Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/11/2023

Điểm báo Pháp - Bóng ma Lý Khắc Cường

RFI tiếng Việt

Bóng ma Lý Khắc Cường ám ảnh Tập Cận Bình

Tại Trung Quốc, Le Figaro ngày 02/11/2023 nhận thấy "Tang lễ của cựu thủ tướng Lý Khắc Cường bị kiểm soát chặt chẽ". Đối thủ bị Tập Cận Bình chèn ép có thể trở thành một khuôn mặt gây rắc rối cho chế độ, từ thế giới bên kia.

lykhaccuong1

Các nhân viên an ninh mặc áo xanh canh gác trước một rừng hoa được người dân mang đến tưởng niệm ở gần một tòa nhà, nơi cố thủ tướng Lý Khắc Cường trải qua thời thơ ấu ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, ngày 02/11/2023. AP - Ken Moritsugu

Tưởng niệm cố thủ tướng : Bị theo dõi, thậm chí bị bắt !

Thông tín viên tờ báo mô tả, những đoàn người nối dài trên đường phố Hợp Phì (Hefei) tay cầm hoa, trong không khí trang nghiêm. Đám đông vô danh đủ mọi lứa tuổi đến trước nhà Lý Khắc Cường ở thành phố Trừ Châu (Chuzhou) quê hương ông thuộc tỉnh An Huy (Anhui) để mặc niệm. Ảnh chân dung và hoa được đặt khắp nơi, cho thấy người dân yêu mến cựu thủ tướng đột ngột qua đời ở tuổi 68.

Nhưng nhất cử nhất động đều bị an ninh giám sát, bị chú ý từng dòng chữ ghi trên những bó hoa xem có nội dung chống đối hay không. Dòng sông Dương Tử chảy qua đây từng được nhà cải cách họ Lý nhắc đến trong câu nói nổi tiếng hồi tháng 3/2022, cho rằng sự mở cửa của Trung Quốc là "không thể đảo ngược, như dòng Dương Tử và Hoàng Hà", như một cách chỉ trích "kỷ nguyên mới" toàn trị và dân tộc chủ nghĩa của Tập Cận Bình.

Những hoạt động tưởng niệm diễn ra khắp Hoa lục từ khi nghe thông báo ông qua đời vì trụy tim trong khi đang bơi trong một khách sạn dành cho quan chức đảng ở Thượng Hải, tuy nhiên công an theo dõi chặt chẽ đám tang của "nhân vật số 2" ngày hôm nay ở Bắc Kinh. Lý Khắc Cường được hỏa táng ở nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn (Babaoshan), như cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) năm ngoái, tro được rải đi như để tránh mọi tưởng tiếc. Cờ được treo rủ theo nghi thức : đảng tôn vinh người đầy tớ ngoan ngoãn nhưng cấm nhân dân thương tiếc "quá trớn" trong lúc kinh tế đang xuống dốc.

Vô số lời kể trên mạng xã hội cho biết an ninh giải tán mọi cuộc tụ tập. Ở Thành Đô (Chengdu), những bó hoa đặt tại công viên Nhân Dân bị tịch thu, nhiều người bị công an bắt để thẩm vấn. Tại Tây An (Xi’an), công an canh gác trước một địa điểm tưởng niệm đột xuất. Ai đó viết lên tường ở Thẩm Dương (Shenyang) "Dương Tử và Hoàng Hà không chảy ngược. Thủ tướng Lý Khắc Cường sống mãi !". Báo chí nhà nước đăng cáo phó theo công thức đã định, vinh danh "người chiến sĩ cộng sản trung thành", nhưng chỉ có thế. Ngay cả lời phân ưu của tổng thống Joe Biden cũng không được nhắc đến, dù đang sưởi ấm lại quan hệ với Mỹ. Tập Cận Bình im lặng về cái chết của nhân vật số 2 Trung Quốc, người đã làm việc chung trong suốt một thập niên nhưng bị ông ta hất hủi, dành ưu ái cho người trung thành Lưu Hạc.

Cái chết của Lý Khắc Cường : Hồi kết của "Đoàn phái"

Lý Khắc Cường là đại diện cuối cùng của "Đoàn phái" đã tạo dựng sự cất cánh Trung Quốc, bị phe "Thái tử đảng" lấn lướt, đưa ý thức hệ lên hàng đầu. Nhà chính trị học độc lập Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) giải thích : "Ông Lý không còn sức nặng chính trị từ khi về hưu, nhưng cái chết của ông được cho là nhạy cảm vì dưới mắt người dân, Lý Khắc Cường là biểu tượng cho đổi mới, trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Lấy cớ vinh danh ông, có thể có những tiếng nói kêu gọi cải cách". 

Ông Lý từng nhắc nhở gánh nặng 600 triệu người Trung Quốc vẫn đang sống với "dưới 1.000 nhân dân tệ" một tháng, trong khi ông Tập khoe khoang đã xóa được nạn nghèo đói. Theo WikiLeaks, Lý Khắc Cường cũng từng tỏ ra nghi ngờ con số thống kê chính thức, trước các nhà ngoại giao Mỹ.

