Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/11/2023

Bắc Kinh mất kiên nhẫn trước những kết hợp quân sự trên Biển Đông

RFI tổng hợp

Nhật Bản, Philippines và Mỹ tăng cường hợp tác để "bảo vệ Biển Đông"

Trọng Thành, RFI, 05/11/2023

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, hôm qua 04/11/2023, trong bài phát biểu trước Quốc hội Philippines tại Manila, khẳng định ba nước Nhật, Mỹ, Philippies "đang tăng cường hợp tác" để bảo vệ "quyền tự do" ở Biển Đông.

biendong1

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trước Quốc hội Philippines, ngày 04/11/2023. AP - Aaron Favila

Thủ tướng Kishida là lãnh đạo chính phủ Nhật đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Philippines. Thủ tướng Nhật nhấn mạnh Tokyo "sẽ tiếp tục đóng góp vào việc nâng cao năng lực an ninh của Philippines, từ đó góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực". Theo lãnh đạo chính phủ Nhật, "tự do hàng hải, được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế" sẽ được bảo vệ nhờ các nỗ lực này.

Phát biểu của thủ tướng Nhật được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc có cuộc đối thoại đầu tiên liên quan đến các bất đồng trên biển, trong đó Biển Đông là một trọng tâm. Trong cuộc họp tại Bắc Kinh, phía Mỹ đã lên án các hành động "nguy hiểm và phi pháp" của Trung Quốc tại vùng biển này. Cũng trong ngày 03/11, ngày đầu tiên của chuyến công du của thủ tướng Nhật, Tokyo và Manila đã thông báo chính thức khởi sự đàm phán về một hiệp ước an ninh Nhật – Philippines, tương tự như giữa Philippines với Hoa Kỳ.

Tokyo hoàn toàn không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng các hành động lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực gây lo ngại. Nhật Bản đã tham dự các cuộc tập trận Mỹ-Philippines hồi tháng 3 với tư cách quan sát viên. Đến tháng 06/2023, lực lượng tuần duyên Philippines và Nhật Bản đã lần đầu tiên diễn tập chung. Thủ tướng Kishida hồi tháng 12/2022 công bố kế hoạch xây dựng quân đội Nhật Bản lớn mạnh hơn nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trọng Thành

**************************

Ottawa tố cáo chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục gây nguy hiểm cho trực thăng Canada trên Biển Đông

Trọng Nghĩa, RFI, 05/11/2023

Nhiều sự cố đã liên tiếp xảy ra giữa phi cơ Trung Quốc và Canada trên Biển Đông. Vào hôm qua, 04/11/2023, Bắc Kinh đã lên tiếng cáo buộc Quân Đội Canada về việc tiến hành các phi vụ trực thăng "nguy hại và khiêu khích" ở Biển Đông. Trước đó, chính quyền Ottawa đã tố cáo chiến đấu cơ Trung Quốc về những vụ liên tiếp ngăn chặn trực thăng Canada một cách nguy hiểm trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông.

biendong2

Một chiếc trực thăng Cyclone của Không quân Hoàng gia Canada, năm 2017. © Wikimedia Commons CC BY SA 2.0 Dennis Jarvis

Vụ gần đây nhất xẩy ra ngày 29/10/2023 khi chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã ba lần áp sát máy bay trực thăng quân sự của Canada trên hải phận quốc tế tại Biển Đông. Trước đó, chiến đấu cơ Trung Quốc cũng áp sát để uy hiếp một trực thăng khác của Hải Quân Canada đang bay cách Quần Đảo Hoàng Sa 23 dặm về phía Bắc.

Thông tín viên RFI Pascale Guéricolas tại Canada giải thích them :

"Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy ba tuần mà chiến đấu cơ Trung Quốc đã áp sát các trực thăng Canada đang hoạt động trên Biển Đông. Hôm 29/10 vừa qua, một chiếc máy bay Trung Quốc đã bay sát trên đầu một trực thăng Canada, tạo ra tình trạng nhiễu động không khí nguy hiểm. Cùng ngày hôm đó, một chiến đấu cơ Trung Quốc khác đã bắn pháo sáng ngay phía trước một trực thăng Canada, bất chấp nguy cơ pháo sáng lọt vào cửa hút gió của máy bay Canada.

Bộ trưởng quốc phòng Canada đã tố cáo những thao tác bị đánh giá là rất nguy hiểm cho các phi cơ đang thực hiện các cuộc tập huấn bình thường.

Các sự cố kể trên là dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Ottawa, đặc biệt kể từ khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, nhân vật số 2 của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi cách nay 5 năm. Gần đây hơn, Ottawa đã lên án sự can thiệp của Bắc Kinh vào các cuộc bầu cử ở Canada cũng như chiến dịch tố cáo một số quan chức dân cử Canada trên các tài khoản mạng xã hội của họ.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ trích Canada về việc điều chỉnh chính sách Trung Quốc theo hướng đi theo Hoa Kỳ".

