Tổng thống Mỹ dự thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, thăm Việt Nam, nhưng không dự thượng đỉnh ASEAN
Thu Hằng, RFI, 10/08/2023
Sau khi thông báo "sớm" thăm Việt Nam, theo dự kiến tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ấn Độ họp thượng đỉnh G20 vào ngày 09 và 10/09/2023. Tuy nhiên, nguyên thủ Mỹ có thể sẽ không tham dự thượng đỉnh ASEAN, dù nước chủ nhà Indonesia đã chủ ý tổ chức sớm cuộc họp từ ngày 04 đến 07/09. Việc này làm dấy lên câu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ để khống chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng.
(Ảnh minh họa) - Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại bang Maine, ngày 28/07/2023. © AFP / Brendan Smialowski
Một nguồn tin trích dẫn đại sứ một nước thành viên ASEAN ở Washington, hôm 09/08 cho Reuters biết là Indonesia đã được thông báo ngay từ thứ Hai 07/08 là ông Biden không đến dự ASEAN. Nhiều dân biểu Mỹ cũng khẳng định "có rất ít khả năng" nguyên thủ Mỹ có mặt ở Jakarta.
Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng từ chối xác nhận thông tin mà chỉ cho biết : "Chúng tôi vẫn đang xem xét… chúng tôi sẽ sớm thông báo". Còn theo người phát ngôn của Nhà Trắng, lịch trình đi Châu Á của tổng thống Mỹ vẫn chưa phải là chính thức chừng nào chưa được thông báo và vẫn có thể có thay đổi.
Theo Reuters, rất nhiều nhà ngoại giao của ASEAN cho rằng "sẽ thất vọng vô cùng nếu ông Biden không tới Jakarta" trong khi chính quyền của ông lại đặt trọng tâm vào mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đặc biệt là Indonesia, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, đã cố tình tổ chức thượng đỉnh vào tháng 09, thay vì vào tháng 11 hàng năm, để sau khi tham dự thượng đỉnh ASEAN, nguyên thủ Mỹ sẽ đến Ấn Độ dự thượng đỉnh G20. Hơn nữa, ông Joe Biden cho biết là vào dịp này sẽ thăm Việt Nam, nằm ngay trong khu vực.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể sẽ thay ông Biden đến Jakarta. Đây không phải là lần đầu tiên nguyên thủ Mỹ khiến các nước ASEAN thất vọng. Tháng 11/2022, ông đã không dự thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh khi Cam Bốt giữ chức chủ tịch luân phiên.
Thu Hằng
************************
Trung Quốc "ve vãn" một ASEAN "thất vọng" vì bị tổng thống Mỹ "ngó lơ" ?
Thu Hằng, RFI, 10/08/2023
Đông Nam Á là điểm xuất ngoại đầu tiên của ông Vương Nghị, trong tư cách là tân ngoại trưởng Trung Quốc từ ngày 10 đến 13/08/2023 để khẳng định tầm quan trọng của các đối tác ASEAN. Thế nhưng, ASEAN rất có thể lại không được tổng thống Mỹ chọn họp thượng đỉnh vào tháng 09, trong khi khu vực vẫn được coi là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc.
Ảnh minh họa : Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc ở Jakarta (Indonesia), ngày 13/07/2023 via Reuters - Pool
Khẳng định vai trò quan trọng của Đông Nam Á
Việc chọn Đông Nam Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị không khiến giới chuyên gia ngạc nhiên. Khu vực này luôn được đặt làm "trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chủ tịch Tập Cận Bình", theo nhận định với trang South China Morning Post của phó giáo sư Dylan Loh, chuyên về quan hệ Trung Quốc-ASEAN, Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.
Còn ba nước Singapore, Malaysia và Cam Bốt được chọn cũng nhằm mục đích bảo đảm thành công cho chuyến công du của ông Vương Nghị. Những nước này "không có tầm ảnh hưởng để yêu cầu Trung Quốc kiềm chế", nhưng phó giáo sư Dylan Loh cho rằng "chắc chắn sẽ có các cuộc trao đổi quan điểm cởi mở". Singapore luôn tìm cách giữ cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, còn Cam Bốt là một đồng minh của Bắc Kinh.
Với ba nước mà Bắc Kinh có quan hệ không quá căng thẳng, bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh đến mục đích "tăng cường truyền thông chiến lược" và "thúc đẩy phục hồi kinh tế, duy trì hòa bình và ổn định."... Khẳng định như vậy nhưng chính Trung Quốc đang khiến tình hình an ninh ở Biển Đông thêm căng thẳng trong những ngày gần đây, sau khi lực lượng hải cảnh nước này chặn đầu quấy rối một tầu tiếp tế của Philippines cho lực lượng đồn trú trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, hôm 05/08.
Xoa dịu các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
Để hạn chế và tránh những sự cố như vậy, Trung Quốc và ASEAN thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng vẫn bế tắc từ nhiều năm nay. Cuộc họp sắp tới sẽ diễn ra từ 22-24/08 ở Manila, Philippines. Một bộ COC "hiệu quả và thực chất" như ASEAN kỳ vọng, sẽ rất khó thực hiện nếu Bắc Kinh tiếp tục áp đặt cách nhìn và những đòi hỏi chủ quyền, gạt mọi can thiệp của nước ngoài vào khu vực. Ý đồ của Bắc Kinh được giáo sư Chu Phong (Zhu Feng), chuyên về quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh, gián tiếp nhắc lại khi cho rằng "lợi ích chung của ASEAN là sự đối đầu an ninh và quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông cần được ngăn để tránh bị trầm trọng thêm".
Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh rằng an ninh, ổn định trong vùng là điều quan trọng cho phát triển kinh tế, bởi vì theo giải thích của giáo sư Trung Quốc, "tình hình Biển Đông tác động đến an ninh trong vùng và sự phát triển kinh tế của toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương". Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á cũng cần đến Mỹ để làm đối trọng với sức mạnh Trung Hoa.
Khai thác "thất vọng" của ASEAN vì Tổng thống Biden không dự thượng đỉnh ?
Việc tổng tống Mỹ có thể không tham dự thượng đỉnh ASEAN, dù Indonesia đã cố tình tổ chức sớm để phù hợp với lịch trình dự G20 và thăm Việt Nam của ông Joe Biden, có thể là cơ hội để Trung Quốc khai thác "nỗi thất vọng lớn" của các nước Đông Nam Á. "ASEAN và vai trò trung tâm" được Washington đặt làm trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, với mục đích chính là kiềm chế Trung Quốc, nhưng hai đời tổng thống Mỹ gần đây đều không tham gia họp thượng đỉnh với 10 nước.
Trong khi quyết định của Nhà Trắng có thể gây hàng loạt nghi vấn về cam kết của Mỹ ở trong vùng hoặc tầm quan trọng của ASEAN, thì Trung Quốc khẳng định muốn "nâng quan hệ lên một tầm cao mới" với ba nước đối tác. Chuyến công du của ông Vương Nghị cũng nhằm chuẩn bị cho Diễn đàn Vành đai và Con đường, dự kiến được tổ chức vào cuối năm. Sau bốn năm gián đoạn, Bắc Kinh trở lại và tái khẳng định cạnh tranh với những dự án đầu tư trong khuôn khổ các chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của phương Tây, và nhất là thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Thu Hằng