Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/06/2017

Biển Đông : không bao giờ lặng sóng

RFI tiếng Việt

Trung Quốc triển khai máy bay săn tàu ngầm ở Biển Đông (RFI, 23/06/2017)

Các bức ảnh vệ tinh do công ty hình ảnh vệ tinh thương mại DigitalGlobe chụp ngày 10/05 và 20/05 cho thấy 4 chiếc máy bay Thiểm Tây Y-8Q ( Shaanxi Y-8Q ) đậu tại sân bay quân sự Lăng Thủy (Lingshui), nằm ở phía đông nam hòn đảo Hải Nam.

bd1

Máy bay Thiểm Tây Y-8Q (Shaaxi Y-8Q) tại căn cứ Lăng Thủy (Lingshui), Trung Quốc. Ảnh chụp từ màn hình website Defense News (@defensenews.com)

Chiếc Y-8Q là một loại máy bay vận tải quân sự và dân sự nhưng có thể chở theo các ngư lôi và được trang bị các camera tia hồng ngoại để phát hiện tàu ngầm. Đây là lần đầu tiên máy bay Y-8Q được nhìn thấy ở Hải Nam, nơi mà theo Defense News, Trung Quốc thường triển khai các máy bay đời cũ hơn Y-8J và Y-8X.

Ngoài ra, hai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 cũng được nhìn thấy tại căn cứ Lăng Thủy trong các bức ảnh vệ tinh của DigitalGlobe chụp hai ngày 10/5 và 20/5.

Việc triển khai máy bay Y-8Q cùng với KJ-500 tới đảo Hải Nam cho thấy Trung Quốc quyết tâm tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông bằng các thiết bị tiên tiến nhất, theo Defense News.

Các bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy 3 máy bay trinh sát không người lái BZK-005 tại Lăng Thủy, loại phi cơ cũng đã được nhìn thấy tại căn cứ không quân của Trung Quốc ở đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Lăng Thủy là một trong ba căn cứ không quân của hải quân Trung Quốc ở Hải Nam, tỉnh cực nam của Trung Quốc ở phía bắc Biển Đông. Trên đảo này còn có căn cứ hải quân Du Lâm, nơi neo đậu của các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Thanh Phương

********************

Trung Quốc không nói rõ về 'tin đồn giàn khoan' (BBC, 23/06/2017)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối trả lời có phải Trung Quốc vừa đưa giàn khoan ra vùng biển tranh chấp với Việt Nam.

bd2

Có thông tin Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển tranh chấp

Trong buổi họp báo thường kỳ hôm 22/6, người phát ngôn Trung Quốc trả lời một số câu hỏi liên quan quan hệ Việt - Trung.

Ông Cảnh Sảng nói Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã trả lời trước đó về tin đồn Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam tuần này.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nguyên do "liên quan sự sắp xếp công việc".

Ông Cảnh Sảng nói thêm :

"Hiện nay, với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước khu vực, tình hình Nam Hải đã hạ nhiệt, bớt căng thẳng, có xu hướng tích cực".

"Các bên liên quan cần tránh hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở vùng biển tranh chấp, hợp tác với Trung Quốc vì mục tiêu chung, duy trì bức tranh tổng thể của quan hệ song phương cùng ổn định và hòa bình khu vực".

bd3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thượng tướng Phạm Trường Long tại Hà Nội hôm 18/06

Một phóng viên cũng hỏi có dàn khoan mới nào được Trung Quốc đưa đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam không.

Ông Cảnh Sảng chỉ nói : "Tôi đã trình bày lập trường của Trung Quốc".

"Tôi muốn bổ sung thêm rằng Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long, vừa thăm Việt Nam".

"Trong các cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Nam Hải".

"Ông thúc giục phía Việt Nam tuân thủ đồng thuận quan trọng giữa các lãnh đạo hai đảng, hai chính phủ, thắt chặt liên lạc chiến lược, giải quyết ổn thỏa các khác biệt, duy trì bức tranh lớn trong quan hệ Việt - Trung, hòa bình và ổn định ở Nam Hải".

Ông Cảnh Sảng kết luận với câu : "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở Nam Hải".

