Trung Quốc ra oai khi chủ tịch họ Tập thăm Hồng Kông (RFA, 30/06/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 30/6 duyệt binh tại Hồng Kông nhân chuyến thăm 3 ngày nhân dịp kỷ niệm 20 năm Anh trao trả đặc khu hành chính này cho đại lục. Đây là lực lượng bảo vệ đặc khu hành chính này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc diễu binh tại doanh trại ở Hồng Kông vào ngày 30 tháng 6 năm 2017. AFP
Trước sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một cuộc diễu binh quy mô lớn với hàng ngàn binh sĩ, xe tăng và dàn phóng tên lửa đã diễn ra tại Hồng Kông. Đây được coi là cuộc diễu binh lớn nhất kể từ năm 1997 tới nay ở đặc khu hành chánh này.
Đây cũng là chuyến thăm Hồng Kông đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013. Hoạt động này đã diễn ra chỉ vài tiếng sau khi nhiều người biểu tình bị cảnh sát tạm giữ đã được phóng thích. Hàng ngàn sĩ quan cảnh sát đã được triển khai để ngăn chặn những người xuống đường phản đối Bắc Kinh thắt chặt quyền tự do bầu cử tại Hồng Kông.
******************
Quân đội Trung Quốc diễu binh tại Hồng Kông đón chào Tập Cận Bình (RFI, 30/06/2017)
Trong ngày thứ hai thăm đặc khu hành chính Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 30/06/2017 dự lễ duyệt binh kỷ niệm 20 năm ngày nhượng địa của Anh Quốc được trao trả cho Trung Quốc.
Diễu binh chào đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hồng Kông, ngày 30/06/2017. REUTERS/Damir Sagolj
Đây là lễ diễu binh lớn nhất được tổ chức tại Hồng Kông từ khi vùng lãnh thổ này được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Hai mươi năm đã trôi qua, bộ mặt của Kồng Kông đã thay đổi, như tường trình của thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Hồng Kông :
Bắc Kinh đã để lại dấu ấn khắp nơi. Dần dần, thuộc địa cũ của Anh Quốc trở thành một thành phố như những thành phố khác của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Brookings Institute tại Washington, một người am hiểu về Hồng Kông, đánh giá : "Giờ đây, Hồng Kông là một thành phố khác hẳn. Đó là một thành phố của Trung Quốc, chắc chắn là vẫn mang tính quốc tế, nhưng những người nước ngoài sinh sống ở đó cũng rất khác so với trước đây".
Chúng ta cần nhớ rằng Hồng Kông đã từng là nền thương mại lớn thứ bảy trên thế giới. Trong những năm 80, đó là khu vực phát triển vượt bậc. Ngày nay, là một thành phố hơi đặc biệt của Trung Quốc, Hồng Kông được gọi là đặc khu hành chính, nhưng ngày càng được "hòa tan" vào thành phố ở Châu thổ Châu Giang như Thẩm Quyến, Châu Hải, Macao mà người ta gọi là "vùng Vịnh".
Tất cả các thành phố trên được kết nối với nhau bằng cầu và đường cao tốc. Cầu đường là thế mạnh của Trung Quốc, quốc gia này rất chuộng xây dựng cơ sở hạ tầng. Và cuối cùng, người dân Hồng Kông thấy họ bị hòa tan vào dân chúng miền Nam Trung Quốc".
Trung Quốc đã ồ ạt xây dựng cầu, đường và các tuyến đường sắt để nối Hồng Kông với Hoa lục. Nhiều dự án, chẳng hạn dự án xây cầu Hồng Kông - Châu Hải - Macao gây nhiều tranh cãi và bị nêu tên trong một vụ tai tiếng tham nhũng".
Theo hãng tin Pháp AFP, vài giờ trước lễ diễu binh, 26 nhà tranh đấu dân chủ của Hồng Kông bị bắt hôm thứ Tư 28/06 đã tạm thời được trả tự do nhưng họ sẽ phải ra trình diện chính quyền vào cuối tháng 09/2017.
Trong khi đó, trong một thông cáo phát ngày hôm qua, bà Heather Nauert - phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ - tuyên bố là nước này lo ngại về tình trạng thiếu dân chủ, xâm hại tự do công dân và không tôn trọng tự do báo chí ở Hồng Kông.
Thùy Dương
*********************
Hong Kong thả người biểu tình phản đối (BBC, 30/06/2017)
Cảnh sát Hong Kong vừa thả một số nhà hoạt động đã bị bắt giữ vì lên kế hoạch chuẩn bị một số cuộc biểu tình trước ngày kỉ niệm trao trả Hong Kong.
