Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/09/2023

Điểm báo Pháp – ASEAN tập trận chung

RFI tiếng Việt

Mạnh dạn tập trận chung, ASEAN gởi tín hiệu đến Trung Quốc

Les Echos ngày 21/09/2023 nhận định "Bị Bắc Kinh sách nhiễu, các qụốc gia Đông Nam Á đã dám tập trận chung". Lần đầu tiên quân đội mười nước ASEAN tập hợp tại Indonesia để cùng đáp trả về quân sự trước áp lực yêu sách lãnh thổ đang tăng lên của Trung Quốc.

asean1

Các quân nhân tham dự lễ khai mạc cuộc tập trận chung ASEX 01-Natuna của ASEAN tại đảo Batam của Indonesia ngày 19/09/2023 via Reuters – Antara Foto

Từ thứ Ba 19/09 cho đến thứ Bảy 23/09, các quân nhân ASEAN cùng với chiến hạm tham gia những cuộc tập trận trên biển mang tên "ASEX 01-Natuna". Cho tới nay, các nước thành viên chỉ tham gia tập trận với các cường quốc khu vực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, chưa bao giờ dám tập trận cùng nhau một cách độc lập, vì sợ làm mất lòng đối tác quan trọng. Nhưng vô số vụ đụng chạm với Bắc Kinh đã khiến các nước này phải công khai bày tỏ tình tương trợ.

Không muốn nghiêng về Mỹ, nhưng không để Bắc Kinh hà hiếp mãi

Chuyên gia Bonnie Glaser, phụ trách chương trình Ấn Độ-Thái Bình Dương của German Marshall Fund, giải thích : "Nỗ lực xây dựng liên minh này là rất quan trọng. Ngày càng có nhiều nước quyết định can dự để bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực". Les Echos nhắc lại, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc thường thô bạo dùng chiến hạm ngăn trở tàu đánh cá và tàu tuần duyên các nước, kiểm soát toàn bộ Biển Đông cách vùng duyên hải của mình đến hơn 2.000 kilomet.

Trung Quốc muốn áp đặt "đường lưỡi bò" lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, chồng lấn một phần khu vực của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna. Nhiều nước muốn trả đũa nhưng e ngại vì lệ thuộc nặng nề vào thương mại với Bắc Kinh. Trao đổi giữa ASEAN với Trung Quốc năm ngoái lên đến 975 tỉ đô la, gấp ba với Liên Hiệp Châu Âu và gấp đôi với Hoa Kỳ. Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia, Yudo Margono, nói rằng cuộc tập trận chỉ nhằm tập dượt tìm kiếm, cứu hộ và các hoạt động nhân đạo trong trường hợp thảm họa.

Natalie Sambhi, giám đốc Verve Research phân tích : "Đối với một nước như Indonesia, điều quan trọng là lập ra một liên minh không có Hoa Kỳ. Jakarta lo ngại sáng kiến này tạo cảm giác là các nước Đông Nam Á thiên về phía Mỹ". Hơn nữa nhiều nước ASEAN không tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ngần ngại không muốn tham gia cuộc tập trận đầu tiên này. Cam Bốt thậm chí còn đòi Indonesia chuyển sang những địa điểm ít "nhạy cảm". Ban đầu định tập trận ở phía nam Biển Đông, rốt cuộc tổ chức tại phía nam quần đảo Natuna, trong một khu vực chưa bị độ Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.

Châu Á chưa bị ảnh hưởng nhiều từ khủng hoảng địa ốc Trung Quốc

Về mặt kinh tế, Les Echos đặt câu hỏi "Liệu Châu Á có thể bị lây nhiễm khủng hoảng địa ốc từ Trung Quốc hay không ?". Báo cáo công bố hôm qua của Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết hiện thời các nước ở Châu lục vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều vì căng thẳng địa chính trị thế giới và sự xuống dốc của Trung Quốc. Ngoại trừ Nhật Bản, các quốc gia Châu Á được dự báo tăng 4,7% GDP trong năm 2023.

