Thủ tướng Campuchia đề nghị Việt Nam bắt Sam Rainsy, cảnh báo ‘sẽ có vấn đề’ nếu không bắt
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đề nghị nước láng giềng Việt Nam bắt giữ ông Sam Rainsy, nhân vật đối lập nổi danh ở Campuchia, nếu ông ấy nhập cảnh vào Việt Nam, theo một bài đăng hôm 7/6 trên trang Facebook chính thức của vị thủ tướng, có hơn 14 triệu người theo dõi.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề nghị Việt Nam bắt ông Sam Rainsy, 7/6/2023.
Ông Hun Sen cũng cảnh báo rằng hai nước "sẽ có vấn đề" nếu Việt Nam không làm như vậy, hai báo Campuchia đưa tin cùng ngày.
Trong bài đăng trên Facebook về lễ động thổ đường cao tốc Phnom Penh-Bavet hôm 7/6, có đoạn nói rằng Thủ tướng Hun Sen đưa ra lời đề nghị kể trên với chính phủ Việt Nam thông qua đại sứ của nước này ở Phnom Penh, ông Nguyễn Huy Tăng.
Theo bài đăng trên trang của ông Hun Sen, ông nói với vị đại sứ Việt Nam rằng cần phải lưu ý về "những kẻ phản quốc nước ngoài" muốn nhập cảnh vào Việt Nam và đề nghị Hà Nội "giúp Campuchia bắt giữ những kẻ phản quốc" vì "chúng thông báo chúng sử dụng hộ chiếu Pháp để đi vào Việt Nam". Bài đăng nói thêm rằng Campuchia có cơ sở để bắt giữ những người đó.
Trong khi bài đăng trên Facebook không nêu tên cụ thể của "những kẻ phản quốc", các bản tin của Cambodianess và Khmer Times tường thuật rằng ông Hun Sen nói với Đại sứ Tăng hãy thông báo cho Hà Nội chuẩn bị bắt giữ ông Sam Rainsy, từng là nhà lãnh đạo phe đối lập ở Campuchia và nay đang sống lưu vong.
Hai cơ quan báo chí này cho hay ông Hun Sen có thông tin là ông Rainsy, cựu chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia, dự định đi vào Việt Nam với tư cách là một du khách sử dụng hộ chiếu Pháp và muốn đi tiếp từ Việt Nam vào Campuchia.
"Nếu ông ấy nhập cảnh [vào Việt Nam], vui lòng bắt giữ ông ta cho tôi vì đã có lệnh bắt", thủ tướng của Campuchia nói tại lễ động thổ đường Phnom Penh-Bavet, Cambodianess và Khmer Times cho biết.
Trang Facebook của Thủ tướng Hun Sen cho hay tại buổi lễ động thổ này có sự hiện diện của Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên. Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, trong những năm gần đây cung cấp nhiều viện trợ cho Campuchia và hai bên ngày càng tăng cường hợp tác quân sự, an ninh.
Dẫn ra thực tế là Campuchia và Việt Nam có hiệp định về tương trợ tư pháp, Thủ tướng Hun Sen phát biểu thêm : "Nếu Việt Nam không bắt giữ ông ta, chúng ta sẽ có vấn đề với nhau", theo tin trên Cambodianess.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, phân tích với VOA vì sao ông Hun Sen có thể nói cứng với Việt Nam :
"Gần đây, ai cũng biết Campuchia cần tiền của Trung Quốc và dần dần cần cả sự đảm bảo về an ninh của Trung Quốc và bây giờ đã rất thân với Trung Quốc. Cho nên có thể một phần vì thế mà ông Hun Sen nói với thái độ như thế".
Theo tiến sĩ Hợp, đây không phải lần đầu tiên vị thủ tướng Campuchia "dọa Việt Nam" mà từng làm thế "nhiều lần" trước đây.
Nhà nghiên cứu này nói rằng ông Hun Sen dựa vào Việt Nam để làm chính trị từ trước năm 1978 song ông là một người bản lĩnh, có tư duy "việc nào ra việc nấy", vì vậy, tuy ông "kính trọng" Việt Nam song ít nhất từ năm 1995, khi Campuchia ngày càng mở rộng quan hệ quốc tế, ông Hunsen đã thể hiện thái độ là "Việt Nam không can thiệp được vào công việc của Campuchia".
Sâu xa hơn, tiến sĩ Hợp đưa ra nhận xét rằng quan hệ Việt Nam-Campuchia chỉ "hữu nghị" trong một thời gian "ngắn", khi Quốc vương Sinahouk nắm quyền (1993-2004).
22222222222222222222
Nhân vật đối lập Campuchia Sam Rainsy
Cambodianess đưa tin rằng ông Rainsy đã bị trục xuất khỏi Malaysia hôm 31/5 sau khi nhập cảnh vào nước này bằng hộ chiếu Pháp. Khi đó, Thủ tướng Hun Sen nói rằng sẵn sàng "chào đón" ông Rainsy bằng dàn Kachiusa BM-21 Grad, là loại pháo phản lực nhiều nòng của Liên Xô trước đây.
Vào ngày 7/6, ông Hun Sen nói rằng hồi năm 2019 ông Rainsy đã kêu gọi các lực lượng vũ trang lật đổ chính phủ và bắt giữ ông Hun Sen, vì vậy, đó là lý do mà ông nói sẽ "chào đón" bằng dàn Kachiusa.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với VOA rằng Việt Nam cũng có thể trục xuất ông Rainsy nhưng ông Hợp nghiêng về khả năng là Việt Nam sẽ cho ông Rainsy nhập cảnh :
"Ông ấy đi du lịch, có hộ chiếu Pháp, lấy nhân thân Pháp để vào Việt Nam du lịch thì không thành vấn đề gì cả. Còn ông ấy vào Việt Nam mà chửi Việt Nam thì người ta trục xuất ông ấy thôi".
Báo chí bị chính quyền Việt Nam kiểm soát lâu nay vẫn mô tả ông Sam Rainsy là một nhân vật "chống phá", "vu cáo" Việt Nam trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Trong khi đó, vào những dịp khác nhau, ông Rainsy khẳng định ông "không bài xích ai, không chống ai" mà "chỉ đấu tranh vì đất nước Campuchia, vì độc lập, chủ quyền của đất nước".
Trong trường hợp Việt Nam không bắt giữ ông Rainsy theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen, tiến sĩ Hợp nhận định :
"Có thể xảy ra những căng thẳng, thậm chí là rất căng thẳng nhưng không thể dự báo được sẽ căng thẳng đến đâu".
Nhà nghiên cứu chỉ ra rằng hai nước đang có hai vấn đề song phương bị "chậm" là việc cắm mốc phân định biên giới theo hiệp định đã ký và việc Campuchia xem xét, cho phép người Việt đã sinh sống ở Campuchia lâu đời có giấy tờ định cư hoặc nhập quốc tịch.
Trên bình diện rộng hơn, Việt Nam quan ngại về việc Campuchia cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở cảng Ream rất gần Việt Nam, buộc Việt Nam phải có những tính toán, tiến sĩ Hợp nói.
VOA đã liên lạc với hai bộ ngoại giao của Việt Nam và Campuchia để tìm hiểu thêm về lập trường của họ, nhưng chưa nhận được hồi đáp.