Không quên vụ đám tang nhà cải cách Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), công an căng thẳng theo dõi lễ hội Halloween tại Thượng Hải, nơi gần một năm trước diễn ra phong trào biểu tình bằng những tờ giấy A4 tố cáo "độc tài". Chế độ cũng kiểm duyệt tất cả những gì liên quan đến thuyết âm mưu, sau khi hai bộ trưởng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và Tần Cương (Qin Gang) bị rơi đài. Sau vụ cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) bị áp tải ra khỏi đại hội đảng, cái chết của Lý Khắc Cường là hồi kết cho "Đoàn phái", lực lượng cuối cùng có thể hạn chế được sự tự tung tự tác của một nhà lãnh đạo đơn độc nay hơn bao giờ hết.

Thương mại mang "đặc thù Trung Hoa" : Đảng là tối thượng

Bắc Kinh cổ vũ cho thương mại "theo đặc thù Trung Hoa". Tập Cận Bình lập ra chủ thuyết với đảng cộng sản đóng vai trò chủ chốt – theo nhận xét của Le Monde. Với ông Tập, phương Tây phải học tập Bắc Kinh chứ không phải ngược lại. Trong bài diễn văn trước các quan chức đảng mang tựa đề "Cần sử dụng đúng đắn bàn tay vô hình và hữu hình", ông nhấn mạnh những thành tựu trong những thập niên qua của Trung Quốc là nhờ sự chỉ đạo của Đảng. Bàn tay vô hình là thị trường - mà Tập Cận Bình không chối bỏ lợi ích, nhưng bàn tay hữu hình là Đảng cộng sản Trung Quốc. Một bàn tay sắt ! Không chỉ quốc doanh lại được coi là mũi nhọn, mà ở các công ty tư nhân, các chi bộ đảng đóng vai trò cũng quan trọng như hội đồng quản trị. Và thường thì tổng giám đốc cũng kiêm luôn bí thư chi bộ.

Cũng vì đặt Đảng lên trên hết, Trung Quốc đã đưa ra hai sáng kiến quan trọng gây lo ngại cho phương Tây. "Con đường tơ lụa mới" được khởi động tháng 9/2003, và đến 2015 là chương trình "Made in China 2025", xác định 10 công nghệ quan trọng mà Bắc Kinh muốn thống trị. An ninh quốc gia đứng trên tự do mậu dịch. Trung Quốc còn triển khai tầm nhìn quốc tế của mình : "Sáng kiến vì văn minh thế giới" đề nghị "xây dựng một cộng đồng quốc tế cùng chung vận mệnh". Đặc tính của cộng đồng này là mỗi nước tự ý đưa ra định nghĩa về dân chủ tự do cho riêng mình. Nhà Trung Quốc học Manoj Kewwalramani vào cuối tháng 10 nhận xét, nếu Tập Cận Bình đạt được mục đích, chúng ta sẽ phải sống trong "một thế giới mà Nhà nước đứng trên quyền của các công dân".

Pháp đối phó nạn bài Do Thái, Israel bất lợi về ngoại giao

Tình hình Trung Đông vẫn tiếp tục là trung tâm chú ý. Libération nói về người Palestine tại West Bank (Cisjordanie) phải chịu đựng sự thù ghét của người Israel từ sau vụ khủng bố, trong khi họ cảm thấy không được chính quyền Palestine bảo vệ. Le Figaro lo âu trước nạn bài Do Thái và cổ vũ khủng bố đang lan rộng tại Pháp. Le Monde ra từ ngày hôm trước quan tâm đến việc Washington cổ vũ một "tầm nhìn chính trị" cho Gaza, trong khi La Croix nói về "Khủng hoảng lòng tin ở Israel" : sau vụ thảm sát ngày 07/10, thủ tướng Benjamin Netanyahou ngày càng bị chỉ trích gay gắt. Trước mắt, theo Les Echos, dù về quân sự đã hoàn tất việc bao vây Dải Gaza, Israel phải đối mặt với một loạt động thái bất lợi về ngoại giao.

Việc oanh kích Gaza trong đó 2,3 triệu dân bị làm bia đỡ đạn cho phe khủng bố, đã khiến dư luận nhiều nước phê phán. Để trừ khử Ibrahim Biari, một trong những chỉ huy Hamas chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ở Israel ngày 07/10, Không quân Israel đã ném bom xuống một tòa nhà trong trại tị nạn Jabaliya do Hamas kiểm soát làm ít nhất 50 người chết - theo phe Hồi giáo. Jordan tuy đã bình thường hóa quan hệ từ gần 30 năm qua, đã triệu hồi đại sứ, Chile và Colombia cũng vậy, Bahrein ngưng quan hệ thương mại. Qatar, trung gian hòa giải để phóng thích 238 con tin cho biết vụ không kích này làm thương lượng thêm khó khăn.

