Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/09/2023

Điểm báo Pháp - Tập Cận Bình sẽ đi đến đâu ?

RFI tiếng Việt

Không còn phản biện, Tập Cận Bình sẽ đi đến đâu ?

Theo Le Figaro ngày 05/09/2023, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc trong vòng mười năm đã từ một chế độ độc tài tập thể chuyển sang độc tài cá nhân. Không còn bất kỳ ai dám chỉ trích đường lối của đảng. Lịch sử cho thấy các bạo chúa luôn tự giam hãm trong những ám ảnh của mình và rốt cuộc trượt dài. Với Vladimir Putin là việc xâm lăng Ukraine, còn Tập Cận Bình sẽ trượt dốc như thế nào ?

tap1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi) trong khi tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu qua màn hình vì vướng lệnh truy nã quốc tế, ngày 23/08/2023 via Reuters - Pool

ASEAN mãi loay hoay giữa hai dòng nước

Tại Đông Nam Á, Les Echos nhận thấy các nước thành viên họp thượng đỉnh hôm nay ở Indonesia đang bị chia rẽ trước áp lực Trung Quốc. Trong bối cảnh đối địch Mỹ-Trung, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á không xác định được phương án chung nhằm đối phó với tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Cuối tháng 8, chỉ vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Jakarta, Bắc Kinh tung ra tấm bản đồ trong đó gộp luôn nhiều lãnh thổ của các nước láng giềng và nhất là hầu như toàn bộ Biển Đông. Malaysia, Việt Nam và nhất là Philippines giận dữ phản đối, đề nghị các đối tác cùng lên án đồng thời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Manila cực lực tố cáo vụ tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp liệu của Philippines tại một đảo nhỏ cách xa Hoa lục đến 1.200 kilomet trong tháng 8. Tuần trước, một tàu đánh cá Việt Nam cũng bị tấn công theo cách tương tự.

Nếu ngày càng nhiều quốc gia Đông Nam Á lên tiếng chỉ trích các hành động hung hăng của Bắc Kinh, thì tổ chức ASEAN lại ngần ngại không dám làm mất lòng cường quốc kinh tế Châu Á. Chuyên gia Richard Heydarian nhận xét : "ASEAN mất tích trên nhiều chủ đề, gây bất bình cho khu vực, đặc biệt là Philippines". Giáo sư Amitav Acharya ở Washington cho rằng : "ASEAN đang bị kẹt giữa Trung Quốc, đối tác kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất Châu Á, và Hoa Kỳ, người bảo vệ an ninh cho những nước bị Trung Quốc đe dọa".

Marty Natalegawa, cựu ngoại trưởng Indonesia, dự báo : "Nếu ASEAN muốn tiếp tục có thái độ trung dung, nói rằng không muốn chọn lựa, thì sẽ mất đi hiệu quả". Ông so sánh : "Cũng giống như ASEAN đang cầm lái khu vực, nhưng không có khả năng dẫn dắt đi đâu".

Nghịch lý của Tập hoàng đế

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro nhận định "Các nhà độc tài rốt cuộc luôn sai lầm". Tờ báo đưa ra ví dụ, tấm bản đồ kỳ quặc gồm luôn bang Arunachal Pradesh và bình nguyên Aksai Chin của Ấn Độ khiến New Delhi phản ứng dữ dội, dẫn đến việc Tập Cận Bình từ chối đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.

Bài viết chỉ ra nghịch lý của hoàng đế đỏ Trung Hoa. Một mặt, ông ta muốn làm lãnh đạo khối BRICS để chống lại "ách thực dân mới phương Tây" ở Châu Phi và Châu Á. Mặt khác, lại đối xử thô bạo với Ấn Độ, dù nước này là cột trụ của BRICS. Với thái độ hống hách, trong vòng chưa đến 10 ngày, Tập Cận Bình đã thành công trong việc bẻ gãy đà tiến của phong trào, có được từ hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg hôm 22/09.

