Trung Quốc đặt "phao nổi" tại bãi cạn Scarborough để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông
Thanh Hà, RFI, 24/09/202
Manila ngày 24/09/2023 "mạnh mẽ tố cáo" hải cảnh Trung Quốc thả dây phao tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền và ngăn cản ngư dân Philippines tiến vào khu vực gần bãi cạn Scarborough đánh bắt cá, "tước đoạt kế sinh nhai của dân chài Philippines". Sứ quán Trung Quốc tại Manila từ chối bình luận về tin trên.
Tàu cá Trung Quốc hoạt động trong bãi đá Scarborough đang có tranh chấp với Philippines. Ảnh tư liệu chụp ngày 06/04/2017. 2017 Reuters - Erik de Castro
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn lời thiếu tướng Jay Tarriela, phát ngôn viên cảnh sát biển Philippines, theo đó trong cuộc tuần tra gần bãi cạn Scarborough hôm 22/09/2023, đã phát hiện "khoảng 300 mét dây phao" trong khu vực. Chính xác hơn là hải cảnh Trung Quốc đã cho gài phao nổi ở khu vực có tên gọi Bajo de Masinloc của Philippines.
Cảnh sát biển Philippines bắt gặp quả tang ba xuồng bơm hơi và một xuồng được cho là của dân quân biển Trung Quốc tham gia vào việc lắp đặt phao nổi nói trên. Khi bị phát hiện, phía Trung Quốc đã lớn tiếng tố cáo Philippines "vi phạm luật biển quốc tế" và "luật pháp Trung Quốc" trước khi thoái lui khi nhận thấy rằng có sự hiện diện của báo chí trên tàu Philippines.
Vẫn thiếu tướng Jay Tarriela giải thích, ngư dân Philippines than phiền Trung Quốc thường đặt dây phao để giám sát hoạt động của các tàu cá trong khu vực.
Bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon của Philippines 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc 1.000 km. Từ 2012 Trung Quốc kiểm soát bãi cạn này và thường xuyên xua đuổi ngư dân Philippines ra xa khu vực này. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với gần 90% diện tích ở Biển Đông.
Thanh Hà
**************************
Biển Hoa Đông : Nhật Bản đòi Trung Quốc gỡ bỏ một chiếc phao đặt gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Trọng Nghĩa, RFI, 20/09/2023
Chính quyền Tokyo vào hôm qua, 19/09/2023 cho biết đã phản đối Bắc Kinh về việc đặt một cái phao ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và đặt tên là Điếu Ngư.
Một tàu Hải giám của Trung Quốc, phía dưới, được theo sau bởi một tàu Cảnh sát biển Nhật Bản gần các đảo tranh chấp, Nhật Bản gọi là Senkaku và Điếu Ngư theo Trung Quốc, ở Biển Hoa Đông, vào ngày 15 tháng 11 năm 2012. AP
Trong một cuộc họp báo, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói rằng hành động của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, khẳng định rằng : "Việc lắp đặt các cấu trúc trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi mà không có sự đồng ý của chúng tôi đã vi phạm các quy định liên quan đến Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển".
Ông Matsuno còn cho biết thêm là tuần duyên Nhật đã đưa ra một cảnh báo hàng hải kể từ ngày 15/07 để bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền đi lại ở vùng biển gần đó.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, chiếc phao nói trên bị phát hiện vào tháng 7, ở vùng biển cách đảo Uotsuri - đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - khoảng 80 km về phía tây bắc. Đây là một cái phao màu vàng, bên trên có lắp đèn và mang những ký tự tiếng Trung nói về mục đích của phao là nghiên cứu biển.
Lần gần đây nhất mà Nhật Bản ghi nhận việc Trung Quốc đặt phao xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là vào năm 2018.
Từ nhiều năm nay, tranh chấp Nhật-Trung về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ Tokyo-Bắc Kinh, với việc Trung Quốc thường xuyên cho tàu công vụ xâm nhập vào vùng lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo này.
Mới đây, quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc lại xấu đi thêm kể từ khi Tokyo cho đổ ra biển nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima vào ngày 24/08. Bắc Kinh đáp trả bằng lệnh cấm nhập toàn bộ hải sản Nhật Bản.
Trọng Nghĩa