Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/09/2023

Tập đoàn quân phiệt Miến bị tước quyền lãnh đạo luân phiên ASEAN 2024

RFI - VOA

Khủng hoảng Miến Điện : Naypidaw lên án quyết định "đơn phương" của ASEAN

Thu Hằng, RFI, 06/09/2023

Ngày 06/09/2023, chỉ một ngày sau khi ASEAN lên án tình trạng bạo lực và các vụ tấn công dân thường ở Miến Điện và nêu đích danh tập đoàn quân sự, chính quyền ở Naypidaw đã "bác bỏ" văn kiện của ASEAN với những quyết định "thiên vị" và "đơn phương".

miendien1

Ghế dành cho đại diện Miến Điện vẫn để trống tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản trong khuôn khổ Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43, Jakarta, Indonesia, ngày 06/09/2023 via Reuters - Pool

Trong thông cáo được đăng trên nhật báo chính thức Global New Light of Myanmar, bộ Ngoại Giao Miến Điện kêu gọi ASEAN tôn trọng "những nguyên tắc cơ bản của Hiến Chương ASEAN, trong đó có nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên". Trước đó, theo AFP, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jarkarta, lãnh đạo các nước thành viên đã kêu gọi các bên liên quan ở Miến Điện "giảm tình trạng bạo lực và chấm dứt các cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào thường dân".

Ngoại trưởng của Indonesia, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, thừa nhận kế hoạch hòa bình cho Miến Điện đạt được năm 2021 đã không mang lại bất kỳ tiến bộ đáng kể nào. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn nhất trí duy trì văn kiện này làm nguyên tắc tham khảo, đồng thời "tái khẳng định cam kết giúp đỡ Miến Điện tìm được một giải pháp ôn hòa và bền vững cho cuộc khủng hoảng hiện nay".

Miến Điện có thể tổ chức bầu cử đầu năm 2025

Lần đầu tiên từ sau cuộc đảo chính năm 2021, tập đoàn quân sự Miến Điện "có thể" sẽ tổ chức bầu cử vào "đầu năm 2025" nhằm giúp đảng ủng hộ chính quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển - USDP thắng cử để có "danh chính ngôn thuận". Tướng Min Aung Hlaing đã yêu cầu hoàn tất các bước "chuẩn bị cần thiết" trước đợt thống kê dân số năm 2024.

Ngày 05/09, ủy ban bầu cử nằm dưới sự quản lý của tập đoàn quân sự đã thông báo 36 chính đảng (7 đảng cấp quốc gia, 29 cấp vùng) được phép tham gia vào cuộc tuyển cử, nhưng không nêu rõ ngày. Luật bầu cử mới bỏ hệ thống bầu một vòng duy nhất từng giúp đảng LND của bà Aung San Suu Kyi, hiện bị giải thể, giành thắng lợi áp đảo. Hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện sẽ được áp dụng trên toàn lãnh thổ.

Hoa Kỳ cho rằng mọi cuộc bầu cử dưới chế độ quân sự chỉ là "trá hình". Còn Nga, đồng minh và là nhà cung cấp vũ khí lớn của tập đoàn quân sự Miến Điện, tuyên bố ủng hộ cuộc bầu cử.

Thu Hằng

****************************

Myanmar không được làm chủ tịch luân phiên ASEAN 2026

AP, VOA, 06/09/2023

Các lãnh đạo Đông Nam Á quyết định rằng Myanmar sẽ không đảm nhận vai trò lãnh đạo luân phiên trong ASEAN như dự kiến vào năm 2026, các nhà ngoại giao châu Á và một nhà lãnh đạo cho biết ngày 5/9.

ase4

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta, ngày 5/9/2023.

Các chính phủ phương Tây dẫn đầu là Hoa Kỳ lên án việc quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào năm 2021 và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho bà cùng với các quan chức khác.

Tại thượng đỉnh ASEAN do Indonesia chủ trì ngày 5/9, Philippines đã đồng ý đảm nhận chức chủ tịch ASEAN vào năm 2026, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết trong một tuyên bố, trích dẫn những gì ông đã nói với các nhà lãnh đạo đồng nghiệp trong các cuộc họp kín.

Tuyên bố nói : "Tôi rất vui mừng thông báo rằng Philippines sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo và chủ trì ASEAN vào năm 2026".