Với ông Tập, Trung Quốc trong vòng mười năm đã từ một chế độ độc tài tập thể chuyển sang độc tài cá nhân mang xu hướng toàn trị. Không có một địa phương, doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan truyền thông nào dám chỉ trích đường lối của đảng. Sếp luôn có lý, vì ông ta là sếp. Ngay cả các tài xế xe buýt cũng bị buộc phải học tập tư tưởng Tập Cận Bình. Viết những lời chỉ trích chính quyền gởi cho bạn bè trên WeChat rất nguy hiểm, vì công an theo dõi cả những trao đổi riêng tư.

Phản biện không còn, Tập Cận Bình sẽ đi đến đâu ?

Việc tập trung quyền lực vào trung ương, chú trọng quốc doanh, kiểm soát xã hội gây ức chế cho các doanh nhân và cán bộ trẻ. Xử lý đại dịch Covid một cách điên rồ làm mất đi lòng tin của người dân. Không ít tài năng trẻ đã ra đi, còn những người thành công ở Hoa lục đang mơ một tấm hộ chiếu Úc. Giới tinh hoa Trung Quốc có học thức luôn ái quốc, hãnh diện về nền văn hóa lâu đời, ủng hộ mục tiêu chiếm Đài Loan của đảng ; nhưng nay họ bị Tập Cận Bình bóp nghẹt trong cuộc sống hàng ngày.

Lịch sử cho thấy các nhà độc tài luôn tự giam hãm trong những ám ảnh của mình và rốt cuộc trượt dài. Đối với Mussolini là lời tuyên chiến vào tháng 6/1940, với Vladimir Putin là việc kéo quân sang Kiev tháng 2/2022. Khi những khẩu đại bác im tiếng hai bên bờ sông Dniepr, Nga sẽ yếu hẳn về kinh tế và ảnh hưởng trong thế giới Slav giảm sút. Khi nhớ lại cách mà Putin công khai làm mất mặt giám đốc tình báo Naryshkin hôm 21/02/2022, người ta hiểu rằng ông chủ điện Kremlin không còn muốn nghe bất kỳ lời nói nào trái ý.

Còn Tập Cận Bình sẽ trượt dốc như thế nào ? Bất ngờ đánh chiếm Đài Loan, cho ngư lôi tấn công một chiến hạm Nhật Bản trên biển, hay lại xung đột ở biên giới với Ấn Độ ? Chẳng phải là không có rủi ro Tập Cận Bình gây sự với bên ngoài, nhằm tìm kiếm lại sự ủng hộ trong nước. Không còn định chế nào bên cạnh ông ta để can ngăn.

Mông Cổ : Giáo hội "mini" lý tưởng

Cũng tại Châu Á, Le Monde viết về "Mông Cổ : Giáo hoàng hướng về người Công giáo  Trung Quốc", còn theo La Croix "Tại Mông Cổ, Giáo hoàng Fra,cis đã tiếp xúc với giáo hội lý tưởng". La Croix cho biết có thể nói toàn bộ giáo hội Mông Cổ đều hiện diện trong bức ảnh kỷ niệm : tất cả 25 linh mục tại một đất nước mà mùa đông có thể xuống đến -40°C, vài chục nữ tu, chưa đầy 1.400 tín đồ trên 3,3 triệu dân Mông Cổ, không đủ lấp đầy 2.000 chỗ trên sân vận động.

Le Monde nói thêm, còn có những cô gái Việt Nam trong bộ áo dài màu tía và những chiếc nón lá, đến chỉ để gặp Giáo hoàng. Cũng có những giáo dân Trung Quốc từ Giang Tây và Hà Bắc, phải đi lén lút vì bị đàn áp ở Hoa lục. Giáo hội Mông Cổ nhỏ bé dựa trên những hoạt động từ thiện, trong đó những nhà truyền giáo đầu tiên chăm sóc trẻ mồ côi, người bệnh, mở các nhà nuôi dưỡng người tàn tật… được Giáo hoàng gọi là "cách phục vụ mà Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta".