Lãnh đạo sinh viên Joshua Wong bị kéo đi bởi cảnh sát hôm 28/6
Thành phố này đang diễn ra hàng loạt các sự kiện để đánh dấu 20 năm từ khi được Anh giao lại Hong Kong cho Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở Hong Kong và thăm lính tại một doanh trại sáng 30/6. Ông Tập dự kiến sẽ tham gia vào một bữa yến tiệc sau đó.
An ninh được thắt chặt với dự đoán sẽ có các cuộc biểu tình lớn diễn ra trong tình hình chính trị căng thẳng.
Hôm 28/6, các nhà hoạt động dân chủ bao gồm lãnh đạo sinh viên Joshua Wong và nhà lập pháp Nathan Law đã bao vây và trèo lên một tượng đài hoa Dương tử kinh bằng vàng, biểu tượng của Hong Kong.
Bức tượng này là món quà của Trung Quốc và là một đài tưởng niệm cho sự kiện trao lại Hong Kong.
Thành viên đảng Demosisto và lãnh đạo Joshua Wong tại tượng đài hoa Dương tử kinh hôm 26/6
Cảnh sát sau đó bắt giữ 26 nhà hoạt động, vốn kêu gọi cho tự do chính trị và chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Họ cũng kêu gọi Bắc Kinh thả ngay nhà bất đồng chính kiến đang bị ung thư giai đoạn cuối Lưu Hiểu Ba.
Đảng chính trị Demosisto, thành lập bởi Wong và Law, tuyên bố trên tài khoản Twitter sáng 30/6 rằng tất cả các thành viên bị bắt giữ đã được thả.
Đây là cuộc biểu tình thứ hai trong tuần tại đài tưởng niệm này. Các nhà hoạt động trước đó là giăng một lá cờ màu đen bao phủ tượng đài và đã bị cảnh sát ngăn chặn.
*******************
Hồng Kông, một nền tư pháp dưới áp lực Bắc Kinh (RFI, 30/06/2017)
Hôm 28/06/2017, lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) cùng với 25 nhà đấu tranh đã bị câu lưu trong một cuộc biểu tình phản đối Tập Cận Bình đến thăm đặc khu, nhân kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc. Những người biểu tình cũng đòi hỏi trả tự do cho giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba và tất cả các tù nhân chính trị. Họ được thả ra vào rạng sáng thứ Sáu 30/6, và cho biết sẽ kiện lên Tòa án Tối cao về vụ bắt bớ này.
Lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong bị cảnh sát bắt ngày 28/06/2017. REUTERS/Tyrone Siu
Kể từ đầu tháng Năm đến nay, trên những bậc thềm tòa sơ thẩm Khu Đông Hồng Kông (Eastern Magistrates’Court), ngự trị một không khí "phiên tòa chính trị" đã trở thành quen thuộc, vốn diễn ra ngày càng nhiều trong những năm cuối của nhiệm kỳ ông Lương Chấn Anh (C.Y.Leung). Ra trước tòa là những khuôn mặt thường rất trẻ ở tuổi sinh viên, với bạn bè và những người ủng hộ vây quanh, đôi khi thêm vài băng-rôn và vô số camera truyền hình, máy ảnh.
Hôm đặc phái viên Le Monde đến dự, có 9 người bị triệu tập với sáu tội danh khác nhau (tụ tập trái phép, gây rối trật tự công cộng, chống lại nhân viên công lực…). Tất cả có điểm chung là đã tham gia cuộc biểu tình ngày 06/11/2016 trước Văn phòng liên lạc Trung Quốc.
Nằm ở khu Tây Hoàn (Sai Wan), phía tây khu tài chính Trung Hoàn nổi tiếng, cơ quan này đặt tại một tòa tháp bằng kính và thép hiện đại, phía trên nóc là một quả cầu. Tuy mang cái tên khá khiêm tốn, nhưng Văn phòng liên lạc là một tổ chức hành chính khổng lồ, với mấy chục ban bệ khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa các ứng cử viên đề cử vào Quốc Hội Hồng Kông.
Trước khi bước vào phòng xử, cô Chu Đình (Agnès Chow), bí thư đảng đối lập Hương Cảng Chúng Chí (Demosisto) cho biết : "Chúng tôi lo ngại chính quyền lợi dụng phiên tòa này để bỏ tù những người phản kháng trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến vào ngày 1/7". Nhưng thẩm phán hôm đó chấp nhận ngay yêu cầu hoãn xử của luật sư, thậm chí còn cho thời hạn lâu hơn vì lịch xử không thuận tiện.
