Tư lệnh của Sư đoàn Bộ binh 25 đóng tại Hawaii.
Ngồi bên cạnh Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Christine Wormuth, tướng Flynn mô tả lực lượng quân sự của Trung Quốc là khác thường và "đang đi theo quỹ đạo lịch sử", lưu ý rằng "họ đang diễn tập, thực hành, thử nghiệm và họ đang chuẩn bị những lực lượng này cho một điều gì đó".
Ông chia sẻ với cử tọa tập trung tại Viện Doanh nghiệp Mỹ về việc tăng cường đều đặn sự hiện diện và năng lực của quân đội Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ năm 2014 đến nay, nêu bật việc tái tổ chức lực lượng kết hợp với hiện đại hóa mà Trung Quốc đã tiến hành vào năm 2015, và việc thành lập cơ cấu mới các bộ chỉ huy quân khu xảy ra sau đó.
Ông Flynn nói rằng vào năm 2018, Trung Quốc đã xây dựng và trang bị vũ khí cho các đảo nhân tạo ở Biển Đông đồng thời tăng cường các hoạt động chung. Ngày nay, ông quan sát thấy sự gia tăng đáng kể "khối lượng hoạt động mà họ đang thực hiện với tất cả các dịch vụ của mình, từ lực lượng phi đạn đến lực lượng hỗ trợ chiến lược, đến không gian, mạng, đất liền và biển".
Ông cảnh báo : "Nếu họ không giảm tốc độ, đó là một quỹ đạo nguy hiểm mà họ đang đi".
Ông Flynn lưu ý ba lợi thế mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ so với Hoa Kỳ.
"Họ đang vận hành cái được gọi là đường bên trong. Họ ở ngay bên cạnh mục tiêu chính của họ. Và đừng nghi ngờ gì về điều đó – giải thưởng là Đài Loan và đất đai".
"Điều thứ hai họ có là, họ có khối lượng," [có nghĩa là., các con số], ông tiếp tục.
"Và sau đó, tất nhiên, họ có nhiều vũ khí đạn dược". "Họ có rất nhiều đạn dược, rất nhiều mũi tên trong ống tên của họ," ông Flynn giải thích.
Vấn đề có nhiều vũ khí đạn dược là "một vấn đề thực sự," bà Wormuth nói, đồng thời nói với cử tọa rằng Mỹ cần điều chỉnh lại chiến lược của mình đối với việc cung cấp vũ khí.
Bà Wormuth chỉ ra : "Mọi thứ chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine cho chúng ta thấy rằng chúng ta phải tăng cường sản xuất," đặc biệt là khi xem xét khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài.
Bà cảnh báo mô hình chuỗi cung ứng thời bình hiện tại của Hoa Kỳ không đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời chia sẻ với cử tọa rằng Quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện các bước để tăng cường sức mạnh trong lĩnh vực này.
Bà nói : "Chúng tôi đang làm rất nhiều việc trong Lục quân để tăng cường cơ sở công nghiệp hữu cơ của riêng mình và hợp tác rất chặt chẽ với ngành công nghiệp để thấy họ phát triển cơ sở công nghiệp của họ".
Người đứng đầu Lục quân thừa nhận rằng "công tác hậu cần sẽ rất khó khăn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong trường hợp xảy ra xung đột," và cho biết Lục quân đang tập trung vào lĩnh vực chuẩn bị sẵn sàng này.
Lục quân đang tạo ra cái mà ông Flynn gọi là "đường nội bộ chung" để củng cố và ngăn chặn trước bối cảnh quân đội Trung Quốc đang mở rộng quy mô ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong số những dấu ấn đáng kể mà Trung Quốc đã tích lũy trong khu vực có 12 sân bay thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu phía Tây của Trung Quốc, "hầu hết chúng [có] kích thước bằng sân bay Dulles," ông Flynn chỉ ra, ám chỉ sân bay quốc tế khổng lồ nằm ngay bên ngoài Washington.
Bộ Tư lệnh Quân khu phía Tây, một trong năm bộ tư lệnh quân sự được thành lập dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thực thi quyền tài phán hoạt động đối với các biên giới của Trung Quốc với Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Myanmar.
Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng đã điều động hai quân đoàn đến bố trí dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế, biên giới thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ, xây dựng các sân bay trực thăng và các địa điểm phi đạn đất đối không, và "bóp nghẹt nước ngọt ở sông Mekong," ông Flynn cảnh báo.