Ukraine chống tham nhũng : Bộ trưởng Quốc phòng và một tỉ phú quyền lực rơi đài

Liên quan đến Ukraine, việc bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reknikov mất chức được các báo chú ý nhiều nhất. Le Monde nói về "Một bộ trưởng và một nhà tài phiệt bị rơi đài tại Ukraine", với Libération "Bộ Quốc phòng thay người lãnh đạo". Les Echos cho biết "Tài phiệt Ihor Kolomoisky bị nghi gian lận và rửa tiền". Le Figaro quan tâm đến tân bộ trưởng là người Tatar ở Crimea, còn La Croix đặt câu hỏi "Cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine có tiến bộ hay không ?"

Hình ảnh của ông Oleksiy Reknikov đã xấu hẳn đi trong hai tuần qua, khi lại có thêm một xì-căng-đan tham nhũng về quân phục mùa đông cho binh lính. Và từ một năm qua là một loạt các vụ như hoa hồng khi nhập khẩu đạn, thực phẩm, vật liệu y tế. Reknikov không trực tiếp bị nêu tên trong các vụ thủ lợi bất hợp pháp, nhưng việc ông bao che cho thuộc cấp khiến công chúng bất bình. Vốn là một luật sư được tiếng là tốt bụng, theo tin đồn thì ông có thể trở thành đại sứ ở Anh. Sở dĩ Reknikov còn tại vị được trong những tháng vừa qua là vì Kyrylo Budanov, giám đốc tình báo quân đội nhất định từ chối lên thay, dù Volodymyr Zelensky nhiều lần thúc giục. Theo nhà báo điều tra Ukraine Nachi Grochi, việc cách chức Reknikov là thời điểm lịch sử trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Về phần tỉ phú Ihor Kolomoisky, ông có ảnh hưởng vô cùng lớn trong chính giới, tài trợ cho các đảng, khống chế được nhiều lá phiếu của các đại biểu quốc hội. Ông còn sở hữu một kênh truyền hình đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Zelensky trở nên nổi tiếng lúc còn là diễn viên. Từ cuối 2021, đảng cầm quyền đã có một loạt biện pháp nhằm tránh việc nhà tài phiệt này can thiệp vào chính trường và truyền thông. Tymofiy Mylovanov, hiệu trưởng trường kinh tế Kiev, cho biết việc bắt giữ Kolomoisky là trắc nghiệm cho hệ thống tư pháp Ukraine. Theo một cựu cố vấn, "có hai hệ thống áp dụng luật pháp ở Ukraine : một do Nhà nước kiểm soát, và một do Kolomoisky".

Việc chọn lựa Rustem Umerov, một người Tatar ở Crimea làm tân bộ trưởng quốc phòng rõ ràng mang tính biểu tượng, vào lúc Kiev ngày càng công khai ý định tái chiếm bán đảo bị sáp nhập. Từ đầu cuộc xâm lăng, Umerov đã tích cực trong hậu trường thuyết phục phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine, và như vậy, ông có thể dễ dàng tiếp tục các hoạt động của người tiền nhiệm.

Chiến tranh điện tử : Vô hình nhưng lợi hại

Cũng về chiến tranh Ukraine, Le Figaro cho biết "Gây nhiễu và chắn sóng : Mặt trận vô hình của chiến tranh điện tử". Các radar và thiết bị gây nhiễu ngoài tiền tuyến cũng nhiều như dự trữ đạn dược và đại bác. Tuần trước phía Nga khẳng định đã chận được 33/42 drone của Ukraine tấn công vào Crimea, nhờ công cụ làm nhiễu. Dù không thể kiểm chứng, nhưng vũ khí điện tử rất hiệu quả với bên nào nắm vững.

Kiev dường như chủ yếu dựa vào số lượng, mất đến 10.000 drone một tháng, đa số do chiến tranh điện tử của Nga. Không chỉ chống drone, Nga còn tăng cường phương tiện cắt sóng và chận liên lạc giữa các quân nhân, làm chệch hướng pháo… dọc theo các phòng tuyến. Chuyên gia Yves Pagot cho biết : "Nga đã triển khai ba sư đoàn tác chiến điện tử tại chỗ, hầu như là toàn bộ phương tiện". Trở ngại này rất lớn đối với Ukraine, không thua những bãi mìn và giao thông hào kiên cố.