Tuy nhiên, cú sốc nặng nề hơn đối với những nước lệ thuộc vào đơn đặt hàng của Bắc Kinh. Chẳng hạn Mông Cổ vốn xuất khẩu hầu hết than đá, quặng sắt, thép sang Trung Quốc ; hay Đài Loan có thể bị giảm số linh kiện điện tử, Malaysia xuất được ít kim loại và năng lượng hơn. Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines thì sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm tới.

"Hãy ngưng chiến, và tổng thống Zelensky sẽ không phát biểu !"

Liên quan đến các cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Le Monde  Les Echos đều có cùng nhận xét là tổng thống Mỹ và Ukraine đều cố gắng vận động các nước còn do dự trước cuộc chiến. Les Echos mô tả không khí căng thẳng tại cuộc họp đặc biệt ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm qua.

Trước khi tổng thống Ukraine lên tiếng, đại sứ Nga Vassili Nebenzia phản đối việc ưu tiên cho ông Volodymyr Zelensky được đọc diễn văn trước các nguyên thủ khác, chủ tịch cuộc họp là thủ tướng Albani, Edi Rama, với vẻ nghiêm trang, trả lời : "Có một giải pháp. Các vị ngưng chiến đi, và tổng thống Zelensky sẽ thôi không phát biểu !". Libération ghi nhận cả khán phòng đã cười ồ, và tổng thống Ukraine nhiệt thành cảm ơn chủ tọa.

Volodymyr Zelensky tuyên bố : "Đa số các nước trên thế giới đều nhận biết sự thật về cuộc chiến này (…). Đó là tội ác xâm lăng không thể biện minh của Nga đối với đất nước chúng tôi, nhằm cưỡng đoạt lãnh thổ và tài nguyên của Ukraine". Hôm trước đó tại Đại hội đồng, tổng thống Ukraine cảnh báo : "Nhiều chiếc ghế ở đây sẽ bị bỏ trống nếu Nga thành công". Ông cũng công khai chỉ trích : "Không thể dừng lại cuộc chiến này, vì tất cả nỗ lực đều vấp phải phủ quyết của kẻ xâm lăng hoặc những nước ủng hộ kẻ xâm lăng".

Cố gắng thuyết phục những nước còn phân vân

Zelensky trong bài diễn văn bằng tiếng Anh tố cáo Moskva dùng vũ khí nguyên tử để đe dọa, sử dụng ngũ cốc, nhiên liệu để làm áp lực, việc bắt đưa sang Nga hàng mấy chục ngàn trẻ em Ukraine "rõ ràng là tội diệt chủng". Vị nguyên thủ trong trang phục kaki quen thuộc được vỗ tay hoan nghênh nhiều hơn các nhà lãnh đạo khác, từ đầu cũng như khi kết thúc bài nói chuyện, tuy nhiên phòng họp hôm thứ Ba không đông đảo lắm.

Le Monde lưu ý chi tiết hồi năm 2023, Joe Biden nói đến Nga ngay từ câu thứ ba trong bài phát biểu trước Đại hội đồng, nhưng năm nay đến phút thứ 22 mới nhắc tới. Vấn đề lần này không phải là đối đầu giữa các nước dân chủ với các chế độ độc tài, mà hướng đến các quốc gia còn thờ ơ hay đang phân vân trước cuộc chiến. Chỉ đến đoạn cuối, ông mới nhấn mạnh, Nga ngỡ rằng thế giới sẽ chán nản bỏ rơi Ukraine, nhưng không thể từ bỏ những nguyên tắc căn bản của Liên Hiệp Quốc.

Biden khẳng định "Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác sẽ tiếp tục đứng bên cạnh dân tộc Ukraine ngoan cường, một khi họ vẫn bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do". Đoạn này được cử tọa nồng nhiệt hoan nghênh. Thực tế, Mỹ cũng chuẩn bị gởi các xe tăng M1 Abrams cho Kiev như đã hứa, còn hỏa tiễn tầm xa 300 kilomet ATACMS hiện chưa quyết định được.

