Seoul và Bắc Kinh hối hả chạy đua tìm lượm mảnh vỡ tên lửa Bắc Triều Tiên
Minh Anh, RFI, 14/06/2023
Hai tuần sau thất bại vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh dọ thám của Bình Nhưỡng lên quỹ đạo, hải quân Hàn Quốc và Trung Quốc đang hối hả chạy đua tìm kiếm và thu hồi các mảnh vỡ của tên lửa Bắc Triều Tiên bị rơi trên biển Hoa Đông.
Ảnh phóng tên lửa Bắc Triều Tiên Ngân Hà - 3 (Unha-3), ngày 13/12/12 Reuters
Từ Seoul, thông tín viên đài RFI, Celio Fioretti tường thuật :
"Một cuộc chạy đua tranh giành mảnh vỡ diễn ra ở ngoài khơi, cách bờ biển Hàn Quốc 200 km, gần như nằm giữa biển Hoa Đông ngăn cách Bắc Kinh và Seoul. Một chiến dịch thu lượm tế nhị, cả về mức độ nguy hiểm các linh kiện của tên lửa cũng như khó khăn tìm thấy các mảnh vỡ đã chìm sâu dưới biển.
Thay vì được chi viện, Hải quân Hàn Quốc lại phát hiện một đối thủ cạnh tranh đang đến khu vực tìm kiếm trục vớt : Đó là Trung Quốc. Khó mà biết được động cơ của đối thủ này trong cuộc đua là gì, nhưng có hai giả thuyết được giới chuyên gia nêu lên. Hoặc Trung Quốc có thể vớt những mảnh vỡ này để trao lại cho Bắc Triều Tiên.
Giả thuyết khác là Trung Quốc có thể cần thu lượm những mảnh vỡ này để tránh một cuộc điều tra gây rắc rối của quốc tế. Quả thật, vào năm 2014, qua nghiên cứu tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) của Bắc Triều Tiên, Liên Hiệp Quốc đã phát hiện ra nhiều linh kiện của tên lửa có nguồn gốc từ Trung Quốc, Mỹ và thậm chí cả từ Hàn Quốc.
Bất kể ra sao, cuộc đua tìm kiếm này diễn ra dữ dội ở biển Hoa Đông và bên đầu tiên thu lượm được các mảnh vỡ đó sẽ là bên chiến thắng."
Minh Anh
***********************
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chia sẻ thông tin về các vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa
Trọng Nghĩa, RFI, 04/06/2023
Hoa Kỳ và hai đồng minh châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chia sẻ thông tin về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Thông báo này được đưa ra sau cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng ba nước ngày hôm qua, 03/06/2023 tại Singapore, bên lề diễn đàn an ninh Shangri-La. Kể từ khi quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc ấm lên, Mỹ đã tăng cường liên minh quân sự với hai đồng minh của mình trước các mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.
Ảnh chụp màn hình TV 3 vị lãnh đạo của Hàn Quốc (Yoon Suk Yeol), Hoa Kỳ (Joe Biden) và Nhật Bản (Fumio Kishida), tại Seoul, Hàn Quốc, 27/04/2023. AP - Ahn Young-joon
Thông tín viên RFI Frédéric Charles tường trình từ Tokyo:
"Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ trao đổi dữ liệu theo thời gian thực "nhằm cải thiện khả năng của mỗi nước trong việc phát hiện và đánh giá các tên lửa do Bắc Triều Tiên phóng lên". Thông báo này được đưa ra ít lâu sau vụ phóng vệ tinh do thám thất bại cách đây vài ngày của Bình Nhưỡng, vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Từ một năm nay, Bắc Triều Tiên đã gia tăng các vụ thử tên lửa đạn đạo và tuyên bố mình là một cường quốc hạt nhân.
Tiến trình hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sau nhiều năm tranh chấp đã khuyến khích Hoa Kỳ cùng với hai đồng minh quan trọng nhất ở châu Á, thực hiện các bước hiện đại hóa liên minh và tăng cường khả năng răn đe.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin ước tính rằng ba nước đang phải đối mặt với những thách thức chung "liên quan đến các hành vi bức hiếp của Trung Quốc, các hành động khiêu khích nguy hiểm của Bắc Triều Tiên và cuộc chiến tàn khốc do Nga tiến hành ở Ukraine".
Đối mặt với việc Bắc Triều Tiên bắn tên lửa, Nhật Bản quyết định trang bị khả năng phản công. Hoa Kỳ sẽ khuyến khích ba nước cải tiến lực lượng quân sự của họ theo hướng "đa năng hơn, bền bỉ và cơ động hơn", và thực hiện các cuộc tập trận quân sự chung.
Nhật Bản và Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc liên kết chiến lược quốc phòng của họ với Hoa Kỳ. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết "Đài Loan không chỉ là vấn đề song phương Trung Quốc-Đài Loan, mà giống như Bắc Triều Tiên, đó là một vấn đề toàn cầu".
Trọng Nghĩa