Báo Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, hôm 21/6 đã xác nhận giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc bị hủy bỏ.

bd4

Phái đoàn quân sự Trung Quốc gồm các tư lệnh, phó tư lệnh của Tham mưu, Hải lục không quân đến Hà Nội hội đàm với Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 18/06. Người mặc đồ dân sự là đại sứ Hồng Tiểu Dũng.

Tờ báo cũng xác nhận Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam tuần này.

Tuy vậy, tờ báo không nói có hay không mâu thuẫn giữa hai nước, mà chỉ nói nguyên do vì "sự sắp xếp công việc".

********************

Sự cố Việt-Trung : Biển Đông chẳng bao giờ yên tĩnh (RFI, 23/06/2017)

Hôm 22/06/2017 lại có tin cuộc họp về quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bất ngờ bị hủy bỏ, được cho là do bất đồng về vấn đề Biển Đông hơn là do không sắp xếp được thời gian, theo như phía quốc phòng Trung Quốc công bố. Theo The Diplomat, nếu đây là sự thật, thì không có gì đáng ngạc nhiên, vì trong quá khứ Bắc Kinh đã nhiều lần giương oai diễu võ trước Hà Nội. Nhìn rộng hơn, hành động này là lời cảnh báo cho cộng đồng quốc tế, rằng Bắc Kinh có thể bất thần leo thang căng thẳng bất kỳ lúc nào, vì lý do này hoặc lý do khác.

suco1

Tàu tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, tiếp cận khu vực giàn khoan 981, ngày 08/05/2016. Ảnh : Reuters

Sự cố xảy ra vào thời điểm diễn ra sự kiện giao lưu quốc phòng cấp cao biên giới Việt-Trung lần thứ tư tại Lai Châu và Vân Nam từ ngày 20 đến 22/06/2017. Mặc dù đã khởi đầu như dự kiến, với việc phó chủ nhiệm Quân ủy trung ương Phạm Trường Long (Fan Changlong) gặp gỡ với các tướng lãnh Việt Nam, và đôi bên thảo luận về những tiến triển gần đây như thỏa thuận về huấn luyện nhân sự, ngày 21/6 bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói với báo chí là ông Phạm Trường Long phải cắt ngang chuyến viếng thăm, và Bắc Kinh quyết định hủy bỏ cuộc gặp do phải "sắp xếp công việc". Tin đồn nhanh chóng lan rộng, rằng đó là do bất đồng về Biển Đông.

Nếu đúng như vậy, thì chẳng có gì lạ. Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông không phải là sự kiện mới. Trong số bốn quốc gia Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền vùng biển chiến lược này (gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei), chỉ có Việt Nam tham gia tranh chấp từ lâu nhất và cảm nhận sự hung hăng của Trung Quốc nhiều nhất, với việc Bắc Kinh đổ quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Đối với Việt Nam, các tranh chấp này chỉ là một phần của vấn đề kéo dài từ nhiều thế kỷ qua, là làm thế nào tồn tại bên cạnh người láng giềng khổng lồ, đã từng chiếm đóng đất nước nhỏ bé này hơn một ngàn năm (thời kỳ Bắc thuộc kéo dài từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên).

Theo với thời gian, Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực quân sự mạnh nhất so với bốn nước ASEAN khác, cùng với Philippines gần đây, trở thành những nước tiên phong trong hồ sơ Biển Đông, mặc dù cảm nhận rõ sức nóng, sự hung hăng của Bắc Kinh qua những vụ chạm trán thỉnh thoảng xảy ra. Lần đụng độ gần đây nhất là vụ Bắc Kinh cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) vào mùa hè năm 2014, gây ra khủng hoảng trong quan hệ song phương. Dù vậy, hai bên vẫn tiếp tục tiến hành một số phương thức nhằm xây dựng lòng tin, trong đó có cả lãnh vực quốc phòng, với cuộc giao lưu quốc phòng biên giới thường niên.