Trọng Nghĩa

**************************

Đối thoại an ninh : Mỹ lên án hành động "phi pháp" của Trung Quốc ở Biển Đông

Trọng Thành, RFI, 04/11/2023

Hoa Kỳ và Trung Quốc có cuộc đối thoại đầu tiên liên quan đến các bất đồng trên biển, trong đó Biển Đông là một trọng tâm. Trong cuộc họp tại Bắc Kinh hôm qua, 03/11/2023, phía Mỹ đã lên án các hành động "phi pháp" của Trung Quốc tại Biển Đông.

biendong3

Tàu hải cảnh Trung Quốc tiến gần đến các tàu đánh cá Philippines ở ngoài khơi Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 23/09/2015. AP - Renato Etac

Tham gia cuộc đối thoại có ông Mark B. Lambert, người phụ trách chính sách Trung Quốc của bộ ngoại giao Mỹ, và vụ trưởng vụ Biên giới và Hải dương, bộ ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lượng (Hong Liang). Sau cuộc họp, bộ ngoại giao Mỹ ra một thông báo nhấn mạnh đến "các quan ngại" của Hoa Kỳ về "các hành động nguy hiểm và phi pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông, bao gồm việc tàu Trung Quốc ngăn chặn Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú tại Bãi Cỏ Mây (Seconde Thomas Shoal) hôm 22/10, và việc máy bay Trung Quốc tiếp cận ở khoảng cách không an toàn với phi cơ Mỹ hôm 24/10".

Thông báo của bộ ngoại giao Mỹ cho biết : "Những cuộc tham vấn này là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các kênh liên lạc cởi mở và quản lý một cách có trách nhiệm quan hệ Mỹ-Trung", "Hoa Kỳ nhắc lại việc cần thiết nối lại các kênh liên lạc về quân sự, bao gồm cả giữa các cấp điều hành, để tránh thông tin bị sai lệch và tính toán sai lầm". Việc chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc áp sát oanh tạc cơ B-52 của Không Quân Mỹ ở cự ly chỉ vài mét hôm 24/10 tại Biển Đông cho thấy nguy cơ căng thẳng Mỹ - Trung vượt tầm kiểm soát, bùng nổ thành xung đột, là nhãn tiền, theo ghi nhận của cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ, phụ trách Trung Quốc và Đài Loan, Rick Waters, giám đốc điều hành của Eurasia Group (trả lời South China Morning Post - SCMP hôm 02/11).

Theo SCMP, bộ ngoại giao Trung Quốc hôm nay, 04/11, cũng ra một thông báo về cuộc tham vấn song phương đầu tiên về các vấn đề hàng hải, bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng" về việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và thường xuyên tiến hành các hoạt động trinh sát nhắm vào Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Washington ngừng xúi giục "các nước liên quan" tại Biển Đông "có các động thái gây hấn".

Hai phía Mỹ, Trung đều nhận định cuộc trao đổi hôm qua diễn ra "thẳng thắn" và "mang tính xây dựng". Theo SCMP, đây là một diễn đạt ngoại giao ngụ ý "các đàm phán đạt được ít tiến bộ". Tuy nhiên, "nhiều nhà quan sát ghi nhận chỉ riêng việc Mỹ - Trung nối lại đàm phán cũng là điều quan trọng, trong bối cảnh quan hệ thế đối đầu song phương gia tăng từ nhiều năm nay".

Cuộc họp nói trên của giới chức ngoại giao hai nước diễn ra tiếp theo một số cuộc hội kiến cấp cao, trong đó có cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Washington hồi tháng trước.

Trọng Thành

****************************

Nhật Bản và Philippines đàm phán về một hiệp ước an ninh song phương

Trọng Thành, RFI, 03/11/2023

Hôm qua, 03/11/2023, ngày đầu tiên trong chuyến công du của thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Manila, lãnh đạo hai nước đã thông báo chính thức khởi sự đàm phán về một hiệp ước an ninh song phương. Hiệp ước an ninh, tương tự như giữa Philippines và Hoa Kỳ, cho phép quân đội nước này triển khai lực lượng trên lãnh thổ nước kia.

biendong4

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (P) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (T), tại dinh tổng thống ở Manila, Philippines, ngày 03/11/2023. AP - Aaron Favila

Mối đe dọa từ Trung Quốc là lý do chủ yếu thúc đẩy Tokyo và Manila nâng cấp quan hệ hợp tác. Thông tín viên RFI Frédéric Charles từ Tokyo cho biết thêm :

"Hồi tháng Hai vừa qua tại Tokyo, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đưa ra sáng kiến về một thỏa ước an ninh ba bên, Philippines, Nhật Bản và Hoa Kỳ, tương tự với thỏa ước đã có giữa ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Đối mặt với áp lực của Trung Quốc tại khu vực, Manila đã cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng thêm bốn căn cứ tại Philippines, bên cạnh năm căn cứ đã có. Giờ đây Philippines muốn thương lượng một hiệp ước về an ninh với Nhật Bản. Tokyo đã quyết định cung cấp cho Manila một hệ thống radar giám sát bờ biển, nhiều tàu tuần tiễu để tăng cường hoạt động bảo vệ luật biển.

Do vị trí địa lý, Nhật Bản và Philippines sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Tại Châu Á, chiến lược của Mỹ được thực thi với việc triển khai các lực lượng trên các quần đảo đối diện với Trung Quốc, trải dài từ Nhật Bản, Đài Loan đến Philippines". 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Trọng Thành
Read 324 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)