Một nguồn tin Pháp nói rằng quân Nga bố trí hệ thống chiến tranh điện tử cách nhau 20 kilomet, mỗi hệ thống bao phủ một khu vực 10 kilomet. Kremlin từ 15 năm qua đã đầu tư vào lãnh vực này. Quân đội Nga có hẳn một danh mục thiết bị, chủ yếu trên mặt đất. Hệ thống Shipovnik-Aero làm nhiễu liên hệ giữa các drone, loại RH-330Zh Zhitel tấn công vào kết nối GPS, Krasukha 4 nhắm vào AWACS hay liên lạc vệ tinh, Murmansk BN vào liên lạc quân sự… Trong trận đánh Bakhmut, quân Nga đã thử nghiệm hệ thống Tobol gây nhiễu liên lạc vệ tinh, cố cắt đứt khả năng của Starlink. Nhưng tập đoàn Mỹ đã kịp cập nhật phần mềm để đối phó.

Năng lực tác chiến điện tử của Nga cản trở cuộc phản công của lực lượng Ukraine : gây rối tín hiệu GPS giúp chận những hỏa tiễn có độ chính xác cao, làm nhiễu hệ thống ngắm JDAM-ER của Mỹ… Đây là ngạc nhiên bất lợi cho Kiev. Tuy nhiên Nga không chận được một trong những hệ thống thông tin chính của Ukraine dưới dạng sóng VHF là SINCGARS (Single Channel Ground and Airborne Radio System) của Mỹ. Về phía Ukraine thì có những phương tiện nào cho chiến tranh điện tử ? Vẫn là bí mật, nhưng theo Yves Pagot, các quân đội phương Tây ít chú ý đến khía cạnh này, vụ chiếm Crimea năm 2014 đã khiến họ tỉnh giấc một cách muộn màng.

Adama Traoré không thể là "George Floyd" Pháp

Tựa chính các báo Paris hôm nay 05/09/2023 tập trung cho thời sự nước Pháp trong mùa khai trường. Le Monde chạy tựa "Trường học đứng trước tình trạng số lượng học sinh giảm sút". La Croix nói về "Lạm phát : Trợ giúp thực phẩm đang thiếu hụt" : các quán ăn xã hội dành cho người nghèo đang thiếu nguồn tài trợ để đáp ứng cho nhu cầu đang tăng lên. Le Figaro đưa tít trang nhất "Thiếu dược phẩm : Vì sao cuộc khủng hoảng còn kéo dài", Les Echos đề cập đến những thương lượng mới về vấn đề hưu bổng. Về chính trị, Libération nêu ra "Cực hữu : Cuộc thăm dò gây lo sợ" : mức tín nhiệm của bà Marine Le Pen tăng lên 10 điểm trong vòng chưa đầy hai năm.

Le Figaro nói về "Vụ Adama Traoré : Hồi kết của một sự lên đồng tập thể về truyền thông và pháp luật". Những người ủng hộ đủ thành phần và gia đình đã thổi phồng quá đáng, lờ đi những hành vi bạo lực trước đây của Traoré. Họ muốn biến anh ta thành George Floyd của Pháp, biểu tượng cho "phân biệt chủng tộc" của Nhà nước Pháp, nạn nhân "bạo lực cực kỳ dữ dội", của cảnh sát, tư pháp "bất công". Ngành tư pháp đã phải tốn kém rất nhiều để chứng minh ngược lại : chuyển hồ sơ từ Pontoise sang Paris, bảy năm điều tra, mười thẩm phán, 7.000 biên bản đủ loại. Hầu như toàn thể chuyên gia y tế Pháp đều bị huy động, đến nỗi phải cầu viện Bỉ. Thứ Sáu tuần trước, rốt cuộc ba thẩm phán đã ra quyết định miễn tố các hiến binh trong vụ này.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 227 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)