Sự đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tạo ra căng thẳng, đôi khi có thể trở thành điểm nóng. Do quan điểm của Philippines yếu ớt hẳn đi dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, hẳn nhiên Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN duy nhất đi tiên phong trong tranh chấp Biển Đông. Và như vậy cũng là chuyện đương nhiên, khi Hà Nội cảm thấy, điều quan trọng là phải tăng cường quan hệ với các nước như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đó là những gì đã diễn ra, cho dù chính quyền Việt Nam tiếp tục thận trọng duy trì các cam kết với Trung Quốc.

Nhưng đối với Bắc Kinh - vốn tìm cách thủ lợi qua việc các nước ASEAN đã mất đi sự hăng hái trong hồ sơ Biển Đông, và nhận ra rằng Hoa Kỳ đang lơ đãng - cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để gây áp lực lên từng nước một. Cho dù đó là nước đòi hỏi chủ quyền Biển Đông như Việt Nam, hoặc là nước đóng vai trò điều phối giữa ASEAN với Trung Quốc như Singapore, Bắc Kinh đều tìm cách tác động. Một chuyên gia về Việt Nam là ông Carl Thayer trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây cho biết, Trung Quốc đã gây sức ép đòi Việt Nam phải ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí tại bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank) trên Biển Đông.

Theo The Diplomat, quan điểm đối chọi giữa Hà Nội và Bắc Kinh khiến một lúc nào đó sẽ xảy ra xung đột. Ông Thayer ghi nhận rằng căng thẳng có thể bùng lên nếu không được xử lý khéo léo. Việc Trung Quốc triển khai tàu chiến và máy bay trong khu vực có thể làm tăng khả năng đụng độ quân sự. Nhưng nhìn rộng hơn, đối với cộng đồng quốc tế, đây cũng là lời cảnh báo, rằng dù Bắc Kinh nói là muốn làm giảm căng thẳng về vấn đề Biển Đông, nhưng thực ra các hành động của họ có thể leo thang bất kỳ lúc nào.

Điều này phù hợp với mô hình hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, mà tác giả bài báo gọi là "một sự hung hăng tăng dần", xen kẽ giữa thái độ hòa dịu với một loạt hoạt động chèn ép. Trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung, có lẽ không thừa khi nhắc nhở, chỉ bảy tháng sau khi đưa ra một chiến lược mới ASEAN-Trung Quốc, là một phần của hoạt động khuyến dụ các nước Đông Nam Á, được chào đón nhiệt liệt, Bắc Kinh lại cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào mùa hè năm 2014. Cho dù hậu quả không quá trầm trọng, sự kiện này cũng khiến một lần nữa, những ai tìm kiếm sự bình yên tại Biển Đông, cần phải nghiêm túc suy ngẫm, vì an bình không thể nào duy trì được trước tham vọng vô bờ bến của Trung Quốc.

Ngược lại, tờ Hoàn Cầu Thời Báo sau khi răn đe Việt Nam, trong số ra ngày hôm qua 22/06/2017 lại giơ ra "cây gậy và củ cà rốt". Tờ báo nêu ra việc ông Phạm Trường Long hủy ngang chuyến đi, với lý do chính thức là bận sắp xếp công việc, và cả thông tin trên báo chí nước ngoài là do bất đồng về việc khai thác dầu khí trong khu vực mà Hoàn Cầu Thời Báo gọi là "tranh chấp" trên Biển Đông. Nhật báo tiếng Anh nổi tiếng hung hăng của đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng ghi nhận, phía Việt Nam chưa chính thức lên tiếng về sự kiện này và nhận định, quan hệ Việt-Trung sẽ còn xáo động vì tranh chấp Biển Đông trong tương lai.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, từ khi tổng thống Duterte điều chỉnh lại chính sách của Philippines, tình hình ở Biển Đông đã hòa dịu hẳn, còn quan hệ Việt-Trung cũng có "đà tiến tích cực". Nhưng sự hòa hoãn trên Biển Đông "không làm hài lòng các thế lực bên ngoài như Hoa Kỳ và Nhật Bản, muốn biến Biển Đông thành nơi tranh giành địa chính trị", và hiện nay các nước này dành cho Hà Nội vị trí quan trọng hơn sau khi Manila thay đổi thái độ năm ngoái.

