ASEAN họp thượng đỉnh vẫn với hai hồ sơ chính là Miến Điện và Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 05/09/2023
Lãnh đạo các nước ASEAN họp thượng đỉnh lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia ngày 05/09/2023. Biển Đông và Miến Điện vẫn là hai chủ đề chính gây bất đồng tại thượng đỉnh. Phát biểu khai mạc thượng đỉnh, tổng thống Joko Widodo khẳng định, Indonesia, với tư cách là chủ tịch luân phiên, ưu tiên và tôn trọng giá trị bình đẳng giữa các nước ASEAN và tiếp tục đoàn két để đối phó với mọi thách thức trên thế giới.
Tổng thống Indonesia phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Châu Á Thái Bình Dương, được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 05/09/2023. AP - Bay Ismoyo
Theo trang web ASEAN Indonesia 2023, tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh đến "đoàn kết" của ASEAN trong việc xử lý nhiều hồ sơ nhưng cũng lưu ý "đoàn kết không có nghĩa là thiếu sự khác biệt về quan điểm". Ý ông muốn nói đến những chỉ trích về bất đồng của khối trong các hồ sơ lớn như Biển Đông, Miến Điện, sự cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung trong vùng.
Tổng thống Indonesia tái khẳng định "ASEAN không chấp nhận trở thành bên ủy nhiệm của bất kỳ cường quốc nào" và "hợp tác với tất cả các nước vì hòa bình và thịnh vượng". Ông cảnh cáo "đừng biến ASEAN thành một đấu trường cạnh tranh hủy diệt, mà hãy biến ASEAN thành vùng đất phồn thịnh cho hợp tác".
Về tình hình Miến Điện, theo AFP, các nhà lãnh đạo ASEAN đã lên án trình trạng bạo lực và các cuộc tấn công thường dân ở Miến Điện, đồng thời cáo buộc trực tiếp tập đoàn quân sự cầm quyền. Nước chủ tịch luân phiên thừa nhận "có rất ít tiến bộ trong kế hoạch hòa bình (5 điểm) đã được nhất trí".
Còn theo dự thảo thông cáo chung mà AFP tham khảo được, phần dành nói về Miến Điện vẫn để trống, cho thấy các nước không đồng thuận về cuộc khủng hoảng kéo dài hai năm nay. Philippines sẽ thay Miến Điện làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2026. Điều này cho thấy "thái độ thực dụng" để lịch trình hoạt động của khối không bị kẹt theo cuộc khủng hoảng Miến Điện.
Về tình hình Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về những "sự cố nghiêm trọng và hoạt động gần đây ở trên biển", dù không chỉ trích hoạt động gây hấn của tầu thuyền Trung Quốc, đặc biệt đối với Philippines. Theo dự kiến, thời hạn 2026 cũng được ấn định để đúc kết bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), mà đàm phán đã bị bế tắc từ năm 2011.
Thu Hằng
*************************
Cựu lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi đau bệnh
Reuters, VOA, 05/09/2023
Bà Aung San Suu Kyi, cựu lãnh đạo Myanmar đang bị giam cầm, đang đau bệnh và yêu cầu được bác sĩ bên ngoài chữa trị đã bị giới cầm quyền quân sự bác bỏ, một nguồn tin thân tín và chính phủ bị lật đổ trung thành với bà cho Reuters biết hôm 5/9.
Bà Aung San Suu Kyi.
Thay vào đó, người đoạt giải Nobel 78 tuổi được một bác sĩ của nhà tù điều trị.
Nguồn tin không nêu tên cho biết : "Bà ấy bị sưng nướu, ăn uống kém và cảm thấy choáng váng kèm theo nôn mửa".
Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar không trả lời các cuộc gọi của Reuters.
Quốc gia Đông Nam Á này rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ đầu năm 2021, khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Suu Kyi và đàn áp những người chống đối sự cai trị của quân đội, với hàng nghìn người bị bỏ tù hoặc bị giết.
Bà Suu Kyi đang chịu án tù 27 năm liên quan đến 19 tội hình sự. Bà phủ nhận tất cả các cáo buộc mà bà đã bị kết án, từ kích động và gian lận bầu cử đến tham nhũng, và đã kháng cáo các bản án này.
Vào tháng 7, bà bị chuyển sang quản thúc tại nhà từ nhà tù ở thủ đô Naypyitaw.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong của Myanmar, được thành lập bởi những người phản đối sự cai trị của quân đội và những người còn sót lại của chính phủ trước đây của bà Suu Kyi, cho biết việc chăm sóc sức khỏe và an ninh cho những người bị giam giữ chính trị là trách nhiệm của chính quyền quân sự.
Ông Kyaw Zaw, người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia, nói với Reuters : "Cộng đồng quốc tế nên gây áp lực lên chính quyền về việc chăm sóc sức khỏe và an ninh cho tất cả những người bị giam giữ chính trị, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi".
Nhiều chính phủ đã kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho bà Suu Kyi và hàng nghìn tù nhân chính trị khác, và một số chính phủ, bao gồm Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Anh, đã trừng phạt nhằm vào quân đội quốc gia Đông Nam Á này.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 05/09/2023