Nhiều thương hiệu lớn của Mỹ có liên quan tới vàng khai thác bởi người Duy Ngô Nhĩ
Các công ty Mỹ cần thẩm định kỹ càng hơn và đây là một đòi hỏi mang tính đạo đức, pháp lý và quản lý - nghiên cứu nhấn mạnh.
Một báo cáo nghiên cứu vừa được công bố cho biết hàng trăm công ty lớn của Mỹ, trong hoạt động sản xuất của mình, có thể đang vô tình sử dụng vàng được khai thác bởi người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động tại khu vực Tân Cương thuộc vùng viễn Tây của Trung Quốc.
AP và Reuters
Báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến, hay còn gọi là Center for Advanced Defense Studies (C4ADS), cũng cho biết các công ty tài chính như Vanguard, Fidelity, JPMorgan Chase và Blackstone đã khiến người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc điều hành các mỏ vàng ở Tân Cương thông qua các quỹ đầu tư theo chỉ số của họ.
Mặc dù chúng ta đã công bố rộng rãi nhiều báo cáo về việc cưỡng bức lao động đối với người Ngô Duy Nhĩ ở Trung Quốc nhưng vẫn "chưa có sự quan tâm đầy đủ" đối với việc khai thác mỏ ở Tân Cương – báo cáo được công bố hôm thứ Tư nhận định. Cũng theo báo cáo này, khai thác mỏ hiện chiếm 43% tổng sản phẩm kinh tế của Tân Cương và bản thân khu vực này là địa điểm sản xuất về than, khí gas, vàng, đồng và sắt hàng đầu của Trung Quốc.
Tập trung vào lĩnh vực khai thác vàng, báo cáo cho hay bốn trong số 10 công ty khai thác vàng lớn nhất của Trung Quốc có hoạt động ở Tân Cương – vùng viễn Tây mà theo Chính phủ Mỹ, đang diễn ra nạn diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ thông qua triệt sản cưỡng bức, đồng hóa, bỏ tù và lao động nô lệ.
Bốn công ty này là Tập đoàn Vàng Lingbao, Công ty Zhaojin Mining Industry, Tập đoàn Zijin Mining và Tập đoàn Vàng Sơn Đông (Shandong Gold), doanh nghiệp vàng lớn thứ hai của Trung Quốc.
C4ADS cho rằng vàng được sản xuất bởi các công ty này và các công ty khác ở Tân Cương "có thể đang xâm nhập vào Hoa Kỳ và các chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà bán lẻ lớn". Vì vậy, C4ADS kêu gọi các nhãn hàng " hãy tiến hành việc thẩm định kỹ càng hơn để bảo đảm chắc chắn rằng họ không mua vàng hoặc các khoáng sản khác [có nguồn gốc từ Tân Cương]".
Rửa vàng
Đạo luật Phòng chống Cưỡng bức Lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ năm 2021 cấm các công ty Mỹ nhập bất cứ loại hàng hóa nào sản xuất tại Tân Cương trừ khi họ có thể chứng minh rằng lao động cưỡng bức đã không được sử dụng – điều mà theo báo cáo của C4ADS là "không thể khi có sự hạn chế trong việc tiếp cận" khu vực này.
C4ADS lưu ý rằng cả Good Delivery Lists (Danh sách các nhà cung ứng tốt) của Hiệp hội Thị Trường Vàng thỏi Luân Đôn và Responsible Mineral Initiative (Sáng kiến Khai khoáng Có trách nhiệm) đều chứng nhận rằng các công ty giao dịch vàng trên các sàn giao dịch lớn hơn – nơi kết nối họ với thị trường toàn cầu, có tuân thủ với các tiêu chuẩn nhân quyền.
Những thợ mỏ trở về sau một ngày làm việc khai thác vàng dưới lòng đất tỉnh Tư Xuyên - Ảnh minh họa
Nhưng có bằng chứng cho thấy trên thực tế, họ có sử dụng lao động bị cưỡng bức là người Duy Ngô Nhĩ, báo cáo này cho biết.
Thứ nhất, các công ty này sử dụng các chương trình "giới thiệu việc làm" cho người Duy Ngô Nhĩ do chính phủ điều hành. Chính phủ lại thường tìm kiếm việc làm cho người Duy Ngô Nhĩ tại các công ty do người Hán điều hành và người Duy Ngô Nhĩ "không thể tự do từ chối".
Các công ty này [công ty của người Hán] cũng công khai tham gia hoạt động "đồng hóa cưỡng bức" của chính phủ và được chính quyền khen ngợi là đóng vai trò chủ động trong đồng hóa cưỡng bức - báo cáo của C4ADS cho biết.
Mặc dù vậy, hàng trăm công ty Mỹ đã báo cáo các chuỗi cung ứng của họ có tiếp xúc với bốn công ty nói trên của Trung Quốc. Luật hiện hành buộc công ty Mỹ phải báo cáo cho các nhà quản lý về các cơ sở tinh chế nơi cung ứng vàng cho họ.