Cũng theo tờ báo này, sự "xúi giục" của Mỹ và Nhật có thể tạo cho các nước yêu sách Biển Đông ảo tưởng là Trung Quốc không thể trả đũa. Các nước trung bình và nhỏ thường tìm cách tồn tại bằng cách chơi trò đi dây giữa các cường quốc, "nhưng chiến thuật này không thể dùng để giải quyết các vấn đề nhạy cảm, nếu không sẽ phải đối mặt với rủi ro cao".

Nhắc lại luận điệu quen thuộc là tranh chấp chỉ có thể giải quyết song phương, tờ báo mở lời đường mật là hai nước nên tận dụng lợi thế có cùng hệ thống chính trị. Đồng thời Hoàn Cầu Thời Báo răn đe, "nếu có khiêu khích, công luận đôi bên đều không cho phép chính phủ nước mình lùi bước, có nghĩa là các biện pháp đối phó có thể được đưa ra bằng bất cứ giá nào" ; và "lịch sử cho thấy một sự đối đầu giữa hai nước xã hội chủ nghĩa có thể trở thành thảm họa vì cả hai bên đều có khả năng huy động quần chúng rộng rãi".

Tờ báo đe dọa tiếp, "Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ không hậu thuẫn Việt Nam bằng mọi giá" khi xảy ra khủng hoảng. "Hà Nội không nên nhầm tưởng là Bắc Kinh sẽ nhượng bộ" vì cần "giữ ổn định cho Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp tới".

Tóm lại, như The Diplomat đã nhận định ở trên, Biển Đông sẽ chẳng bao giờ bình yên.

Thụy My

*******************

Biển Đông : Bắc Kinh khởi động dự án biên soạn dữ liệu về khu vực tranh chấp (RFI, 22/06/2017)

Các nhà nghiên cứu sẽ thu thập và biên soạn dữ liệu và tài liệu có giá trị thu được trong các chuyến thám hiểm của Trung Quốc tại Biển Đông, các hòn đảo và rạn san hô. Ông Long Lệ Quyên (Long Lijuan), viện phó Viện nghiên cứu Nam Hải Hải Dương, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc cho biết như trên.

bd1

Ảnh chụp từ trên không cho thấy công trình Trung Quốc xây dựng trên đá Subi, Trường Sa, ngày 21/04/2017. © Reuters

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã hôm nay 22/06/2017 cho biết dự án biên soạn dữ liệu về khu vực tranh chấp tại Biển Đông là một trong 14 chương trình điều tra nguồn tài nguyên được Bộ Khoa Học và Công Nghệ Trung Quốc chấp thuận trong năm nay.

Phân tích so sánh và nghiên cứu các dữ liệu sẽ cho phép hiểu rõ về các nguồn lực, môi trường và những thay đổi tại Biển Đông, các hòn đảo và rạn san hô. Tham gia dự án có 193 học giả của 10 viện nghiên cứu và các trường đại học chuyên về các lĩnh vực như sinh vật biển, sinh thái, nghề cá và địa chất. Các nhà thám hiểm đã nghỉ hưu được mời hỗ trợ chương trình để bảo đảm độ tin cậy và chính xác của các dữ liệu.

Trong khi đó, chiếc máy bay hải giám với khả năng hoạt động từ tầm trung đến tầm xa đầu tiên của Cục Hải Dương Quốc Gia Trung Quốc bắt đầu được đưa vào hoạt động hôm 19/06.

Theo tin hôm thứ Ba 20/06 của China Ocean News, B-5002 có sải cánh khoảng 30 mét, là máy bay hải giám Trung Quốc bay được xa nhất. Về lý thuyết, tầm bay của B-5002 có thể bao phủ khắp Biển Đông.

Theo báo cáo Cục Hải Dương Quốc Gia Trung Quốc, B-5002 sẽ làm nhiệm vụ giám sát trong nhiều lĩnh vực, như bảo vệ môi trường hàng hải, khai thác hải đảo, bảo vệ quyền lợi hàng hải cũng như nghiên cứu và cứu hộ hàng hải.

Máy bay này được trang bị một số phần cứng và phần mềm tin học hiện đại với tổng giá trị gần 14,6 triệu đô la.

Thùy Dương, Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 795 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)