Các nhà nghiên cứu và các nhà điều tra mô tả các con đập do Trung Quốc xây dựng ở các vị trí thượng nguồn trong lãnh thổ của họ là lần lượt lấy đi sinh kế và tạo thành một chốt chặn chiến lược đối với các quốc gia và cộng đồng tại hạ lưu ở Đông Nam Á.
Các đường dây liên lạc "cắt ngang qua Myanmar và Pakistan để tiếp cận Biển Ottoman" là một diễn biến đáng lo ngại khác, ông Flynn lưu ý, đồng thời cho biết thêm rằng 1,2 triệu người tị nạn Rohingya ở Bangladesh cũng đặt ra một thách thức tiềm ẩn. "Và đó chỉ là một mình Nam Á".
Trong khi Đông Nam Á đi theo một chiều hướng tích cực, theo ông Flynn, về mặt quan hệ với Hoa Kỳ, Châu Đại Dương, ông nói, hiện đang "bị áp lực". Ở đó, Trung Quốc đã có những bước tiến lớn bằng cách thỏa hiệp với giới tinh hoa địa phương, ông Flynn nói.
"Tiền tệ của họ là tham nhũng". Cuối cùng, Trung Quốc tìm cách giành được "quyền tiếp cận địa hình," ông nhấn mạnh.
Ông Flynn đã xác định một số tính năng trên địa hình hoặc về địa hình mà Trung Quốc tìm cách tiếp cận : xương sống công nghệ thông tin, lưới điện, nhà kho, bến tàu, sân bay và cảng.
Ông Flynn nêu tên Kiribati, Quần đảo Solomon, Papua New Guinea, là những nơi mà ảnh hưởng của Trung Quốc đặt ra một thách thức đặc biệt.
Nhìn quanh khu vực, ông chỉ ra những khu vực khác mà căng thẳng đã gia tăng. "Tất nhiên là hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và xung quanh Đài Loan," ông nói.
"Tôi không thể đi vào chi tiết ở đây về những gì đang xảy ra trên bộ, nhưng tôi có thể nói với các bạn rằng Quân đội PLA, Lực lượng Phi đạn PLA và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược đang ở những vị trí nguy hiểm," ông Flynn cảnh báo cử tọa ở Washington.
Ông cũng gợi ý về một vai trò độc đáo mà Lục quân có thể thực hiện để chống lại chiến lược của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan.
Ông lưu ý : "Kho vũ khí chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực A2AD mà Trung Quốc thiết kế chủ yếu được thiết kế để đánh bại các khả năng trên không và trên biển. Ông tiếp tục : "Thứ hai, nó được thiết kế để làm suy giảm, phá vỡ và từ chối không gian và mạng.
Trung Quốc được cho là sử dụng chiến lược A2AD [chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực] liên quan đến Đài Loan nhằm ngăn chặn Hoa Kỳ và các lực lượng thân thiện khác ra khỏi chiến trường đó trong một cuộc xâm lược tiềm tàng.
Một điểm khác mà ông nhấn mạnh là Hoa Kỳ không muốn tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc.
"Mục tiêu của chúng tôi là không có chiến tranh. Nhưng chúng ta phải ở trong một vị trí và sẵn sàng với các lực lượng chiến đấu đáng tin cậy để ngăn chặn điều đó xảy ra," ông Flynn nói. Nếu sự răn đe "thất bại, thì ít nhất chúng ta cũng có thể tận dụng lợi thế [cùng với] với lực lượng chung, để đạt được các mục tiêu quốc gia do Cơ quan Chỉ huy Quốc gia và Tổng thống thiết lập".
Bà Wormuth lưu ý rằng Hoa Kỳ cũng đang chú ý đến các kịch bản xung đột tiềm tàng với Trung Quốc bên ngoài Eo biển Đài Loan. Bà lưu ý, xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng đột biến, hành vi hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông hoặc xung quanh quần đảo Senkaku, một điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, là một trong những kịch bản đó.