Mattel, Macy's, Nordstrom, Starbucks, Home Depot, Apple và Tesla nằm trong số 397 công ty đã báo cáo tiếp xúc với Tập đoàn Zijin Mining. Trong khi đó, American Eagle, Sony và Amazon nằm trong số 399 công ty được báo cáo tiếp xúc với Tập đoàn Vàng Sơn Đông.
Ngoài ra còn có T-Mobile, General Motors, Hasbro và Columbia Sportswear nằm trong số 409 công ty đã báo cáo tiếp xúc với Công ty Zhaojin Gold và Ford, Dolby, Best Buy và Kohl's nằm trong số 277 công ty được báo cáo tiếp xúc với Tập đoàn Lingbao Gold.
Đài Á Châu Tự do (RFA) đã liên lạc với Apple, T-Mobile, Mattel và Starbucks để hỏi về các biện pháp thẩm định của họ nhưng chưa nhận được hồi âm.
C4ADS lưu ý trong báo cáo rằng sự "tiếp xúc" với các mỏ có nghi vấn được các công ty này báo cáo với các cơ quan quản lý Mỹ với "ngôn ngữ chuẩn hóa". Theo đó, có thể hiểu là có khả năng vàng có nguồn gốc từ những mỏ này và không nhất thiết có nghĩa là vàng đó đã được sử dụng trên thực tế.
"Tuy nhiên, nguy cơ có tiếp xúc/liên quan với vàng [Tân Cương] của bất kỳ công ty nào tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc là rõ ràng" – báo cáo viết. "Việc các công ty tiến hành thẩm định tốt hơn để đảm bảo họ không mua vàng hoặc các khoáng sản khác của [Tân Cương] là một đòi hỏi mang tính đạo đức, pháp lý và quản lý".
Minh bạch trong đầu tư
Có thể người tiêu dùng Mỹ không chỉ đã hỗ trợ tài chính cho những chuỗi cung ứng – nơi vàng được khai thác bởi những nô lệ người Duy Ngô Nhĩ.
Báo cáo của C4ADS cũng chỉ ra rằng mặc dù hàng hóa sản xuất tại Tân Cương rõ ràng bị cấm nhập vào Mỹ nhưng "đầu tư vào các công ty được đăng ký hoặc đang có hoạt động sản xuất tại khu vực của người Duy Ngô Nhĩ thì không".
Điều đó có nghĩa rằng nhiều thể chế tài chính của Mỹ đang cung cấp các quỹ đầu tư theo chỉ số nhắm vào các thị trường mới nổi hoặc thậm chí cụ thể là thị trường Trung Quốc, đã đưa cổ phiếu của các công ty vàng hoạt động ở Tân Cương vào chỉ số của mình.
"Nhiều công ty khai khoáng của Trung Quốc có mỏ [ở Tân Cương] được giao dịch công khai" - báo cáo cho biết và thêm rằng các nhà đầu tư "có thể vô tình bỏ tiền của họ vào các công ty đồng lõa với việc đàn áp và bóc lột người Duy Ngô Nhĩ thông qua các sản phẩm đầu tư như quỹ đầu tư theo chỉ số".
Theo báo cáo, các tập đoàn Zijin Mining, Shandong Gold và công ty Zhaojin Mining "đã được đưa vào trong các quỹ đầu tư khác nhau của Vanguard, Fidelity, Blackstone, WisdomTree, USAA, JPMorgan Chase và nhiều công ty tài chính khác" cũng như trong các quỹ hưu trí cơ bản.
Kêu gọi tẩy chay
Ilshat Hassan Kokbore - Phó chủ tịch Ủy ban điều hành của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, nói với RFA rằng người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều thập kỷ đã bị buộc phải làm các công việc khai thác nguy hiểm cho Trung Quốc, bắt đầu bằng việc khai thác uranium mà theo ông, đã khiến nhiều người bị ung thư.
"Chính phủ Mỹ đã trừng phạt nhiều công ty Trung Quốc có liên quan tới với việc cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ nhưng không nhiều công ty khai khoáng nằm trong số bị trừng phạt" – ông Kokbore nói và thêm rằng nhiều người Duy Ngô Nhĩ giờ đang buộc phải khai thác lithium dùng trong pin phục vụ các ngành công nghệ cao cấp.
Bên cạnh việc kêu gọi sự can thiệp của cơ quan quản lý, ông đồng thời kêu gọi các thương hiệu/nhãn hàng tự nguyện gia tăng hoạt động thẩm định để tránh mua khoáng sản do người Duy Ngô Nhĩ khai thác, từ đó sẽ làm giảm khả năng sinh lời của việc sử dụng lao động nô lệ Duy Ngô Nhĩ.
"Nếu các tập đoàn Mỹ như Apple và Tesla cũng tẩy chay các sản phẩm làm bởi lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ thì sẽ tạo ra một tác động rất lớn đối với Trung Quốc, buộc họ phải dừng sự tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ".
Nguồn : RFA, 11/10/2023