Ông Marcos không giải thích tại sao Myanmar mất chức chủ tịch ASEAN kéo dài một năm, nhưng hai nhà ngoại giao ASEAN nói với hãng tin AP rằng điều này có liên quan đến xung đột dân sự ở nước này và lo ngại rằng mối quan hệ của ASEAN với Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, cùng các nước khác, có thể bị suy yếu vì các nước đó không công nhận chính phủ do quân đội lãnh đạo ở Myanmar.

Các nhà ngoại giao phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận công khai vấn đề tế nhị.

Xung đột dân sự chết người tiếp tục diễn ra ở Myanmar và những bùng phát mới trong các tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài ở Biển Đông là những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của khối ASEAN gồm 10 quốc gia hôm 5/9.

Các vấn đề gai góc bao gồm sự cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực đã gây chia rẽ trong ASEAN và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhắc lại lời kêu gọi đoàn kết.

"Tất cả chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng của những thách thức trên thế giới ngày nay, trong đó chìa khóa chính để đối mặt với chúng là sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN", ông Widodo nói với các nhà lãnh đạo đồng nghiệp.

Ông ví ASEAN như con tàu lớn chở người dân Đông Nam Á: "Các nhà lãnh đạo ASEAN phải đảm bảo rằng con tàu này có thể tiếp tục hoạt động, có thể tiếp tục ra khơi". "Chúng ta phải là thuyền trưởng của những con tàu của mình để mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung".

Trong một bước trừng phạt vì không tuân thủ kế hoạch hòa bình 5 điểm do các nhà lãnh đạo ASEAN soạn thảo vào năm 2021, các tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar và các quan chức được bổ nhiệm của họ một lần nữa bị cấm tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay tại Jakarta bất chấp đề nghị của một số quốc gia thành viên rằng họ nên được phép quay trở lại vì việc loại bỏ họ đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng của nước này.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định kiên trì với kế hoạch hòa bình bất chấp đánh giá rằng nó không dẫn đến bất kỳ tiến triển nào trong việc giảm bớt khủng hoảng. Bà nói với các phóng viên rằng họ đã chỉ định ba quốc gia – các chủ tịch trước đây, hiện tại và kế tiếp của khối – để giải quyết trực tiếp tình trạng bất ổn dân sự ở Myanmar.

Bà Marsudi nói các tướng lĩnh của Myanmar sẽ tiếp tục bị cấm tham dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, một tổ chức giám sát nhân quyền, lực lượng an ninh Myanmar đã giết hại khoảng 4.000 thường dân và bắt giữ 24.410 người khác kể từ khi quân đội tiếp quản.

Sau hội nghị thượng đỉnh vào ngày 5/9, các nhà lãnh đạo của ASEAN sẽ gặp gỡ các đối tác châu Á và phương Tây từ ngày 6/9 đến 7/9, bao gồm cả Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, người sẽ tham dự thay cho Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết trước khi bay tới Jakarta rằng ông có kế hoạch đưa ra đảm bảo về sự an toàn của việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hỏng ra biển. Việc xả thải bắt đầu vào ngày 24 tháng 8 và Trung Quốc ngay lập tức áp đặt lệnh cấm đối với tất cả hải sản Nhật Bản.

Khi được hỏi về khả năng gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý tại Jakarta, ông Kishida cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra về vấn đề đó.

Ông Kishida và ba bộ trưởng Nội các gần đây đã ăn sashimi cá bơn, bạch tuộc và cá đánh bắt ngoài khơi bờ biển Fukushima sau khi bắt đầu xả nước thải nhằm chứng tỏ chúng an toàn.

Về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN "tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, kiềm chế tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình," theo một thông cáo sau hội nghị thượng đỉnh được ông Widodo đưa ra thay mặt cho các nhà lãnh đạo khác.

Các thành viên ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.

"Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số quốc gia thành viên ASEAN bày tỏ quan ngại về việc lấy đất lấn biển, các hoạt động và sự kiện nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm cả các hành động gây nguy hiểm cho sự an toàn của mọi người, gây thiệt hại cho môi trường biển"’ làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực", các nhà lãnh đạo dự định dùng lời lẽ tương tự như trong các thông cáo trước đây.

(AP)

Nguồn : VOA, 06/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, AP
Read 253 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)