Nguồn : VOA 08/03/2023
****************************
Trung Quốc ‘rất quan ngại’ về kế hoạch ‘quá cảnh’ của Tổng thống Đài Loan giữa lúc có tin bà đi Mỹ
Reuters, VOA, 08/03/2023
Trung Quốc nói hôm 8/3 rằng họ "quan ngại sâu sắc" về kế hoạch "quá cảnh" của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và yêu cầu Washington làm rõ, trong bối cảnh có tin bà sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy tại Hoa Kỳ, theo Reuters.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Ông McCarthy có kế hoạch gặp bà Thái ở Hoa Kỳ trong những tuần tới, hai nguồn tin nói với Reuters hôm 6/3. Điều đó có thể thay thế cho chuyến công du được mong đợi nhưng đầy nhạy cảm của Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa tới Đài Loan, hòn đảo dân chủ bị Trung Quốc tuyên bố là họ có chủ quyền.
Ông McCarthy hôm 7/3 xác nhận kế hoạch gặp bà Thái Anh Văn tại Hoa Kỳ trong năm nay và nhấn mạnh điều này không ngăn cản chuyến thăm Đài Loan sau này của ông, hãng Bloomberg đưa tin.
Các tổng thống Đài Loan, bao gồm cả bà Thái Anh Văn, từng quá cảnh Hoa Kỳ, thường là trong một hoặc hai ngày, khi họ trên đường đến các quốc gia khác, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ thường tránh gặp các quan chức cấp cao của Đài Loan ở thủ đô Washington.
Văn phòng tổng thống Đài Loan, trong một tuyên bố ngắn gọn trả lời cho các câu hỏi của giới truyền thông về các chuyến thăm nước ngoài của bà Thái, cho biết "các dàn xếp về việc quá cảnh" đã được thực hiện trong nhiều năm, mặc dù tuyên bố không đề cập trực tiếp đến Hoa Kỳ.
"Hiện tại, các bộ phận khác nhau đang liên lạc và chuẩn bị cho các kế hoạch liên quan, và việc lập kế hoạch cho hành trình liên quan sẽ được giải thích kịp thời sau khi kế hoạch được hoàn thành", tuyên bố cho biết thêm nhưng không giải thích chi tiết.
Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết họ "quan ngại sâu sắc về tin tức này".
Bà Mao nói thêm : "Chúng tôi đã gửi công hàm nghiêm túc tới phía Hoa Kỳ và yêu cầu họ làm rõ".
Bà nói Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đồng thời nói thêm : "Không ai nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ và người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".
Vẫn bà Mao nói tiếp : "Mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan chính là lực lượng ly khai đòi Đài Loan độc lập".
Trung Quốc từ chối lời kêu gọi đàm phán của bà Thái kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2016, tin rằng bà là một người theo tư tưởng ly khai.
Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan. Chính phủ Đài Loan nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị hòn đảo này và vì vậy không có quyền nêu ra yêu sách chủ quyền đối với họ, và chỉ có chính 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 08/03/2023
**************************
Chủ tịch Tập Cận Bình lên án phương Tây "trấn áp" Trung Quốc
Thùy Dương, RFI, 07/03/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong phiên họp Quốc hội ở Bắc Kinh, lên án việc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, "ngăn chặn" và "trấn áp" đất nước Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải đối phó với những thách thức chưa từng có.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) tham dự phiên họp Quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 05/03/2023. Reuters – Thomas Peter
Tân Hoa Xã tối thứ Hai 06/03/2023 trích dẫn phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : "Môi trường bên ngoài của công cuộc phát triển của Trung Quốc đã có những thay đổi nhanh chóng. Các yếu tố bấp bênh và không thể lường trước đã tăng mạnh", "các nước phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đã triển khai chính sách ngăn chặn, bao vây và trấn áp nhắm vào Trung Quốc, điều này đã gây ra những thách thức chưa từng có đối với sự phát triển" của Trung Quốc.
Cũng theo ông Tập Cận Bình, 5 năm qua được đánh dấu bằng hàng loạt trở ngại mới, đe dọa kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
AFP nhắc lại, các chủ đề căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã gia tăng trong những năm gần đây, chẳng hạn về hồ sơ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, sự mất cân bằng cán cân thương mại song phương, hồ sơ Đài Loan, sự thống trị trong các ngành công nghệ mũi nhọn, thiết bị bán dẫn, các cáo buộc gián điệp, những chuyến thăm của các nghị sĩ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tới Đài Loan … Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã thông qua nhiều biện pháp trừng phạt Kắc Kinh liên quan đến một số hồ sơ nói trên, và Bắc Kinh đã có nhiều biện pháp đáp trả.
Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ "xung đột và đối đầu"
Trong khi đó, vào hôm nay 07/03, tân ngoại trưởng Trung Quốc, Tần Cương, đổ lỗi cho Mỹ về những căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nước. Theo Reuters, phát biểu với các nhà báo bên lề phiên họp Quốc hội, ông Tần Cương, cảnh báo về nguy cơ "xung đột và đối đầu" nếu Washington không điều chỉnh chính sách. Theo lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc, thay vì cạnh tranh, Washington đã trấn áp và phong tỏa Trung Quốc, và đây là một trò "đánh cược đầy rủi ro" của Mỹ, có thể gây tổn hại cho những lợi ích cơ bản của nhân dân Trung Quốc và Mỹ, thậm chí là tương lai của nhân loại.
Liên quan đến chiến tranh Ukraine, ngoại trưởng Tần Cương cho rằng đang có một "bàn tay vô hình" – hàm ý nói Hoa Kỳ - sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để phục vụ cho mục đích địa chính trị.
Thùy Dương
***********************
Chủ tịch Hạ viện Mỹ định gặp Tổng thống Đài Loan tại Mỹ
Reuters, VOA, 07/03/2023
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy có kế hoạch gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Hoa Kỳ trong những tuần tới, hai nguồn tin nói với Reuters ngày 6/3, một động thái có thể thay thế chuyến đi dự kiến nhưng nhạy cảm của ông McCarthy tới Đài Loan, hòn đảo được quản lý một cách dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy.
Các nguồn tin giấu tên cho biết bà Thái đã được mời phát biểu tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan trong thời gian quá cảnh qua California trong chuyến thăm đã lên kế hoạch tới Trung Mỹ và ông McCarthy có thể sẽ gặp bà ở Hoa Kỳ.
Một trong những nguồn tin cho biết nếu cuộc họp tại Hoa Kỳ diễn ra - có thể là vào tháng 4 - thì không nhất thiết loại trừ khả năng ông McCarthy sẽ đến thăm Đài Loan trong tương lai.
Văn phòng của ông McCarthy không trả lời ngay các câu hỏi của Reuters về vấn đề này, bao gồm cả việc liệu cuộc họp theo kế hoạch có phải là một nỗ lực nhằm tránh làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc hay không. Bắc Kinh từng tức giận về chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Financial Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về kế hoạch gặp mặt ở California.
Trong một cuộc phỏng vấn của CNBC vào sáng ngày 6/3, ông McCarthy từ chối trả lời liệu ông có đến thăm Đài Loan hay không, nói rằng ông sẽ thông báo bất kỳ kế hoạch du hành nào khi có.
Bốn nguồn tin khác - bao gồm các quan chức Hoa Kỳ và những người hiểu biết về suy nghĩ của chính quyền Hoa Kỳ và Đài Loan - cho biết cả hai bên đều vô cùng lo lắng rằng chuyến thăm trong tương lai của ông McCarthy sẽ làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng trên Eo biển Đài Loan vào thời điểm hòn đảo này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm tới.
Thư viện Reagan và Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.
Tòa đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington cho biết họ "không có thông tin để chia sẻ" khi được hỏi về cuộc gặp.
"Nói chung, việc sắp xếp cho các chuyến thăm của Tổng thống Thái Anh Văn tới các đồng minh ngoại giao của Đài Loan và quá cảnh qua Hoa Kỳ được thực hiện theo thông lệ," tòa đại sứ nói với Reuters.
Trung Quốc coi việc giao tiếp giữa các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Nhưng các tổng thống Đài Loan, bao gồm cả bà Thái Anh Văn, từng đi qua Hoa Kỳ trên đường đến các nước khác, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ thường tránh gặp các quan chức cấp cao của Đài Loan ở Washington.
Giống như hầu hết các quốc gia, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Tuy nhiên, theo luật Mỹ, Washington phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
Washington lâu nay có chính sách "mơ hồ chiến lược", nghĩa là không nói rõ liệu có đáp trả bằng quân sự trước một cuộc tấn công vào Đài Loan hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden cho biết vào tháng 9 năm ngoái rằng các lực lượng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược. Đây là tuyên bố rõ ràng nhất của ông về vấn đề này.