Phía sau sự đoàn kết chống Israel của các nước Ả rập

Le Monde phân tích "Các chế độ Ả rập bị lúng túng trước cuộc chiến giữa Israel và Hamas". Trong cuộc chiến trước đây giữa Israel với Hamas năm 2014, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Saudi Arabia không ủng hộ Hamas như Qatar, sự bất đồng này khiến chiến tranh kéo dài khoảng 50 ngày. Chín năm sau, tình hình có thay đổi.

Các nhà lãnh đạo trong khu vực không ai lên án vụ Hamas thảm sát hôm 07/10, mà chỉ kêu gọi Israel ngưng bắn. Trước sự phẫn nộ của đường phố sau khi Hamas cáo buộc Israel về vụ nổ ở một bệnh viện Gaza, họ lo ngại cho mô hình độc tài của mình. Saudi Arabia không có cách nào khác là ngưng thương lượng. Ai Cập và Jordan, những nước đầu tiên ký kết hòa ước với Israel năm 1978 và 1994, cảnh báo Tel-Aviv về mọi toan tính đưa dân Gaza và West Bank sang lãnh thổ nước mình, tuy họ không ưa gì Hamas. Cựu đặc phái viên Mỹ về Cận Đông Dennis Ross thậm chí cho biết khi nói chuyện riêng, các quan chức Ả rập cho rằng cần phải tiêu diệt Hamas ở Gaza.

Tuy để cho xuống đường ồ ạt nhưng các chế độ đều lo thủ thế, không để người biểu tình quay ngược lại chống đối mình. Các nhà lãnh đạo Ả rập Sunni không muốn để cho Iran Shia và các tay sai là Hezbollah và Hamas trở thành ngọn cờ đầu đấu tranh cho người Palestine. Nhà nghiên cứu Hussein Ibish cho rằng các nước Ả rập tuy ủng hộ Palestine nhưng phải tìm kiếm thăng bằng giữa an ninh quốc gia và an ninh khu vực, không có lợi gì khi mất đi những cam kết đã đạt được với Israel. Sự thăng bằng này tùy thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Nhà văn chủ hòa Do Thái : Lần này tôi không ngần ngại đi chiến đấu

Nhà văn Yaniv Iczkovits, cựu quân nhân Israel từng từ chối phục vụ tại các lãnh thổ chiếm đóng năm 2002 và chấp nhận ngồi tù 28 ngày trong quân lao. Trong bài viết trên trang Ý kiến của Le Monde, ông giải thích vì sao ngày 07/10 khiến nay ông tình nguyện tham gia lực lượng tác chiến. Đó là vì vụ khủng bố này không hề liên quan đến các khu định cư Do Thái, hay cuộc xung đột lãnh thổ Israel-Palestine. Mà do một tổ chức khủng bố đang kiểm soát cuộc sống của hàng triệu người ở Dải Gaza đã gởi sang hàng ngàn sát thủ để giết hại thảm khốc, hãm hiếp, thiêu sống thường dân vô tội. Một số nạn nhân còn từng giúp tiền bạc và đưa trẻ em Gaza sang Israel chữa bệnh. Thế nên nếu để tổ chức khủng bố này tiếp tục hiện diện ở biên giới, những thảm kịch mới sẽ còn diễn ra.

Nghịch lý người Mỹ gốc Do Thái nhưng quay lưng với Israel 

Trong khi đó giáo sư Benjamin Olivennes trên Le Figaro nêu ra một nghịch lý : Nếu những người Do Thái ở Mỹ từ lâu vẫn bênh vực Israel trong những cuộc tranh cãi với phe cấp tiến và chống kỳ thị, nhưng ngày nay ủng hộ Israel lại được coi như không phù hợp với việc đấu tranh cho những cộng đồng thiểu số.

Trong những năm 2000, người Mỹ thân Israel còn người Pháp thương hại Palestine yếu thế. Năm 2023 tất cả đảo ngược : công luận Pháp đứng về phía các nạn nhân Do Thái của vụ khủng bố 07/10, và ngạc nhiên khi biết rằng tuy Biden và Washington luôn hỗ trợ mạnh mẽ Israel, nhưng giới sinh viên "ủng hộ kháng chiến Palestine" sử dụng hình dù lượn (Hamas dùng để tấn công hôm đó) trên áp-phích, và không ít người biểu tình là… gốc Do Thái !

Ở Pháp, những vụ khủng bố của Mohammed Merad, ở Charlie Hebdo, Bataclan, Nice… vẫn còn hằn sâu dấu vết. Còn giới trẻ Mỹ thì kỷ niệm về khủng bố đã quá xa, cũng như lịch sử Châu Âu. Người biểu tình chỉ nhớ trong đầu George Floyd, Black Live Matter, Donald Trump, #MeToo… cho rằng thế giới bị người da trắng thống trị. Ngày càng nhiều người tin là phải chọn lựa : gắn bó với Israel và trở nên bảo thủ, hoặc đấu tranh chống kỳ thị và tách rời Israel. Một trong những câu nói nổi tiếng của người Do Thái : "Nếu tôi không vì tôi thì vì ai ? Và nếu tôi chỉ vì tôi, thì tôi là gì ?". Israel đã chọn lựa nửa đầu, và người Do Thái Mỹ đang chọn phần sau.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 276 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)