Joe Biden và những điểm yếu

Về tổng thống Mỹ, Le Monde có bài viết "Những nhược điểm của Joe Biden". Tác giả cho rằng mối đe dọa lớn nhất không phải là vụ Kevin McCarthy - người trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ một cách chật vật sau 15 vòng bỏ phiếu - tổ chức luận tội ông. Sau nhiều tháng điều tra, phe Cộng hòa chưa thể kết luận có mối liên hệ giữa các hoạt động hái ra tiền của Hunter Biden, con trai ông, với chức vụ phó tổng thống từ 2009 đến 2017. Rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến việc ứng cử chỉ là chính ông.

Năm nay 80 tuổi, tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ biết rằng một sai sót dù nhỏ nhặt trước công chúng cũng sẽ chống lại mình. Tuy nhiên, không chỉ có vấn đề tuổi tác, Cộng hòa phản ứng mạnh mẽ hơn sau đại dịch, và Biden đã quên mất tuyên bố tháng 3/2020 "là một chiếc cầu hướng về thế hệ mới" của đảng Dân chủ. Trong khi phó tổng thống Kamala Harris ít uy tín hơn Joe Biden, việc đương kim tổng thống loan báo tái ứng cử đã ngăn trở những khuôn mặt trẻ hơn ra tranh đua. Các đồng minh lo lắng : ở Biden là sự ổn định, từ viện trợ quân sự hào phóng cho Ukraine đến chống biến đổi khí hậu. Tất cả có nguy cơ rơi rụng do kết quả cuộc bầu cử trong 14 tháng tới.

Thượng Karabakh đầu hàng : Nỗi cay đắng của vùng đất bị bỏ rơi

Tại Châu Âu, xã luận của Le Figaro mang tựa đề "Thượng Karabakh : Cáo thị mất tích" tố cáo những tuyên bố của phương Tây ủng hộ Armenia chỉ là lời nói gió bay. Samvel Shahramanian chỉ được lưu lại trong lịch sử qua nhiệm kỳ vô cùng ngắn ngủi. Mười một ngày sau khi được Quốc hội của nước cộng hòa tự tuyên bố bầu lên, tổng thống của Artsakh (tức Thượng Karabakh) hôm qua phải chấp nhận thất bại quân sự có thể khiến đất nước ông biến mất. Thượng Karabakh, vùng đất của người Armenia trên lãnh thổ Azerbaijan, sẽ phải đặt dưới luật pháp của Baku.

Kẻ tấn công lần này chỉ mất hai ngày để dập tắt sức kháng cự của người Armenia, đã kiệt quệ sau 9 tháng hành lang Latchin, con đường tiếp tế duy nhất nối với Armenia, bị phong tỏa. Số 120.000 người Armenia sinh sống tại đây, vốn có lý do để lo sợ "thanh lọc chủng tộc", sẽ phải thương lượng với kẻ chiến thắng Ilham Aliev mà không có sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Nhà độc tài của nước Hồi giáo làm giàu từ dầu lửa và được Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, sẽ mặc sức hoạnh họe. Yêu sách của ông ta trước hết là quân sự (lực lượng ly khai phải giao nộp vũ khí và giải thể), và chính trị ("tái hòa nhập" vào Azerbaijan). Có thể chắc chắn rằng kế tiếp sẽ là về văn hóa và tín ngưỡng, xóa bỏ dần dần sự hiện diện cả ngàn năm của Thiên Chúa Giáo trên vùng núi Kavkaz.