Phiên tòa như vậy được dời đến ngày 21/7, nhờ đó các bị cáo có thể đi biểu tình chống Tập Cận Bình. Dưới mắt Lâm Thuần Hiên (Derek Lam), thành viên Demosisto và là sinh viên trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, các vụ bắt bớ này nhằm sách nhiễu. Anh nói : "Chúng tôi liên tục bị bắt, với tôi đây đã là lần thứ tư. Thật là rắc rối, nhất là bây giờ đang vào mùa thi".
Hồi cuối tháng Ba, sau hôm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) được bầu làm trưởng đặc khu, một nhóm 9 công dân Hồng Kông khác, trong đó có ba lãnh tụ phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn, cũng đã bị triệu ra tòa.
Tháng Tư, dân biểu, chủ tịch đảng Nhiệt Huyết Công Dân (Civic Passion) là Trịnh Tùng Thái (Cheng Chung Tai), 33 tuổi, bị bắt rồi được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh, vì "xúc phạm quốc kỳ". Anh đã cắm ngược những lá cờ đuôi nheo Trung Quốc và Hồng Kông bằng vải ni-lông trên bục các đồng nghiệp thân Bắc Kinh vào tháng 10/2016. Ngày 3/7, khoảng hai chục nhà đấu tranh trong đó có Hoàng Chi Phong bị triệu tập vì "chống lại nhân viên công lực".
Nhưng trường hợp điển hình nhất là hai dân biểu trẻ của đảng Thanh Niên Tân Chính (Youngspiration), Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) và Du Huệ Trinh (Yau Waiching), đắc cử tháng 9/2016 nhưng chưa bao giờ được ngồi vào chỗ của mình vì bị loại ra khỏi Quốc Hội.
Trong khi tư pháp đặc khu chưa đưa ra kết luận về lời tuyên thệ của họ, thì tháng 11/2016 Bắc Kinh đã can thiệp, cho rằng vô giá trị. Đơn kháng cáo của hai dân biểu trẻ sẽ được tòa phúc thẩm xem xét cuối tháng Tám năm nay, họ được một trong những luật sư nổi tiếng nhất Luân Đôn là David Pannick biện hộ.
Hai dân biểu này giải thích : "Ở tòa án cấp cao nhất, chúng tôi vẫn còn tin vào một bản án công bằng". Số phận của sáu dân biểu đối lập khác cũng đang nằm trong tay tư pháp. Họ bị cáo buộc tụ tập bất hợp pháp, vì một cuộc họp tổ chức ngay trong tòa nhà Quốc Hội.
Gần đây, nhiều phiên xử cho thấy quyết định của tòa không phải lúc nào cũng thuận lợi cho chính quyền. Hồi tháng Hai, cựu trưởng đặc khu Tăng Âm Quyền (Donald Tsang) bị 20 tháng tù vì sai phạm trong quản lý. Ông Tăng kháng cáo và được cho đóng tiền tại ngoại.
Còn tỉ phú Quách Bình Giang (Thomas Kwok) có liên quan đến một vụ án tham nhũng dính líu đến nhân vật số hai của ông Tăng Âm Quyền là Hứa Sĩ Nhân (Raphael Hui), thì vừa thua kiện ở tòa phúc thẩm. Năm 2014, ông Hứa Sĩ Nhân đã bị kết án bảy năm rưỡi tù giam.
Về phần bảy cảnh sát đã đánh đập một người biểu tình trong đợt "Cách mạng Dù vàng" năm 2014, mỗi người bị lãnh án hai năm tù. Bản án nghiêm khắc này đã gây ra phong trào tương trợ với cảnh sát.
Dù vậy, mặc cho tính khách quan của các thẩm phán và sự vững chải của các định chế Hồng Kông, một luật sư giấu tên cho biết tại đặc khu "các thành viên luật sư đoàn hết sức bảo thủ. Đa số có cùng ý nghĩ là không nên làm cho con tàu tròng trành, cần phải tương đối thôi".
Luật sư này cho rằng khá mỉa mai khi tòa phúc thẩm lại nằm gần hai ngân hàng chính của Hồng Kông là HSBC và Bank of China, tại tòa nhà của tỉ phú Lý Gia Thành (Li Kashing) và câu lạc bộ sang trọng Hương Cảng Hội (Hong Kong Club).
Thụy My