"Chiến thắng" của Azerbaijan là hậu quả của việc bỏ rơi lẫn phản bội Artsakh. Đó là Nga, được cho là đóng vai trò "gìn giữ hòa bình" từ 2020, nhưng chẳng bao giờ làm gì chống lại Baku. Đó là Armenia của thủ tướng Nikol Pachinian, không nhìn nhận độc lập của Artsakh và những ngày gần đây còn từ chối ra tay cứu giúp. Đó là phương Tây, nói ủng hộ nhưng không hành động. Bị chìm khuất phía sau cuộc chiến ở Ukraine, người Armenia ở Thượng Karabakh đành phải chịu khuất phục trước một kẻ thù luôn từ chối bảo đảm an ninh cho họ.

Pháp ủng hộ Armenia nhưng đơn độc

Làm thế nào có thể giải thích sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế ? La Croix dẫn lời nhà cựu ngoại giao Marie Dumoulin cho rằng cuộc chiến Thượng Karabakh lần thứ ba cho thấy sự bất lực của Armenia trong việc vận động ủng hộ nước mình. Ngoài việc Nga ngầm bật đèn xanh, Azerbaijan có được hỗ trợ của đồng minh truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ, và sự chuyển giao vũ khí của Israel nhằm chống lại Iran. Phương Tây ít chú ý đến khu vực này vì cuộc chiến tranh ở Ukraine, chưa kể nhiều nước Châu Âu đang lệ thuộc vào khí đốt Azerbaijan. Riêng về phía Pháp, La Croix nhận thấy Paris có thái độ rất rõ ràng.

Phủ Tổng thống Pháp "cực lực lên án việc Azerbaijan sử dụng vũ lực", và trước đó ngoại trưởng Catherine Colonna đánh giá hành động của Baku là "bất hợp pháp, không thể biện minh và không chấp nhận được". Nhiều dân biểu, nghị sĩ thuộc đủ mọi khuynh hướng kêu gọi chính phủ Pháp không nên để cho "Azerbaijan tiến thêm một bước nữa nhằm diệt chủng dân tộc Armenia", và "ngưng mua khí đốt của Baku". Thực tế từ nhiều tháng qua các chính khách Pháp đã có những hoạt động tỏ tình liên đới : chủ tịch Hạ Viện Yaël Braun-Pivet tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Armenia, cựu thủ tướng Édouard Philippe lên án Azerbaijan phong tỏa hành lang Latchine …

Mới đây, hôm 30/08, khoảng 15 đại biểu trong đó có đô trưởng Paris Anne Hidalgo đã đến tận biên giới giữa Armenia và Azerbaijan để cổ động mở đường viện trợ nhân đạo. Pháp cố gắng làm trung gian hòa giải giữa hai bên nhưng không thành công vì đơn độc. Bên cạnh mối quan hệ lâu đời giữa hai nước, còn có vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cần phải được tôn trọng, hơn nữa Armenia vốn có truyền thống tự do đang xích lại gần với Liên Hiệp Châu Âu.

Azerbaijan sẽ còn dấn lên đến đâu ?

Trên Les Echos, tác giả Vahé Ter Minassian đưa ra một loạt vấn đề : "Liệu các định chế địa phương có bị giải thể ? Đặc thù văn hóa của vùng này có được Baku nhìn nhận như thời xô-viết ? Nga, người bảo đảm hợp pháp duy nhất của thỏa thuận ngưng bắn năm 2020, tìm kiếm điều gì ?". Đối với Moskva, ưu tiên là duy trì quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài ra Vladimir Putin hoàn toàn không ưa thủ tướng Nikol Pachinian, người đi lên từ cuộc cách mạng năm 2018.

Minassian đặt câu hỏi, sắp tới Armenia sẽ còn mất thêm gì nữa ? Azerbaijan, tiếp tục được Erdogan ủng hộ tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, muốn kiểm soát hành lang Zangezur đi xuyên qua miền nam Armenia đến vùng đất hẻo lánh Nakhitch của Azerbaijan. Hành lang này giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được tuyến đường xe lửa và đường bộ nối với những nước nói tiếng Thổ ở vùng Kavkaz và biển Caspi, đến tận Trung Á. Tuy nhiên Iran phản đối.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 323 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)